Ông Francois Hollande, cựu lãnh đạo đảng Xã Hội Pháp, đã đắc cử chức vụ tổng thống nước Pháp, đánh bại đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Mặc dù là một trong số những chính trị gia được biết tiếng nhiều nhất, ông Hollande, 57 tuổi, chưa bao giờ giữ một chức vụ trong chính phủ.

Ông Dominique Moisi, cố vấn cao cấp tại Viện Pháp Quốc Nghiên Cứu các vấn đề Quốc tế ở Paris, ghi nhận rằng ông Hollande đã hiện diện trên chính trường nước Pháp từ hơn 30 năm nay, leo dần lên nấc thang dưới thời tổng thống Mitterand cuả đảng Xã Hội trước đây.

Ông Moisi chỉ ra rằng “ông (Hollande) đã theo học tại trường Quốc gia hành chánh ưu tú, sau đó làm việc trong điện Élysée dưới thời tổng thống Mitterand trong tư cách là một thành viên cấp phó trong nội các. Sau đó ông là tổng thư ký đảng Xã Hội trong 11 năm và rồi tuyên bố ra ứng cử tổng thống.”

Cựu tổng giám đốc Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế, ông Dominique Strauss-Kahn, trước đó đã được đảng Xã hội ủng hộ nhiều nhất để ra tranh cử tổng thống, nhưng một vụ tại tiếng tình dục đã khiến ông thân bại danh liệt và bị loại khỏi cuộc tranh cử, mở đường cho ông Hollande đánh bại đối thủ còn lại trong cuộc tranh cử sơ bộ của đảng là bà Martine Aubry.

Chính sách kinh tế của ông Hollande gồm việc tăng thuế, áp dụng cho giới giàu sụ, ngưng tăng giá xăng dầu, tăng trợ cấp xã hội và thuê mướn thêm 60 ngàn giáo chức mới.

Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống, khẩu hiệu của ông Hollande “kẻ thù tôi chính là thế giới tài chính” làm cho nhiều người cau mày, nhất là ở một số các thủ đô châu Âu, trong số này có London.

Ông Bruno Cautres, một chuyên gia về tiến trình bầu cử Pháp tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị ở Paris, nói rằng ông Hollande đã đưa ra một hành động thức thời khi ông đến London để làm dịu bớt những lo ngại cho rằng ông là một nhân vật cực đoan.

Ông Cautres nói: "Ông muốn nói 'tôi sẽ không phải là kẻ theo chủ nghĩa Mác Xít. Tôi sẽ không phải là một phần tử cộng sản nằm vùng. Tôi không phải là người sẽ cho quốc hữu hóa và những chuyện đại loại như vậy. Vì thế rõ ràng khi nói như vậy, ông chỉ muốn bảo đảm với giới tài chính và thị trường quốc tế rằng người ta vừa có thể là một người vừa theo chủ nghĩa xã hội vừa là người thực dụng và rằng nuớc Pháp sẽ không thay đổi.”

Ông Charles Kupchan, một chuyên gia về châu Âu làm việc tại Hội Đồng về Quan hệ Nước ngoài tại thủ đô Washington, cho biết ông Hollande còn có một chính sách nữa gây tranh cãi.

Ông nói: "Ông (Hollande) đã kêu gọi thương thuyết lại thỏa hiệp kinh tế do Liên Hiệp Xhâu Âu hình thành để ổn định đồng euro. Ông Hollande kêu gọi mở lại hiệp định này và chú trọng nhiều hơn vào kích thích kinh tế thay vì các biện pháp khắc khổ. Điều này chắc chắn giúp ông được một số ủng hộ tại Pháp và các quốc gia châu Âu khác, đáng kể là Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha, nhưng nó có thể gặp rắc rối với nước Đức." Chuyên gia Kupchan nói thêm.

Cũng theo chuyên gia này, có những dị biệt khác về chính sách đối ngoại giữa ông Hollande và ông Sarkozy, đó là ấn định thời biểu rút quân Pháp ra khỏi Afghanistan, và quyết định của ông Sarkozy đưa nước Pháp trở lại cơ cấu quân đội hợp nhất của NATO.

Ông Kupchan ghi nhận ông Hollande từng nói ông muốn rút quân Pháp ra khỏi Afghanistan vào năm 2012. Ông Sarkozy nói là để đến năm 2013. Giờ đây thì cả NATO lẫn Washington đều nói là năm 2014.

Phân tích gia này tiên liệu là ông Hollande sẽ không tìm cách lật ngược lại chính sách của ông Sarkozy đối với NATO nhưng tiên đoán ông sẽ làm mới lại chính sách này. Ông nói: "Và điều này sẽ gợi ý rằng có thể trở lại với một chính sách đối ngoại của Pháp ít thiên Mỹ hơn, không như dưới thời ông Sarkozy. Và theo tôi, ông Sarkozy là người hướng về Mỹ nhiều nhất, ủng hộ tổng thống Mỹ nhiều nhất kể từ Thế chiến thứ Hai đến nay tại Pháp.”

Ông Dominique Moisi đồng ý, nói rằng tổng thống Hollande “sẽ có lời ăn tiếng nói và cử chỉ ít ủng hộ Mỹ hơn là ông Nicolas Sarkozy. Ông cũng sẽ ít ủng hộ Israel hơn là ông Sarkozy.”

Nhưng cái biên giới giữa hai ông trong vấn đề này rất mỏng manh. Ông Moisi nói thêm: “Tôi không cho là sẽ có dị biệt lớn giữa chính sách đối ngoại của ông Hollande với chính sách của ông Nicolas Sarkozy.”

Và điều đó cũng có nghĩa là sẽ chẳng có thay đổi lớn lao nào trong quan hệ giữa Washington và Paris.


Tin liên hệ


(nguồn VOA)
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001