Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

NHỮNG ĐÓA HOA MÁU ĐẦU THẾ KỶ 20 


17 tháng 6 năm 1930 – 17 tháng 6 năm 2013. 

NHỮNG ĐÓA HOA MÁU ĐẦU THẾ KỶ 20

NGUYỄN THÁI HỌC và CÁC ĐỒNG CHÍ TRƯỚC GIỜ BỊ PHÁP HÀNH QUYẾT.

Trong đề lao Yên Báy các tù nhân bị nhốt chung một gian nhà. Cai Công đao phủ, dáng lùn tịt, mặt lúc nào cũng tây tấy, mò đến bên các tù nhân. Trước Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính thì Công dừng lại. Cử chỉ rất lạ, đã từng giật máy chém, chém bao nhiêu người, cai Công chưa làm thế bao giờ. Hắn cảm thấ…y như có gì cào cấu trong ruột, mồ hôi rịn ướt trên da mặt sẫm từng vệt tàn nhang, tay chân nhức nhối như dòi bò. Hắn đã nốc bao nhiêu rượu để có quên cảm giác ghê rợn. Tự dưng hắn quỳ phục xuống trước mặt Nguyễn Thái Học, khóc rưng rức. Hắn nói:

- Mong các ông xá tội cho. Các ông chết trẻ sẽ thiêng lắm. Tôi biết tôi trọng tội, nhưng vì miếng cơm manh áo, tôi phải làm theo phận sự. Xin các ông mở lượng hải hà khoan lượng.

Nguyễn Thái Học khuyên:

- Ông Cai Công ạ! Nghề này thất đức lắm. Ông nên giải nghệ đi. Nếu có thiêng liêng thật, chúng tôi cũng không thèm chấp với ông đâu. Ông cũng chỉ là cái máy bên cái máy chém. Giải nghệ đi kẻo tội lỗi chất chồng tội lỗi, xuống âm phủ Diêm Vương cũng không chấp nhận ông đâu!

Cai Công ấp úng nói: “vâng”, và cứ thế quỳ trước Nguyễn Thái Học đến tận lúc bọn cai nhà lao lục tục thúc giục tù nhân ra pháp trường.

5 giờ 5 phút ngày 17 tháng 6 năm 1930, bốn trăm cảnh binh, cảnh sát, mật thám và Lê Dương đã giăng ra bảo vệ khu hành quyết tù nhân. Không cho bất cứ ai lọt vào trừ những người làm phận sự. Pháp trường dựng ở bãi lính tập, trước khu nhà thờ, có hàng cây bàng và cây báng súng bao quanh. Đối diện với mấy ngôi nhà gạch mới xây.

Chiếc máy chém đen sì được đặt trên bãi cỏ. Nó vừa có chức năng chém người lại có chức năng dọa người. Lưỡi máy chém xám xịt được kéo lên theo rãnh trượt. Tử tù phải nằm trên một tấm ván, cổ bị gông lại. Chỉ cần giật nút hãm là lưỡi dao rơi tự do phập xuống. Ai yếu bóng vía chỉ trông hoặc nghe tiếng phập nhanh như thái chuối là đủ chết ngất hoặc vãi nước đái ra quần. Trong mọi cách hành hình thì đây là cách hành hình “văn minh man rợ” nhất. Nó lạnh lùng khủng bố tinh thần. Nó trấn áp, nó tra tấn thần kinh con người.

Trên đoạn đường trải đá bên cạnh pháp trường là dăm bảy chiếc xe bò chờ sẵn để chở xác người đi chôn.

Bãi bên, xếp 15 chiếc quan tài. Thấy lạ, nhà báo Louis Roubaud hỏi viên chánh cẩm:

- Sao xử chém 13 người mà lại có những 15 quan tài?

Hắn trả lời:

- Để đề phòng có người sợ quá vỡ tim mà chết tại chỗ! Tình huống này rất dễ xảy ra.

Lần lượt 13 nghĩa sĩ lên đoạn đầu đài. Tất cả đều bình thản bước tới theo danh sách được gọi tên. Tất cả đều khước từ cố đạo rửa tội. Trước khi lưỡi dao máy chém phập xuống, ai cũng hô to:”Việt Nam vạn tuế!”. Tiếng hô khản đặc đủ vang tới tường nhà thờ dội ra đường phố Yên Báy. Dòng máu phun trào từ cổ mỗi người đã đứt lìa, tia máu bắn xa hàng chục mét.

Nguyễn Thái Học phải đứng đó để chứng kiến lần lượt từng người văng đầu trên máy chém. Phó Đức Chính là người thứ 12 lên đoạn đầu đài. Cố đạo Méchet hỏi anh: “Cậu chết trẻ vậy có ân hận không?”. Phó Đức Chính trả lời thản nhiên: “Ở đời, mong làm lấy một việc lớn mà việc ấy không thành thì chết có gì ân hận”! Anh nói lớn: “Cho ta nằm ngửa để ta nhìn lưỡi dao tội ác của người Pháp”. Nhiều người ngoảnh mặt đi không dám ngó. Nhiều người lấy khăn lén lau nước mắt.

Đến lượt Nguyễn Thái Học. Anh ngậm điếu xì gà thật to. Gọi đến tên, anh phì điếu thuốc ra khỏi miệng, thong thả bước tới máy chém. Anh đọc câu thơ bằng tiếng Pháp:

Mourir pour sa patrie

C’est le sort le plus beau

La plus digne d’envie

(Chết cho đất nước của mình

Là cái chết đẹp nhất

Thanh thản tuyệt vời nhất)

Anh hô lớn: “Việt Nam vạn tuế! Việt Nam vạn tuế!”

Chiếc gông đã khớp vào cổ anh. Tiếng hô: “Việt Nam …” bị đứt đoạn. Đầu anh văng ra, cơ miệng anh theo quán tính còn mấp máy một thoáng.

Phía dân chúng đứng xem bỗng vang lên tiếng hô: “Đả đảo thực dân Pháp dã man!”. Những tiếng phụ họa “đả đảo, đả đảo” ầm ầm, buộc đám cảnh binh phải dùng tới dùi cui.

Viên công sứ De Bottini giơ tay xem đồng hồ. Đầu Nguyễn Thái Học rơi khỏi cổ lúc 5 giờ 35 phút, ngày 17 tháng 6 năm 1930 tức 21 tháng 5 Canh Ngọ.

Các anh hùng của Việt Nam thân xác và máu họ đã thấm vào lòng đất mẹ, đễ tên tuổi đi vào lịch sử và trường với thời gian. 83 năm đã qua, lòng người dân Việt luôn ghi nhớ đến công ơn của những đoá hoa máu của đầu thế thế kỷ 20 đã vị quốc vong thân vì chữ Độc lập, Tự Do và Hạnh Phúc.

Một nén hương lòng tưởng nhớ những anh hùng đã chết để quê hương và dân tộc trường tồn.


nguồn:http://anle20.wordpress.com/2013/06/15/a-601/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001