Nguyễn Xuân Phước - Khi người dân nổi giận (và nổi dậy)
LS Nguyễn Xuân Phước
Câu chuyện ở đây không phải cuộc cách mạng Hoa Lài ở Bắc Phi hay cách mạng Nhung ở Đông Âu. Đây là câu chuyện ở Hoa Kỳ. Rất đặc thù trong nền dân chủ pháp trị ở Mỹ.
Câu chuyện liên quan đến một nền hành chính địa phương bị một gia đình giàu có thao túng, nhũng lạm. Gia đình nầy cùng với những người làm ăn với họ đã hà hiếp người dân đến mức độ người dân địa phương đã phải đứng lên dùng bạo lực lật đổ chính quyền đó. Đây là một câu chuyện có thật, có một không hai, trong lịch sử nền dân chủ của Hoa Kỳ.
Câu chuyện nầy có tên là "The Battle of Athens" (Cuộc Chiến tại thành phố Athens) nói về cuộc nổi dậy của người dân thành phố Athens và Etowah tại tiểu bang Tennessee nổi lên chống lại chính quyền địa phương vào Tháng Tám năm 1946.
Người dân, gồm những cựu chiến binh trở về sau chiến tranh thế chiến thứ hai, đã tố cáo viên chức địa phương về tội nhũng loạn chính trị và đe doạ cử tri. Câu chuyện thường được dùng để chứng minh quyền mang súng của người dân chống lại bạo quyền.
Từ những năm 1936, người dân Hạt McMinn County nghi ngờ các viên chức của hạt (county) có nhiều hành vi nhũng loạn chính trị địa phương và họ thấy những dấu hiệu các viên chức này đã gian lận trong việc bầu cử. Bộ Công Lý Hoa Kỳ nhiều lần điều tra nhưng không đưa ra kết quả cụ thể.
Năm 1936 Paul Cantrell là một chính trị gia thuộc đảng Dân Chủ xuất hiện tranh cử ghế cảnh sát trưởng tại hạt McMinn, Tennessee. Paul Cantrell xuất thân từ một gia đình giàu có, nhờ vào lợi thế của đảng Dân Chủ lúc bấy giờ dưới thời Tổng thống Franklin Roosevelt, nên đã trúng cử. Paul Cantrell làm cảnh sát trưởng từ 1936 đến 1942. Sau đó trúng cử dân biểu liên bang năm 1942, 1944. Ghế cảnh sát trưởng được Paul Cantrell nhường lại cho người phụ tá là Pat Mansfield.
Hệ thống cảnh sát quận hạt McMinn sống nhờ vào tiền phạt vạ người dân. Càng nhiều người bị bắt, cảnh sát kiếm được nhiều tiền. Một hệ thống làm tiền mà người cảnh sát đượïc thưởng theo số lượng hình phạt giống như những người bán hàng. Xe hành khách đi ngang qua hạt McMinn thường bị cảnh sát chận lại và hành khách thường bị phạt tội uống rượu dù họ có tội hay không. Những người hành khách vô tội, ở xa không thể ra toà tại McMinn, đành phải đóng tiền để tránh phiền phức và tù tội. Nhờ đó, những quan chức ở Sở Cảnh Sát hạt giàu có lên. Ngoài ra, Cantrell bao che cho các hoạt động của các sòng bài bất hợp pháp tại địa phương. Cantrell hành xử như một bố già Mafia và trở thành hung thần của người dân tại hạt McMinn. Và các đối thủ chính trị không dám ra mặt chống đối lại quyền lực của Cantrell.
Trong cuộc bầu cử năm 1946, Paul Cantrell trở lại làm ứng cử viên ghế cảnh sát trưởng và Pat Mansfield trở thành ứng cử viên ghế dân biểu tiểu bang.
Sau khi Thế chiến Thứ hai chấm dứt năm 1945, khoảng 3,000 cựu chiến binh trở về McMinn County. Không khí chính trị tại McMinn County trở thành ngột ngạt vì những hành vi của bộ hạ của Cantrell đã đụng chạm đến quyền lợi những cựu chiến binh và họ bắt đầu có thái độ chống lại hệ thống cai trị của Cantrell. Một số cựu chiến binh tập họp lại đưa ra ứng cử viên của họ để đối phó với Paul Cantrell và guồng máy chính trị của Cantrell.
Ngày 1 tháng Tám năm 1946 phòng phiếu được mở cửa. Khoảng 200 cảnh sát viên đượïc trang bị vũ khí đi tuần hành các khu bầu cử.
Một số mâu thuẫn xảy ra trước khi phòng phiếu đóng cửa. Mâu thuẫn quan trọng nhất là khi Tom Gillespie, một người da đen bị cảnh sát viên C.M. Wise bắn sau lưng sau khi bỏ phiếu và có cãi cọ với cảnh sát.
Khi phòng phiếu đóng cửa, các cảnh sát viên đưa các thùng phiếu về nhà tù thay vì đưa về văn phòng của County. Các cựu chiến binh cùng kéo nhau đến bao vây nhà tù. Một số cựu chiến binh phá rào cướp kho súng của trại vệ binh quốc gia. Người ta ước lượng khoảng 2,000 cựu chiến binh có trang bị vũ khí tham gia bao vây trại tù lúc bấy giờ.
Trong lúc đó, trại tù được bảo vệ bởi 50 cảnh sát viên. Các cựu chiến binh đòi các thùng phiếu đưa về văn phòng County để kiểm phiếu một cách minh bạch nhưng bị từ chối. Họ bắt đầu nổ súng vào phía nhà tù, khởi động cuộc chiến kéo dài vài giờ. Sau đó cửa nhà tù bị đặt mìn và bị phá tung. Nhiều cảnh sát viên bảo vệ nhà tù bị thương và phải đầu hàng. Các thùng phiếu được các cựu chiến binh thu hồi.
Khi cuộc vây hãm nhà tù tiến hành, thì người dân nổi loạn khắp nơi trong thành phố nhắm vào xe cảnh sát. Cuộc nổi loạn kéo dài đến sáng ngày hôm sau.
Sau cuộc nổi dậy, các thùng phiếu được kiểm, và 5 ứng cử viên của cựu chiến binh đã trúng cử. Sau đó, các sòng bài lậu do guồng máy hành chính của Paul Cantrell đỡ đầu bị tấn công và đóng cửa.
Khi năm cựu chiến binh nắm được quyền hành guồng máy hành chính của hạt McMinn, họ bắt đầu tháo gỡ nhân sự của Paul Cantrell. Hàng loạt cảnh sát, quản trị viên của hạt phải từ chức. Chính sách sử dụng hình phạt như là nguồn ngân sách chính yếu cho quận hạt cũng bị bãi bỏ. Lương cảnh sát địa phương không còn được dựa vào số phiếu phạt (tickets), mà bị giới hạn là $5,000 một năm (thời điểm 1946).
Câu chuyện Cuộc Chiến Tại Athens được dàn dựng thành phim chiếu trên TV và được đề nghị giải Emmy Award năm 1993.
Xuyên qua câu chuyện Cuộc Chiến Tại Athens, chúng ta thấy rằng dù tại Hoa Kỳ có một thể chế dân chủ khá hoàn hảo, guồng máy chính trị và hành chính địa phương có thể bị quan chức thao túng thông qua việc gian lận bầu cử.
Bầu cử là cửa ngõ để bước vào toà nhà dân chủ. Khi bầu cử bị gian lận thì nền dân chủ tan vỡ. Việc người dân võ trang chống lại nhà nước tại Hoa Kỳ là hành động phạm pháp. Nhưng trong những trường hợp như thế nầy, người dân phải vượt qua lằn ranh luật pháp để phục hồi lại trật tự và sự ổn định của xã hội.
nguyen_y_van gửi hôm Thứ Sáu, 14/06/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130614/ls-nguyen-xuan-phuoc
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001