Jonathan London - Hướng về giải thưởng
Jonathan London
Trước những diễn biến mới nhất ở Việt Nam – cụ thể là kết luận bất mãn (tuy phần lớn nào có thể dự đoán được) của công cuộc sửa đổi hiến pháp, chuỗi các vụ bắt blogger (mà giờ đã thành xu thế ổn định), và mối lo ngại ngày một gia tăng về tình hình của nhà bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ – ta rất dễ kết luận rằng chẳng có gì thay đổi trong chính trị Việt Nam.
Một tia sáng đang nhanh chóng tàn lụi
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội dầu tuần trước là một cú chớp loé sáng rồi vụt tắt trong quãng thời gian mấy tuần đáng ngán ngẩm. Những lá phiếu tín nhiệm, theo quan điểm của tôi, đã và vẫn là một diễn biến quan trọng trong quá trình phát triển của Quốc hội – một diễn đàn mà ngay từ những ngày còn non trẻ của nó, đã bị đặt xuống một vị trí hoàn toàn phụ thuộc vào chính trị nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và do đó đã và vẫn thể hiện mọi hạn chế của một chế độ độc đảng.Sự quan trọng của những lá phiếu là chúng đưa ra một yếu tố có thể gọi là “sự không xác định trước được” (indeterminancy) trong nền chính trị của đất nước, một yếu tố vốn gần như đã biến mất ở một đất nước nơi hệ thống cai trị theo thứ bậc và đầy bí mật của các chi bộ đảng đã thâm nhập vào gần như tất cả các tổ chức xã hội. Nói cách khác, nền chính trị của Quốc hội không còn hoàn toàn hay chỉ là thứ chính trị được sắp đặt từ trước mà chúng ta đều đã quá quen thuộc. (Dù vậy, Quốc hội vẫn là một cơ quan được cấu thành, chỉ định, hành động, lửa chọn, và quản lý do một chế độ độc đảng.)
Các vụ bắt bớ blogger
Khổ thay, trong vài ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu của Quốc hội cộng với những ì xèo mà nó gây ra, cảm giác về cơ hội (về cái có thể diễn ra) đã nhường chỗ cho cái điều quen thuộc đến phát chán nọ. Như bây giờ người ta đã rõ, Nhà nước, có lẽ là theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, đã tăng cường gấp đôi nỗ lực bịt miệng và dập tắt sự phát triển của ‘phong trào’ cải cách chính trị càng ngày càng sôi động của Việt Nam.Chúng ta hãy quay trở lại để nói nhanh về các vụ bắt bớ. Trong vòng ba tuần, ba người đã bị buộc tội theo một công cụ mới được các cơ quan trấn áp ở Việt Nam ưa chuộng: Điều 258 Bộ luật Hình sự. Cái biện pháp đậm đà màu sắc Stalin này quy định rằng, “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Tôi hỏi, tại sao nhiều tiến bộ, bộ máy nhà nước của Việt Nam, một quốc gia với tiềm năng to lớn như thế, lại vẫn có những bốc đồng của một nhà nước công an trị? Làm sao những định chế áp bức như thế có thể đóng góp được gì cho tương lai của đất nước?
Các vụ bắt bớ, tất nhiên, nhằm bịt miệng không chỉ một vài cá nhân, mà còn nhằm đe đoạ tất cả những người có và đang phát triển đầu óc đổi mới. Còn quá sớm để biết liệu chúng có hiệu quả hay không. Nhưng những dấu hiệu đầu tiên cho thấy rằng việc bắt giữ, không phải là dội nước lạnh lên những ý kiến bất đồng về chính trị, mà đã làm sâu sắc thêm cảm giác quyết tâm ở những người bên trong, bên ngoài, và trên biên giới bộ máy ở một quốc gia đang tìm kiếm cải cách chính trị mang tính đột phá. Cùng lúc, hình ảnh và uy tín trên trường quốc tế của Việt Nam một lần nữa bị kéo xuống bùn.
Ảo tưởng Internet?
Các vụ bắt giữ cũng kéo theo một cơ hội để đánh giá tỉnh táo về các khả năng và giới hạn của du luận chính trị trên nền Internet ở Việt Nam. Một bài báo gần đây trên tờ Financial Times về hoạt động trên hoạt động chính trên mạng ở Đông Nam Á (tác giả Daving Pilling, với sự hợp tác của Nguyễn Phương Linh) cho thấy sức mạnh của Internet trong việc hình thành và phát triển những cuộc tranh luận chính trị mở.Lùi lại để quan sát những gì đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cũng có thể nhất trí rằng, mặc dù Internet ở Việt Nam đã giúp ích cho công cuộc hình thành và phát triển những thảo luận chính trị mang tư duy cải cách sống động, nhưng cho đến giờ, thảo luận chính trị công khai ở Việt Nam vẫn tồn tại chủ yếu (dù không hoàn toàn) trên cyberspace.
Mặc dù các cuộc thảo luận thường thú vị, nhưng, có lẽ cũng có thể thấy trước được, là chúng thường chuyển hoá thành một loại “căn phòng trút giận”, trong đó, người ta mất rất nhiều sức vào việc phê phán các khuynh hướng chính trị lạc hậu của Việt Nam mà bỏ rất ít công sức (có lẽ do sợ những mối nguy hiểm cố hữu) cho những giải pháp chính trị có tính chủ động.
P.O.S.
Nghiên cứu khoa học xã hội về các phong trào xã hội cho thấy rằng, tuy những lời công khai kêu gọi cải cách có thể là một động lực mạnh mẽ, nhưng những kêu gọi như thế chỉ được hiện thực hoá, trở thành các phong trào lớn mạnh và hiệu quả khi chúng tập trung và được hỗ trợ bởi các hành động có tổ chức, có kỷ luật, xoay quanh những mục tiêu chính trị cụ thể.Điều này, đến lượt nó, lại đòi hỏi phải có những hình thức tổ chức để có thể huy động và triển khai “các nguồn lực khác nhau cho phong trào xã hội”, suốt một thời gian liên tục trong một môi trường chính trị thay đổi liên tục. Ngược lại, sự thể hiện một cách hỗn loạn trên mạng, mặc dù có thể có tính xả stress (“nhuận tràng”), tự nó không chắc có thể mang lại kết quả hữu hình vào.
Công cuộc cải cách ở Việt Nam quả thật có thể được ví với một “căn lều lớn”. Nhưng cho đến nay, các hoạt động bên trong căn lều đó vẫn hỗn loạn một cách không thể chối cãi. Điều này đưa chúng ta đến với khái niệm “cấu trúc của thời cơ chính trị” (political opportunity structure hay P.O.S.).
Sự hình thành các phong trào xã hội không diễn ra trong chân không, mà là trong môi trường xã hội năng động, được tạo hứng khởi từ một loạt những cơ hội và rủi ro tiến triển không ngừng. Thành công hay thất bại của các phong trào cải cách trên toàn cầu thường phụ thuộc vào việc các phong trào đó vận hành như thế nào trước những rủi ro, đe doạ đó.
Quá trình cải cách hiến pháp là một ví dụ tốt để minh hoạ khái niệm “cấu trúc thời cơ chính trị”. Việc thảo luận về sửa đổi hiến pháp không tình cờ tiến triển. Thay vì thế, nó do Nhà nước khởi xướng một cách vụng về, và sau đó được nắm bắt bởi một nhóm người có tâm, những người cảm thấy có một cơ hội chính trị, và rồi họ tận dụng nguồn lực và tài năng của họ một cách có tổ chức, khôn ngoan, chiến lược.
Thứ mà ban đầu là một quá trình được giới bảo thủ trong nhà nước đạo diễn đã phát triển (nhờ những hành động can đảm của các nhà ủng hộ cải cách) thành một cuộc thảo luận sinh động trên tầm quốc gia, điều thật sự chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam.
Nhớ lại, những người cổ vũ cải cách hiến pháp trong ví dụ này đã tập trung vào vấn đề cụ thể là liệu có nên, và phải làm thế nào, để sửa đổi hiến pháp một cách căn bản – việc này có liên quan đến vấn đề còn to lớn hơn, là cải cách thể chế. Phải công nhận là dù phong trào sửa đổi hiến pháp (và tôi nghĩ nó là một phong trào, theo cách nào đấy) vẫn chưa đem đến những thay đổi đáng kể trong thể chế chính thức của Việt Nam, nó có mang lại một số thay đổi khá rõ nét trong giọng điệu và đặc điểm của các cuộc thảo luận chính trị ở Việt Nam. Và điều đó, trong quan điểm của tôi, là một kết quả rất đáng kể.
Phong trào hiện tại xoay quanh tình hình ông Cù Huy Hà Vũ có lẽ là một thời cơ chính trị khác. Một lần nữa, đây là một thời cơ được tạo bởi những hành động vụng về của những yêu tố áp chế mà đáng tiếc vẫn sinh tồn trong nhà nước. Nhưng giờ đây phong trào đó có trong tay một nhà bất đồng chính kiến hùng biện và có quyết tâm cao; một nhân vật thu hút sự ủng hộ rộng lớn cả trong và ngoài Việt Nam.
Nhìn lại toàn cảnh tình hình
Trước tình hình bắt bớ và giam giữ liên tục không ngừng nghỉ, người ta không nên chỉ nhìn cây mà bỏ qua nhìn rừng. Nhìn rộng ra là một việc làm có ích.Có thể phát biểu một cách an toàn rằng 12 tháng qua, tình hình khá khác so với bất kỳ thời kỳ nào có thể đem ra so sánh trong lịch sử Việt Nam. Có thể nhìn thấy đặc điểm nổi bật của giai đoạn này trong bộ máy nhà nước, cùng với việc Ban Chấp hành Trung ương khiển trách Bộ Chính trị, cái ghế lung lay của ông Nguyễn Tấn Dũng, và gần đây nhất là thất bại có vẻ của phe bảo thủ trong việc nhét Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính trị. Ngân và Nhân vẫn còn là hai nhân vật bí ẩn và hãy còn quá sớm để nhận rõ liệu sự cởi mở mà người ta gán cho họ là diễn hay là thật.
Chúng ta nhận thấy rất rõ, rằng tranh giành giữa các phe phái đã luôn hiện diện trong Đảng. Có lẽ là đáng khích lệ khi mà cuộc chiến phe phái đã mang một bộ mặt công khai hơn. Quả thật, đối với tôi, tranh giành phe phái trong Đảng càng trở thành chuyện “bình thường” hơn và công khai hơn thì Việt Nam càng đi gần hơn đến đa nguyên về chính trị – chế độ đa nguyên có thể giúp cho sự chuyển đổi để đi đến một tương lai dân chủ hơn. Mặc dù nín thở theo dõi là dở hơi, nhưng các diễn biến chính trị trong nội bộ Đảng là rất đáng kể và những người có tư duy cải cách cần phải được theo dõi cẩn thận để có phản ứng phù hợp.
Trong khi đó, bên ngoài nhà nước đảng trị, và trên biên giới của nó, Việt Nam rõ ràng là khác hẳn so với cách đây một năm. Tuy rằng người ta vẫn có thể bị tống vào tù vì đã phát tán biểu tượng chính trị “sai lệch”, hay vì nói những điều không đẹp về Bắc Kinh, hay vì kêu gọi lật đổ chính quyền, nhưng hàng ngũ những người Việt Nam có tư duy cải cách ngày nay được thoải mái tuyên bố họ muốn cải cách chính trị ngày một đông đảo thêm, và không chỉ chia sẻ trên mạng. Chẳng hạn, nhiều người Việt Nam thoải mái nói rằng họ muốn xoá bỏ Điều 4 Hiến pháp. Những người mà tôi đang nghĩ đến không có mực tiêu giải tán Đảng và chắc chắcn họ không phải là “thế lực thù địch”. Họ là những người Việt yêu nước, mong muốn Đảng Cộng sản Việt Nam chấm dứt độc quyền lãnh đạo và cạnh tranh cùng các đảng phái yêu nước khác để cùng thúc đẩy lợi ích quốc gia trong một trật tự xã hội hoà bình, an ninh và dân chủ.
Một số câu hỏi thực tiễn
Trong ngắn hạn, có những câu hỏi quan trọng cần được đặt ra. Chẳng hạn, trước cải cách, các đảng nên vận hành như thế nào trong tình hình bị đàn áp tàn nhẫn với hàng loạt vụ bắt bớ theo Điều 258? Đó là một câu hỏi hay. Có lẽ cần kiên nhẫn, thận trọng, có óc tưởng tượng, có khả năng tháo vát, và tránh rơi vào những cái bẫy khác nhau mà kẻ thù của cải cách giăng ra.Mặc dù phải thừa nhận điều này khó thực hiện, nhưng cần phải nhìn vượt ra bên ngoài thể chế và các cơ quan chuyên trấn áp. Công an – những người hiện diện trong các vụ bắt giữ và đe doạ – là lực lượng cuối cùng cần được phân tích, họ chỉ là những người thực hiện các mệnh lệnh cụ thể của thể chế. Họ là con người, đang sống, đang hít thở không khí, có gia đình và có hy vọng. Tương lai nghề nghiệp của họ phụ thuộc vào việc họ tuân thủ triệt để đến mức các mệnh lệnh do những chính sách sai lầm đưa ra.
Cũng có thể nói y như thế về lực lượng bình luận viên trên Internet, do nhà nước thuê, những người liên tục cố gắng định hướng dư luận bằng đủ thứ lý lẽ nguỵ biện. Trên trang blog tiếng Việt của tôi chẳng hạn, các quan sát của tôi về biểu tình ở Việt Nam bị một số “người đọc” hiểu sai thành lập luận ủng hộ biểu tình. Tôi nhấn mạnh rằng biểu tình trong chính thể dân chủ là một cơ chế để gây áp lực lên các chính trị gia thiếu trách nhiệm giải trình. Tôi không ủng hộ bản thân hành động biểu tình, và tôi phản đối biểu tình bạo lực dưới mọi hình thức. Một người đọc khác bảo tôi nên tập trung vào các nạn nhân của chất độc màu da cam và dioxin. Tôi tuyệt đối là nên làm thế. Nhưng vấn đề này, bản thân nó, chẳng liên quan gì đến cải cách chính trị. Và trong vài ngày qua, người dân Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều bài báo lố bịch, chúng chỉ làm tăng thêm chứ không làm giảm những lo ngại về tình hình Cù Huy Hà Vũ.
Hành động bắt bớ và đe doạ cũng như là thứ “chính trị một chiều” khiến người ta chán nản và không dễ xử lý. Tuy nhiên, những người cổ suý cho cải cách thực sự sẽ bị thua nếu họ dành phần lớn công sức vào phản ứng với những thứ đó và tương đối ít công sức vào các giải pháp chính trị chủ động.
Tính chủ động (chứ không phải “phản ứng” – càng không phải phản động) có thể giúp người ta xử lý các khía cạnh tâm lý mệt mỏi của việc sống trong một nhà nước công an trị, trong khi cũng có thể thúc đẩy một cách tiếp cận mang tính tích cực hơn.
Xưa, nay, và tương lai
Có ví dụ nào trong lịch sử mà Việt Nam nên nhìn vào không? Trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ, những nhà hoạt động đã từ chối, không để bị nhụt chí trước hành động trấn áp phi lý, và họ hướng năng lượng của họ không phải vào cảnh sát hay những kẻ áp bức, mà vào việc loại bỏ các chính sách trấn áp. Trong phong trào Quyền Dân sự ở Hoa Kỳ, các nhà hoạt động, từ những xuất thân khác nhau, đã nhấn mạnh nhu cầu phải duy trì kỷ luật và tập trung vào mục tiêu cao nhất. Tinh thần này được tóm gọn trong mấy từ (hãy để mắt đến việc) “giám sát giải thưởng” [“(Keep your) Eyes on the prize”]. Ở đây cần nhấn mạnh rằng thành công của phong trào không phải là ở chỗ hát được nhiều bài hát, mà là ở vấn đề tổ chức.Ở Hàn Quốc, công nhân và sinh viên đấu tranh cả thập kỷ để có cải cách. Và ngày nay, mặc dù nền chính trị của Hàn Quốc vẫn chưa hoàn hảo, nhưng họ đã đi trước Việt Nam nhiều năm ánh sáng – thật mỉa mai khi mà các lãnh đạo của Việt Nam đều ưa thích “mô hình Hàn Quốc”. (Hàn quốc nào là mô hinh? Hàn Quốc tiên tiến của hôm nay? Hoặc Hàn Quốc công an trị của Park Chung Hee? Ai mà cho rằng Việt Nam có thể tái tạo kinh nhiệm của Hàn Quốc thời Park qua việc đán áp và bỏ vốn vào những công ty lớn thật là đang sống dưới một ảo tưởng nguy hiểm. Bẹnh đó tôi gọi là “Chaebol dreaming.”)
Về Việt Nam, cuộc đấu tranh của chính Việt Nam để giành độc lập, mặc dù – thật đáng tiếc – đầy bạo lực và huỷ diệt, đã có nhiều lúc “bên thắng cuộc” được gợi hứng bởi niềm tin tưởng sâu sắc vào chiến thắng cuối cùng. Theo rất nhiều người ở trong và ngoài bộ máy nhà nước Việt Nam, và ở mọi bên, chiến thắng cuối cùng vẫn chưa đến.
Nếu Việt Nam đạt được những cải cách họ cần thực hiện để gia nhập hàng ngũ các xã hội tiên tiến và cởi mở của thế giới, thì những gì cần có là tổ chức cẩn thận, chính xác, và quyết tâm lâu dài. Lịch sử không thể vội được. Nhưng thay đổi sẽ không đến nếu không có sự can đảm, thận trọng, và trí tưởng tượng.
Những người cổ vũ cho cải cách ở Việt Nam hình dung, và một xã hội trong đó các quyền tự do thể hiện trong hiến pháp được đảm bảo thật sự. Trong xã hội đó, mọi thủ đoạn kiểu Stalin đều chỉ còn là quá khứ. Một nước Việt Nam mạnh, an ninh, và dân chủ, được cai trị bởi pháp luật và một hệ thống tư pháp thực sự độc lập. Nếu đảng viên của Đảng Cộng Sản muốn củng cố tính chính danh của họ, họ phải tiêu diệt hết các thủ đoạn của nhà nước công an trị và bắt đầu xúc tiến những cuộc cải cách mang tính đột phá mà rõ ràng Việt Nam đang cần. Họ càng sớm làm việc đó thì Việt Nam càng sớm tìm ra con đường thực sự hứa hẹn để đi đến tương lai. Nhưng họ sẽ chỉ làm như vậy nếu những người ủng hộ cải cách để mắt theo dõi giải thưởng.
JL
Admin gửi hôm Thứ Sáu, 21/06/2013
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130621/jonathan-london-huong-ve-giai-thuong
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001