at 3/03/2013 10:24:00 AM
Hà Kỳ Lam
Tặng những người Việt ly hương
Bây giờ là mùa xuân năm 2085.
Người đàn ông lạc lõng, cô đơn nhất trái đất đang lái xe theo xa lộ vòng đai bao quanh thành phố Philadelphia thuộc Đông Bắc Hoa Kỳ, một xa lộ lưu thông hai chiều, mỗi chiều mười giòng xe cộ. Thực ra, anh ta không lái, mà chỉ ngồi cho xe tự bay bổng là là bên trên mặt đường. Anh ta tên là Lưu Thái Hồ. Tháng Tư ở vùng Philadelphia thật êm đềm, dễ chịu. Hàng cây bên kia bờ sông phủ đầy hoa trắng, soi mình bên giòng nước trong và phẳng như một tấm gương lớn gợi chàng những tháng Tư của Philadelphia ngày cũ. Một số các nhà chọc trời cũng cho chàng hình tượng của Philadelphia ngày xưa. Ngoài ra, tuyệt nhiên không còn đường nét nào của quá khứ để chàng thấy mình đang trở về chốn cũ. Thốt nhiên Hồ đưa tay bấm vào một nút nhỏ trên cần lái để chấm dứt sự điều khiển của hệ thống điện toán và ra-đa, và đích thân mình cho xe giạt sang đường ranh bên phải, giảm tốc độ, chuẩn bị rẽ vào công viên trước mặt, bên bờ sông Schuylkill. Còn những hơn một giờ đồng hồ nữa mới đến giờ hẹn tại một tiệm ăn ở trung tâm thành phố với người con gái mới quen ba tuần nay, và Hồ muốn vào đây tìm một góc yên tĩnh để ngồi một mình cho thoải mái. Sau chín mươi ba năm “ngưng hiện hữu”, trở lại Philadelphia chàng thấy lạc lõng, lạc lõng một cách ghê gớm, không sao tả xiết. Những con người với kiểu tóc, y phục, dáng điệu, những tiện nghi đời sống, tất cả đều quá xa lạ với Hồ. Ngày xưa, ở thời của chàng, Hồ chưa hề thấy những sự vật và sự việc như thế. Chàng khổ sở mà thấy rằng mình không thuộc về hiện tại này, dù có làm mọi cách, có cố gắng hòa đồng các mấy đi nữa. Mọi sự do bởi cái bi đát là thiếu hẳn sợi dây gắn liền cá nhân mình với chung quanh, với xã hội. Làm sao có thể có được sự gắn liền kia khi trong chàng không có chỗ nào cho sợi dây vô hình ấy có thể móc vào để bám vững. Hồ không lớn lên với các thế hệ chung quanh chàng; Hồ không hít thở cái văn hóa của họ; Hồ đi trước họ, nhưng Hồ “ngưng hiện diện”, Hồ “đi xa” gần cả trăm năm nay. Hồ thuộc về các bậc tiền bối “khả kính” xa xưa. Trong tâm trạng bàng hoàng, hoang man lẫn tuyệt vọng đến cùng độ, chàng chỉ còn biết chạy trốn, rút lui vào cái vỏ ốc của mình, cái vỏ ốc chứa trong lòng nó những chân trời dĩ vãng. Hồ là một “thiên thần đang nhớ về Trời”!
Ngồi tựa lưng vào một thành ghế xi măng, nhìn những kiểu xe cộ kỳ dị bay như tên bắn trên không phận xa lộ chạy ngang trước mặt – xa lộ từ trường – Hồ không tin nỗi mắt mình lẫn ý thức mình. Có thật chàng đã ngưng sống chín mươi ba năm nay không? Chiếc xe Hồ đang sử dụng cũng là loại xe hơi nam châm bay bổng trên mặt đường từ trường. Chàng rất mê chiếc xe này – thực ra, chàng thích tiện nghi của xe hơi thế kỷ này, bay bổng trên không, êm ái, xe tự điều khiển, tự giảm hay tăng tốc độ, tránh chướng ngại vật, và dừng lại khi cần, chàng chẳng phải bận tâm với đường sá. Nhìn ra chung quanh, xe cộ đủ cỡ bay vù vù cùng chiều hay ngược chiều với mình. Trên hè phố, lát đát những người máy đi xen kẽ với người “thật”. Nhìn quang cảnh lạ lùng, Hồ thầm nghĩ, mình có diễm phúc thật. Dễ gì được chứng kiến cuộc sống nửa cuối thế kỷ 21 này! Đúng là họa trung hữu phúc, tai ương của đời chàng ở thế kỷ trước lại đem đến cái may mắn tuyệt vời cho chàng được sống dậy ở cuối thế kỷ sau.
Hồ nhớ lại cả một quá khứ dài trước năm 1992, chuỗi ngày đẹp đẽ vô tư với bố mẹ, bạn bè, người yêu, bà con thân thuộc, cũng tại thành phố nầy. Theo cha mẹ vượt biển, rời bỏ Việt Nam, đến định cư tại Hoa Kỳ được mười năm thì xảy ra một tai ương cho đời chàng. Vừa ba mươi tuổi chàng bị một chứng bệnh không truyền nhiễm nhưng ngặt nghèo mà y khoa thời bấy giờ đành bó tay. Cái chết rất gần kề. Các bác sĩ ước tính sự sống của chàng không kéo dài tới một năm. Là đứa con duy nhất của gia đình, bệnh trạng của Hồ là niềm đau xót vô biên cho cha mẹ chàng. Họ không thể làm gì để cứu đứa con núm ruột đang từng ngày chờ chết, nhưng họ không muốn bó tay nhìn con ra đi tức tưởi như thế. Phải làm gì bây giờ? Trăm phương nghìn kế cũng vô ích khi chiếc đũa thần y khoa hiện tại đã thúc thủ! Thế rồi, một công ty chuyên về kỹ thuật đông lạnh làm ngưng sự sống đã tìm đến gia đình bệnh nhân độc đáo nhất thế kỷ để thương lượng một giao kèo, vì họ vừa thí nghiệm thành công mỹ mãn kỹ thuật nầy, và đang đi tìm những khách hàng đầu tiên. Cái khái niệm của dịch vụ nầy thì đơn giản, nhưng táo bạo: nếu phó mặc cho sự đưa đẩy của may rủi thì chỉ không đầy một năm chàng thanh niên Lưu Thái Hồ sẽ về với cát bụi; với kỹ thuật tối tân vô tiền khoáng hậu, công ty nầy có thể cứu mạng Hồ bằng cách bảo toàn bộ não và thân thể chàng trong nguyên trạng cho đến bao lâu cũng được, cho đến khi y khoa tìm ra được thuốc chữa chứng bệnh lạ lùng nầy. Khi đó Công Ty sẽ cho chàng hồi sinh để tiếp nhận sự chữa trị của y khoa. Nhưng giao kèo của Công Ty giới hạn thời gian hiệu lực là một trăm năm, không hiểu do chi phối của một lý do kỹ thuật, hay một luật lệ nào. Điều đó có nghĩa là, nếu đến một trăm năm, kể từ ngày Công Ty đưa Hồ vào phòng lạnh đặc biệt để “ngưng sống”, mà y khoa vẫn chưa tìm ra phương cách nào chữa trị chứng bệnh mà chàng đang mắc phải, thì hợp đồng vẫn hết hạn, và chàng phải hồi sinh để phó mặc cuộc đời với căn bệnh của mình. Gia đình chàng đã can đảm chọn giải pháp mà công ty kia đề nghị, một quyết định mà mọi người phải có đủ “sắt đá” và tinh thần thực tế mới làm nổi, chàng lẫn cha mẹ chàng, vì đó là quyết định nghìn thu vĩnh biệt, là hy sinh những ngày tháng quí giá còn lại trên đời về phía con cho một tương lai lâu dài hơn, mà cũng có thể cho một tương lai không bao giờ đến, như phi thuyền con ráp nối trật với phi thuyền mẹ và đi vào không gian miên viễn.
Hồ nhớ lại giây phút đau lòng từ giã cha mẹ tại Chicago, nơi đặt cơ xưởng và phòng thử nghiệm của công ty ướp xác hồi sinh. Cha mẹ Hồ là một trong số ít người Việt đã thành công vượt bực trong thương trường ở Mỹ nên mới có đủ khả năng tài chánh chi cho dịch vụ cực kỳ tốn kém nầy. Họ sá chi tốn kém, miễn sao cứu được đời con, và họ sá chi chuyện vĩnh biệt con, nếu sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại con, miễn sao trong tương lai con họ sẽ đứng dậy hít thở khí trời, khỏe mạnh như xưa. Công Ty đã dàn xếp một trương mục ngân hàng đặc biệt để cha mẹ Hồ ký thác những gì muốn để lại cho con.
Và rồi cách nay sáu tháng chàng đã được hồi sinh theo hợp đồng để nhận sự chạy chữa của y học, vì cuối cùng thần dược đã được phát minh. Hồ đã bị “đông lạnh” ngưng sống, trong tình trạng không già không chết trong chín mươi ba năm nay. Việc chữa trị bệnh chàng chỉ mất có vài tháng, nhưng giai đoạn hồi sinh là một tiến trình khá chậm chạp. Công Ty đã phải mất gần hai tháng mới khôi phục lại tất cả các năng lực của các giác quan. Khởi đầu là bộ não sống dậy. Chàng nhận biết sự vật chung quanh, nhưng không hiểu mối tương quan giữa chúng, rồi dần dần chàng “tri giác” (hay nhớ lại) nhiều lên. Khi chàng hoàn toàn trở lại với sự sống bình thường trước kia, Hồ đã được Công Ty đưa cho ký một loạt giấy tờ, sổ sách để nhận lại tài sản, tiền bạc cha mẹ chàng để lại. Kể cả vốn lẫn lãi sinh sôi nẩy nở từ ngày xưa đến nay, Hồ hiện làm chủ một trương mục ngân hàng kết xù gần cả tỷ đô la. Căn nhà đắt tiền của bố mẹ chàng ngày xưa ở một khu giàu có ngoại thành Philadelphia cũng thuộc về chàng. Và còn bao nhiêu tư trang quý giá. Qua giấy tờ để lại, Hồ được biết cha mẹ chàng lần lượt qua đời cách nay bảy mươi năm. Ông bố qua đời trước, và sáu năm sau mẹ chàng ra đi theo. Hồ tự hỏi không biết chuỗi ngày cuối đời bố mẹ có được sung sướng không. Chàng chỉ mới đến viếng phần mộ của song thân cách nay ba tháng, hôm trở lại Philadelphia để nhận lại cơ ngơi, nhà cửa theo di chúc, trước khi trở lại Chicago điều trị. Chàng đã yêu cầu Công Ty tiếp tục quản thủ căn nhà thêm vài tháng nữa, trong khi chàng nằm bệnh viện.
Xúc động nhất là hôm đầu tiên trở lại căn nhà kỷ niệm. Từ chung quanh nhà cho đến vào bên trong chẳng có gì thay đổi từ ngày chàng tạm biệt ra đi. Mấy chục năm vắng bóng Hồ mà cha mẹ chàng vẫn duy trì căn nhà nguyên vẹn như xưa để cho chàng về không thấy lạc lõng. Ôi, chỉ có tình thương của cha mẹ cao hơn núi, dài hơn sông mới làm được như thế! Nhưng thà quang cảnh cứ thay đổi đi, cho chàng đỡ nhớ, đỡ đau lòng. Chỗ nầy một chồng đĩa nhạc, chỗ kia một chồng tạp chí Anh Ngữ, lẫn mấy cuốn sách báo Việt Ngữ. Tất cả đều gợi nhớ thương vô bờ bến.
Tại Chicago, trước khi nhập viện chữa trị, Hồ đã được Công Ty thuyết trình vắn tắt những nét đại cương cần biết của cuộc sống trong thế kỷ 21. Đó là một phần trong giao kèo của dịch vụ, phần chuẩn bị cho khách hàng hội nhập vào xã hội mới, hay là phần “hậu hồi sinh”. Sau phần nầy là kết thúc giao kèo của dịch vụ. Trong số những điều họ hướng dẫn cho chàng, Hồ nắm được mấy điểm chính sau đây:
Cuộc cách mạng đo lường của nước Mỹ mà nhiều người đề nghị từ thế kỷ trước, thế kỷ 20 của chàng, đã hoàn tất hai mươi năm nay rồi: tất cả đều dùng hệ thống bách phân (độ C thay độ F, kí-lô thay pound, cây số thay cho dặm v.v.).
Kỹ thuật xe hơi đã tiến tới mức xe có thể tự lái, người ngồi chỉ chọn lựa lộ trình. Xe hơi bây giờ là xe điện từ, bay bổng bên trên đường sá có từ trường, và tiêu thụ nhiên liệu rất ít, vì không bị lực cản do ma sát với mặt đường.
Văn minh điện tử đã tiến xa. Một xã hội của máy điện toán tinh khôn hiểu được ý nghĩ của con người đã ra đời, điều mà ở thời mình Hồ đã đọc trong những bài dự đoán có tính cách hoang tưởng. Bây giờ con người chỉ cần nghĩ đến một mệnh lệnh nào đó, và điều mong muốn của mình liền được máy thi hành. Thực ra, cơ sở của kỹ thuật nầy đã được các nhà khoa học thời của Hồ thiết lập rồi – lần đầu tiên một thử nghiệm nối não bộ con người với máy điện toán đã thành công. Nhưng phải chờ đến gần một thế kỷ sau người ta mới hoàn chỉnh kỹ thuật đó như ngày nay. Hồ hiểu đại khái rằng chỉ cần mang điện cực quanh đầu con người, máy điện toán với nhu liệu đặc biệt có thể đọc tín hiệu của não bộ và giải mã, hiểu dữ kiện nhận được, chứ không như những thử nghiệm ngày xưa, phải giải phẫu óc để gài vào một điện cực thủy tinh nhỏ li ti, và phải có cách “nối” nó với máy điện toán.
Nguồn thông tin liên mạng bây giờ là một thế giới thần tiên. Cái khái niệm về thông tin liên mạng thật khó hiểu với Hồ, vì thời của chàng tuy đã có kỹ thuật này nhưng còn phôi thai, và còn nằm trong vòng bảo mật của bộ quốc phòng Hoa Kỳ, chưa được tháo khoán cho ứng dụng thương mại. Theo sự trình bày của Công Ty, Hồ hiểu mơ hồ rằng liên mạng là một hệ thống toàn cầu của những mạng lưới máy điện toán liên kết với nhau, phục vụ hằng bao nhiêu tỉ người khắp hoàn vũ. Hồ được biết, ngày xưa - nghĩa là vẫn sau thời của Hồ – người ta dùng máy điện toán, hay điện thoại bỏ túi, liên lạc với nguồn thông tiên liên mạng; ngày nay với cặp kính mắt thường hay contact lenses con người có thể vào đọc thông tin liên mạng! Và điện thoại bây giờ đã lỗi thời, vì thông tin liên mạng bao gồm cả hình thái liên lạc cá nhân ấy.
Chiếc đũa thần y khoa đã thực hiện được nhiều điều thần thánh: làm chậm tiến trình lão hóa; tái tạo được các cơ quan trong thân thể bệnh nhân như gan, thận với phương pháp nuôi cấy tế bào; bệnh ung thư dễ dàng được khám phá và tiêu diệt sớm hàng chục năm, trước khi nó phát triển thành ung bướu. Tuổi thọ con người ngày nay có thể đến một trăm năm mươi tuổi; và v.v.
Thời trang bây giờ là tổng hợp kiểu cách của thập niên 1960 và thế kỷ trước đó. Hồ nghĩ, óc sáng tạo của con người vốn nghèo nàn thật; hết kiểu rồi phải quay về thời xưa. Nếu đến một lúc nào đó thời trang quay về thời kỳ ăn lông ở lỗ thì sao nhỉ?
Hôn nhân: nước Mỹ giảm thiểu đáng kể tình trạng sống chung thời tiền hôn nhân. Bây giờ ít cặp trai gái làm điều đó nữa. Tiến trình hôn phối trở lại cổ truyền, tức là sau hôn lễ họ mới bắt đầu cuộc sống chăn gối.
Thế giới đã đổi thay quá nhiều. Việt Nam, quê hương chàng bên kia biển, không còn trong vòng kiềm tỏa của các chế độ độc tài toàn trị nữa, và chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung trên toàn thế giới.
Nhìn đồng hồ tay, Hồ vội vã đứng dậy tiến về xe chàng. Còn hai mươi phút nữa là tới giờ hẹn. Leslie sẽ chờ chàng ở tiệm ăn tại ngã tư chỗ giao nhau của đường 16 và đường Oscar (đường Market ở thời của Hồ).
Hồ đến sớm hơn giờ hẹn năm phút. Giờ nầy, gần sáu giờ chiều, tiệm ăn thường vắng khách. Chàng chọn một bàn gần cửa kính nhìn ra Tòa Thị Chính bên kia đường. Chàng thích hình ảnh tòa nhà, vì quang cảnh quen thuộc nầy mới cho chàng một cảm giác mong manh về sự gắn liền giữa mình với thành phố nầy, thành phố mà hơn một trăm năm về trước chàng và bố mẹ đã sống những ngày tháng đầu tiên của cuộc đời tỵ nạn, và cũng là nơi gia đình đã mặc nhiên nhận làm quê hương mới. Hồ hơi nóng lòng liếc nhìn đồng hồ trên tường: quá mười phút rồi mà Leslie vẫn chưa đến.
Chàng gặp Leslie ba tuần trước tại một ngân hàng. Gương mặt Á Đông thanh tú, trong vóc dáng cân đối, tròn lẳn, thoạt nhìn chàng thấy cô gái hao hao giống Nga của chàng hồi xưa. Chàng bỗng có linh cảm cô gái nầy là Việt Nam. Đôi lần Hồ bắt gặp cô gái liếc nhìn mình rất nhanh. Lúc cả hai người cùng tiến ra cửa, Hồ do dự mấy giây rồi đánh bạo lên tiếng trước, bằng Anh ngữ:
Xin lỗi, cô có phải là người Việt không?
Qua một thoáng bỡ ngỡ – không phải vì bị người lạ hỏi bất chợt, mà vì nàng chưa bao giờ bị hỏi một câu như thế ở xứ nầy, cái xứ mà không ai còn để ý đến nguồn gốc chủng tộc nữa, khi hàng rào ngôn ngữ đã bị san bằng từ lâu rồi, và chỉ còn một ngôn ngữ độc nhất cho mọi người là Anh ngữ – Leslie trả lời:
Vâng, tôi cho là thế. Nãy giờ tôi đang cố nhớ xem đã gặp ông ở đâu, và tôi nghĩ tôi đã thấy ông trên màn ảnh liên mạng cách nay mấy tháng. Có đúng không?
Đến phiên Hồ ngạc nhiên, không phải vì sự nhận diện của cô gái, mà vì câu nói “Vâng, tôi cho là thế.” Có phải là một câu nói kiểu cách, hay một câu nói “xỏ lá”? Nhìn gương mặt trong sáng và đầy vẻ chân thật kia, Hồ nghĩ, không phải thế, không có một nét gì ma mãnh ở người con gái nầy; chắc tại lối nói của người ở thế kỷ nầy như vậy. Hồ nói:
Đúng, người ta quay phim và phỏng vấn tôi. Vậy là cô có vào xem liên mạng, và biết về tôi?
Leslie nhìn Hồ từ đầu đến chân với đôi mắt ngạc nhiên thích thú:
Ông là người từ thế kỷ trước sống lại thật sao? Có thể như thế được chăng?
Bộ từ hồi nào tới giờ chưa có ai như vậy sao?
Chưa bao giờ. Việc hồi sinh từ tình trạng “ngưng sống” là một điều được nói đến nhiều như một lý thuyết được kiểm chứng đúng và hoàn toàn thực hiện được, chứ chưa thấy xuất hiện bằng xương bằng thịt như vừa rồi cả nước xem ông trên liên mạng. À, tôi tên là Leslie Phạm, còn tên ông tôi có đọc nhưng khó nhớ quá.
Tôi tên là Hồ Thái Lưu. Cứ gọi tôi là Hồ.
Leslie chìa tay ra cho Hồ nắm, và nói:
Rất hân hạnh được gặp ông. Chúng ta có thể tìm một chỗ ngồi nói chuyện được không? Ông có thì giờ không?
Tôi rất thích như thế.
Tuyệt! Tôi đang điên vì tò mò về ông.
Và họ đã vào đây, tiệm ăn nầy, buổi trưa hôm đó, và nhiều buổi hẹn hò tiếp theo cũng đã diễn ra tại đây, nơi ưa thích của Leslie, vì nó tương đối kín đáo, và không ồn ào, một cảnh trí hợp với những cuộc hẹn hò tâm tình. Leslie đã biết rõ về Hồ, con bệnh từ thế kỷ trước chờ đến thế kỷ nầy để được cứu chữa. Hồ cũng biết gốc gác của Leslie, một gốc gác khá mù mờ, khá xa xôi trên đất nước nầy, chứ không rõ ràng như của chàng. Nàng chỉ biết là tổ tiên bốn đời của mình từ Việt Nam sang lập nghiệp ở Mỹ cùng thời với cha mẹ Hồ. Cha nàng hiện nay là thế hệ thứ tư của sự nối dõi đó, thuần giống Việt Nam. Mẹ nàng là Việt Nam nhưng có pha trộn độ 10% giòng máu Trung Hoa. Như vậy Leslie có 95% giòng máu Viêt Nam, tạm cho như vậy. Hồ giật mình khi nghĩ rằng tính theo niên kỷ sinh ra, chàng ngang hàng với tổ tiên ba đời của Leslie. Vậy mà bây giờ – sau chín mươi ba năm trong trạng thái không già, không chết - chàng nhẩm tính mình chỉ lớn hơn Leslie chừng mấy tuổi. Nhưng có điều chàng thấy rõ là tâm hồn chàng không phải là tâm hồn của một người bạn chỉ lớn hơn Leslie dăm ba tuổi đời. Về nội tâm Hồ thấy mình quá già và quá xa cách đối với Leslie. Chàng đã sống, đã chứng kiến thế kỷ trước, và đang chứng kiến thế kỷ nầy, còn Leslie chỉ mới lớn lên ở phần cuối thế kỷ hiện tại thôi. Nhưng có một điều mỉa mai mà Hồ phải nhận là, mặc dù chàng cảm thấy mình quá già về tâm hồn, nhưng không phải quá từng trải. Chẳng hạn, về cuộc sống hiện nay, trong một hạn độ nào đó, chàng đâu đã từng trải bằng Leslie, vì chàng đã sống trong thế kỷ 21 nầy được bao nhiêu ngày đâu. Hồ cô đơn, lạc loài, và lạc hậu trong một thế giới lạ lẫm không sao tả xiết. Chàng thấy mình đang cần học nhiều thứ, học thay đổi lối suy nghĩ về hầu hết sự việc hằng ngày, học hiểu lối sự việc tự nó phải diễn ra như thế nào v.v. Hồ bắt đầu cảm thấy một cách mơ hồ một cái gì bi đát trong tương quan giữa chàng với con người ở thế kỷ nầy. Liệu có cách gì giải quyết nỗi cái khoảng trống ghê gớm giữa mình với xã hội nầy không? May mà còn được một điểm tương đồng: cảm giác của thể xác. Hai người đã đi đến độ thân mật của đôi trai gái. Hồ đã nếm thử nụ hôn đầu tiên với người đàn bà thế kỷ 21. Hồ đã xiết chặt trong vòng tay mình thân thể nóng bỏng của người đàn bà khác thế kỷ. Và Hồ đã có lại cái cảm giác ngây ngất tuyệt vời mà ngày xưa Nga đã đem đến cho chàng. Trong cọ xát của hai thân thể, trong hơi thở kề hơi thở, ánh mắt trong ánh mắt, con người vẫn mãi mãi là con người, một thực thể trừu tượng không biên cương. Hồ bỗng cười thầm với ý nghĩ ngộ nghĩnh: nếu trong nhu cầu hạ đẳng nầy, phản ứng của con người cứ thay đổi theo từng thời gian, “tiền hậu bất nhất”, thì chắc là bất hạnh cho con người, vì như vậy sẽ có lúc nó đi đến chỗ quái đảng, “dị hợm”, hay thú vật!
Leslie bỗng xuất hiện trên mặt kính đeo mắt của Hồ, tươi cười cất giọng trong trẻo:
Hồ, em xin lỗi đã trễ. Chiếc xe bị trục trặc dọc đường, và em tấp vào một trạm sửa xe bên đường. Người ta đang sửa, sẽ xong trong mười phút nữa. Khi xe sửa xong em sẽ đến ngay.
Ồ, thảo nào. Anh sắp gọi em thì em lại hiện đến. Không sao, anh sẽ chờ, miễn là em bình yên.
Hồ gọi người bồi bàn đem cho mình một chai bia để nhấm nháp trong khi chờ Leslie. Một lát, Leslie từ ngoài đẩy cửa bước vào. Đưa mắt nhìn quanh một lượt khắp phòng, nàng thấy ngay Hồ bên chiếc bàn cạnh cửa kính lớn bên trái. Nàng mặc chiếc áo tay ngắn màu đỏ bó sát mgười, vạt áo sau dài hơn vạt trước, phần dưới hình bầu dục, ôm cặp mông tròn trịa. Chiếc quần vải thô xanh đậm, với ống quần khá chật, dừng lại ở khoảng gữa đầu gối và cổ chân nàng, để lộ một phần bắp chân nõn nà, thon thon. Hồ nghĩ, đúng là thời trang trở lại kiểu cách của những năm đầu thập niên 1960. Chàng rời ghế đứng dậy, và Leslie tiến đến, sà vào người chàng. Họ ôm nhau. Người con gái hôn lên môi chàng trai. Hồ thích tưởng tượng đang ôm Nga vào lòng, Nga của chàng ngày xửa ngày xưa. Một điều làm hư trí tưởng tượng của chàng là Leslie cuồng nhiệt quá, sôi nổi quá. Phải chi nàng đằm thắm hơn, dịu dàng hơn thì Hồ đã hưởng trọn một giấc mơ xưa đẹp vô ngần!
Ngồi đối diện nhau, Hồ nhìn thẳng vào mắt Leslie một hồi lâu. Bỗng dưng hôm nay thắc mắc về tuổi tác của nàng thoáng qua trí chàng. Nàng có vẻ trẻ hơn chàng cả trên chục tuổi, chứ không chỉ dăm ba tuổi. Nhưng Hồ cũng thừa biết, theo như Công Ty hướng dẫn, do kỹ thuật làm chậm tiến trình lão hóa, không thể đoán tuổi con người ngày nay, vì dị biệt quá lớn giữa tuổi tác thực sự và tuổi tác biểu kiến. Chính chàng đã được mục kích điều đó trong một dịp khá tình cờ mới đây. Một người “con gái” mà chàng đoán chỉ ngoài hai mươi, hoá ra đã có tuổi đời là sáu mươi mốt! Nhưng Hồ nghĩ, Leslie không đến nỗi như thế, vì nếu nàng đã thực hiện chận đứng lão hóa, thì cũng chỉ mới cách nay mấy năm thôi. Leslie mỉm cười nhìn lại, cặp mắt nhung đen mở lớn chiếu tỏa một đam mê, một đắm đuối với người đàn ông xa lạ một cách hấp dẫn. Phải, Hồ không xa lạ sao được, một người còn sót lại từ một thế kỷ trước! Đôi hàng lông mày bán nguyệt của Leslie được nối dài ở hai đuôi về phía thái dương bằng hai đường tô vẽ đi lên thay vì đi xuôi chiều xuống để kéo dài đường cong tự nhiên như lối trang điểm ở thế kỷ của Hồ. Phải nói sự tô vẽ không đẹp mắt chút nào, giống như lối trang điểm của những kẻ hề trên sân khấu thời xưa của chàng, Hồ nghĩ thế. Để góp thêm cho sự trang điểm kỳ dị kia là làn môi sơn màu xanh rờn của lá cây.Nhưng Hồ tự nhủ, để đừng quên, rằng mình phải học để thấy cái đẹp của thế kỷ 21. Quan niệm thẩm mỹ của thời nầy không nhất thiết phải giống quan niệm của thời kia. Mái tóc ngắn của chàng lúc mới hồi sinh đã chẳng là một hình ảnh kỳ dị cho mọi người chung quanh là gì? Sau đó chàng đã phải để tóc dài chấm vai cho giống kiểu tóc của đàn ông bây giờ. Nhưng dù có bị tô vẽ cho “khó coi” như chàng đã thấy, Hồ cũng nhận ra một điều mà chàng rất hài lòng là khuôn mặt của Leslie thực chất là một gương mặt đẹp, với những đường nét tuyệt mỹ mà chàng nghĩ thời nào cũng không chối cãi được.
Trong suốt buổi, họ vừa ăn vừa nói chuyện, hết vấn đề nầy đến địa hạt khác. Nhưng Hồ nhận thấy hai người ít gặp nhau ở những điều mà họ đã đề cập đến. Hồ nghĩ, đó là điều tất nhiên, và chính chàng mới là người phải học hỏi để nhích gần lại với thời đại. Hồ không trách Leslie mà chỉ thấy chua chát vì mình bỗng trở thành một món đồ cổ, tuy đang còn trong tình trạng tốt nhưng công dụng và kiểu cách đã lỗi thời!
Bỗng nhiên hôm nay Leslie lại nhận xét đến giọng Anh Ngữ của Hồ:
Có phải những người Việt hồi xưa, thời của anh, đều nói tiếng Anh với giọng như vậy không?
Không phải thế đâu. Cái đó còn tùy. Những người đã lớn lên ở Việt Nam - như anh đã hai mươi tuổi mới sang Mỹ – thì tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Còn lớp người lớn tuổi hơn nữa, như tổ tiên của em chẳng hạn, có thể không nói được một tiếng Anh nào cả. Còn lớp sau anh, đến đất nước nầy lúc còn nhỏ, hoặc sinh ra ở đây, thì họ nói tiếng Anh như em và bao nhiêu người khác hiện nay vậy.
Như vậy anh phải nói được tiếng Việt?
Dĩ nhiên, nói, đọc, và viết.
Em chưa hề nghe âm thanh của tiếng Việt và chưa hề trông thấy chữ viết ra sao.
Hồ mỉm cười nhìn Leslie và nói một câu tiếng Việt, câu nói “anh vẫn nhớ em.” Hồ đã định nói câu “anh yêu em” nhưng chàng chợt thấy mấy chữ đó là những âm không dấu, và vì thế, không tiêu biểu lắm của ngôn ngữ Việt, nên chàng đã gài hai chữ “vẫn” và “nhớ” cho đủ âm trầm bổng. Leslie giương đôi mắt tròn xoe với vẻ thích thú, cười và hỏi:
Anh đã nói gì thế?
Anh đã nói tiếng Việt đấy, nghĩa của câu đó là: anh vẫn nhớ em.
Anh viết câu đó ra đi.
Và Hồ đã lật tờ giấy lót trên bàn ăn, viết câu tiếng Việt trên một cách nắn nót, với các dấu chững chạc, đúng vị trí, rồi đưa cho Leslie. Nàng xem xong, liền thốt lên:
Ồ, sao giống Anh Ngữ quá. Chỉ có những dấu nho nhỏ kia là lạ lùng thôi.
Hồ chẳng buồn giải thích dài dòng vì sao ngôn ngữ Việt lại may mắn có được mẫu tự La Tinh. Chàng chỉ nói:
Ừ, tiếng Việt là thế đấy.
Vậy mà em cứ tưởng nó sẽ giống như chữ Á Rập ngoằn ngoèo, hay chữ Tàu gạch ngang dọc, móc lên, sổ xuống chứ! Em muốn học tiếng Việt.
Anh sẽ dạy cho em. Dễ lắm. Em biết có chỗ nào ở Philadelphia nầy mình có thể mua sách báo Việt Ngữ không?
Em không nghĩ là có một nơi nào như thế ở thành phố nầy. Ông bà Nội Ngoại em, rồi ba má em, không ai nói được tiếng Việt, nói chi đến đọc được sách báo bằng ngôn ngữ đó, thì có sách báo để bán cho ai.
Câu nói vô tình làm Hồ cảm thấy như một mũi tên đâm vào tim mình. Một sự thật phũ phàng. Không phải đợi đến hôm nay, nghe những lời của Leslie, Hồ mới biết rằng tiếng Việt đã chết, đã theo những lớp người Việt xưa trở về hư vô, về với cát bụi. Tuần trước, từ California trở về sau mấy ngày “tuần du” ở đó chàng đã thấy sự diệt vong bi đát của một văn hóa trên xứ người. Westminster, nơi một thời được gọi là thủ đô của người Việt tỵ nạn, được mệnh danh Sài Gòn Nhỏ, giờ đây vẫn tấp nập, vẫn là thế giới của dân da vàng. Duy có điều, nếu ngày xưa, ở thời của Hồ, người ta thường nói về thành phố ấy rằng đi suốt ngày trong khu phố Bolsa cũng không nghe một câu tiếng Anh, thì bây giờ chàng phải nói rằng có sống một nghìn năm ở đó cũng không bao giờ còn nghe được một câu tiếng Việt nữa!
Hai người trao đổi nhau một vài câu chuyện nữa rồi chia tay khi bên ngoài đêm đã xuống từ lâu. Tự nhiên Hồ thấy chán nản lạ thường. Leslie thì vẫn quấn quit bên chàng. Nàng hỏi:
Chúng ta có thể gặp nhau ngày mai không?
Ừ, lúc sáu giờ, tại đây.
Hai người chậm rãi bước ra khỏi quán. Họ hôn từ giã, và Leslie băng qua đường, bước nhanh về hướng Tòa Thị Chính. Hồ uể oải, lững thững đếm bước trên vĩa hè không chủ đích. Chàng chưa muốn về nhà ngay. Đêm đã khuya. Chiếc đồng hồ trên tháp Tòa Thị Chính, dưới chân tượng ông William Penn, chỉ 11 giờ 5 phút. Bốn chiếc đồng hồ hình tròn, nền vàng rực, với hai kim và vòng số màu đen cẩn trên bốn mặt của tòa tháp đã vượt lên nền trời Philadelphia và “thi gan cùng tuế nguyệt” từ trên ba trăm năm trước khi gia đình Hồ đến đây, và trải qua chín mươi ba năm chàng “xa vắng”, nay vẫn tiếp tục đứng sừng sững làm biểu tượng của thành phố mệnh danh cái nôi của Cuộc Cách Mạng Mỹ. Đêm tháng Tư mát lạnh một cảm giác dễ chịu, nhưng lòng Hồ sao rã rời quá chừng. Chàng vẫn đi miên man, không để ý đến mọi sự chung quanh. Vài cô gái ăn sương đứng trên vĩa hè nở những nụ cuời mời mọc với Hồ. Chàng cảm thấy buồn mênh mông, buồn đến tê dại cả tâm hồn. Một ngôn ngữ, một văn hóa mà một lớp người khi ra đi bỏ lại quê hương nghìn trùng xa cách và nghìn lần thân thương đã đem đến gieo trồng trên đất nước hợp chủng nầy, đóng góp một tiểu văn hóa trong vườn văn hóa hiệp chủng Hoa Kỳ, ngày nay ngôn ngữ đó, nền tiểu văn hóa đó đã bị quét sạch vì không người tiếp tay vun trồng, chăm sóc, và gìn giữ. Đành rằng không ai chối cãi được sự già cỗi, sự chết của tế bào sinh vật, sự thối rữa của thân thể bằng xương bằng thịt nầy, sự nằm xuống của một lớp người, nhưng đồng thời không ai chối bỏ được sự di giống, sự kế tục; không ai chối bỏ được những cây con mọc quanh cây cổ thụ, dù cho cây cổ thụ kia đã chết, trơ cành khô đét. Vậy mà sự đồng hóa đã xảy ra, và xảy ra một cách triệt để. Chàng bàng hoàng, não cân như tê liệt. Hồ buồn rầu mà chấp nhận rằng đồng hóa là một sự kiện tất nhiên giữa một văn hóa cục bộ và giòng chảy của văn hóa chính. Trên những khuôn mặt Việt Nam kia – cái nét Việt Nam bao giờ cũng long lanh, gợi cảm đáng yêu – không còn âm thanh trầm bổng của một giọng miền Bắc, miền Trung, hay miền Nam. Hồ nhớ đến đau khổ một khúc hát Việt Nam, Hồ thèm đến chết được một trang báo Việt Ngữ. Ấy thế mà về nhà chàng không có can đảm nghe hết một bản nhạc, hay đọc hết một trang báo Việt Ngữ cũ cha mẹ chàng để lại, vì cứ đối diện với những vết tích kia chàng sẽ chết khô vì u hoài, vì nhớ nhung không bút nào tả xiết. “Lâu rồi, xa lắm rồi, những điều anh nói đó, ngôn ngữ và âm nhạc Việt, em chỉ nghe ông nội em kể lại một đôi lần. Chính ba em cũng chưa hề nghe hay thấy những gì của nền văn hóa kia.” Lời nói của Jennifer, người nữ y tá gốc Việt vang lên trong trí Hồ. Những ngày đó chàng vừa mới hồi sinh, đang nằm điều trị tại một bệnh viện ở Chicago, và Jennifer thấy chàng là người Việt nên có thiện cảm của người đồng chủng, hay đến trò chuyện với chàng. Dĩ nhiên ngôn ngữ đàm thoại là Anh Ngữ vì cô gái Việt đó đâu còn nói được tiếng Việt nữa.
Hồ gần như rưng rưng nước mắt khi nhớ lại lời tiên đoán của cha chàng ngày xưa: “Qua một thế hệ nữa, tiếng Việt may lắm chỉ còn được nói chút đỉnh, còn sách báo, âm nhạc chắc sẽ biến mất, vì lớp người viết lách và thưởng thức qua đời hết, còn ai giữ gìn và phát triển chúng nữa.” Ba ơi, những điều Ba dự đoán, gần một trăm năm sau đã xảy ra, và còn đi xa hơn mức Ba dự tưởng. Tiếng mẹ đẻ đã tắt lịm trên môi những đứa con mang dòng máu Việt Nam.
Buồn biết bao, và vô nghĩa biết chừng nào khi một lớp người từng vui sướng và đau khổ, từng hy vọng và hụt hẫng, đã hoài công viết lách mà không để lại được cho các thế hệ sau một chút gì của tim óc mình. Một Rip Van Winkle, hay một Từ Thức, dù có thật hay hoang tưởng, chắc cũng không mang nỗi đau sâu xa như Hồ hôm nay, vì hai nhân vật kia còn có cái may mắn trở về lại với cộng đồng cùng ngôn ngữ với họ; họ không có cái mất mát to lớn là bị tước đoạt cả một ngôn ngữ mẹ đẻ, nhịp cầu cảm thông huyền diệu nhất với đồng loại.
Hồ đi miên man giữa phố phường mà như đi trong sa mạc. Chàng chẳng thấy người, chẳng thấy nhà cửa. Với nỗi hoang vắng trong lòng, chàng đi như một chiếc bóng không hồn. Chàng chợt nghĩ đến Leslie và phút chia tay vừa rồi. Một nỗi chán chường xâm chiếm tâm hồn Hồ. Chàng thấy mình trong một cảm giác lơ lửng, một cảm giác trống không, một người không một đam mê, không một chút tha thiết, ngay cả với sự sống. Hồ lững thững quay gót đi trở lại chỗ đậu xe, nghĩ đến Leslie, nghĩ đến ngày mai vô định...
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/03/ha-ky-lam-noi-buon-ky.html?utm_source=BP_recent
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001