Võ Thị Điềm Đạm
- Con coi, chú Út về già bày đặt làm thơ, in thành sách nữa chớ.
- Hai tập thơ! Kỳ rồi con về sao không nghe nói gì hết?
- Ổng trở chứng, trong vòng chưa tới hai năm chớ mấy.
- Chưa tới hai năm mà cho xuất bản hai tập thơ! Ha… ha… thần đồng! Chuyến này ta quyết làm thơ - Trả nợ công danh trả nợ đời. Con phải dành thì giờ đọc mới được. Thím cho con hết hai quyển này nghen.
- Ờ thì con đem về bên đó cho tụi nó đọc. Để chờ chú Út về, chú viết tặng mỗi đứa.
- Con không đem về Pháp được nhiều đâu, con định mua một số sách nữa, thế nào cũng quá ký. Hay là chú đề tặng hết mấy đứa cháu, tụi con chuyền tay nhau đọc.
- Ờ, thì con cũng phải lại thăm chú thím lần nữa để chính tay chú viết tặng tụi con bên đó.
- Dạ… Lúc này sách báo cho in dễ dàng không thím?
- Thì cũng kiểm duyệt từng câu từng hàng, bắt bỏ câu này, sửa chữ kia. Em Thanh lo hết, chịu khó chầu chực chờ tụi nó duyệt, hết ban nhỏ tới ngành lớn, không tặng thì biếu. In được quyển đầu, quen nước quen cái, cứ vậy mà tiếp tục in quyển sau.
- Sách in đẹp quá. Tốn nhiều không thím? Bán được không thím?
- Thì cũng tốn. Bán gì mà bán, toàn để tặng không thôi. Mà kệ! Chú con sống không bao lâu nữa, cho ổng thỏa nguyện. Hình như thơ văn tạo được nguồn sống mới cho ổng hay sao đó. Thím thấy lúc này coi bộ chú Út tụi con khỏe ra, chịu khó tập thể dục, đi bộ mỗi buổi sáng. Ông này chướng lắm, đi bộ để tập thể dục mà bữa nào cũng áo bỏ vô quần, chải tóc chải tai như hồi còn đi làm.
- Hi… hi… giày da láng cón?
- He… he… may mà mang giày bata. Con biết mà, tánh chú con ra đường là áo quần tươm tất.
- Hi… hi… ngay cả khi đi bộ tập thể dục? Con tưởng kỳ này về không còn gặp được chú nữa. Con nghe má nói chú đã mua phần mả ở chùa Khánh Tường, cùng chỗ ba con.
- Thì thím cũng vậy. Thím tưởng chú tụi con không qua nổi cái tiệc thất tuần vợ con dự tính cho. Vậy mà, tính ra là hai cái Tết cũng không quật được ổng. Chú tụi con vừa tái khám, coi không thay đổi gì nhiều. Lạ thiệt!
- Tụi con bên đó cũng… hi… hi… trông điện thoại bên này. Tụi con tính rồi đó chớ, thế nào cũng có một người đại diện về… về… hi… hi… Cầu trời!
- Thím cũng cầu Trời niệm Phật cho ổng sống thêm vài năm, mong sao Út Thanh chồng con đâu đó đặng ổng yên lòng mà nhắm mắt. Trời biểu đâu nghe vậy. Trời cho chú sống được ngày nào hay ngày nấy.
- Chú Út hay thiệt há thím. Ung thư đến thời kỳ cuối mà kéo dài được như vầy, kể ra chú cũng dai đó chớ.
- Thím nghe người ta chỉ biểu, đi tuốt Dĩ An, Lái Thiêu, Hốc Môn… không cần biết lạ quen, vô vườn, tìm xin lá đu đủ, đủ thứ rễ cây, nấu nước cho chú uống, uống toàn nước này. Thêm nữa là chú siêng tập tập thể dục… và… he… he… nguồn thơ nuôi sống. Con đọc mấy bài thơ trong quyển Tình Xuân Cuối Đời này, coi thấy gì không nha.
- Ha a… lời tặng sao mà tình quá vậy. “Trao về em, thương yêu cuối đời”. Không được, phải đề là “Trao về em Ngọc Xuân, thương yêu hai phần ba cuộc đời tôi” mới phải, đâu có chỉ cuối đời, phải tính toán phân minh rõ ràng chớ.
- Con này… ai mà đem chuyện toán số đề tặng cho tập thơ. Ổng đề tặng như vậy ai cũng hiểu lời tặng dành cho thím. Bạn bè ổng ai cũng biết thím tên Ngọc Xuân. Đọc bài này… bài này… bài này… he… he… Xuân tới Xuân lui hoài, bốn mươi sáu năm mà chưa chán sao hổng biết nữa, già dịch!
- Ôi… ôi… tình quá là tình. Cái này là “Tình Già” đúng nghĩa của nó, không cần “hai mươi bốn năm sau”, không cần “con mắt còn có đuôi” như ông Phan Khôi. Ôi… ôi… tình già mà sao nghe “xuân” còn mơn mởn. Hi… hi… hồi xuân sao trễ vậy thím?
- Ổng hồi xuân mình ên. Thím còn giật mình nữa đây. Mình ở trong cuộc, mình mới biết phục trí tưởng tượng của người làm thơ viết văn, một vẽ thành mười, trăm thứ thâu về vài ba câu.
- Ngọc lan ngọt đẫm đêm mưa tạnh - Mời gọi chân anh lại cõi mơ - Ủa… nhà thím đâu có cây ngọc lan.
- Thi sĩ mà!
- Cái này là “Đêm khuya nguyệt lặn, sao tàn - Đồng hồ nhật điểm nhớ nàng không quên” Ủa, nàng nằm kế bên thì nhớ gì nữa mà nhớ. Thím… bộ… hi… hi… chú còn… hi… hi… gân hả thím?
- Con quỷ! Gân gì…! Từ ngày chú con ngã bịnh, thím dọn qua phòng tụi nó. Đem bàn làm việc vô phòng chú thím cho chú được làm việc, nghỉ ngơi thoải mái, tối có trăn trở thì tự do mà trở trăn. Giang sơn của chú bây giờ là trong phòng đó, đóng cửa im ỉm cả ngày. Cũng mười năm rồi đó, có đụng chạm gì nhau đâu. Già rồi con ơi, thơ văn đôi lúc chỉ là một hình thức níu kéo, khỏa lấp ước mơ.
- Nhiều người trên bảy mươi mà trông vẫn còn phong độ là do cách sống lạc quan từ tư duy đến sinh hoạt hàng ngày.
- Thực vậy, nhìn bên ngoài không ai biết chú con bịnh gần đất xa trời, tướng ổng còn đi tán mấy bà sồn sồn được đó con. Nhưng… thơ văn nghe ngon lành vậy chớ, ổng hết xí quánh rồi con ơi.
- Thím cũng còn… hi… hi…. còn xuân lắm đó chớ. Thím thua chú gần chục tuổi mà.
- Thôi… thím vui với mấy đứa cháu nội, cháu ngoại của thím, siêng năng lên chùa làm công quả tạo phước cho con cháu, cầu thọ cho chú. Mấy bà bạn của thím biểu chú con khôn.
- Sao vậy?
- Mấy bà nói: “Cuối đời, ổng làm thơ vuốt ve, nịnh vợ đặng vợ mủi lòng mà lo thuốc thang tới cùng, đặng vợ làm ma chay, cúng giỗ đình đám… “ Đúng là mấy bà ganh. Mà kệ, ổng làm thơ thì cứ làm, thím không cần nịnh, không cần vuốt ve, ổng bịnh thì thím lo thuốc, ổng nằm xuống thì thím lo ma chay, mình làm vợ…
- Con nhớ hồi còn trè, chú cũng đào hoa lắm phải không thím?
- Chu cha… nói nói chuyện đào hoa của chú bây, nói tới khuya cũng không hết. Làm ngành cầu đường, ổng đi công tác khắp bốn miền đất nước, chỗ nào cũng nghe có bà này thương, cô kia mến, ghen thét rồi thím bỏ lơ luôn. Được có cái, hào hoa ở đâu không biết, đi đâu thì đi rồi cũng về nhà với vợ với con, lương phạn giao hết cho thím. Tới bây giờ, thím cũng không hiểu nổi, chú con cả ngày im ỉm, vậy mà hồi trẻ đi đâu cũng có cô này bà kia đeo miết.
- Chắc mấy cô mê thơ Vĩnh Thường, muốn được là “nàng thơ” của Vĩnh Thường.
- Đã nói về già ổng mới trở chứng mà. Hồi đó ổng có làm thơ làm thẩn gì đâu, lâu lâu quá chén với bạn bè thì ngã nghiêng ngâm thơ của thiên hạ. Được cái chú có giọng ngâm trầm, truyền cảm.
- Hồi nhỏ mỗi lần chú lai rai, con với Ngân, với Ngọc thường lân la ngóng nghe mấy chú nói chuyện văn thơ, lâu lâu được một miếng giò. Bây giờ chú mặc sức mà ngâm thơ của mình.
- Kể cũng lạ, chú không bao giờ ngâm thơ của mình. Chắc tại bây giờ chú không được phép uống rượu, không có men nên không ngâm thơ được. Mấy ông bạn lại chơi, lai rai, ngâm thơ, bình thơ của chú. Ai bình thì bình, ai chọc thì chọc, ổng cười cười làm thinh. Nghe thét, thím chán, thím làm cho một dĩa mồi rồi đi nhà hàng xóm chơi, bỏ mấy ổng ở nhà mặc sức mà bình thơ luận nghĩa.
- Chú thường đọc thơ, bình thơ của chú cho thím nghe không?
- Ôi… thím có rảnh đâu mà nghe chú con bình thơ. Tụi nó đọc thơ của ba, bình kiểu này, giảng kiểu kia, ổng im ỉm cười cười, không thêm một lời. Từ đó giờ, thím chỉ thích đọc sách, chẳng màng gì tới thi thơ. Chỉ cần thấy chú con có niềm sống mới là thím vui.
- Tính ra cũng mấy trăm bài thơ đây chứ. Chú có gởi thơ đăng báo không thím? Họ có trả nhuận bút không thím?
- Cũng mấy tờ, tiền nhuật bút lai rai, khi năm chục, lúc sáu chục. À… hôm Tết, tuần báo Nghệ Thuật trả tiền nhuận bút cho cả năm được bốn trăm đồng. Ổng làm ngon, mua tặng thím xấp áo dài do thợ vẽ trang hoàng toàn cánh áo, hết trơn tiền. Vài ngày sau lại xin tiền thím bao đám bạn già đi quán cà phê.
- Bữa nào rảnh, con ghé nhà, thím kể chuyện tình chú thím, chuyện về chú…
- Chi vậy?
- Để con làm chứng. Vài chục năm sau, biết đâu thơ của chú nổi tiếng, người ta muốn tìm kiếm những giai thoại về nhà thơ Vĩnh Thường thì con kể cho báo chí nghe, bật mí cho báo chí biết về “nàng thơ”, “nàng Ngọc Xuân” của nhà thơ Vĩnh Thường. Chà, kiếm bộn tiền đây.
- Con quỷ!
***
- Nhà lúc này sửa lại coi khang trang ghê, vườn tược không thay đổi chi cho lắm. Ô… cây ngọc lan vẫn còn, cám ơn Thảo.
- Bà nội tụi nhỏ biểu bán bớt đất vườn mới có tiền xây nhà đó chớ. Bà còn biểu cắt đất, bán, bỏ tiền vô ngân hàng, lấy lời mà tiêu xài. Mình tiếc, muốn chia cho con, đứa một miếng. Có đất sẵn, muốn cất lúc nào thì cất, mẹ con sống có nhau. Hơn nữa, vùng này đang phát triển, nếu mai mốt tụi nó không muốn cất nhà thì bán lấy vốn mua nhà khác. Hồi còn sống, bà nội tính đâu ra đó. Bà cho dời mổ mả gia tộc ra nghĩa trang của chùa để sau này con cháu không bị ràng buộc, không cất nhà thì bán cũng dễ dàng.
- Anh Mẫn mất bao lâu rồi?
- Đến tháng bảy này là anh Mẫn mất đúng mười lăm năm. Kể cũng mau thiệt.
- Nếu anh Mẫn không mất là giờ này Thảo ở Mỹ. Đợt HO đi Mỹ cuối cùng hình như là năm 95.
- Không thoát qua Mỹ được, Thảo cũng tiếc cho mấy đứa nhỏ. Nhưng an ủi là những tháng cuối cùng của anh Mẫn có cha mẹ, anh chị em gần gũi, được chết tại nhà tự, được chôn nơi đất nhà. Chớ qua Mỹ, một thân Thảo làm sao lo cho anh chu đáo được.
- Biết đâu qua Mỹ có bệnh viện tân tiến.
- Thôi… Trời kêu đâu dạ đó.
- Đôi lúc mình thấy an phận như Thảo mà thanh nhàn.
- Bởi an phận mới còn đi dạy đây.
- Giờ này còn đi dạy à.
- Ráng vài năm nữa là về hưu, có lương hưu sống qua ngày.
- Ủa, ở Việt Nam cho về hưu sớm vậy sao?
- Ờ, đàn bà 55 tuổi. Tụi trẻ nhiều quá, cho lớp già về hưu sớm đặng trống việc. Thảo chỉ còn một đứa tới hè này ra trường nên không lo nữa. Tụi nó thương mẹ, đi làm có lương, tặng tiền mẹ hoài, bắt mẹ mua sắm, bắt mẹ xài. Thôi, có con vậy cũng an ủi tuổi già. Thi coi, Thảo chừng tuổi này mà tụi nó còn tặng áo tặng vòng vàng cho mẹ. Thảo có bao giờ dùng tới đâu. Ăn diện với ai?
- Bộ tính ở già luôn hả? Ràng buộc với tụi nhỏ? Thảo sợ tụi nhỏ than: “Con quạ nó đứng bên sông – Nó kêu bớ mẹ, lấy chồng bỏ con”? Vậy thì Thảo nói với tụi nó: “Ngày sau, con lễ ba bò – Sao bằng lúc sống, con cho lấy chồng”
- Thôi, tuổi này mà chồng con gì nữa.
- Con có đường sống của con. Đây rồi tụi nó ra riêng, con cái bận rộn, bỏ mẹ già thui thủi một mình.
- Chừng đó Thảo nuôi cháu.
- Trời! Đúng là đàn bà Việt Nam! Cái này là tứ tòng. Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, hi… hi… tử đắc nhi tòng nhi.
- Không nuôi cháu thì làm gì?
- Thảo may mắn, con đứa nào cũng tự lập. Bây giờ là Thảo phải sống cho mình chớ. Nhất định không tái giá sao?
- Thôi, già rồi Thi ơi. Thi sống lâu năm ở Tây, quen cách suy nghĩ, quan niệm sống như đàn bà tây phương. Thi coi, đang ở trong nhà tự của phía chồng mà tính chuyện bước thêm bước nữa, nghe sao chướng mắt quá. Hơn nữa, ở Việt Nam chứ có phải Tây Mỹ gì mà tính chuyện tái giá ở tuổi năm mươi.
- Nếu sợ ánh mắt anh Mẫn nhìn theo sau lưng thì Thảo thắp nhang mà khấn: “Hỡi anh chồng cũ tôi ơi! – Anh có khôn thiêng, xin anh trở dậy ăn xôi, ăn kèn – Thôi anh đã về kiếp, xin đừng ghen - Để cho người khác cầm quyền thê nhi”.
- Con quỷ! Chuyện gì cũng giỡn được hết. Thiệt tình thì những năm đầu sau khi anh Mẫn mất, Thảo cũng cô đơn lắm, cũng muốn bước thêm bước nữa. Nhưng rồi một thân một mình lo cho bốn đứa, đầu tắt mặt tối, đi dạy một buổi, phụ bà nội buôn bán một buổi. Quay qua quay lại, năm mươi hồi nào không hay.
- Thảo trông còn tươi lắm, nét Thảo lâu già. Năm mươi hai tuổi mà tóc vẫn thả dài thướt tha như thiếu nữ, đôi mắt vẫn còn ướt mềm. Kiểu này là “Ra đường thiếp hãy còn xuân, về nhà thiếp đã dâu hiền, rể ngoan.” Thảo phải chịu khó đi tiệc đi tùng, giao thiệp thêm, biết đâu gặp người hợp nhãn, an ủi tuổi chiều.
- Thì bởi, đi tiệc có một một lần là sanh chuyện.
- Ủa… có chàng nào theo hả? Dính rồi hả? Được lắm… được lắm… “Chơi xuân kẻo hết xuân đi – Cái già xồng xộc nó thì theo nhau”. Góa vợ? Vợ bỏ? Bỏ vợ? Trễ duyên?
- Con quỷ! Không góa vợ, không vợ bỏ, không bỏ vợ, không trễ duyên.
- Vậy là đèo bồng?
- Vậy mới mệt.
- Đã yêu sao mà than mệt?
- Yêu gì nổi mà yêu.
- Gặp Thúc Sinh hở? Nàng Kiều cũng yêu Thúc Sinh chút chút đó chớ, cũng muốn làm lẻ cho yên phận, ngặt cái mụ Hoạn Thư.
- Bà vợ có biết gì đâu mà Hoạn với Thư.
- Vậy chớ than là cái nổi gì?
- Bảy mươi hai tuổi.
- Ma quỷ thần ơi! Năm anh hai mươi, em mới sinh ra đời. Năm anh bốn mươi, em mới vừa đôi mươi. Và bây giờ… ngày anh bảy hai, em vừa tròn năm hai…. - Anh em cái con khỉ! Bạn của bạn của ba Thảo.
- Thì kêu bằng chú.
- Thì Thảo kêu bằng chú.
- Vậy chớ cớ chi… Bây giờ Thi ngồi xếp bằng, dựa lưng vô vách, ôm cái gối cho vững đây, kể nghe coi.
- Hôm tiệc khánh thành căn biệt thự ở Thảo Điền của bác Hữu, ba Thảo bị bịnh không đi được, má rủ Thảo đi cho có bạn vì bác Hữu gái gọi điện thoại nhắc mời miết thôi. Cả hai vợ chồng ông ấy đều đi dự tiệc, bà vợ còn trẻ đẹp, trông phúc hậu lắm. Vậy mà Thảo bị ông này chiếu tướng từ đầu đến khi ra về. Chỉ chiếu tướng, không nói một lời. Thảo nghĩ chắc ổng định hỏi mình, hỏi má mình chuyện gì, hay thấy Thảo giống ba. Chừng về là quên luôn. Tối đó ổng gọi điện thoại hỏi thăm. Thảo thật tình khai hết, chồng chết vì bịnh gì, chết hồi nào, dạy ở đâu.
- Và rồi “Anh theo Ngọ về”?
- Không theo Ngọ về mà đón Ngọ đi dạy mỗi buổi sáng. Biết sao không?
- Hi… hi… trưa nắng, vợ không cho đi, sợ bị nóng đầu sổ mũi.
- Em Thi này thông minh.
- Ngọ giả bộ làm rớt cặp cho anh… ý… cho chú lại lượm dùm?
- Trốn gần chết. Sáng nào ổng cũng áo quần tươm tất, đứng chờ Thảo vừa chạy xe đến cổng trường là ổng xấn tới, kiếm chuyện hỏi thăm. Thảo phải kiếm đường khác đi, vài ngày sau, lại bị ổng chận đường đó. Thảo không dám hé một lời với bạn bè. Thảo năn nỉ ông đừng đến trường, tai tiếng cho Thảo. Ổng đòi tới nhà, Thảo hoảng hồn, cấm tiệt. Thi coi, dầu cho ông bà nội không còn nữa, nhưng bàn thờ ông bà, cha mẹ chồng, nhất là bàn thờ anh Mẫn… quay đâu cũng thấy, mặt mũi nào mà rước trai vô nhà.
- Thì Thảo làm cơm cúng lạy anh cho tui đi lầy chồng.
- Phải chi là góa vợ, vợ bỏ, bỏ vợ, trễ duyên thì còn được đàng này… đèo bồng… rồi lại năm-anh-hai-mươi-em-mới-sanh-ra-đời, thiệt tình…
- Vậy chớ sao từ chú thành anh?
- Ổng biết giấc chiều Thảo ở nhà, ổng gọi điện thoại hoài thôi.
- Biết vậy thì đừng bắt điện thoại. Không có lửa làm sao có khói.
- Thấy tội!
- Tội?
- Ông kể ông bị một chứng bịnh rất hiểm nghèo, bác sĩ phán ông chỉ còn cao lắm là bốn tháng. Ông nói mỗi lần chuyện trò điện thoại với Thảo là ông cảm thấy như được chuyển thêm sức sống.
- Em Thảo cảm động. Em Thảo ngồi nói chuyện điện thoại ngày này qua ngày kia?
- Đâu có, lâu lâu ông mới gọi một lần.
- Đúng rồi, bà vợ lâu lâu mới qua nhà hàng xóm. Em Thảo chuyền sức sống cho ông này bao lâu rồi?
- Một năm rưỡi.
-Hả? Nghĩa là liều thuốc tình-em- Xuân-Thảo đã âm thầm “chuyền sức” cho “anh chú” sống lâu thêm một năm hai tháng? Mà ổng còn sống không?
- Còn
- Chết bà! Vậy là trách nhiệm của em Thảo là tiếp tục chuyền-sức-sống? Em Thảo mà cúp điện thoại là “anh chú” ngủm?
- Ông này kiên trì lắm Thi ơi! Thảo cương quyết không cho gặp trước cổng trường, không cho lại nhà, vậy mà sáng nào ổng cũng đi lảng vảng con đường Thảo chạy xe ngang. Mà có ở gần đây đâu! Tuốt bên chợ Thủ Đức, sáng sớm ổng đi bộ lại trường Thảo, xong rồi đón xe buýt về.
- Đi bộ từ chợ Thủ Đức qua chợ Nhỏ, rồi vô tuốt xóm Tăng Nhơn Phú. Ôi… tình thiên lý! Ôi… “Thương em tam tứ núi cũng trèo - Thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua”…
- Thảo có thương yêu gì đâu. Ông chấp nhận tình một chiều, chỉ yêu cầu Thảo gọi ông bằng tiếng anh.
- Để tim anh đập nhẹ sống lai rai?
- Con khỉ!
- Và thế là anh… anh… em… em… ngọt xớt!
- Thét rồi quen. Kể cũng an ủi.
- An ủi cho ai?
- Cho Thảo. Có người chịu khó nghe mình khoe con, thở than chuyện trường lớp. Đến tuổi này mà có người mê mình đến độ đưa mình vào thơ. Ông làm nhiều thơ lắm, thơ cho Thảo, thơ về Thảo, thơ ca tụng Thảo.
- Còn có chuyện này nữa sao? Nghĩa là em Xuân Thảo là nàng thơ. Kể cũng đáng đồng tiền đó chớ, chỉ cần kêu tiếng “anh” là “được” làm nàng thơ.
- Cũng khoái chớ bộ! In thơ đề tặng mình nữa.
- À há… em Xuân Thảo hy vọng được nổi tiếng, được làm Hoàng Thị thứ hai. Nghe cũng khoái thiệt, tên tuổi được đi vào văn chương mà không cần làm thơ viết văn gì cả.
- Biết đâu! Coi nè, hai tập thơ chớ bộ ít sao.
- Hả! Chú… hả!
- Bộ Thi nghe tiếng ông thi sĩ này hả?
- Ơ… không
- Coi ông đề tặng nè: “Trao về em, thương yêu cuối đời”. Tình chưa.
…
- Ổng biểu cái tựa Tình Xuân Cuối Đời là từ tên Xuân Thảo đó, nàng Xuân là Xuân Thảo. Ông sợ tai tiếng cho Thảo nên chỉ dùng chữ Xuân.
…
- Tập thơ đẹp ha. Ổng cho cái tựa như vậy ai mà nghi ngờ là tên Xuân Thảo được. Nàng thơ Xuân Thảo, nghe cũng khoái ha?
- …
- Thơ được đó chớ?
- Ờ… Xuân đứng trước hay sau gì cũng vậy thôi, cũng là “nàng Xuân”. Nhưng… có phải thương-yêu-cuối-đời? Tình Xuân Cuối Đời… cái tình “Xuân” này là của ai đây? Mơ hồ quá! Nếu với nàng Xuân Thảo thì cái này không phải là “tình cho không biếu không”. Nàng Xuân Thảo cho chút tình để được làm nàng thơ của nhà thơ Vĩnh Thường. Còn nhà thơ Vĩnh Thường mượn chút tình còm cuối đời để nuôi thơ trả nợ đời.
- Tình không có, nhưng… “Dẫu xây chín đợt phù hồ - Không bằng làm phước cứu cho một người”.
- Ngụy biện! Thảo tự tin dữ ha. Biết đâu do bà vợ chăm sóc thuốc men chu đáo, Trời chưa chấm số. Nghe chuyện Tình Xuân Cuối Đời của mấy người, vừa hoảng hồn, vừa đói bụng, Thi gần xỉu rồi đây. Mà này, chút Thi đón taxi về, không sợ hết xe buýt. Nhà còn cá kho, canh chua gì không, Thảo hâm cho Thi tô cơm rồi kể hết những đeo-đuổi của nhà thơ Vĩnh Thường cho Thi nghe.
- Chi vậy? Có gì hấp dẫn mà đòi nghe?
- Để Thi làm chứng. Năm mười năm sau, khi ông chết đi, biết đâu thơ của ông này nổi tiếng, người ta muốn tìm kiếm những giai thoại về nhà thơ Vĩnh Thường thì Thi kể cho báo chí nghe, bật mí cho báo chí biết về “nàng thơ”, “nàng Xuân” của nhà thơ Vĩnh Thường. Chà, kiếm bộn tiền đây.
- Con quỷ!
- Mà không được, như vậy làm buồn lòng vợ con của nhà thơ Vĩnh Thường.
- Ờ… thôi… để đức lại cho con.
Võ Thị Điềm Đạm
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/03/vo-thi-iem-am-tinh-xuan-cuoi-oi.html?utm_source=BP_recent
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001