Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Lá Diêu bông và cái xe của ông Thứ trưởng 

cong
Diêu bông là thứ lá không có thật. Nhưng luật mà cũng Diêu bông, cũng không thật thì chí nguy

Trung tuần tháng 3, khi Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí được đưa ra Thường vụ, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận rằng ông đọc cả dự án luật “không biết làm thế nào để thực hành tiết kiệm, không biết làm thế nào để chống lãng phí; hay nói cách khác, không biết cái gì là lãng phí để mà chống”. “Các đồng chí quy định thế này là tôi chịu đấy”- ông nói, rồi nhận xét một cách hóm hỉnh rằng luật cứ “mênh mênh mang mang như lá diêu bông”.
Diêu bông là thứ lá không có thật. Nhưng luật mà cũng diêu bông, cũng không thật thì chí nguy.
Từ ngày 1.6.2006, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí bắt đầu có hiệu lực. Nhưng kết quả mà nó đưa lại chỉ là mấy chữ “tuy nhiên” trong những bản báo cáo màu hồng cuối năm, và sự “tuy nhiên” cũng mênh mênh mang mang đến mức không có đến một cái tên cá nhân phải chịu trách nhiệm. Và trong bối cảnh là sự lãng phí có địa chỉ, có hậu quả cụ thể. 
Hôm qua một loạt những cái gạch đầu dòng về sự lãng phí đã được các ĐBQH tiếp tục liệt kê:
Lương một thứ trưởng hơn chục triệu đồng/tháng nhưng chi phí cho chiếc xe công mà ông này đi gấp 3 lần, bao gồm: trả lương tài xế, phí bảo trì… 
Thứ 7, chủ nhật, từ đám cưới đến đám ma, về quê… cán bộ đều dùng xe nhà nước hết.
Giám đốc mới bắt đầu công việc bằng việc sửa chữa phòng làm việc, xây lại cổng cơ quan cho hợp…phong thủy….
Nói đây chỉ là những cái gạch đầu dòng, tiếp nối cho sự lãng phí là bởi có hẳn “bộ sưu tập” những sự lãng phí lớn hơn nhiều, được liệt kê từ sau công bố kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội năm 2009 mà đến giờ vẫn hầu như không có gì thay đổi. Đó là việc một cơ quan ở ngay Điện Biên Phủ cho thuê trụ sở suốt 10 năm để thu về một khoản tiền bèo như tượng trưng là 3 tỷ đồng. Hoặc trong khi bỏ hàng chục tỷ xây trụ sở thì một cơ quan khác để hoang 1750m2 trụ sở. Hay thời sự hơn là có tới 8 Bộ ngành, trong đó có cả Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa được bêu dương khi “sử dụng nhà đất không đúng mục đích, cho thuê trái phép, cho mượn sai quy định, bị lấn chiếm, tranh chấp hoặc để hoang hóa”.
Năm 2008, dư luận ngạc nhiên khi nghe câu chuyện một cơ quan “bé bằng con tép” như BQL dự án hồ Cửa Đạt- Thanh Hóa chi sai đến 3 tỷ đồng để tậu những con xe “xịn”. Sau đó rồi sao? Sau đó chả ai làm sao.
Và bây giờ, 8 năm sau khi Luật thực hành tiết kiệm có hiệu lực, những “trường hợp bị lộ” chỉ được xử lý, nói như ông Trần Sỹ Quang – phòng Pháp chế Công an TP. HCM là “xử lý nội bộ một cách nhẹ nhàng để bảo vệ thành tích của đơn vị”.
Dường như bản thân thứ luật mênh mang như lá diêu bông cũng đã là một sự lãng phí.
Vậy thì “căn bệnh lá diêu bông” phải được chữa trị như thế nào?
Câu trả lời đã có trong lịch sử.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư năm Bính Tuất (1466), vua Lê Thánh Tông ban lệnh “cấm các quan đổi đi chỗ khác không được lấy các thứ đồ dùng ở nhà công”. Tháng 2 năm Canh Tuất (1490) nhà vua tiếp tục ra chiếu chỉ “định lệ quan đổi đi nơi khác phải giao lại nhà công”. Lệnh vua không phải chuyện đùa, bởi đi kèm, nhẹ thì biếm chức, nặng thì đuổi về quê.
Tất nhiên vì thế thời Lê không có những câu chuyện đại loại cựu thị trưởng 5-7 năm không chịu trả…biệt thự.

Đào Tuấn
nguồn:http://daotuanddk.wordpress.com/2013/04/18/la-dieu-bong-va-cai-xe-cua-ong-thu-truong/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001