Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Bệnh ấu trĩ dân chủ 


Đông A 


Ông Nguyễn Thanh Nghị trúng cử ủy viên BCHTW một cách hoàn toàn dân chủ... 

Trong một bức thư gửi Ban chấp hành TW hồi năm 2005 được cho là của ông Võ Văn Kiệt có nhấn mạnh đến nguyên tắc: “đại hội là cơ quan quyền lực cao nhất, giữa hai đại hội cơ quan lãnh đạo của đảng là ban chấp hành trung ương”. Nguyên tắc này xóa sổ vai trò của bộ Chính trị là cấp trên của Ban chấp hành TW trong cơ chế dân chủ tập trung. 

Có thể hiểu được mong muốn của ông Kiệt muốn dân chủ hóa trong nội bộ Đảng và hạn chế sự lộng quyền của Tổng Bí thư và bộ Chính trị mà có thể trong quá khứ lịch sử của Đảng những yếu tố như vậy đã từng xảy ra. Song đây cũng là một sai lầm chết người. Cơ chế dân chủ không bao giờ hoạt động được nếu thiếu hai yếu tố: kiểm soát và tản quyền. 

Dân chủ không có kiểm soát và tản quyền là chuyên chế của số đông dẫn tới độc tài cá nhân. Dân chủ trong cơ cấu tổ chức dân chủ tập trung của Đảng vốn không có kiểm soát và tản quyền về thực chất là biến chế độ quả đầu của dân chủ tập trung thành chế độ độc tài cá nhân. Bệnh ấu trĩ về dân chủ này không chỉ tạo cơ hội cho những kẻ độc tài tiếm quyền mà còn tạo ra khủng hoảng chính trị trong đất nước. 

Có thể thấy ngay hồi Đại hội XI cơ chế “chuyên chế của số đông” đã được vận dụng như thế nào. Ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không được đại hội Đảng bộ TPHCM cử đi tham dự đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Ông Nguyễn Thanh Nghị cũng không có chính tích gì. Nhưng tại đại hội Đảng toàn quốc XI ông Nguyễn Thanh Nghị được đề cử và trúng vào ủy viên dự khuyết BCHTW. Không ai có thể đàn hặc được chuyện này vì ông Nghị được bầu một cách hoàn toàn dân chủ và ở đúng đại hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Nhưng nhìn ở mặt khác thấy ngay một người không có chính tích, không được Đảng bộ địa phương cử đi dự đại hội Đảng toàn quốc nhưng lại trúng ủy viên dự khuyết BCHTW thì chỉ có thể là do con ông Nguyễn Tấn Dũng. 

Không thể ảo tưởng tốt đẹp về một cơ chế dân chủ không có kiểm soát và tản quyền. Cơ chế đó còn nguy hiểm hơn cơ chế quả đầu khi ít nhất trong cơ chế quả đầu quyền lực còn được phân tán cho một số ít người. Hiện tượng Tổng Bí thư hay bộ Chính trị có thể khuynh loát Ban chấp hành TW hoàn toàn không phải do thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng như những người mắc bệnh ấu trĩ về dân chủ tưởng, mà chính là do cơ chế dân chủ trong Đảng thiếu kiểm soát và tản quyền, dẫn đến Tổng Bí thư hay bộ Chính trị vận dụng sự chuyên chế của số đông làm cơ sở cho khuynh loát của mình. Khi Tổng Bí thư hay bộ Chính trị không đủ mạnh thì các cá nhân khác, nhóm đặc quyền đặc lợi, sẽ lợi dụng chính sự chuyên chế của số đông trong trò chơi dân chủ không có kiểm soát và tản quyền để khuynh loát, và như vậy tạo ra khủng hoảng chính trị hay độc tài cá nhân ở dạng này hay dạng khác. 

Một câu hỏi đặt ra là tại sao sự chuyên chế của số đông không dẫn đến quả đầu mà lại dẫn đến độc tài cá nhân? Câu trả lời nằm ở chính sự liên kết quyền lợi của đa số trên thiểu số đó là được dẫn dắt bởi một cá nhân. Nếu không có cá nhân dẫn dắt sẽ không có sự chuyên chế của số đông. 

Tuy vậy cũng phải nói thêm rằng trong bức thư của mình ông Võ Văn Kiệt cũng đề xuất Tổng Bí thư do đại hội Đảng bầu trực tiếp. Đề nghị này của ông Kiệt thực chất là tạo ra tản quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa Tổng Bí thư và Ban chấp hành TW, và như vậy có thể khống chế sự chuyên chế của đa số. Nhưng thực tế, đề nghị này của ông Kiệt không được thực thi, nhưng quan điểm “đại hội là cơ quan quyền lực cao nhất, giữa hai đại hội cơ quan lãnh đạo của đảng là ban chấp hành trung ương” lại được chấp nhận dẫn đến sự chuyên chế của đa số.
nguồn:http://quechoa.vn/2013/05/13/benh-au-tri-dan-chu/
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001