Vũ Thị Phương Anh
Bài viết này tôi viết để gửi Tạp chí
Tia Sáng, đã được biên tập lại và đã đăng sáng nay 20/11/2012 với tựa đề
"Ngày 20/11, nhà giáo nghĩ gì?". Có thể xem ở đây: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5877.
Dưới đây, xin đăng lại bản gốc chưa biên tập của tôi.
Bước chân ra phố, vào siêu thị hoặc các cửa hàng thì không khí chào
mừng ngày 20/11 lại càng rõ hơn. Đủ loại hàng hóa đang được đưa ra bán
với giá khuyến mãi dành riêng cho ngày nhà giáo. Từ những loại hàng bình
thường như chai dầu gội đầu, kem dưỡng da/chống nắng, cravat, áo sơ mi,
đầm công sở, đến những loại mắc tiền hơn như nữ trang, điện thoại di
động, hoặc máy tính. Tất cả đều đang sẵn sàng chờ để phục vụ các thầy/cô
giáo, những con người cao cả và thực sự cần thiết cho sự phát triển của
đất nước.Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 lại một lần nữa đang đến. Trong những ngày này, có vẻ như toàn xã hội đều cùng lao vào chăm lo cho các nhà giáo cả về tinh thần lẫn vật chất. Ở các trường, từ mầm non đến đại học, có thể thấy mọi người tưng bừng tham gia các hội thao, hội diễn hoặc hội thảo, họp mặt để mừng ngày 20/11. Trong các gia đình thì các bậc phụ huynh đang lay hoay tính toán nên mua quà gì để tặng thầy cô của con mình, nếu không phải là tất cả thì chí ít cũng phải được thầy/cô giáo chủ nhiệm lớp hoặc thầy/cô dạy môn chính. Ở một số trường có Hội phụ huynh năng động, người ta còn vận động đóng góp để cuối cùng có thể tặng cho tất cả các thầy cô một phong bì nho nhỏ, với giá trị vài trăm ngàn đồng chẳng hạn.
Bước chân ra phố, vào siêu thị hoặc các cửa hàng thì không khí chào mừng ngày 20/11 lại càng rõ hơn. Đủ loại hàng hóa đang được đưa ra bán với giá khuyến mãi dành riêng cho ngày nhà giáo. Từ những loại hàng bình thường như chai dầu gội đầu, kem dưỡng da/chống nắng, cravat, áo sơ mi, đầm công sở, đến những loại mắc tiền hơn như nữ trang, điện thoại di động, hoặc máy tính. Tất cả đều đang sẵn sàng chờ để phục vụ các thầy/cô giáo, những con người cao cả và thực sự cần thiết cho sự phát triển của đất nước.
Và sau ngày đó, tất cả các thầy cô lại trở về với 364 ngày còn lại cuộc đời giáo viên nghiệt ngã của mình. Những bài vở bị mất đi để lấy thời gian tổ chức ngày nhà giáo sẽ phải được từng giáo viên tự bù lại, để có thể hoàn tất chương trình giảng dạy vốn được quản lý rất chặt chẽ từ trường đến các phòng và Sở Giáo dục. Họ vẫn phải sống đời nhà giáo của mình với đồng lương không đủ sống, và lời hứa “giáo viên sẽ sống được bằng lương vào năm 2010” đã qua đi 2 năm rồi nhưng không biết đến bao giờ mới thành hiện thực. Chương trình học thì nặng nề, giảm tải mãi mà tải hình như cứ tăng thêm, chỉ với một bộ sách giáo khoa duy nhất hoàn toàn không xét đến những khác biệt của từng đối tượng học sinh, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Hệ thống thi cử thì nặng nề và đầy áp lực, khiến nhu cầu học thêm của học sinh là hoàn toàn có thật. Dạy thêm vì vậy đã trở thành nguồn thu nhập bổ sung chính đáng từ hoạt động nghề nghiệp của các thầy cô, nhưng hiện đang bị hệ thống nhìn nhận như một hành động phạm pháp.
Những áp lực nói trên thường xuyên bào mòn sức lực của người thầy từng ngày, từng giờ. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Nghề giáo ở Việt Nam bây giờ còn là một nghề hết sức rủi ro, với sự gia tăng của tình trạng học trò đánh thầy cô, phụ huynh học sinh xúc phạm thầy cô, và tệ hại hơn, là những lời sỉ nhục, mạt sát vô tình hay cố ý của giới truyền thông đối với hình ảnh của người thầy trên báo chí hôm nay. Gần đây nhất, một cô giáo trẻ dạy Văn trong độ tuổi hai mươi phải đã xin nghỉ việc, chỉ vì sự cố “canh gà Thọ Xương” của cô – chưa biết thực hư thế nào – đã được báo chí đưa lên như một scandal để dư luận tha hồ lên án, ném đá. Giờ đây, trong không khí “tưng bừng” chào đón ngày 20/11, chẳng hiểu cô giáo trẻ của chúng ta đang ở đâu, và nghĩ gì?
Chẳng trách gì trong một khảo sát gần đây của Viện Khoa học Giáo dục, có đến một nửa số giáo viên được hỏi đã cho biết họ cảm thấy hối hận khi chọn nghề giáo. Vì “"Chưa bao giờ phương tiện thông tin đại chúng lại bôi nhọ nghề giáo như bây giờ", như lời chia sẻ của PGS.TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học Giáo dục)#. Nhưng rất bất ngờ rằng chính kết quả khảo sát hiếm hoi này lại rất ít được báo chí quan tâm phổ biến, ngược hẳn với vụ scandal “canh gà Thọ Xương” nói trên.
Có lẽ chúng ta cũng sẽ rất bất ngờ khi nghĩ về điều này: các scandal liên quan đến ngành giáo dục được khai thác trên báo chí khá nhiều đến nỗi đã tạo ra một hình ảnh xấu về nghề giáo. Nhưng hầu như không bao giờ ta được nghe lời phản hồi từ chính các nhà giáo về những scandal có liên quan đến mình, hoặc trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện của mình là Công đoàn ngành Giáo dục. Những tâm tư, nguyện vọng của các nhà giáo trong các scandal là gì, những hoàn cảnh nào khiến cho họ rơi vào những sai lầm – nếu quả là họ có sai lầm – liệu lâu nay có ai tìm hiểu để giúp họ khắc phục, cải thiện hay không? Hình như câu trả lời ở đây là: trong các vấn đề liên quan đến nhà giáo, thì chính nhà giáo lại là đối tượng vắng bóng và im tiếng nhất. Họ không hề có mặt, và không hề có tiếng nói!
Ngày nhà giáo Việt Nam là ngày để tôn vinh nhà giáo. Một mục tiêu rất tốt đẹp. Nhưng tôn vinh một ngày để làm gì, khi 364 ngày còn lại là một thực tại nặng nề, mòn mỏi và vô vọng, khi hết năm này đến năm khác các điều kiện làm việc và đãi ngộ của nhà giáo Việt Nam vẫn chẳng có gì cải thiện?
Nên chăng, từ ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách để cho các thầy cô giáo trả lời câu hỏi chưa có ai bao giờ đặt ra, đó là: Các nhà giáo Việt Nam có cần ngày nhà giáo hay không?
Admin gửi hôm Thứ Ba, 20/11/2012
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121120/vu-thi-phuong-anh-nha-giao-viet-nam-co-thuc-su-can-ngay-nha-giao
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001