Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012


Nhật đóng toàn bộ nhà máy điện hạt nhân

Roland Buerk

BBC News, Tokyo
Với lò phản ứng hạt nhân cuối cùng của Nhật Bản ngưng hoạt động để bảo trì, phóng viên BBC Roland Buerk tìm hiểu về cuộc tranh luận đang diễn ra tại Nhật Bản về tương lai ngành năng lượng hạt nhân ở nước này.
Kashiwazaki-Kariwa nhà máy điện hạt nhân lớn nhất về công suất trên thế giới
Kashiwazaki-Kariwa nhà máy điện hạt nhân lớn nhất về công suất trên thế giới
Nhà máy Kashiwazaki-Kariwa được xây dựng khi Nhật Bản coi điện hạt nhân là hướng đi của tương lai.
Có tới bảy lò phản ứng trải dọc các tỉnh miền biển ở bờ tây để cung cấp điện cho Tokyo, nằm ở phía xa bên bờ đông.
Các lò phản ứng này có thể cung cấp đến 20% nhu cầu của đô thị rộng lớn và vùng ngoại vi Tokyo.
Bên trong nhà máy, tại phòng tiếp khách, là giấy chứng nhận Kỷ lục Guinness, xác nhận đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất về công suất trên thế giới.
Nhưng vào cuối tuần này Kashiwazaki-Kariwa là nhà máy điện hạt nhân cuối cùng trong tổng số 54 lò phản ứng sẽ ngưng hoạt động.
Tuyển dụng nhiều
Trước trận động đất và sóng thần ngày 11 tháng 3/ 2011 điện hạt nhân cung cấp khoảng 30% nhu cầu điện của Nhật Bản.
Nay Nhật đang phải nhập khí đốt và xăng để bù vào.
Thành phố Kashiwazaki Kariwa nơi đặt nhà máy điện nay phải đối mặt với sự lựa chọn tương tự như nơi khác tại Nhật trong cuộc khủng hoảng nhà máy điện hạt nhân – giữa nhu cầu công ăn việc làm và nỗi lo sợ bị tổn hại khi có thiên tai, giống như những người sống xung quanh Fukushima.
Nhà máy điện là nơi tuyển dụng nhiều lao động.
Nhà máy lớn có thể cần tới 10.000 người kể cả các nhà thầu có thể được được huy động làm việc vào bất kỳ lúc nào.
‘Mất lòng tin’
Kukushima thiệt hại ít về người nhưng lo ngại nhiều về nhiễm phóng xạ
Kukushima thiệt hại ít về người nhưng lo ngại nhiều về nhiễm phóng xạ
“Chúng tôi và nhà máy điện hạt nhân cùng tồn tại và đã được đảm bảo về độ an toàn”, Thị trưởng Hiroshi Aida nói.
“Nhưng sự cố (Fukushima) cho chúng tôi thấy việc đảm bảo này là khó. Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan rằng các nhà máy điện hạt nhân là an toàn tuyệt đối.
“Chúng tôi cần phải suy nghĩ với trách nhiệm của công dân tại thành phố này. Và chúng tôi lo ngại nhiều. Niềm tin của chúng tôi với chính phủ và bên điều hành nhà máy đã bị ảnh hưởng”.
Shiro Arai, Phó giám đốc điều hành nhà máy Kashiwazaki-Kariwa, cho biết vấn đề an toàn là hết sức quan trọng.
“Chúng ta không thể chủ quan rằng các nhà máy điện hạt nhân là an toàn tuyệt đối”
Hiroshi Aida, Thị trưởng Kashiwazaki
“An toàn là điều quan trọng nhất đối với nhà máy điện hạt nhân, an toàn là mục tiêu trên hết. Tất cả chúng tôi đều thấy như vậy”.
Chính phủ Nhật biết về các thách thức mà ngành năng lượng đang đối diện nên hiện cố gắng để lấy lại lòng tin.
Các lò phản ứng hạt nhân đã được kiểm tra mức độ ứng phó khi khủng hoảng, kể cả trong trường hợp xảy ra thiên tai như động đất và sóng thần.
Chính phủ đã điều các Bộ trưởng xuống nói chuyện với các quan chức chính quyền địa phương để cho nhà máy tái khởi động.
Nhưng các nhà máy này đã không thể để tránh khỏi những gì đang xảy ra vào cuối tuần này, khi lò phản ứng hạt nhân cuối cùng, tại Tomari ở Hokkaido, sẽ bị ngưng để bảo trì định kỳ trước khi bất kỳ có việc khởi động lại nào.
Lần đầu tiên trong hơn 40 năm Nhật Bản sẽ hoàn toàn không có điện hạt nhân.
Chính quyền địa phương không có quyền phủ quyết theo qui định của pháp luật nhưng từ trước tới nay họ đã luôn luôn được tham vấn theo lối xã giao.
Chính phủ muốn tiến hành trên cơ sở đồng thuận chứ không phải là bắt buộc, nhưng cái giá cho nền kinh tế của Nhật Bản là cao.
Cần năng lượng rẻ hơn
Sự cố Fukushima sau sóng thần đang làm người Nhật mất niềm tin với điện hạt nhân
Sự cố Fukushima sau sóng thần đang làm người Nhật mất niềm tin với điện hạt nhân
Việc phải đột ngột tăng nhập khẩu khí và nhiên liệu hóa thạch khác đã làm Nhật thâm hụt mậu dịch lớn nhất từ trước tới nay vào năm ngoái.
Nhật tránh được việc phải cắt điện nhưng phải trả giá điện cao hơn.
“Nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế tạo lớn và tiên tiến. Khu vực chế tạo cần có điện với giá rẻ hơn”, ông Yu Nagatomi từ Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản cho hay.
“Ngành công nghiệp có thể sợ rằng tình hình này sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất tại Nhật Bản, tức là có thể sẽ phải đưa doanh nghiệp ra khỏi Nhật Bản”.
Tại Kashiwazaki, họ đang xây dựng đê biển lớn mới đủ lớn để chịu đựng bất cứ cơn sóng thần nào có thể xảy ra.
Nhưng người Nhật thấy rằng nhà máy điện Fukushima Daiichi chỉ được xem là an toàn nếu đóng nguội hoàn toàn.
“Các công ty vận hành nhà máy điện trong và ngoài Nhật Bản cần phải học hỏi từ sự cố”
Một công nhân nhà máy điện Fukushima
Akihiro Harako, một công nhân tại nhà máy Fukushima, người tham gia trong nỗ lực khống chế khủng hoảng do hậu quả của sóng thần, nói cần rút ra bài học trước khi khôi phục được niềm tin của công chúng.
“Trong 40 năm, chúng tôi đã vận hành nhà máy điện hạt nhân của chúng tôi an toàn. Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã góp phần cung cấp năng lượng cho đất nước.
“Nhưng tai nạn đáng tiếc xảy ra. Các công ty vận hành nhà máy điện trong và ngoài Nhật Bản cần phải học hỏi từ sự cố này để chạy các nhà máy điện một cách an toàn. Đối với sự tồn tại của điện hạt nhân ở Nhật Bản, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải thảo luận rộng rãi trong tương lai”.
Thế nhưng thuyết phục mọi người bây giờ sẽ không dễ dàng.
R.B.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2012/05/120505_jp_no_nuke_power.shtml
(nguồn boxitvn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001