Bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số
- 1- Vậy là cuộc lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp đã bắt
đầu. Từ ông nhà nước đến các chú báo chí (công cụ) đều tuyên bố rùm beng
về cái gọi là “hoạt động dân chủ sôi” nổi này.
Báo Vietnamnet (điện tử) ngày 6-11-2012 cho biết: “Chốt phiên thảo
luận tổ sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban soạn
thảo sửa đổi HP, nhấn mạnh một số yêu cầu với các đại biểu trong quá
trình góp ý cho việc sửa đổi. Ông nói: HP đã xác định rõ mọi quyền lực
đều nằm ở nơi dân. Dân ủy quyền cho Quốc hội, dân cũng đặt ra các định
chế cho nhà nước nên tất cả đều phải chịu sự giám sát của dân, kể cả tổ
chức đảng và đảng viên. Bản HP sửa đổi lần này sẽ là khung cơ bản thể
hiện rõ quyền lực của dân”. Vậy là nhân dân thực sự làm chủ rồi nhé! Oái oăm thay, Nguyễn chủ tịch thản nhiên phán tiếp: “Ban soạn thảo vẫn thống nhất giữ nguyên điều 4 HP về vai trò lãnh đạo của Đảng”.
Nghĩa là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội VN (tức toàn dân) vẫn
chỉ là cái đảng luôn tự nhận là “đội tiên phong và đại biểu trung thành
của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động (dù hai giới này xưa nay
bị sử dụng đến thí mạng và bị bóc lột tận xương tủy) và của dân tộc VN
(dù đám dân này xưa nay vẫn bị làm vật thí nghiệm cho chủ thuyết Mác-Lê
ngông cuồng và bầy nô lệ cho chế độ CS độc tài toàn trị).
Đến phiên Tạp chí Cộng sản (điện tử) hôm 02-01-2013 cũng cho biết: “Ngày
28-12-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 22
của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi
HP”. Chỉ thị mở đầu rất hùng hồn: “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân
dân về dự thảo sửa đổi HP năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan
trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm
phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân…
góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa VN của nhân dân,
do nhân dân, vì nhân dân.” Rồi ông ra lệnh cho các cấp lãnh đạo cơ quan,
tổ chức, đơn vị phải “đôn đốc, kiểm tra và tạo điều kiện cần thiết cho…
việc lấy ý kiến nhân dân; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… xây
dựng báo cáo đóng góp ý kiến của nhân dân, bảo đảm đúng tiến độ, chất
lượng, hiệu quả, phản ánh đầy đủ và chính xác ý kiến của nhân dân”.
Nghe mà quá sướng! Nhưng chưa kịp mừng vì lòng nhiệt thành quan tâm đến
tiếng dân của đảng, người ta đã tá hỏa bởi câu tiếp liền của ông Tổng:
“Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương lãnh đạo, kiểm tra việc
lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi HP… chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm quốc
phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ
chức hữu quan kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân
chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng
và Nhà nước ta”. Nghĩa là việc lấy ý kiến nhân dân lần này không chỉ cần
có các nhân viên dân sự hay các tòa soạn báo chí lắng nghe lời nói hoặc
đón nhận văn bản góp ý về HP rồi gởi về Quốc hội, mà cả lực lượng quân
đội và công an cũng phải vào cuộc, vì đảng sợ rằng từ trong bọn thảo dân
sẽ có những kẻ lợi dụng cơ hội trưng cầu ý kiến đó để tấn công đảng và
nhà nước, phá hoại an ninh, làm đảo lộn trật tự xã hội. Ông Tổng nhà ta,
trong cùng một văn bản, có thể nói những điều mâu thuẫn nhau (trên mị
dân, dưới đe người) mà chẳng xấu hổ chút nào cả!
Chưa hết, trong cuộc họp báo ngày 29-12-2012, ông Phan Trung Lý, trưởng
ban biên tập dự thảo sửa đổi HP lại tuyên bố là nhân dân có thể cho ý
kiến đối với mọi nội dung trong bản dự thảo, kể cả điều 4 của HP, “không có cấm kỵ gì cả”.
Trước đó, cũng số báo Vietnamnet nói trên cho biết thêm: Phó Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc (Trưởng ban chỉ đạo tổng kết thi hành HP) phát biểu: “Chúng tôi rất lắng nghe, rất cầu thị. Và muốn có một bản HP với giá trị lâu dài”. Cứ tưởng lần này nhà cầm quyền đã biết chia sẻ một phần “quyền làm chủ”
cho nhân dân, thể hiện một bước tiến dân chủ hóa trong bối cảnh Myanmar
đang cải cách sâu rộng về mặt chính trị. Nhưng cũng chính ông Phúc thản
nhiên nói tiếp: “Khẳng định điều 4, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng
là một nội dung rất quan trọng. Vì vậy việc sửa đổi phải hướng tới xác
định rõ chỉ một Đảng lãnh đạo…”. Việc câu sau chửi chống câu trước
như thế mà vẫn nói được chỉ có nơi những kẻ hoặc không biết suy nghĩ lý
luận hoặc đã hoàn toàn đứt dây thần kinh xấu hổ! Nghĩa là vô liêm sỉ tột
cùng!
Và dĩ nhiên việc tiêu biến sự xấu hổ rồi đây sẽ thể hiện qua cuộc tổng
kết vào cuối tháng 3, khi những ý kiến nào CS thấy bất lợi thì sẽ thẳng
thừng vứt vào sọt rác, những đề nghị nào động tới chuyện “nhạy cảm” hay
“cấm kỵ” thì sẽ cẩn thận ghi vào sổ đen, chờ ngày đưa ra trước tòa án
với nhiều tội danh của Bộ luật Hình sự: Điều 78: tội phản bội Tổ quốc, Điều 79: tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân, Điều 80: Tội gián điệp, Điều 87: Tội phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, Điều 88: Tội tuyên truyền chống Nhà nước v.v…
2- Đài BBC (điện tử) ngày 10-01-2013 đã đưa bản tin “Hà Nội có nhóm chuyên gia bút chiến”.
Theo đó,tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc 2012 sáng ngày 9-1 ở
Hà Nội, trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi cho biết thành phố
đã tổ chức đội ngũ chuyên gia (gồm 19 trang tin điện tử và hơn 400 tài
khoản trên các mạng xã hội) để “đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên internet chống những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”. Ngoài ra, cơ quan tuyên giáo còn tổ chức đội ngũ 900 “dư luận viên” làm công tác đi tuyên truyền. Ông Lợi nói:
“Trong nước, các nhóm đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng lòng yêu nước
của quần chúng nhân dân đối với các hành vi của Trung Quốc trên biển
Đông, sự bức xúc trong đền bù giải tỏa đất đai đã kích động nhân dân tổ
chức hàng chục cuộc tuần hành biểu tình, gây những hệ quả tiêu cực, ảnh
hưởng đến hình ảnh và sự phát triển chung của đất nước”…
Người ta được biết tay Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy này từng làm phó
biên tập báo Quân Đội Nhân Dân và tổng biên tập báo Hà Nội Mới. QĐND là
tờ báo chuyên đời ngụy biện và đầu độc công luận, mới đây nổi đình nổi
đám với bài “Không thể chấp nhận quan điểm quốc gia hóa quân đội” của cái ông Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Bình, và bài “Điều 88 Bộ luật Hình sự với quyền con người và quyền công dân”
của tác giả Đức Giang nào đó phản bác lại những ý kiến kêu gọi tôn
trọng nhân quyền tại Việt Nam. Còn tờ Hà Nội Mới thì từng nổi danh qua
việc dựng chuyện đả kích vu khống giáo dân Thái Hà và Đức Tổng giám mục
Ngô Quang Kiệt năm 2007-2008 mà Hồ Quang Lợi là chủ mưu chính. Nhờ đã
“lập đại công” dâng đảng trong vụ này nên y được cất nhắc lên Trưởng ban
Tuyên giáo Hà Nội đầy quyền lực và béo bở.
Theo tác giả Tâm Đồn (với bài “Đội quân đớn hèn” đăng trên BVN), đây là
lần đầu tiên một quan chức CS công khai thừa nhận sự tồn tại của một
nhóm chuyên viết ăn lương, mà dư luận thường gọi là 'hồng vệ binh', hay
'CAM' (Công an mạng). Nó tương tự như bên Trung Quốc cách đây khoảng 10
năm, khi những người bất đồng chính kiến, dân chủ đối kháng bắt đầu sử
dụng công cụ sắc bén Internet để truyền bá các tư tưởng và giá trị dân
chủ ưu việt chống lại các tư tưởng độc tài tệ hại của nhà cầm quyền CS.
Bắc Kinh lúc ấy, ngoài việc bịa đặt các chứng cứ hình sự để dễ bề tống
ngục họ nhằm dập tắt tiếng nói lương tri, đã tạo ra một công cụ hết sức
tàn độc và ươn hèn: lực lượng đánh thuê trên mạng, có nhiệm vụ viết các ý
kiến phản hồi bênh vực đảng CS, đả phá các tư tưởng dân chủ và cải
cách. Các “chiến binh” đặc biệt với đồng lương ưu đãi này cả ngày ngồi
trước máy tính, nặn ra những luận điệu mà Đảng mong muốn, sau đó tung
lên mạng. Với số lượng ước tính khoảng 20.000, đội quân chiến binh thầm
lặng và vô liêm sỉ đó đã nhận được những khoản tiền không nhỏ (nghe nói
là 50 nhân dân tệ cho mỗi một comment) lấy từ tiền thuế nhân dân.
Tại VN, khoảng 3-4 năm nay, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Liệu nước ta
có tồn tại một lực lượng đánh thuê trên mạng không? Không ai trả lời
nổi. Nhưng cho đến sáng ngày 09-01-2013, mọi việc trở nên rõ ràng: tên
tớ Việt cộng cũng đã học theo ngón nghề của ông thầy Tàu cộng, xây dựng
một đội quân đánh thuê trên mạng, dưới sự điều hành của một trong những
kẻ mặt dày nhất và vô liêm sỉ nhất trên lãnh vực truyền thông CS (bên
cạnh Hữu Ước và Nguyễn Như Phong). Với sự thừa nhận của Hồ Quang Lợi,
Việt cộng thêm một lần nữa áp dụng các biện pháp và chính sách của Tàu
cộng, kể cả vĩ mô và vi mô. Đội lính đánh thuê trên mạng do đảng Cộng
sản thành lập và trả lương với tiền thuế của nhân dân này chắc chắn sẽ
bất chấp xấu hổ, liêm sỉ để tiếp tục những trò hèn nhát (giấu mặt, nặc
danh), thô bạo (hacker phá hoại) và tráo trở (bịa đặt xuyên tạc) để tấn
công giới bất đồng chính kiến, giới dân chủ đối kháng và giới trí thức
phản biện ở Việt Nam.
3- Cũng phải nêu tên một số lãnh đạo chức rất cao nhưng mặt cũng rất dày
mà tên tuổi được công luận nhắc nhở qua nhiều sự kiện khác trong thời
gian gần đây. Đó là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với lập trường “Kỷ luật
(trong đảng) chỉ sinh ra thù oán, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ”
và cho thái độ bao che nhau này là “tư tưởng nhân văn” (Cuộc tiếp xúc cử
tri Hà Nội hôm 01-12-12). Đó là cựu thứ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường
Đặng Hùng Võ mà hôm 8-11-2012, đã thừa nhận sai lầm và nhận lỗi trước
mặt nông dân Văn Giang khi ký hai tờ trình năm 2004 dẫn đến việc Phó thủ
tướng lúc ấy ký quyết định thu hồi đất trái luật, rồi chỉ vài hôm sau
lại chẳng ngượng miệng nói việc thừa nhận ấy quá hấp tấp vội vàng !?! Đó
cũng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vốn đang ngậm tăm (và công luận sợ là
đang rắp tâm) trước sự việc nữ diễn viên kiêm đạo diễn điện ảnh Nguyễn
Thị Kim Chi, hôm 8-12-2012, từ chối lời khen của ông vì “không muốn
trong nhà có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân
dân” và coi đó là một sự xúc phạm.
Xấu hổ, liêm sỉ là một trong những đức tính Ông Trời phú bẩm cho con
người để xây dựng nhân cách, chùn tay trước điều xấu định làm, sửa chữa
những lỗi lầm đã phạm và thay đổi lối ứng xử, cách hành động của mình,
đặc biệt đối với tha nhân và xã hội trong tương lai. Nhưng lịch sử mấy
mươi năm của đảng CS cho thấy đức tính này hầu như vắng bóng hoàn toàn
nơi các đảng viên, nhất là nơi hàng lãnh đạo đảng. Thảo nào chính trị
ngày càng hà khắc, kinh tế ngày càng suy thoái, đạo đức ngày càng lụn
bại, xã hội ngày càng hỗn loạn và đất nước ngày càng lâm nguy!
Ban biên tập
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 163 (15-01-2013)
Danlambao.blogspot.com
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 163 (15-01-2013)
Danlambao.blogspot.com
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/01/phai-biet-xau-ho.html#more
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào
“nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001