Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

HÁT VÀ NHẬU, TẠO ĐÁM ĐÔNG MÚA MAY QUAY CUỒNG - MỘT KIỂU BƯNG BÍT MỚI CỦA CHẾ ĐỘ 

VietTuSaiGon 
8-03-2013

Đó là chuyện diễn ra từ khá lâu, chí ít là thời kinh tế tập thể, mọi thứ đều được gom về một đám đông được điều khiển bởi một đảng viên Cộng sản với chức danh nào đó trong vai trò đại biểu của xã, huyện xuống chung vui cùng bà con.
Thậm chí, trong các đám cưới ở quê cũng có ông đại diện này xuất hiện.
Nhưng đó là chuyện tương đối cũ, bây giờ hiện đại hơn nhiều, cách làm cũng hiện đại và lộ liễu ra phết.
Trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở năm 2011, 2012 của nhân dân, thường xuất hiện những buổi biểu diễn ca nhạc ngoài trời, dàn loa âm thanh khủng, mở hết cỡ, ca sĩ hở hang (lại chuyện hở hang! Nhưng ở đây thì được phép hở vô tư!) lên nhảy múa, hát để lấn âm thanh của đoàn biểu tình, thậm chí nhằm tập trung hướng nhìn về phía đám hát trong lúc công an cố sức phân tán đoàn biểu tình. Gần đây một chút nữa, khi chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp, các đám “đại đoàn kết toàn dân” nhân dịp lễ Tình Nhân,  8 – 3, 26 – 3… lại nổi đình nổi đám khắp hang cùng ngõ hẻm.

Một người thường đi quản trò trong các chương trình này cho biết trước khi làm chương trình, anh được huấn luyện căn bản về cách điều khiển đám đông về một trọng tâm, cách mồi bài hát để các chương trình “nổi lửa” toàn nhạc đỏ và cách để người tham gia thấy rằng nhờ ơn đảng Cộng sản mà họ có được bữa nhậu, vui chơi thỏa thích… Nói chung, đi từ Bắc chí Nam, khắp hang cùng ngõ hẻm trong những ngày này, đâu đâu cũng thấy chương trình văn nghệ xóm, thôn, làng, xã… rình rang mừng ngày 8 – 3, dường như không khí ăn chơi ba ngày Tết vẫn kéo dài đến bây giờ, và sẽ còn kéo dài đến tận ngày 30 – 3!

Anh này cũng cho biết thêm, nếu không làm thế, nguy cơ bạo động và hoạt động lật đổ chính quyền sẽ rất cao. Chính vì vậy, mỗi năm, để thực hiện các chương trình này, nhà nước phải bỏ ra gần ba trăm tỉ đồng từ ngân sách trung ương cộng với gần sáu trăm tỉ ngân sách địa phương để duy trì hoạt động, đó là chương trình loại nhỏ, chứ chương trình loại lớn như các sự kiện thì mỗi năm tốn cả ngàn tỉ đồng. Bù vào đó, nền an ninh chế độ sẽ được an toàn. Về mặt đối nội, nhân dân sẽ thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao”, Đảng vẫn chăm lo từng miếng ăn, từng bữa nhậu và nuôi dưỡng tiếng hát, niềm vui, hạnh phúc cho họ, về mặt đối ngoại, những cơ quan ngôn luận nước ngoài sẽ bị đánh lạc hướng, thấy rằng Việt Nam tuy còn nghèo nhưng chỉ số hạnh phúc vẫn rất cao, dân chủ rất cao, bằng chứng là họ vẫn ăn chơi nhảy múa ngon lành trong thời khủng hoảng kinh tế đấy thôi! Nghe có vẻ như nhà nước Cộng sản rất thông minh, biết dụng võ để an dân, và họ sẽ tồn tại vững chãi nhờ đối sách thông minh này! Nhưng, trên thực tế có phải vậy không?

Trước tiên, thử phân tích về mặt tâm lý đám đông ở Việt Nam, có thể nói, hiếm có một tập thể nhân dân nào có độ máu lửa và bất mãn cũng như bạo động tính rất cao như người Việt Nam. Vì trải qua nhiều cuộc chiến tranh, vì thiếu một nền giáo dục tốt và ổn định, vì lao động nặng nhọc dẫn đến ức chế, vì ăn quá nhiều thịt trong giai đoạn bùng phát kinh tế thị trường nhưng lại thiếu những loại vitamin cần thiết… v.v… Đương nhiên, tất cả những yếu tố trên cần bàn lại rất nhiều. Nhưng, nguy cơ bạo động ở đám đông người Việt là rất cao. Sau bữa nhậu, hoặc sau một hồi bàn cãi vấn đề gì đó, họ có thể đập bàn, quát tháo và đánh nhau một cách nhiệt liệt. 

Đó là chuyện có thật. Mà đáng nói hơn cả là tâm lý bất mãn, mất niềm tin vào nhà nước và thấy đầy rẫy sâu mọt trong bộ máy cầm quyền vốn là tâm lý chung của người Việt Nam thời bây giờ. Bất kì người Việt Nam nào, từ lớn đến nhỏ, dù hời hợt hay sâu sắc cũng dễ dàng nhận thấy đa phần cán bộ nhà nước là một loại người bất minh, tham lam, gian trá và đáng khinh… Chính vì thế, mối nguy gần đây của nhà nước Cộng sản Việt Nam không còn dừng ở các đoàn biểu tình mà lan sang cả những đám đông văn nghệ cây nhà lá vườn. 

Nếu sau cuộc nhậu, không có thú vui gì để chơi, chắc chắn người ta sẽ ngồi lại nói chuyện thời sự, thậm chí chia sẻ mối bận tâm về biên giới, nạn giặc Tàu, Trường Sa – Hoàng Sa, chuyện sửa đồi Hiến pháp Việt Nam, rồi chuyện tham nhũng... Và trong đám đông đó, có người bác bỏ chính sách nhà cầm quyền, không tin tưởng vào đàng Cộng sản, cũng có người thân Cộng. Thường thì con số bác bỏ chính sách nhà nước và không tin vào đảng Cộng sản luôn chiếm số đông nhưng lại ít có địa vị xã hội, và một khi họ nhận thấy mình đúng nhưng không đủ lý luận để cãi với mấy cán bộ hoặc gia đình thân Cộng, họ nổi cáu, lớn tiếng, và hai bên lớn tiếng, dễ dẫn đến ẩu đả. Dường như nhiều cuộc ẩu đả trong các đám đông gần đây đều có nguyên nhân bất đồng chính kiến với nhau. Và một khi lớn chuyện, vết dầu loang dư luận sẽ đề cập đến tình hình thời sự, chính trị. Điều này gây nguy cơ rất cao đến nhà nước Cộng sản.

Trong trường hợp nhậu nhẹt sắp xong, bật máy, mở dàn nhạc xập xình, mời người lên hát những bài nhạc đỏ sôi động, mọi xung năng trong đám đông sẽ tập trung vào nhảy nhót, lắc lư và tìm cách lên tham gia hát. Đến đây, xem như “tay không bắt được giặc”, khỏi phải lo nguy cơ đám đông trong thời buổi mất lòng tin này. Đó là chiến thuật rất sơ đẳng của nhà nước Cộng sản trong mấy mươi năm nay và được áp dụng mạnh trong thời gian gần đây. Thậm chí, ở một số nơi, họ tạo được hiệu ứng bi cảm, nặng ơn bác Hồ và có nhiều thanh niên trong lúc say đã nhảy lên sân khấu hát bài “Con ở miền Nam ra thăm lăng  Bác” một cách đầy cảm động, nước mắt rươm rướm… (Thế mới kinh!). 

Trên thực tế, không có cuộc chơi nào mà không rơi rụng niềm vui ban đầu, trong chuyện nhảy nhót, múa may quay cuồng ở các đám đông văn nghệ, họp xóm, họp làng xã cũng thế. Ban đầu, nhiều thành phần như tiểu thương, giáo viên ra cùng tham gia, nhưng dần dà, trừ những giáo viên nòng cốt mà Đảng chỉ đạo tham gia, còn lại,  người ta thấy chán dần, thay vào đó là các bà nội trợ cả năm không được nhảy nhót vì chẳng biết nhảy với ai lại ra tham gia, nhảy múa nhiệt liệt và hát hò tẹt gas. Nhưng rồi cũng chẳng là bao lâu, lại thấy nản… Vì vấn đề cơm áo hằng ngày, vấn đề tự do, dân chủ nó thuộc về căn tính của nhân loại. Nó không thể lấp lổ bằng bất cứ thứ gì, sau khi nhảy múa, hò hét hoặc đứng xem và cổ vũ hò hét là thời gian người ta về nhà, trở về với chính mình và phản tỉnh bản thân, suy tư về một điều gì đó vượt ngoài bản thân sau những công việc mệt mỏi thường ngày. Cái đáp án tâm lý chung là nhà nước này không công bằng, tham nhũng nhiều quá thể và sâu mọt hại dân đầy rẫy vẫn cứ âm ỉ trong nhận thức con nhân dân. Chính vì thế, mọi nỗ lực kiến tạo đám đông phù thế chế độ có vẻ như thành công bề ngoài và thành công ngay lúc diễn ra, sau đó thì tiêu tan.

Nhất là trong thời gian sửa đổi Hiến pháp này, dường như nhà nước đang tìm cách tổ chức ăn chơi ở mọi ngóc ngách nhân dân, chơi cho đến đỉnh điểm, cho người ta quên mất mọi thứ hoạt động của nhà cầm quyền. Nhưng, trên thực tế thì vẫn có rất nhiều người quan tâm, mong mỏi và đề xướng phong trào kêu gọi bỏ điều 4 Hiến pháp. Điều này cho thấy chiến thuật của nhà cầm quyền đã thất bại và đang đối diện với nguy cơ con dao hai lưỡi . Vì, không chừng, một lúc nào đó, chính đám đông do nhà cầm quyền từ địa phương đến trung ương kiến tạo để nhảy nhót quên sự đời này lại là tập thể tiên phong trong vấn đề biểu tình, kêu gọi thay đổi chế độ, mở rộng dân chủ và đi đến tiến bộ…! Vì đám đông, tuy có lúc hỗn độn, nhưng họ là những con người, họ có nhận thức và tư tưởng, họ không phải là đám khỉ, rất tiếc, đảng Cộng sản Việt Nam đang dùng chiến thuật dụ khỉ để hành xử với con người, đây là một sai lầm nghiêm trọng và mang tầm lịch sử!

Một khi nhà nước càng cố gắng tạo cho nhân dân múa may quay cuồng, càng cho thấy giữa nhà nước và nhân dân đã có một ranh giới, biên kiến không thể làm lành hay kết nối trở lại được nữa. Hệ quả của điều này sẽ là gì? Có vẻ như không cần nêu câu trả lời!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001