Nguyễn Kiến Giang - Bàn về sự lãnh đạo của Đảng
Nguyễn Kiến Giang
Tin buồn: Học giả NGUYỄN KIẾN GIANG qua đời 9h sáng hôm nay (2/12/2013).Bài này vốn không phải là bài viết sẵn. Sau lời phát biểu miệng tại hội thảo của Câu lạc bộ Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam ngày 20.2.1990, tôi được ông Hoàng Nguyên, chủ nhiệm CLB, đề nghị ghi lại tóm tắt để làm hồ sơ của CLB. Không ngờ bản ghi này lại được tạp chí Khoa học và Tổ quốc đăng trong số tháng Tư với bút danh Lương Dân. Một chuyện rắc rối đã xẩy ra. Anh Phạm Quế Dương, phụ trách biên tập của tạp chí, đã bị gọi tới cơ quan an ninh “làm việc”. Tôi đến tạp chí gặp anh và nói với anh: “Tôi là ngưòi viết bài này, nếu có chuyên rắc rối, xin ‘chia lửa’ với tạp chí”. Ý định khởi tố anh Phạm Quế Dương không thành, có lẽ người ta cân nhắc lại, thấy lợi bất cập hại. Nhưng tờ tạp chí mới ra đời này đã bị đình bản mười tháng trời…
Ông Nguyễn Kiến Giang - một nhân vật trong Vụ án Xét lại chống Đảng thập niên 1960 đã qua đời, hưởng thọ 83 tuổi.
Nguyễn Kiến Giang sinh ngày 22-1-1931 tại Quảng Bình, Tham gia hoạt động Việt Minh ngay khi mới 14 tuổi.
1945-1955: công tác tại tỉnh Quảng Bình
1956-1961: công tác tại nhà xuất bản Sự Thật và đã lên tới chức Phó giám đốc
1962-1964: theo học trường Ðảng Cao cấp thuộc Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô
1964-1967: bị đưa đi « công tác thực tế » tại Quảng Bình và Thái Bình
1967-1973: bị giam giữ trong vụ “xét lại chống đảng” (không xét xử) cùng với Hoàng Minh Chính
1973-1976: bị quản chế tại huyện Thanh Ba, tỉnh Vĩnh Phú Từ tháng 9-1976, sống tại Hà Nội, làm nghề dịch và viết sách báo
Sách đã viết: Phác qua tình hình ruộng đất và đời sống nông dân trước Cách mạng tháng Tám (1959), Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám (1961), Việt Nam khủng hoảng và lối ra, Tuyển tập Nguyễn Kiến Giang (nxb Trăm Hoa, 1993)
Cùng viết với Nguyễn Khắc Viện: Liên Xô 70 năm trên đường khai phá (1987), Cách mạng 1789 và chúng ta (1989).
Ngoài ra ông còn ký tên dưới một số bút hiệu khác như Lương Dân, Lê Diên, Lê Minh Tuệ...
Trong các cuộc thảo luận về đề cương Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng, một trong những vấn đề nổi lên hàng đầu là về vị trí của Đảng trong xã hội. Theo tôi, đó là vấn đề gốc, không giải quyết đúng vấn đề này thì không thể nói tới bất cứ một sự cải thiện đáng kể nào trong quan hệ của Đảng và nhân dân, cũng như không thể nói một cách nghiêm túc tới vấn đề chỉnh đốn bản thân Đảng.
Lâu nay, trong nhận thức và trong thực tiễn mọi mặt đời sống xã hội, sự độc quyền lãnh đạo của Đảng được coi như một nguyên tắc căn bản, bất di bất dịch. Và ngay cả hiện nay, hầu như cũng không thấy ai đặt vấn đề thay thế vai trò lãnh đạo của Đảng bằng một đảng hay một tổ chức chính trị nào khác. Có lẽ không cần phải phân tích dài dòng về cái thực tế tích tụ từ dòng chảy đấu tranh giải phóng diễn ra trên đất nước ta từ hơn 60 năm nay ấy. Nó thường được nói lên bằng mấy tiếng đã trở thành thuộc lòng: sự độc quyền lãnh đạo của Đảng.
Nhưng chính cách nói ấy bao hàm một sự nhận lầm lớn, nguy hại cho chính sự lãnh đạo của Đảng. Nói vắn tắt, sự nhận lầm ấy là ở chỗ biến sự độc quyền lãnh đạo của Đảng từ một sự lựa chọn lịch sử khách quan của nhân dân thành một sự áp đặt ý chí chủ quan của Đảng.
Xin nói rõ hơn. Vào cuối những năm 20 – đầu những năm 30, trong các giai cấp xã hội ở nước ta, giai cấp vô sản tỏ ra có khả năng hơn cả về lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội. Và người tiêu biểu cho giai cấp vô sản là Đảng cộng sản. Các chính Đảng tư sản dân tộc và tiểu tư sản lần lượt hoặc thỏa hiệp với kẻ thù, hoặc thất bại không gượng dậy nổi. Trong khi đó, Đảng cộng sản, bằng những chủ trương cách mạng triệt để, bằng những sách lược thích hợp và bằng cả tấm gương anh dũng hy sinh của mình, đã dần dần tập hợp được quần chúng nhân dân ngày càng đông đo dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội. Sự thật lịch sử ấy không thể nào bác bỏ được. Việc nhân dân hưởng ứng và nghe theo sự lãnh đạo của Đảng trong hơn một nửa thế kỷ qua là sự lựa chọn của nhân dân. Sự độc quyền lãnh đạo của Đảng trong cách mạng đã hình thành một cách khách quan như thế.
Nhưng từ khi Đảng nắm được chính quyền một cách toàn vẹn, lúc đầu ở miền Bắc và sau đó trên cả nước, thì cách hiểu về độc quyền lãnh đạo của Đảng đã biến đổi về tính chất. Từ chỗ là một sự lựa chọn lịch sử khách quan, sự độc quyền lãnh đạo của Đảng dần dần được hiểu và được thực hiện thành sự thống trị tuyệt đối của Đảng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, có khi cả đời sống cá nhân, thành “Đảng trị” (partocratie), Đảng biến thành “Đảng – Nhà nước”, thành một thứ “siêu nhà nước”, có toàn quyền quyết định tất cả, từ những chủ trương lớn đến những biện pháp thực hiện nhỏ, và mọi người dân chỉ được phép nghĩ theo, nói theo và làm theo những quyết định của Đảng, có khi chỉ là của một cấp lãnh đạo, thậm chí của một cá nhân lãnh đạo nào đó. Mọi ý kiến khác với ý kiến những người lãnh đạo của Đảng bị coi là chống Đảng, mà chống Đảng cũng có nghĩa là chống Nhà nước, chống chế độ, chống cách mạng. Cho đến khi Đảng nhận ra được những sai lầm của mình (triệt để hay không triệt để) thì xã hội đã gánh chịu những hậu quả cay đắng, chưa nói tới một số người phải chịu đựng sự trừng phạt trái pháp luật mà đến nay vẫn chưa giũ bỏ dược hết số phận oan trái của mình.
Khi đường lối, chủ trương của Đảng về cơ bản là đúng, khi đội ngũ đảng viên – tức là những người nhân danh Đảng để lãnh đạo các công dân khác một cách “toàn diện, triệt để” – về cơ bản còn lành mạnh, thì sự độc quyền lãnh đạo của Đảng đã có thể đem lại những hậu quả tiêu cực rồi (và trong thực tế, đã có những trường hợp như vậy). Huống hồ khi đường lối, chủ trương của Đảng không đúng, khi nó lại được những đảng viên thoái hóa, biến chất thực hiện, thì hậu quả thật không lường được. Mà hậu quả nặng nề nhất, tai hại nhất lại là hậu quả mất dần lòng dân mà Đảng phải gánh chịu.
Ở đây, có một mối liên hệ biện chứng được thể hiện rất rõ trong mấy chục năm qua. Khi nào chính bản thân người dân tự mình thừa nhận sự độc quyền lãnh đạo của Đảng, thì khi đó, dù Đảng không tự xưng tên (chẳng hạn trong thời kỳ Việt Minh 1941-1945, hay trong thời kỳ chống Mỹ dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở miền Nam), người dân vẫn đi theo sự lãnh đạo của Đảng. Trong những trường hợp đó, Đảng có nấp dưới danh nghĩa gì đi nữa, người dân vẫn nhận ra Đảng là lãnh tụ chân chính của mình.
Trái lại, khi Đảng áp đặt ý chí chủ quan của mình lên xã hội, biến độc quyền lãnh đạo thành sự thống trị tuyệt đối của Đảng, thì khi đó người dân dần dần xa cách, không còn tin vào Đảng như trước nữa, và sự độc quyền lãnh đạo của Đảng cũng mất di từ trong lòng dân, một cách khách quan.
Sự thống trị tuyệt đối của Đảng thể hiện ở chỗ nào? Trước hết, ở những đặc quyền và ở sự độc chiếm của Đảng và các đảng viên. Tất cả các cơ quan dân cử, các cơ quan lãnh đạo và quản lý xã hội đều được cấu thành từ đảng viên (tất cả hoặc gần hết). Phải là đảng viên thì mới có thể giữ những chức vụ lãnh đạo và quản lý từ trên xuống dưới. Do đó, muốn hưởng những đặc quyền vật chất (lương bổng cao, phương tiện sinh hoạt tốt, v.v…), phải là đảng viên. Không phải tất cả những kẻ đặc quyền đặc lợi về vật chất hiện nay đều là đảng viên, nhưng phải nhận rằng tình trạng đặc quyền đặc lợi của đảng viên có chức quyền đang nêu gương xấu và tạo cớ cho những kẻ đặc quyền đặc lợi khác noi theo. Đặc quyền đặc lợi về vật chất, như đã thấy quá rõ, đang trở thành một thứ ung nhọt phá hủy cơ thể xã hội.
Nhưng còn một thứ đặc quyền khác còn nguy hiểm hơn nhiều: đặc quyền tinh thần, độc quyền chân lý. Có thể tính tác hại của đặc quyền vật chất thành những số tiền của mất đi, nhưng không thể nào tính được tác hại của đặc quyền tinh thần của độc quyền chân lý bằng những thước đo sờ thấy. Mà tác hại của thứ đặc quyền này đối với xã hội thì thật ghê gớm. Một chủ trương phiêu lưu về đối nội và đối ngoại có thể bắt xã hội trả giá nặng nề, làm chậm sự phát triển xã hội hàng thập kỷ. Một chủ trương sai, một quan diểm sai dẫn tới chỗ đánh thẳng vào những di sản tốt đẹp của quá khứ, làm cho đời sống hiện tại xuống cấp và phá hoại cả niềm tin của con người vào tương lai, nhiều thế hệ liền phải gánh chịu hậu quả không dễ gì xóa bỏ được.
Và bây giờ, nếu những đặc quyền vật chất ít ra đã bị dần dần hạn chế về mặt công khai, thì đặc quyền tinh thần, độc quyền chân lý vẫn tồn tại dai dẳng, nhân danh lợi ích của đất nước, của chủ nghĩa xã hội, của nhân dân.
Vì vậy, để bảo đảm cho nhân dân thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng (sự độc quyền lãnh đạo của Đảng xét về mặt khách quan), thì không có gì hay hơn bằng việc thủ tiêu càng sớm càng tốt, càng triệt để càng tốt những đặc quyền của Đảng đối với xã hội. Và một lần nữa, không chỉ thủ tiêu những đặc quyền vật chất, mà quan trọng hơn cả, là thủ tiêu đặc quyền tinh thần, độc quyền chân lý.
(Tất nhiên, xã hội vẫn có thể có và cần có những ưu đãi vật chất nào đó đối với những loại lao động đặc biệt có hiệu quả xã hội cao, đối với những bộ phận dân cư chưa đến tuổi lao động hoặc đã mất sức lao động…, nhưng đó không phải là đặc quyền và càng không phải là đặc quyền dành riêng cho đảng viên của Đảng cầm quyền. Cũng tất nhiên, khi những chủ trương của Đảng cầm quyền được các cơ quan đại biểu nhân dân bầu ra một cách thật sự dân chủ chấp nhận và biến thành luật pháp, thì mọi công dân đều phải tuân theo).
Sự lãnh đạo của Đảng chỉ được thừa nhận một cách tự nguyện và đầy đủ khi Đảng thật sự là lãnh tụ trí tuệ (tập hợp được trí tuệ của toàn xã hội), là lãnh tụ chính trị (đưa ra được những đường lối chính sách đúng đắn) và là lãnh tụ đạo đức (nêu gương đời sống lành mạnh) của xã hội. Và làm được như vậy, chắc chắn không có một lực lượng chính trị nào có thể giành mất vai trò lãnh đạo của Đảng.
Từ những phân tích trên đây, xin có mấy kiến nghị cụ thể:
- Xóa bỏ điều 4 trong hiến pháp qui định về mặt pháp lý vai trò lãnh đạo của Đảng trong xã hội, để cho các tổ chức Đảng và đảng viên không thể dựa vào ưu thế pháp lý của mình trong sự lãnh đạo, và sự lãnh đạo của Đảng chỉ dựa vào phương pháp thuyết phục. Tất cả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng không mang tính chất bắt buộc đối với các công dân về mặt pháp lý (trừ những trường hợp đã biến thành luật);
- Đảng không độc chiếm các cơ quan dân cử, các cơ quan lãnh đạo và quản lý xã hội; chỉ dành một tỉ lệ không quá 50% thành phần các cơ quan này cho đảng viên, như vậy sẽ tập hợp được những người ngoài Đảng ưu tú vào công việc quản lý đất nước;
- Ban lãnh đạo các cấp, kể cả trung ương, tiến hành những cuộc đối thoại bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau với những người tiêu biểu cho các xu hướng khác nhau trong xã hội, cả với những người có ý kiến ngược với ý kiến của Đảng, không định kiến, không trù dập;
- Tiến hành những cuộc tranh luận công khai trên báo chí về các vấn đề quốc kế dân sinh, không hạn chế tự do tư tưởng, chỉ với điều kiện không trái với hiến pháp và luật pháp được xây dựng thật sự dân chủ;
- Các cơ quan thuộc bộ máy Đảng không được trực tiếp chỉ huy điều hành của những cơ quan, những tổ chức không thuộc hệ thống tổ chức của Đảng (cụ thể: ban tuyên huấn không trực tiếp chỉ huy báo chí, ban tổ chức không được trực tiếp quyết định công việc nhân sự…).
- Cuối cùng, giải quyết tất cả những vụ án oan về tư tưởng và chính trị trước đây, sòng phẳng với những sai lầm của Đảng trong quá khứ; thật sự khôi phục đầy đủ các quyền công dân cho người bị oan ức; thực hiện hòa hợp dân tộc một cách chân thành.
—
* Xem: - Nguyễn Kiến Giang (Wikipedia). - Học giả Nguyễn Kiến Giang (Đàn chim Việt).
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Hai, 02/12/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131202/nguyen-kien-giang-ban-ve-su-lanh-dao-cua-dang
======================================================================
TIN BUỒN: HỌC GIẢ NGUYỄN KIẾN GIANG TỪ TRẦN
. .
TIN BUỒN
Được tin Thân phụ của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện KHXH VN):
Nhà báo, học giả, nhà hoạt động
NGUYỄN KIẾN GIANG
sinh ngày 22 tháng 1 năm 1931 tại Quảng Bình
đã từ trần hồi 09h00 ngày 2 tháng 12 năm 2013
(tức ngày 30 tháng 10 năm Quý Tỵ), hưởng thọ 83 tuổi.
***
Chúng tôi thành kính cầu nguyện anh
linh Cụ Nguyễn Kiến Giang thanh thản về cõi vĩnh hằng. Và xin chia buồn
sâu sắc cùng Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn và tang quyến.
|
Tiểu sử cụ Nguyễn Kiến Giang:
Sinh ngày 22-1-1931 tại Quảng Bình. Tham gia hoạt động Việt Minh ngay khi mới 14 tuổi.
1945-1955: công tác tại tỉnh Quảng Bình
1956-1961: công tác tại Nhà xuất bản Sự Thật và đã giữi chức Phó giám đốc
1962-1964: theo học trường Ðảng Cao cấp thuộc Trung
ương đảng Cộng sản Liên Xô
1964-1967: bị đưa đi «công tác thực tế» tại Quảng
Bình và Thái Bình
1967-1973: bị giam giữ trong vụ “xét lại chống
đảng”(không xét xử) cùng với Hoàng Minh Chính
1973-1976: bị quản chế tại huyện Thanh Ba, tỉnh Vĩnh
Phú
Từ tháng 9-1976, sống tại Hà Nội, làm nghề dịch và
viết sách báo
Sách đã viết
- Phác qua tình hình ruộng đất và đời sống nông dân trước
Cách mạng tháng Tám (1959)
- Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám
(1961)
- Việt Nam khủng hoảng và lối ra
- Tuyển tập Nguyễn Kiến Giang (Nxb. Trăm Hoa, 1993)
Cùng viết với Nguyễn Khắc Viện:
- Liên Xô 70 năm trên đường khai phá (1987)
- Cách mạng 1789 và chúng ta (1989)
Ngoài ra ông còn ký tên dưới một số bút hiệu khác như Lương Dân, Lê Diên,Lê Minh Tuệ...
Xem thêm mục từ Nguyễn
Kiến Giang trên Wikipedia.
“Trong lĩnh vực tư tưởng nên có sự bao dung,
đừng dùng những biện pháp đàn áp về luật pháp, chừng nào chưa có
những biểu hiện phạm pháp, mới chỉ phát biểu ý kiến, phê phán ý
kiến ông này ông kia, thì chuyện đó không có gì phải đàn áp cả."
Nguyễn Kiến Giang
nguồn:http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/12/tin-buon-hoc-gia-nguyen-kien-giang-tu.html
======================================================================
Ông Nguyễn Kiến Giang từ trần
Hoàng Trúc (Danlambao) -
Ông Nguyễn Kiến Giang - một nhà hoạt động chính trị từng bị chế độ cộng
sản bỏ tù 6 năm trong vụ án 'xét lại chống đảng' vừa tạ thế lúc 9h sáng
nay, 2/12/2013, tại nhà riêng ở Hà Nội sau một thời gian dài lâm trọng
bệnh, hưởng thọ 83 tuổi.
Ông Nguyễn Kiến Giang từ trần
Là tác giả của loạt bài “Suy tư 90”, học giả Nguyễn Kiến Giang còn được
xem là đại diện của những gương mặt trí thức dấn thân hiếm hoi dưới chế
độ độc tài toàn trị. Tại thời điểm phong trào đối kháng trong nước còn
gần như không có gì, những trí thức can đảm như ông Nguyễn Kiến Giang là
nguyên nhân khiến đảng cộng sản điên cuồng đàn áp trong một vụ án mà
cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.
Ông Nguyễn Kiến Giang sinh năm 1931 tại Quảng Bình, tham gia hoạt động
Việt Minh từ năm 14 tuổi. Ông cũng sớm tỏ lộ những phẩm chất của trí
thức: ham học hỏi, tự học không ngừng, và có trí tuệ mẫn tiệp.
Ông từng là Phó Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật, từng được nhà nước “ưu
ái” cho đi học trường đảng cao cấp ở Liên Xô. Ông cũng là một trong
những người đầu tiên dịch các tác phẩm triết học Marx sang tiếng Việt.
(Những năm 50-60 của thế kỷ trước, việc tiếp cận triết học phương Tây ở
Việt Nam là cực kỳ khó khăn, việc dịch thuật còn khó khăn hơn nữa).
Sự ưu ái của nhà nước dành cho một trí thức như ông không thể kéo dài,
khi mà ông trở thành một nhân vật trong vụ xét lại chống Đảng, cùng hàng
chục nạn nhân khác, trong đó có nhiều trí thức như Viện trưởng Viện
Triết học Hoàng Minh Chính, Giám đốc NXB Sự thật Minh Tranh, nhà văn-nhà
báo-dịch giả văn học Vũ Thư Hiên, v.v.
Ông bị tù sáu năm không xét xử, từ 1967 đến 1973. Sau đó là ba năm quản
chế và những năm tháng vật lộn với cuộc sống khó khăn thời bao cấp.
Cuối những năm 80, đầu những năm 90, khi Đảng Cộng sản Việt Nam giữ rất
chặt bàn tay sắt trong bối cảnh các nước XHCN ở Đông Âu nối nhau sụp đổ,
Nguyễn Kiến Giang – với tư duy phản biện của một nhà trí thức chân
chính – lại tiếp tục những bài viết lý luận mà Đảng rất không thích:
“xét lại” chủ nghĩa mác-xít.
Trong hoàn cảnh không có Internet, không có mạng xã hội, hệ thống báo in
hoàn toàn nằm trong tay đảng, những bài viết của ông vẫn “rò rỉ” ra
ngoài, được người ta photocopy, chép tay, chuyền cho nhau đọc. Cùng với
các tiểu luận nổi tiếng của Hà Sỹ Phu, loạt “Suy tư 90” của Nguyễn Kiến
Giang làm đảng đau đầu, các cây bút tuyên truyền của đảng khó chịu, đến
nỗi cuối cùng đảng lại phải sử dụng chiêu quen thuộc để bịt miệng họ:
công an vào cuộc, sách nhiễu, gây khó khăn cho gia đình.
Năm 1996, ở tuổi 65, ông lại bị khởi tố và lần này “được” ra tòa (không
giống như đợt xét lại chống đảng, các nạn nhân đều bị tù không án nhiều
năm), vì ''tội'' cùng với hai ông Lê Hồng Hà và Hà Sỹ Phu và chuyền nhau
đọc một lá thư của Võ Văn Kiệt gửi Trung ương Đảng, gọi là tội “tiết lộ
bí mật Nhà nước”. Ông bị kết án 15 tháng tù treo.
Những năm cuối đời, sức khỏe Nguyễn Kiến Giang suy yếu rất nhanh. Ông bị
nhiều bệnh, trong đó có cả chứng Parkinson, khiến ông phải nằm một chỗ,
cử động và nói năng đều khó khăn, dù trí tuệ vẫn rất minh mẫn. Giá như
ông khỏe hơn, rất có thể chúng ta đã được đọc những bài viết của ông về
Hiến pháp, về nhân quyền, về thực trạng quyền con người ở Việt Nam...
Ông mất đi, phong trào dân chủ Việt Nam – đang trong những năm tháng sôi
động nhờ sự góp sức của Internet và mạng xã hội – thiếu vắng một cây
bút lý luận sâu sắc với năng lực tự nghiên cứu dồi dào và nhất là một sự
dấn thân can đảm hiếm người có.
* * *
Trích tiểu luận “Đi tìm lời giải mới của chủ nghĩa xã hội” - Nguyễn Kiến Giang
Chủ nghĩa nhân văn mới đang xuất hiện, nó kế thừa, phát triển và thay
thế chủ nghĩa nhân văn cổ điển. Cái chung của chủ nghĩa nhân văn cổ điển
và chủ nghĩa nhân văn mới là lấy con người làm điểm xuất phát và điểm
tận cùng của đời sống xã hội, coi con người là giá trị tự thân, là mục
đích tự thân của chính nó. Nhưng giữa hai thứ chủ nghĩa nhân văn này có
những khác biệt căn bản, từ nhận thức chính bản thân con người đến việc
đặt vị trí của nó trong tự nhiên.
Như đã nói trên, nhân văn cổ điển chủ yếu là nhận thức con người từ bên
ngoài. Chủ nghĩa nhân văn mới, ngoài việc tiếp tục các nhận thức ấy ra,
chủ yếu đi theo một đường hướng nhận thức khác: từ bên trong. Trước kia,
không thể làm như vậy được vì trình độ phát triển của các khoa học chưa
cho phép. Nhiều lắm, con người cũng chỉ được nhận thức từ bên trong
từng mảnh, mang tính cơ giới (chẳng hạn nhận thức về từng hệ thống trong
cơ thể: hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ hormon...). Nói như
Frolov, một nhà triết học Xô-viết, trong con người, cái gì cũng được
người ta hiểu hết, nhưng con người trở thành con người như thế nào thì
chưa thể hiểu được. Mấy chục năm qua, không những các ngành khoa học
truyền thống (“cũ”) như y học, sinh học, vật lý, hóa học...) đã cung cấp
thêm nhiều dữ kiện để hiểu rõ con người hơn, nhưng quan trọng nhất là
những khám phá của các ngành khoa học mới và các khoa học liên ngành,
đặc biệt là sinh học phân tử, di truyền học, vật lý sinh học, hóa học
sinh học, tâm thần học, ứng xử học (bao gồm sinh học xã hội -
biosociologie), v.v... Sự liên kết, hòa nhập của tất cả các ngành khoa
học ấy thành một hệ thống khoa học thống nhất về con người đã được bắt
đầu thực hiện (qua các trung tâm như Institut de l’homme của Jacques
Monod ở Paris, Viện Nghiên cứu Con người của Frolov ở Moskva...), báo
hiệu một giai đoạn mới về chất của việc nghiên cứu con người. Nhiều vấn
đề nổi lên hàng đầu: chương trình sinh học, hệ di truyền, vô thức và
siêu thức... (Chưa nói tới những nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa được
thừa nhận rộng rãi: ngoại cảm, ngoại tâm lý, tử vi, v.v... mà chúng ta
không nên loại bỏ một cách đơn giản). Việc nghiên cứu con người từ bên
trong gắn liền với việc nghiên cứu nó về mặt sinh thành cá thể, ngoài
mặt sinh thành quần thể đã có. Số phận con người không chỉ được đặt trên
bình diện cái chung, mà còn được đặt ra trên bình diện cái riêng. Những
thành tựu mới về nghiên cứu con người chưa thật nhiều, nhưng đã bắt đầu
có cơ sở để giải đáp một số vấn đề cơ bản của đời sống con người:
Con người không phải vốn là tốt hay xấu, nó ra đời và tồn tại như vốn có;
Con người không chỉ là một thực thể xã hội, mà còn là một thực thể sinh
học - xã hội (biosocial), cái sinh học nền tảng của nó biến đổi theo cái
xã hội ở những mức độ nhất định, nhưng cái xã hội cũng bị qui định
trong những giới hạn sinh học, dù những giới hạn này không cố định;
Sự cải tạo con người không thể có ý nghĩa tuyệt đối, cũng không phải
không có giới hạn (theo Amosov, giáo dục hiểu theo nghĩa rộng nhất chỉ
có thể thay đổi bản tính con người nhiều nhất là 50%).
Như vậy, một xã hội phù hợp nhất với con người, một xã hội có nhân tính
không phải là một xã hội chỉ cần dọn dẹp môi trường chung quanh để thích
hợp với “tính bản thiện” của nó, cũng không phải là một xã hội khuôn
theo những công thức lý tưởng nào đó do ý chí tốt lành nào đó của một số
người tự coi có sứ mệnh cứu thế áp đặt, và nếu con người không thích
hợp với những công thức này thì chỉ có việc là “nhào nặn lại” cho thích
hợp. Một xã hội có nhân tính là một xã hội được tổ chức sao cho những
bản tính tự nhiên của con người tồn tại một cách tự nhiên, tạo ra những
điều kiện tối ưu cho sự phát triển toàn diện và tự do cho mỗi cá nhân
con người. Trong xã hội đó, cái ego không bị triệt tiêu, trái lại, còn
được coi là đơn vị cơ sở của xã hội. Tính đồng loại, tính tập thể của
con người là tất yếu (cũng giống như mọi quần thể sinh học khác) và cũng
phải được coi là một giá trị cơ bản, nhưng điều đó không có nghĩa là
triệt tiêu cái ego mà chính là phải tạo ra môi trường thuận lợi và tối
ưu cho mỗi ego. Xã hội chỉ qui định ranh giới để cho ego này không làm
tổn hại ego khác. Tất cả những giá trị vật chất và đạo đức do con người
tạo dựng trong lịch sử phải trở thành tài sản riêng của mỗi ego, và bằng
cách đó mà trở thành tài sản chung của toàn xã hội. Cái xã hội (cái
chung) làm phong phú cho cái cá nhân (cái riêng),và ngược lại, cái cá
nhân được phát triển sẽ làm cơ sở và điều kiện cho cái xã hội phát triển
theo những nhịp độ gia tốc.
Cái ego trong những điều kiện mới không phải là chủ nghĩa cá nhân.
(Trong các xã hội nguyên thủy, không có cá nhân tồn tại như vốn có, vì
thế không có chủ nghĩa cá nhân. Trong các xã hội có chế độ người áp bức
và bóc lột người, cá nhân bị triệt tiêu theo hai hướng: những người bị
áp bức và bóc lột thì bị tước đoạt mất những điều kiện tồn tại với tư
cách cá nhân, bị mất nhân tính, bị tha hóa; những kẻ áp bức và bóc lột
người khác lại chiếm lĩnh nhân tính cho riêng mình, nhưng làm như thế họ
cũng đánh mất nhân tính, vì nhân tính chỉ có thể tồn tại như một khái
niệm loài (tộc loại) - trong các quan hệ giữa các cá thể cùng một loài -
do đó, cá nhân họ cũng chỉ có thể tồn tại dưới dạng chủ nghĩa cá nhân,
nghĩa là cá nhân bị tha hóa).
Mỗi ego được phát triển, tự phát triển dến mức có thể có (trong giới hạn
không gây tổn hại cho các ego khác), do đó, tính đa dạng của con người
cũng phát triển đến mức cao. Với những ego như thế, xã hội ngay trong
bản chất của nó có tính đa nguyên.
Chủ nghĩa nhân văn mới dựa trên những cơ sở vật chất mới, đặc biệt là
những phương tiện tin học. Con người có trong tay những phương tiện vật
chất có hiệu quả để phát triển theo hai hướng: cá thể hóa và toàn cầu
hóa (tộc loại hóa). Sự khẳng định về mặt cá thể ngày càng được đẩy sâu
do được bảo đảm tính độc lập của mình trong lao động và các mặt đời sống
khác. Đồng thời những phương tiện tin học giúp cho con người nắm bắt
các quá trình toàn cầu một cách nhanh nhạy và sâu sắc, con người ngày
càng cảm thấy mình là một tế bào hữu cả của tộc loại. Tác động giữa các
cá nhân diễn ra không chỉ trong phạm vi từng nước, từng vùng, mà cả trên
phạm vi toàn cầu. Tính toàn cầu trở thành một trong những nền tảng chủ
yếu của tổ chức xã hội. Nó trở thành một thước đo của xã hội. Sự tiến
hóa của xã hội không chỉ được đo theo chiều dọc thời gian, mà còn được
đo theo chiều ngang không gian. Hai yếu tố thời gian và không gian của
con người thâm nhập nhau, tạo thành một khái niệm “thời gian - không
gian” thống nhất (chiều rộng không gian sẽ bù đắp cho những nhịp độ chậm
chạp về thời gian, và chiều sâu thời gian sẽ bù đắp cho những chênh
lệch, khập khiễng về không gian).
Chủ nghĩa nhân văn mới đặt con người vào đúng chỗ trong tự nhiên. Nhận
thức của con người về bản thân mình càng sâu, thì nhận thức về tự nhiên
của nó cũng càng sâu. Con người vừa tự coi mình là một thực thể sống cao
nhất trong tự nhiên, vừa thấy rõ hơn mình là một bộ phận không tách rời
và không đối lập với tự nhiên, Quan niệm coi con người là trung tâm
(anthropocentrisme) của chủ nghĩa nhân văn cổ điển sẽ được thay thế bằng
quan niệm hòa hợp, hòa nhập giữa con người và tự nhiên. Bản tính tự
nhiên của con người được khôi phục và phát triển ngày càng cao, cùng với
quá trình ấy sẽ diễn ra quá trình tự nhiên được người hóa, theo nghĩa
được con người làm cho hoàn thiện hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây các trào lưu sinh thái học nảy sinh và
tăng lên nhanh chóng, thu hút sự quan tâm của mọi người. Chưa bao giờ
con người cảm thấy nguy cơ thoái hóa, thậm chí hủy diệt của mình gắn
liền với sự thoái hóa và hủy diệt môi trường tự nhiên như bây giờ. Bảo
vệ tự nhiên đồng nghĩa với bảo vệ con người. Bảo vệ môi trường sinh thái
tự nhiên, vì thế, là một đòi hỏi và cũng là một trong những nền tảng tổ
chức xã hội trong nền văn minh mới.
Chưa nói tới những khả năng mới của con người trong các quan hệ của nó
với vũ trụ. Những thám hiểm của con người về vũ trụ đang mở rộng tầm
nhìn của nó để có thể đi tới một vũ trụ quan đích thực (dựa vào những dữ
kiện hiện thực được khám phá ngày càng nhiều, mà không chỉ dựa vào
những khái quát triết học, những dự cảm tôn giáo). Những nghiên cứu về
các nền văn minh ngoài trái đất (đang được bắt đầu một cách dè dặt) có
thể mang lại cho con người những biến đổi mới về nhận thức đối với sự
tồn tại của chính bản thân mình. Trong trường hợp có những nền văn minh
như vậy và có những giao tiếp với chúng, con người sẽ phải tư duy và
sống khác đi để tạo ra một sự hòa hợp với những “người vũ trụ” khác.
Trong trường hợp không có những nền văn minh ấy, con người cũng sẽ phải
tư duy và sống khác đi để tự bảo tồn tộc loại của mình như sản phẩm cao
nhất và độc nhất của tiến hóa vũ trụ một cách có trách nhiệm hơn nhiều.
Tóm lại, chủ nghĩa nhân văn mới không cần đến những “con người chí
thiện”. Nó chỉ cần có những con người như vốn có với tất cả những khả
năng và hạn chế và, do đó, cũng cần tới một tổ chức xã hội phù hợp với
những khả năng và những hạn chế ấy.
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.fr/2013/12/ong-nguyen-kien-giang-tu-tran.html#.UpyMDieAWRA
=====================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001