Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Trung thành tuyệt đối với cái ác và với sự tục tằn 

733820_481728231895206_756205495_n
Nếu tôi, người dịch, tự mình lược đi các chữ đó, hoặc che chúng đi, tôi sẽ cảm thấy mình đang làm một việc đạo đức giả, đang phản lại tác giả và đang bóp méo tác phẩm


(My Li-TTVHNhững thứ họ mang, tập truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Mỹ Tim O’Brien, đang bị phê phán về vài chỗ ngôn từ bị cho là quá tục tĩu. Theo phản ánh, truyện Làm thế nào để kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh có câu “Con mặt l** ngu đ** bao giờ trả lời” ở trang 95, những từ “l…”, đ…” bị cho là quá tục trong văn viết tiếng Việt.
My Li phỏng vấn Trần Tiễn Cao Đăng, dịch giả của bản dịch đang gây tranh cãi này.
Lược đi các chữ tục là một việc làm đạo đức giả
* Thưa anh, phản ánh trên mạng về việc cuốn sách Những thứ họ mang của tác giả Tim O’Brien có ngôn từ tục tĩu là đúng hay sai?

Đúng là có từ tục tĩu. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là tại sao.
* Vậy hãy nói về nguyên nhân? 
Để trả lời, tôi xin trích dẫn một số đoạn văn trong truyện Làm thế nào để kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh:
“Một câu chuyện chân thực về chiến tranh chẳng bao giờ dạy đời. Nó không hướng dẫn, không xiển dương đức hạnh, không đưa ra những mẫu mực hay hành vi đúng đắn của con người, không kiềm chế con người đừng làm những việc con người vẫn luôn làm. Nếu một câu chuyện trông có mùi dạy đời, đừng tin nó. Nếu đến cuối một câu chuyện về chiến tranh mà bạn cảm thấy tinh thần mình thăng hoa, hay nếu bạn cảm thấy có một chút gì công chính được cứu vãn khỏi sự tàn hại lớn, ấy là bạn đã bị biến thành nạn nhân của một sự dối trá khủng khiếp và cũ rích. Chẳng cái gì là công chính hết. Làm gì có đức hạnh. Vì vậy, quy tắc đầu tiên là bạn chỉ có thể kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh bằng cách trung thành tuyệt đối với cái ác và với sự tục tằn. (…)
Bạn có thể kể một chuyện chân thực về chiến tranh nếu nó làm bạn lúng túng. Nếu bạn không cần sự tục tằn, bạn không cần sự thực; nếu bạn không cần sự thực, hãy dè chừng xem bạn đang bỏ phiếu cho ai. Cứ cho đám thanh niên đi đánh nhau, khi trở về tụi nó toàn ăn nói tục tằn”.
Nếu đọc kỹ đoạn này (ngay sau cái câu đang gây tranh cãi ở trên) đọc và suy nghĩ kỹ, ta sẽ hiểu tại sao chúng ta cần phải dịch như thế. Vì tác phẩm cần như thế.
Có những chữ ấy, những chữ tục tằn ấy, thì truyện Những thứ họ mang mới thực sự là “Những thứ họ mang”. Nếu tôi, người dịch, tự mình lược đi các chữ đó, hoặc che chúng đi, tôi sẽ cảm thấy mình đang làm một việc đạo đức giả, đang phản lại tác giả và đang bóp méo tác phẩm. Lương tâm nghề nghiệp không cho tôi làm thế. Đó không phải “văn viết”, đó là ngôn ngữ của thực tại, cái thực tại chiến tranh khủng khiếp đó.
* Trong tác phẩm có khoảng bao nhiêu câu như thế?
Tôi không thể nhớ cụ thể. Có lẽ mươi câu. Những câu đối thoại. Chẳng hạn những tiếng chửi: “motherf**ker”, “con mặt l**” xuất hiện không dưới 3 lần.
Tác phẩm chân thực “tận đáy” về chiến tranh
* Thực ra, những từ lóng, tục đó không hiếm trong các tác phẩm văn học Mỹ nói riêng và tiếng Anh nói chung, anh nghĩ sao khi dịch sang tiếng Việt?

Ngôn ngữ tục tằn là một thực tế xã hội. Và trong bối cảnh chiến tranh, nó lại càng là thực tế. Lính tráng, khi họ ăn nói với nhau, họ có giữ gìn để không nói tục hay không? Đây là những câu thoại mà lính tráng nói với nhau, chứ không phải những lời họ nói với mẹ hoặc với con họ.
Tôi biết điều này có thể gây dị ứng với một số người. Nhưng tôi nghĩ, những ai dị ứng thì đơn giản là không đọc nữa. Có lẽ cuốn sách cần có một dòng khuyến cáo “Không nên đọc đối với những ai dị ứng với ngôn từ tục” chăng? Tuy nhiên, nếu vì vài từ tục đó mà quy kết bằng những ngôn từ nặng nề, tôi nghĩ đó là một xu hướng nguy hiểm, có hại cho tự do văn chương.
Tại sao anh chọn dịch tác phẩm này?- Tôi không chủ động chọn, mà Công ty Nhã Nam mời tôi dịch. Nhưng khi đã bắt đầu dịch, tôi thấy vui vì mình đã quyết định đúng. Đó là cuốn sách rất hay, mạnh mẽ, sâu thẳm, chạm đến tận cật ruột anh.
Viết về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam nhưng tác giả đã vượt qua được chủ đề cụ thể, làm toát lên được một vấn đề lớn hơn, phổ quát hơn, đó là: con người đối diện với chiến tranh. Khi ở trong chiến tranh, anh sẽ đổi khác như thế nào. Anh sẽ nghĩ những gì mà xưa kia anh không nghĩ, sẽ làm những gì mà xưa kia anh không làm.
Và ông suy tư về chuyện người ta cần phải kể như thế nào một câu chuyện chân thực, thật sự là chân thực, chân thực “tận đáy” về chiến tranh. Có thể nói không ngoa rằng Những thứ họ mang là “vế đối” về phía Mỹ cho Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, và hai vế hoàn toàn cân xứng với nhau, đều hay, mãnh liệt, khốc liệt, sâu thẳm như nhau.
Nếu chỉ vì dăm chữ “c…”, “l…” mà bạn vứt bỏ cả cuốn sách thì đó là điều đáng tiếc cho cá nhân bạn. Nhưng nếu chỉ vì dăm chữ đó mà bạn làm mọi cách để cho không ai khác được đọc cuốn sách thì đó là điều đáng buồn và thậm chí là thảm hại đối với cả một cộng đồng.
Cho nên trong việc này tôi không thể không bày tỏ lòng biết ơn đối với biên tập viên nhà xuất bản vì anh/chị đó đã để nguyên những chữ ấy.
Sợ “thói học phiệt” trong tranh luận* Anh nghĩ sao khi tác phẩm xuất bản từ năm 2011, đến nay bất ngờ “được” độc giả biết đến theo cách này?
- Đó là điều đáng tiếc. Lẽ ra cuốn sách phải được nhiều người quan tâm hơn từ lâu. Chứ không phải quan tâm hơn từ một sự kiện như thế này.
Mặt khác, tôi cho rằng phần lớn những người lớn tiếng bảo rằng những từ tục kia “không bao giờ xuất hiện trên sách báo”, bản thân họ chưa biết hết điều họ nói. Chẳng hạn, hai câu thơ của ông đồ Nguyễn Thiện Kế về cảnh hộ đê, hay những câu thơ Nguyễn Huy Thiệp trích trong tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu hoặc trong kịch bản chèo Vong bướm…Các từ kiểu đó xuất hiện nhiều hơn là những người đó tưởng và làm cho mọi người tưởng theo khi nghe họ nói.
* Thời gian qua anh có tham gia các cuộc tranh cãi liên quan đến dịch thuật, gồm: Lolita, Đoàn hộ nhẫn và nay là Những thứ họ mang, anh có cảm tưởng gì?
Cá nhân tôi, với tư cách người dịch, cũng như giới làm sách nói chung, luôn luôn trân trọng những ý kiến, phê bình dựa trên tinh thần xây dựng, cởi mở, cầu tiến, tương kính. Đáng tiếc, không phải phản hồi nào cũng như vậy.
Điều đáng sợ nhất là thói học phiệt đang có vẻ ngày càng lấn át mọi diễn đàn. Học phiệt là khăng khăng tự cho mình đúng, không còn dành cửa nào cho sự đối thoại đích thực.

Đào Tuấn
nguồn:http://daotuanddk.wordpress.com/2013/04/21/trung-thanh-tuyet-doi-voi-cai-ac-va-voi-su-tuc-tan/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001