Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Tâm thư: Vì sự nghiệp bảo vệ độc lập và quyền dân chủ của nhân dân, vì sự còn mất của Đảng và chế độ

Tâm thư: Vì sự nghiệp bảo vệ độc lập và quyền dân chủ của nhân dân, vì sự còn mất của Đảng và chế độ 


Bauxite Việt Nam nhận được bức Tâm thư gửi Ban chấp hành TƯ Đảng CS Việt Nam, dài 7 trang khổ A4, dưới hình thức các files ảnh, do ông Trần Đức Quế, nguyên Chuyên viên Bộ Giao thông vận tải, đại diện cho tất cả những người ký tên, chuyển đến, với mong muốn được đăng lên trang mạng để bạn đọc xa gần thấu hiểu tâm tư, tình cảm, thái độ và quan điểm của các nhà cách mạng lão thành đối với những vấn đề nổi cộm trong nội bộ Đảng cầm quyền. Do các ảnh này chụp không thật rõ, được sự đồng ý của tập thể tác giả, chúng tôi đã cho chuyển thành văn bản và trân trọng đăng lên, kèm theo 2 trang ảnh cuối cùng có chữ ký của các tác giả. Những chữ trong ngoặc vuông [ ] là ghi chú thêm, do các vị trong Nhóm tác giả trực tiếp cung cấp.

Bauxite Việt Nam



Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2009
“Vì sự nghiệp bảo vệ độc lập và quyền dân chủ của nhân dân”
“Vì sự còn mất của Đảng và chế độ”

Kính gửi: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Bộ chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng kính gửi: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thưa các đồng chí,
Rất mong các đồng chí dành thời gian đọc loại tâm thư này. Nó là tâm huyết của những người suốt đời gắn bó với Đảng Cộng sản, với sự nghiệp cách mạng của Đảng: Vì nhân dân, vì dân tộc Việt Nam.
Sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội mọi người có rất nhiều ý kiến tranh cãi, bức xúc, bất bình nhất là vấn đề khai thác bô-xít tây Nguyên. Có những người nói lên tâm trạng mất lòng tin vào lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ với mức độ cực kỳ nghiêm trọng.
Với lương tâm trách nhiệm của những người cộng sản, chúng tôi xin tập hợp các phản ánh với BCH TƯ.

I. Vấn đề dân chủ và việc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Độc lập Dân tộc

Xuất phát từ thực tiễn trên mọi lĩnh vực và qua thời gian dài, mọi người thấy quyền làm chủ của người dân bị xâm phạm, nghiêm trọng nhất là với tầng lớp nhân dân lao động. Nhiều người kêu trời không thấu, những việc làm sai trái ngày càng nhiều, cuộc sống bình thường của người dân bị uy hiếp. Nghiêm trọng hơn cả, những vấn đề đại sự quan hệ đến vận mệnh của đất nước cũng bị đe dọa.
Trước tình hình như vậy mọi người với sự hiểu biết và lương tâm trách nhiệm đã tham gia ý kiến cả trực tiếp và bằng văn bản gửi cho lãnh đạo cao cấp của Đảng, kể cả ý kiến của nhiều vị lão thành cách mạng. Đặc biệt, ý kiến của vị đặc đẳng công thần Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không có giá trị với những người nắm giữ các vị trí quyền lực cao nhất của Đảng, Nhà nước.
Điển hình lớn nhất là việc trước Đại hội X, Bộ Chính trị mời, xin ý kiến các vị lão thành các mạng do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh chủ trì. Hơn 40 vị lão thành cách mạng đã tới dự trong đó có rất nhiều nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Vì sự nghiệp cách mạng, với ý kiến tâm huyết đóng góp, mọi người hy vọng sẽ có một “Hội nghị Diên Hồng”, nhưng hầu như kết quả bằng không. Cũng từ đó ngày càng thấy sự trượt dài không thèm nghe và những sai trái ngày càng tăng. Lòng tin của nhân dân vào Đảng, nhất là vào Bộ Chính trị ngày càng giảm sút nghiêm trọng.
Đặc biệt là trong thời diểm hiện nay, nổi cộm là vụ cho Trung Quốc trúng thầu khai thác bô-xít Tây Nguyên. Trước tình hình đó, hàng ngàn, hàng vạn người đã góp ý kiến trong đó có nhiều CCB, tướng lĩnh quân đội, công an và rất nhiều trí thức, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáo gửi tới 3 lá thư cho lãnh đạo Đảng, Thủ tướng Chính phủ, và Quốc hội đúng ngày khai mạc kỳ họp, nhưng không được đọc trước Quốc hội trong kỳ họp, mặc dù là vấn đề nhạy cảm, những vấn đề chiến lược có quan hệ đến tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng.
Trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cũng chỉ qua loa ít dòng và được vài đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến hoặc chất vấn Chính phủ, và tất cả cho qua như một vấn đề thông thường.
Thực sự đó là vấn đề đại chiến lược, tại một địa bàn sống còn của Tổ quốc. Từ thực tiễn cuộc sống, Tây Nguyên đã được khẳng định là nóc nhà của Việt Nam, của Đông Dương. Cứ chiếm được Tây Nguyên thì họ làm chủ được Việt Nam và hai nước bạn Lào – Cămpuchia.
Vậy mà vấn đề không được báo cáo tường tận, Quốc hội không được thảo luận thấu đáo, có nghị quyết chuyên đề, vì Bộ Chính trị đã có quyết định.
Việc đó nên hiểu như thế nào?
Nhiều ý kiến bàn luận đặt vấn đề, Bác Hồ và Đảng luôn đặt vấn đề dân chủ của Dân. Cách hành xử như vậy là Bộ Chính trị, Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội (cũng là Ủy viên Bộ Chính trị) đã thêm một lần lớn hơn, phủ quyết quyền làm chủ của Nhân dân. Có phải như vậy là Đảng trị, độc quyền độc đoán? Có phải đứng trên, đứng ngoài pháp luật thể hiện là Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã ký với người đứng đầu Trung Quốc trong đó có việc cho họ khai thác bô-xít Tây Nguyên? Việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cho phép khai thác bô-xít đã vi phạm nhiều đạo luật, vậy thì cần gì luật…?
Tại sao lại như vậy?
Nhiều ý kiến bàn rất không hay về vị trí, trách nhiệm và quan điểm, khả năng, uy tín, lòng tin đối với nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, thậm chí có những ý kiến nhận xét phải chăng các ông vì lý do gì đó đã ngả vào vòng tay của Trung Quốc nên trong nhiều việc tỏ ra lúng túng, hạ thấp mình, làm mất tư thế, mất quyền tự chủ độc lập của Dân tộc. Thể hiện rõ nhất là vấn đề biển, đảo với việc khai thác dầu khí; việc để họ hung hăng lấn chiếm Hoàng Sa và tuyên bố Trường Sa là của họ; cấm tàu thuyền của ngư dân Việt Nam; bắt tầu, giết ngư dân ta…
Và nổi cộm lúc này là không dám đình chỉ việc khai thác bô-xít Tây Nguyên.
Đó là vấn đề đối ngoại cấp bách số một trong thời điểm hiện nay với Trung Quốc, một nước láng giềng lớn luôn có dã tâm nuốt chửng Việt Nam. Đọc cuốn “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” do NXB Sự thật ấn hành năm 1979, sẽ hiểu rõ bản chất của Trung Quốc.

II. Tổ chức Đảng, vấn đề then chốt của cách mạng

Từ thực tiễn nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc đã chỉ rõ: Đảng đang ở vào tình thế hầu như rất khó thoát khỏi thảm trạng đổ vỡ cả về tư tưởng và tổ chức. Uy tín của Đảng, lòng tin của nhân dân, của chính đảng viên đang trong trạng thái khủng hoảng nghiêm trọng.
Thực tế có quá nhiều vấn đề có thể chứng minh. Một trong những điều đáng nói nhất lúc này là trên dưới trong hệ thống tổ chức đều cùng quan liêu, tham nhũng, lãng phí và cùng giả dối thiếu trung thực.
Nổi bật 2 vấn đề:
1. Biến chất, tham nhũng, bao che, dung túng tệ nạn tạo thành hệ thống cùng nhau cướp đất của dân, tạo sự đối lập thậm chí đối kháng giữa nông dân với Đảng, chính quyền.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng thì tính phổ biến là rút ruột công trình, rất đáng lo ngại cho những công trình lớn chưa dùng đã hỏng. Đỉnh điểm là vụ ăn hối lộ tiền đâu tư vốn ODA của Nhật Bản, làm nhục Quốc thể, vấn đề phân chia, chi tiêu ngân sách,… đâu đâu cũng có.
Có thể nói Quốc nạn, giặc ngoại xâm đã làm rã tổ chức, rã lòng tin của nhân dân. Chúng dùng quyền lực, danh nghĩa Đảng, Chính quyền của nhân dân với sự tha hóa biến chất đã tạo ra một lối sống trong xã hội: Tiền quyết định tất cả. Sự giả dối và cái ác khống chế xã hội. Khoảng cách giàu nghèo quá ghê gớm, chưa bao giờ đạo đức, kỷ cương lại bị thách thức như hiện nay. Nhiều người sống trong một tâm trạng không yên.
Tất cả đang chỉ rõ một luận điểm của Lê-nin là không ai có thể tiêu diệt được cộng sản trừ chính họ. Thực tế tại Liên Xô và Đông Âu đã là những minh chứng; tại Việt Nam, Đảng Cộng sản cũng đang lâm vào tình trạng tương tự nếu không có chủ trương, giải pháp đúng và kiên quyết thực hiện.
Một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng về mặt tổ chức là cơ quan thường trực của BCH TƯ – Bộ Chính trị cả khóa IX và X hiện nay, vì lý do nào đó – chưa biết cụ thể – đã không làm đúng vị trí, nhiệm vụ, lấn lướt lạm dụng vị trí quyền lực, làm những điều sai trái, dung túng bao che sai lầm. Thực trạng tình hình chung của đất nước, của tổ chức Đảng đang dẫn tới sự khủng hoảng với nguy cơ “còn, mất Đảng, chế độ” như đại hội Đảng IX, X đã chỉ rõ, đang nhanh dần tới hiện thực.
Ai phá Đảng, chỉ những người cộng sản mới làm được việc đó. Vậy có phải cả một tập thể hay những ai trong Bộ Chính trị hiện nay?
2. Một việc cực kỳ nghiêm trọng là “Vụ án chính trị siêu nghiêm trọng” đã được kết luận từ những nhiệm kỳ trước nhưng đến nay đã không xử lý, tiếp tục dung túng xây dựng cả tổ chức và con người. Mặc dù nhiều ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều Ủy viên Bộ Chính trị các khóa đã chỉ ra sự nguy hại nhưng Tổng bí thư kiêm Bí thư Đảng ủy quân sự TƯ đã bao che, sử dụng cả tổ chức TCII, đề bạt TCT làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tạo cơ sở cho những bước đi tới cao hơn và biết bao ưu ái (trong đó có việc được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (4/2008); và một việc đặc biệt lưu ý là cha đẻ ra TCII được tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng). Hỏi để làm gì? Gần đây khá nhiều tố cáo nó đã liên kết với cơ quan tình báo Trung Quốc?
Tháng 12/2008, Trung tá Vũ Minh Trí, cán bộ tại chức của TCII, một người Cộng sản trẻ tuổi đã rất dũng cảm gửi bản kiến nghị đến BCH TƯ Đảng, Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nói rõ thực trạng tổ chức, hoạt động và mưu đồ của TCII. Bản kiến nghị đã bộc lộ rõ những sai lầm nghiêm trọng của Tổng bí thư – Bí thư Đảng ủy quân sự trung ương trong việc bảo vệ, sử dụng TCII với một mưu đồ chính trị nào đó. Chính vậy nên “Vụ án chính trị siêu nghiêm trọng” đã không thể ra ánh sáng. Phải chăng với thực tiễn này, vụ án đã trở thành “Vụ án chính trị siêu – siêu nghiêm trọng”.
Đề nghị BCH TƯ với trách nhiệm của mình cần làm rõ và xử lý các vụ án cực kỳ nguy hại có một không hai trong Đảng nhằm bảo vệ Đảng, Quân đội, Nhà nước và Tổ quốc.
Thưa Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
Trên đây chỉ là một phần của những vụ việc lớn có tầm chiến lược sống còn đối với tổ chức Đảng và có quan hệ đến vận mệnh Tổ quốc. Chúng tôi là một số Đảng viên cán bộ trong lớp người suốt đời gắn bó với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc.
Với lương tâm, trách nhiệm, dù đã nghỉ hưu nhưng tự thấy phải vì sự nghiệp, nói lên một sự thật có thể chưa đầy đủ, nhưng là những vấn đề chiến lược lớn cấp bách. Qua nhiều lần trao đổi với nhiều đồng chí, kể cả với đồng chí cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khi đồng chí còn sống và nhiều đồng chí khác, tất cả đều nêu lên một vấn đề: chúng ta từ chỗ không có gì, nay đã có tất cả, nhưng nguy cơ mất tất cả đang trở thành hiện thực.
Xin phản ánh và kiến nghị với BCH TƯ – cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng cần nghiên cứu đặt lên bàn nghị sự tất cả những vấn đề về thực trạng trong tổ chức Đảng và mối quan hệ quốc tế, nhất là Việt Nam – Trung Quốc.
Giải pháp cơ bản là cần kiểm điểm đánh giá lại toàn bộ (xin không nói ưu điểm) những sai lầm khuyết điểm của BCH TƯ, đối chiếu với Nghị quyết Đại hội, chủ yếu là đối với Bộ Chính trị, Tổng bí thư và những đồng chí phụ trách các cương vị chủ chốt trong Đảng và Nhà nước với tinh thần dũng cảm nhìn rõ sự thật và quyết tâm xây dựng, bảo vệ cho được sự trong sạch vững mạnh trong tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước. Nghiêm túc triệt để thực hiện di chúc của Bác Hồ như tinh thần bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ với nội dung như sau: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về quan điểm chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống là nhiệm vụ bức thiết hiện nay. Thấm nhuần tư ưởng của Bác Hồ về xây dựng Đảng cầm quyền. Đảng muốn vững mạnh thì phải trong sạch, thì dân mới tin”.
Đó là tâm huyết của Đại tướng, một con người có tầm vóc lịch sử, sống cùng thời đại Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng có thể nói đó là lời kêu gọi của Bác thông qua Đại tướng nói với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Đó cũng chính là sự mong đợi của những người đảng viên chân chính, của nhiều người dân mong Đảng phải thực sự chỉnh đốn, thực sự sửa sai lầm để tiếp tục xứng đáng tồn tại với vai trò, vị trí tiếp tục lãnh đạo cách mạng của dân tộc Việt nam, đủ sức đương đầu thách thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Chúng tôi nghĩ và tin sứ mệnh trách nhiệm phải do BCH TƯ khóa X đảm nhiệm và thắng lợi.
Xin kính gửi lời chào cộng sản tới BCH TƯ.
Dưới đây là chữ ký của một số thay mặt cho nhiều người
Trần Nguyên, Đại tá quân đội, cán bộ tiền khởi nghĩa, 60 năm tuổi Đảng, 40 năm tuổi quân, 86 tuổi đời, 21 ngõ 58, phố Triều Khúc, TXN [Thanh xuân Nam]
Nguyễn Văn Tuyến, Đại tá, CCB, 84 tuổi, 62 tuổi Đảng, 106, C19, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội
Trần Đức Quế, nguyên Chuyên viên vận tải, Bộ Giao thông vận tải, gia đình cách mạng, tham gia chống Pháp, chống quân Tàu xâm lược phía Lạng Sơn, nghỉ hưu ở E6, P 505, Thanh xuân Bắc, Hà Nội
Nguyễn Chương,74 tuổi đời, 47 tuổi Đảng, 106B TXB [Thanh Xuân Bắc]
Nguyễn Bá Bảo, 73 tuổi, 45 tuổi Đảng, về hưu, nguyên Chuyên viên Bộ Công nghiệp, [nguyên cán bộ Khu Gang thép Thái Nguyên], P208, D3, TX Bắc, Hà Nội.
Lê Hữu Hà [nguyên Chuyên viên CP, cựu Trợ lý Thượng tướng Trần Văn Trà], cùng vợ [Phạm Thị Cương], nguyên Phó Giám đốc Trường tuyên giáo và Trường NAQ II, giảng dạy Trường Đảng lâu năm.
Lê Văn Trọng, [Đại tá Tổng cục II], 81 tuổi, 60 tuổi Đảng, thương binh, BI, Trung Tự.
Vũ Thuần, [nguyên Chánh văn phòng Trường NAQ, Bí thư Hải Dương], cán bộ lão thành cách mạng, 84 tuổi, 60 tuổi Đảng.
Trần Bá, [Đại tá quân đội], CCB, 84 tuổi đời, 46 thâm niên quân đội, 63 tuổi Đảng (LĐVN), 53 Cầu Gỗ, Hà Nội.

Nguyễn Văn Bé
, cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, [tiền bối công an Khánh Hòa], số 9, Phan Bội Châu, Tp.Khánh Hòa.

Phan Văn Hiện, Đại tá, CCB, 90 Hoàng Đạo Thúy, Kim Giang, quận Thanh Xuân
Tạ Cao Sơn, Đại tá, Cựu chiến binh, [từng phụ trách Cục tác chiến, nguyên cán bộ Viện Lịch sử quân sự], 60 năm tuổi Đảng, Đảng viên Chi bộ 13, phường Liễu Giai, Ba Đình; nhà 1, ngõ 9, phố Liễu Giai
____________________________
Trang 6 của bức tâm thư:

Trang 7 của bức tâm thư:
tqvn2004 gửi hôm Thứ Hai, 27/07/2009          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20090726/tam-thu-vi-su-nghiep-bao-ve-doc-lap-va-quyen-dan-chu-cua-nhan-dan-vi-su-con-mat-cua
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001