Võ Văn Tạo
Mấy ngày nay, báo Tuổi trẻ đăng loạt bài bài “Trường Sa – khúc bi tráng 14-3”. Trong đó, ngày 12-3 có bài “Cuộc tìm kiếm dưới đáy biển Gạc Ma”, ngày 13-3: “Ngày trở về”, ngày 14-3: “Tìm lại tên cho anh”, ngày 15-3: “Đường về quê mẹ”…
Ít người biết, ý tưởng đề tài trên đã hình thành hơn 4 năm trước, từ hạ tuần tháng 12-2008.
Số là, ngày 19-12-2008, PV thường trú báo Tiền phong tại Nha Trang Đình Quân mách tôi: “Mấy sếp Vùng 4 (hải quân) nói vừa phát hiện 4 bộ hài cốt liệt sĩ ta ở đảo Gạc Ma”. Cảm giác nghề nghiệp bảo, thông tin rất có ý nghĩa và cực “hot”, phải triển khai ngay! Lập tức liên lạc sĩ quan chức năng Vùng 4, được xác nhận và cho biết thêm, vụ việc đã được báo cáo quân chủng Hải quân, “đề nghị nhà báo liên hệ thêm sếp Dương (Đại tá Hoàng Ngọc Dương – Trưởng phòng dân vận quân chủng)trên quân chủng để nắm chi tiết” và cho số máy anh Dương. Đại tá Dương cho biết số hài cốt trên đã được Tàu 21 hải quân đưa về Vũng Tàu, làm lễ truy điệu ở Đoàn M29. Như vậy, mối ngờ vực thận trọng (luôn cần thiết của nghề báo) số hài cốt trên chắc gì đã là của liệt sĩ ta, biết đâu của ngư dân ta hoặc các nước lân cận, hoặc lính nước ngoài… ám ảnh tôi, coi như được giải tỏa. Anh Dương cho biết thêm, bộ Quốc phòng đã được báo cáo, đang cho giám định AND để đưa di cốt từng liệt sĩ về tận quê nhà và đã đề nghị bộ Ngoại giao phối hợp, đề nghị phía Trung Quốc không ngăn cản, làm khó đội lặn vớt của ta ra Gạc Ma quy tập nốt số hài cốt còn lại theo thông lệ nhân đạo quốc tế.
Biết nhà báo Lê Bá Dương (cùng lính Quảng trị 1972 với tôi, Trưởng đại diện báo Văn hóa tại Nha Trang, tác giả những vần thơ cảm động: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm / Có tuổi hai mươi thành sóng nước / Vỗ yên bờ mãi mãi nghìn năm…”) quen biết Thứ trưởng Quốc phòng – tướng Nguyễn Huy Hiệu (cùng Trung đoàn 27), tôi điện nhờ anh lấy thêm thông tin vụ này. Lê Bá Dương nói đang công tác Hà Nội, và sau đó cho biết “họ” không chịu cung cấp.
Cái khó ló cái khôn, bỗng vụt nhớ trước đó vài tháng, về Hà Nội dự họp mặt cựu sinh viên Khóa 14 – ĐH Ngoại thương HN theo lời mời của BLL K14 (tôi học Khóa 15, nhưng bà xã lại học lớp nghiệp vụ Anh K14), được biết Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn cũng K14 – ở lớp Trung “Bắc Kinh”. Gọi là Trung “Bắc Kinh” để phân biệt với Trung K14 Hà Nội (chỉ học ở HN). Lớp Trung “Bắc Kinh” được gửi sang Bắc Kinh học, vướng biến cố “Cách mạng văn hóa” quái đản, phải về nước học tiếp. Tôi nghĩ, chắc Thứ trưởng Sơn phụ trách mảng Trung Quốc, bèn tra cuốn kỷ yếu K14 vừa mang về sau chuyến họp mặt để có số điện thoại anh Sơn. Sáng 20-12-2008, với tư cách nhà báo, ông xã của Ng.L – lớp Anh K14, tôi điện hỏi Thú trưởng Sơn. Anh xác nhận có biết chuyện này và cho biết cục Lãnh sự trực tiếp thực hiện. Hỏi: “Phía “bạn” có đáp ứng không? Đã trả lời chưa?” Anh Sơn nói: “Chưa”.
Thông tin vậy là đã “hòm hòm”.
Dạo ấy, Tuổi trẻ vừa “choáng” vụ PMU 18, hàng loạt nhân sự chủ chốt bị xử lý oan ức. Phó tổng biên tập Bùi Thanh bị cách chức, rút thẻ nhà báo. Phó đại diện Hà Nội Nguyễn Văn Hải bị tống giam, Trưởng đại diện Hà Nội Đà Trang bị cách chức… Tờ báo chuyển sang tránh né các vấn đề trọng đại, gay cấn của đất nước, lượng phát hành sụt thảm hại, phóng viên, BTV tâm tư… Tôi nghĩ, với thế mạnh đội ngũ PV, CTV khắp nước, thông tin hài cốt liệt sĩ Gạc Ma có thể giúp Tuổi trẻ triển khai thành loạt bài hấp dẫn, có thể với tiêu đề “Hành trình đưa các anh về quê nhà”, góp phần giúp Tuổi trẻ lấy lại phong độ, bèn điện gợi ý Thu An – Trưởng ban Thời sự – chính trị. Thu An nhìn nhận đây là đề tài rất ý nghĩa và hấp dẫn, nói đang đi công tác Cần Thơ, đề nghị tôi cứ soạn gấp tin nóng gửi tòa soạn, khi về SG sẽ bàn với ban Biên tập để có thể triển khai loạt bài.
Chiều 20-12-2008, tôi soạn bản tin: “Phát hiện hài cốt liệt sĩ VN ở đảo Gạc Ma (Trường Sa)”, nguyên văn:
“Nguồn tin từ Vùng 4 hải quân cho biết, trong khi đánh bắt hải sản ở gần đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), một số ngư dân VN phát hiện và vớt được hài cốt của bốn liệt sĩ hải quân VN hi sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma (14-2-1988) và đã trao cho bộ đội Trường Sa.
Quân chủng hải quân VN đã giao mẫu hài cốt cho pháp y quân đội giám định, xác định danh tánh bốn liệt sĩ này (đối chiếu với ADN của thân nhân 64 liệt sĩ VN hi sinh ở Gạc Ma trong trận chiến nói trên). Tàu Trường Sa 21 – Hải quân VN đã đưa bốn bộ hài cốt liệt sĩ nói trên về đất liền, làm lễ tưởng niệm tại đoàn M29 – Hải quân VN.
Sáng 20-12, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn xác nhận, Bộ Ngoại giao VN đã làm việc với phía Trung Quốc, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ VN ở Gạc Ma, nhưng đến nay, phía bạn chưa trả lời”.
Bản tin được gửi vào tòa soạn Tuổi trẻ, kèm các file tư liệu, không quên gửi PV Đình Quân của Tiền Phong, để “đáp lễ”. Quãng một giờ sau, BTV Đặng Đại từ Tuổi trẻ điện: “Tin quá hay! Nhưng tòa soạn vừa hội ý, quyết định không đăng, vấn đề “nhạy cảm”. Nghe vậy, tôi quá thất vọng.
Sáng 21, báo Tiền phong (cả giấy và onlines) đăng bản tin trên, không có đoạn cuối: “Sáng 20-12, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn xác nhận, Bộ Ngoại giao VN đã làm việc với phía Trung Quốc, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ VN ở Gạc Ma, nhưng đến nay, phía bạn chưa trả lời”. Tôi copy bản tin Tiền Phong onlines vừa đăng, gửi tòa soạn Tuổi trẻ, không bình thêm nửa chữ.
Sáng 22-12, Tuổi trẻ (cũng cả giấy và onlines) đăng bài dài về sự kiện phát hiện hơn 1.000 bộ hài cốt bộ đội ta (bị bắt làm tù binh) ở đảo Phú Quốc, kèm theo BOX mẩu tin của tôi về hài cốt vừa phát hiện ở Gạc Ma, cũng không có đoạn cuối. Tôi rất tiếc, vì soạn đoạn này, tôi có ý “la làng” để dư luận trong và ngoài nước biết thái độ vô nhân đạo của TQ (Mỹ sang đánh VN, VN còn tạo điều kiện Mỹ tìm kiếm, đưa hài cốt lính Mỹ về cơ mà!). Nếu Tuổi trẻ đăng nguyên văn, có lẽ Đại sứ TQ tại VN cũng “nhức đầu”, phải đốc thúc Bắc Kinh khẩn trương chấp thuận đề nghị quy tập của VN.
Bỗng khoảng 22 giờ cùng ngày 22-12, PV Đình Quân điện báo, Tiền phong bóc mất bản tin hài cốt Gạc Ma trên onlines. Vào Tuổi trẻ, cũng thấy đã “bốc hơi”. Tôi nghĩ, bản tin ngắn bị bóc thì kế hoạch loạt bài cũng không thể triển khai. Than phiền với Bùi Thanh (đang phụ trách loạt bài về nhà dàn DK trên Tuổi trẻ), anh bảo “sẽ trở lại đề tàu này vào thời điểm thích hợp”. Sau đó ít tháng, Bùi Thanh có dịp ra Nha Trang, kể chuyện Tuổi trẻ đã lần theo dấu vết, đến đảo Lý Sơn, gặp được nhóm ngư dân chuyên lặn sắt phế liệu ở biển Đông đã phát hiện số hài cốt trên. Sau lần ấy, họ có trở lại tàu HQ 604 chìm ở Gạc Ma để tiếp tục tìm kiếm, nhưng sau lân gặp sự cố kỹ thuật, một ngư dân thiệt mạng, đành ngưng việc tìm kiếm.
Hơn 4 năm trôi qua, cái “thời điểm thích hợp” Bùi Thanh tiên liệu mới trở lại!
V.V.T.
nguồn:http://anhbasamnew.wordpress.com/2013/03/15/chuyen-hai-cot-liet-si-gac-ma-chat-vat-len-bao/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001