Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Đào Tuấn - Thử làm dân 

Đào Tuấn 

Giá như những người làm chính sách cho đồng bào, như Ben Affeck, một lần thử làm dân, thay vì ngồi bên Tháp Rùa, để thông cảm được với những nạn nhân của sự “bất cập”.
Ben Affeck, đạo diễn Hollywood nổi tiếng vừa đưa ra thách thức “thử sống với 1,5 USD/ngày”. Mở ngoặc nói thêm “sống” ở đây chỉ với ý nghĩa chi phí cơm ăn nước uống với 30 ngàn đồng mỗi ngày. 30 ngàn mỗi ngày, vị chi 900 ngàn đồng mỗi tháng. Hơn 11 triệu đồng mỗi năm. Đó là “mức nghèo đói”, đó là “mức cơ cực”, tính theo chuẩn thế giới mà cuộc vận động “Live Below the Line” (sống dưới mức nghèo đói) do Ben khởi sướng muốn những người tham gia “thử”. Thử, để tiết kiệm tiền cho người nghèo. Thử, để cảm thông cho cảnh nghèo.
Những người dân nghèo ở Việt Nam hẳn sẽ ngạc nhiên và ngậm ngùi lắm khi “mức sống” 30 ngàn mỗi ngày được những người “sống thử” coi như những “thử thách cần chinh phục”.
Ngày hôm qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa công bố một báo cáo về đời sống của 75.000 hộ, 324.600 nhân khẩu. Đây là bộ phận đang thử thách sự kiên nhẫn và sức chịu đựng của mình năm này qua năm khác với mức thu nhập bình quân chỉ 7,1 triệu đồng/người/năm, chưa bằng 30% thu nhập bình quân đầu người của cả nước năm 2012. Thậm chí, bà con ở nhiều vùng đang sống với mức thu nhập cực thấp. Đó là các vùng Cửa Đạt (Thanh Hóa) và An Khê – Ka Nak (Gia Lai), Sông Tranh 2 (Quảng Nam) hay Đồng Nai 3 (Lâm Đồng). Cực thấp là bao nhiêu? Cực thấp là mức thu nhập 4,2 triệu đồng/người/năm. Và “thử thách” mà họ phải vượt qua là sống với 4,2 triệu đồng mỗi năm, hay 350 ngàn đồng mỗi tháng, hay 12 ngàn đồng mỗi ngày. Mà “sống” ở đây khác với nghĩa “sống thử” của Ben Affeck ở chỗ nó không chỉ là cơm ăn và nước uống. Nếu cần một bằng chứng thì còn đó cái chết của người phụ nữ khốn khổ ở An Xuyên, Cà Mau, khi viện phí, học phí một lẫn nữa được nhắc lại như những gánh nặng khủng khiếp, như một sức ép vô hình đè lên cuộc sống, và ở chừng mực nào đó, lên cả số phận những người dân, cả người nghèo lẫn người không nghèo. Đúng là: Một người phụ nữ phải quyên sinh trước học phí và viện phí.
Giữa Cửa Đạt, An Khê- Na Nak, Sông Tranh 2 và Đồng Nai 3 có điểm gì chung?
Không khó để nhận ra. Đó chính là những vùng thủy điện. Và bộ phận người dân đang sống chỉ bằng 1/3 mức sống “nghèo đói”, “cơ cực” chính là những người phải di dời nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả ông bà tổ tiên để nhường chỗ cho các công trình thủy điện.
Bản tin trên Tuổi trẻ, dẫn báo cáo Bộ Nông nghiệp đưa ra nhận xét,  rằng “Thu nhập rất thấp, tỉ lệ nghèo rất cao”, tới 36%, so với mức bình quân chung 10% của cả nước.
Biết bao nhiêu những lời hứa đã được long trọng nói ra, trước cuộc sống giống như bị bỏ quên, như “hạt thóc trong kẽ hòm” của những người dân vùng thủy điện. Biết bao nhiêu chính sách bắt đầu bằng hai từ “hỗ trợ”. Nhưng thực tế là cùng với việc di dời, những người dân tay không phải bắt đầu từ những con số 0 với một sinh kế mới.
Chúng ta đang ngồi ở chân Tháp rùa để làm chính sách cho đồng bào. Để sau đó chỉ nói nhẹ hều bằng hai chữ “bất cập trong chính sách”. Dù đằng sau sự “bất cập” đó là cuộc sống khốn khó.
Giá như những người làm chính sách cho đồng bào như Ben Affeck một lần thử làm dân, để thông cảm được với những nạn nhân của sự “bất cập”.
Admin gửi hôm Thứ Hai, 13/05/2013 
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130513/dao-tuan-thu-lam-dan
========================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001