Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Han Times - Mấy suy nghĩ về quyền con người

Han Times - Mấy suy nghĩ về quyền con người 



Han Times

Con người chỉ hơn các sinh vật còn lại ở quyền tự do tư tưởng, bình quyền chính trị (bao gồm cả biểu tình), quyền tự do ngôn luận.
Đôi khi ta cũng đọc Hiến Pháp nước nhà để biết rằng những quyền của ta được ghi nhận, nhưng rồi Hiến pháp bảo rằng phải thực hiện các quyền ấy theo quy định của Pháp luật. Mà pháp luật nước nhà thì lại chưa quy định.
Do thế ta tự hỏi: ta có phải là con người hay không nữa?
Sự thờ ơ của "con người"
Pháp luật không được phép quy định về quyền con người; pháp luật có trách nhiệm bảo vệ các quyền chân chính đó. Nhưng mấy chục năm ưu việt tiến bộ, rốt lại công dân thấy sợ hãi, thờ ơ, xa lạ trước quyền của chính họ.
Thứ quyền nói lên rằng người dân một quốc gia khác với súc vật trong một trại chăn nuôi.
Quyền con người trở thành một thứ chỉ mang tính chất trang trí, một ví dụ minh họa cho Hiến Pháp. Với người dân hình ảnh bóng bay nhân quyền, oái oăm thay thật phù hợp. Bóng bay đẹp, nhưng rồi sẽ xì hơi hoặc bay lên trời, không hề có giá trị thực tiễn.
Sẽ còn tệ hại hơn nếu người ta lợi dụng “quyền con người”, hay “dân chủ” để mưu cầu lợi ích riêng, sự nổi tiếng, hoặc để chứng tỏ sự độc tài dân chủ của mình.
Trong khi đó miếng cơm, manh áo, quyền được sống (an toàn sinh mệnh) sẽ kéo người dân lại gần hơn với tư duy dân chủ với quyền con người. Kinh nghiệm của Đảng Cộng Sản trong việc cướp chính quyền cũng sẽ đưa lại nhiều gợi mở tích cực.
Cái gì gần gũi thiết thân thì người ta mới bảo vệ, mới tranh đấu vì chính nó.
Tìm lại quyền con người để chính ta sở hữu quyền con người là một hành trình dài. Đối kháng bắt đầu từ khát khao làm một con người chân chính và bắt đầu từ ước vọng xây nền dân chủ chân chính chỉ khi đó “dân chủ” mới ưu việt hơn hiện thời.
Quyền gì?
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nghĩa là một quốc gia chẳng cần đến dân chủ (vì ưu việt gấp vạn lần dân chủ tư sản). Nhưng XHCN là một khái niệm vời vợi đến nỗi ngài Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam còn băn khoăn: Chẳng biết đến cuối thế kỷ này nước ta có xây dựng xong CNXH hoàn thiện hay không nữa?
Chúng ta có quyền gì trong một nhà nước như vậy? Phải chăng là quyền im lặng, cặm cụi làm ăn, lo toan cho chính bản thân mình, gia đình mình bởi việc lớn đã có Đảng và Nhà nước lo?
Chúng ta có quyền gì trong một nhà nước như vậy? Phải chăng là quyền đọc sơ yếu lý lịch trích ngang của một vài vị đại biểu bỗng đâu rớt xuống và thế là ta bình bàu (Đảng cử dân bầu). Và khi quốc hội họp, đâu đó có vị phát biểu những điều ngớ ngẩn (thậm chí là mưu toan hạn chế các quyền của công dân). Thôi thì ít ra là vị này cũng phát biểu!
Chúng ta có quyền gì trong một nhà nước như vậy? Phải chăng là quyền đóng thuế để xây dựng đường xá và giờ phải nộp thêm một khoản tiền để ta có thể đi trên con đường đó?
Chúng ta có quyền gì trong một nhà nước như vậy? Phải chăng là quyền đóng đủ các loại thuế, nộp phạt đủ các thể loại trong khi những doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước nợ tới 1,35 triệu tỷ đồng. Đảng thì băn khoăn, trăn trở, lo lắng, bức xúc, Nhà nước thì ưu việt còn Chính phủ thì đầy trách nhiệm, nhưng … chẳng ai phải chịu trách nhiệm chính cả. Nếu cần tiền để bù vào các khoản nợ, bù cho ngân sách thì đã có thuế.
Những con số 0 dài vô tận là nhân dân anh hùng.
Chúng ta có quyền gì trong một nhà nước như vậy? Phải chăng là quyền bị nộp phạt (cả trăm triệu đồng) hay thậm chí quyền vô tù nếu ta cất tiếng nói phản kháng, đòi những quyền mà ta đáng được hưởng.
Viễn kiến
Đảng Cộng Sản vẫn mạnh, nhưng những con người cất tiếng đòi quyền con người chân chính sẽ ngày càng mạnh hơn. Sự rụt rè, thiếu tự tin của chính Đảng cầm quyền cho họ thêm niềm tin vào một ngày những quyền công dân cơ bản và linh thiêng được thực thi trên đất Việt Nam.
Quốc nạn tham nhũng, “sự suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên” cho họ sức mạnh và niềm tin để đòi hỏi các quyền con người chân chính.
Việc có quá nhiều Đảng viên ra khỏi Đảng (hay bỏ sinh hoạt Đảng) một cách công khai hay âm thầm cho họ thấy Đảng không còn là thế lực tuyệt đối nắm giữ cả sinh mệnh (bao gồm cả chính trị và kinh tế) của mỗi cá nhân.
Cái gọi là "đối kháng chính trị", đang dần có xu thế chuyển từ cực đoan qua đòi hỏi thực thi nghiêm túc những quyền cơ bản của con người. Sự quá khích, yếu tố bạo lực hay thóa mạ sẽ dần phải nhường chỗ (thoái lui) để tạo một môi trường đấu tranh chính trị văn minh hơn.
Bất chấp những án tù và giờ là việc bị đánh thuế, số người đối kháng ngày càng nhiều. Khả năng đối kháng rồi sẽ ngày càng mạnh mẽ bởi những ung nhọt trong nhà nước CHXHCN Việt Nam chưa được tiêu trừ (và không thể tiêu trừ nổi). Còn Hiến Pháp thì nhân danh sự thờ ơ, ngu dốt của đám đông mà chối bỏ đi cơ hội để đổi mới đất nước và trẻ hóa Đảng cầm quyền.
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Tư, 11/12/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131211/han-times-may-suy-nghi-ve-quyen-con-nguoi
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001