Cần cảnh giác trước những buổi lể tưởng niệm
08:47:am 02/07/13 | Tác giả: Nguyễn Văn Lục
Năm nay là năm đặc biệt có những buổi lễ tưởng niệm về những biến cố tôn giáo-chính trị xảy ra ở miền Nam Việt Nam vào năm 1963. Đó là các buổi tưởng niệm Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại góc Phan Đình Phùng để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Tiếp theo sau là vụ tự tử của nhà văn Nhất Linh vào mồng tháng 7 sắp tới cũng cùng một mục đích đó.
Và đến đầu tháng 11 thì sẽ có các buổi lễ giỗ cầu cho linh hồn hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị các tướng lãnh đảo chánh thảm sát.
Tôi đã một lần tham dự một buổi lễ giỗ TT Ngô Đình Diệm tại Cali . Những người trong ban tổ chức đã rất thận trọng, nhạy bén chính trị và họ chủ trương các buổi lễ giỗ giới hạn trong phạm vi tôn giáo và không một bài diễn từ hay phát biểu nào liên quan đến cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 cũng như cuộc đảo chính của các tướng lãnh miền Nam.
Tưởng niệm là tưởng niệm. Tưởng niệm là để nhớ lại hoặc cầu nguyện cho vong linh người đã chết. Nếu không đạt được mục đích ấy thì buổi tưởng niệm mất ý nghĩa và người chết lẫn nguồi sống cũng chẳng vui gì. Vì chết là hết. Chết không còn biên giới của hận thù, biện biệt chia rẽ..
Sự thận trọng của những người tổ chức ấy là đúng và cần thiết để tránh những đụng chạm không nên để xảy ra. Vậy mà đã xảy ra vì lời phát biểu của ông Vũ Ánh cũng như của ông Huỳnh Tấn Lê trong một buổi lễ tưởng niệm do Tổng Hội cư sĩ Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức. Tôi nhận được một số email với một số ngôn từ không thích hợp biểu lộ một tự tức giận quá đà.
Các ông ấy thay vì phát biểu trong một buổi lễ như thế, có thể thẳng thắn viết những bài tham khảo phê phán các chế độ miền Nam. Cá nhân tôi cũng từng viết nhiều bài như vậy thể hiện đúng cái quyền của người viết-người đọc. Nhưng thật không phải chỗ dùng một buổi lễ tưởng niệm trong một buổi lễ tôn giáo để nói lời nặng nhẹ.
Tôi xin có lời cảnh giác hai vị trên vì hiện nay ở trong nước cộng sản đang tổ chức rầm rộ lễ tưởng niệm 50 năm Hòa Thượng Thích Quảng Đức cũng như phục hoạt giá trị cho Tự Lực Văn Đoàn. Năm 2008, nhà nước cộng sản đã cho phép một buổi hội thảo khoa học: Bảo tồn và phát huy cổ trạch của Tự Lực Văn Đoàn tại thị trấn Cẩm Giàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Người ta dễ suy đoán là quý vị đang theo đuôi cộng sản vì trước đây quý vị đã không làm mà nay làm. Trường hợp ông Vũ Ánh đã có hai lần gây xôn xao đối với cộng đồng người Việt khi làm trong tòa soạn tờ Người Việt- một tờ báo mà một số không nhỏ trong ban trị sự có lý lịch bất minh trước 1975. Tôi đã có dịp nói chuyện điện thoại với tướng Nguyễn Khắc Bình và ông xác nhận là người sáng lập tờ báo Người Việt có làm việc cho tình báo Mỹ.
Cá nhân tôi thường đánh giá tờ Người Việt online bằng cách so sánh với BBC, RFA và danchimviet.info nơi tôi đang cộng tác thường xuyên. Tôi đưa ra một vài cột như tranh đấu chính trị, các nhà bất đồng chính kiến, tin tức chính trị VN vv..
Kết quả rất là khích lệ và rõ ràng. Ai muốn biết chân cẳng tờ Người Viet thì hãy thử làm như vậy.
Ở ngay chỗ tôi cư ngụ, Hòa Thượng Thích Tâm Châu đã không thấy động tĩnh gì cả Các chùa khác cũng không thấy gióng mõ khua chuông gì cả..Có lẽ hơn ai hết, Hòa Thượng Thích Tâm Châu là một trong những người ở trong cuộc, từng nắm rõ tính chất của cuộc vận động đấu tranh năm 1963 và những biến chất của nó nên Hòa Thượng tránh những biểu dương có tính thế tục như của một số người đang làm…
Ở đây tôi xin được nhắc lại đôi chút tóm lược về cái thời điểm 1963 để thấy mọi biến cố xảy ra trong thời kỳ ấy đều chịu sự chi phối, giật giây bởi người Mỹ và bị cộng sản lợi dụng. Mọi chuyện chân hay giả rồi cũng sẽ rõ cả.
Cho nên cái chết của hai anh em ông Diệm đã chẳng đem lại một một kết quả tích cực nào cho Phật giáo đồ và cho những kẻ đã lật đổ ông. Sau 1963, Phật giáo đã đạt được điều gì và ngay cả đã mất điều gì? Đó là câu hỏi quan trọng cần được trả lời. Cái chết đó chẳng những nó cáo chung một chế độ, nó còn làm thay đổi hoàn toàn diện mạo cuộc chiến tranh ở miền Nam cũng như về mặt chính trị, tôn giáo, xã hội.
Kể từ ngày đó, miền Nam không còn như trước nữa. Cảnh bát nháo chính trị với nhiều biến tướng chính trị đã có lúc miền Nam có thể rơi vào tình trạng vô chính phủ-nhất là vào các thời điểm 1964-65-66.
Sự tin tưởng thay vào là sự thất vọng, sự vui mầng nay là sự chán nản. Trong những năm ấy, không một ai nghĩ tới chuyện ăn mừng, chuyện lễ lạc, chuyện tưởng niệm.
Trong những năm sau đó, có một yếu tố rất quan trọng mà tôi xin nhấn mạnh ở đây- là sự mất niềm tin vào các chính quyền-. Các chính phủ như Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh hay Phan Khắc Sửu, Phan Huy Quát hoặc Nguyễn Cao Kỳ đều đi đến phá sản chính trị. Các chính phủ ấy hầu như bất lực, tỏ ra yếu kém và phải dựa vào thế lực các tôn giáo để tồn tại.
Thần quyền nhảy vào dẫm chân lên thế quyền. Phải chăng đây là cái đạt được sau 1963?
Cổng nhà thờ nhất là cổng chùa trở thành những cổng chính đi vào chính trị. Ông Dương Văn Minh, ngay cả lúc làm tổng thống 48 tiếng- ở trong tình trạng một mất một còn với cộng sản cũng vẫn ngong ngóng trông cậy vào TT. Trí Quang!! Một người làm chính trị như thế chỉ xứng đáng làm cai thầu chính trị- làm cỗ cho người khác xơi.
Cho nên không lạ gì mới đây nhất trong bài phỏng vấn Hoàng Nguyên Nhuận( tức Hoàng Văn Giàu), nguyên chủ tich sinh viên Phật tử Huế nhan đề: Nói về Những Phong trào tranh đấu của Phật giáo tại miền Nam, Ông Hoàng Nguyên Nhuận còn có thể viết những dòng hí lộng như sau về TT Thích Trí Quang:
“Xét về những đóng góp cho độc lập quốc gia và hòa bình dân tộc, tôi nghĩ thầy Thiện Minh, thầy Trí Quang và quý thầy khác trong hàng ngũ lãnh đạo phật giáo đã đóng góp lớn lao cho hòa bình và tự chủ của Việt Nam. Uy tín của thầyTrí Quang đối với quốc nội cũng như quốc tế chỉ thua Hồ Chí Minh mà thôi.”
Trích Quán Như phỏng vấn Hoàng Nguyên Nhuận, sách hiếm.net
Đây là một nhận xét rất hồ đồ- so sánh Hồ Chí Minh, một người làm chính trị và Thích Trí Quang, một nhà tu hành là một so sánh khập khiễng và sơ đẳng và một cách nào đó gián tiếp đồng hóa cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 vào tiến trình xâm chiếm miền Nam của cộng sản? Và nổi tiếng nhất để làm gì và nay tại sao tịnh khẩu?
Và thực tế thì cộng sản đã lợi dụng được điều đó.
Các cơ sở chùa chiền, đại học Vạn Hạnh sau 1963 trở thành cơ sở hoạt động của Thành Đoàn và từ đó tung ra những cuộc biểu tình, xuống đường, đốt xe Mỹ phá rối trị an ở Sài Gòn.
Trong bài Các điểm hẹn, Phúc Tiến viết lại như sau:
Lạ kỳ thay còn có những địa điểm khác nguyên là cơ sở của tôn giáo song đã là điểm hẹn của học sinh sinh viên. Ngôi trường đại học Vạn Hạnh mọc lên từ bãi sình lầy ven cầu Trương Minh Giảng trở thành nơi lui tới của trí thức sinh viên các giới..(…) Riêng trụ sở Trung tâm Thích Quảng Đức củng là một điểm hẹn sinh viên học sinh. Tòa nhà 294 Công Lý vừa là ký túc xá sinh viên vừa là một hội quán sôi nổi những cuộc hội thảo, họp mặt, văn nghệ. (..).
Trước năm 68, tổ chức cách mạng cũng có hoạt động ở đây. Tuy nhiên lực lượng ta thời gian nầy chưa mạnh. Tháng 10-1968, tình hình tổ chức cách mạng ở trường sau thời gian bị đánh phá, coi như trắng. Thành đoản chỉ đạo đồng chí Sáu Tỉnh( tức Đỗ Quang Tỉnh) nay là cán bộ Hợp tác Kinh tế của Ủy Ban nhân dân Thành phố) về xây dựng lại.
Việc xây dựng cơ sở quần chúng để thâm nhập nơi đây bắt đầu bằng một tổ chức: Liên Đoàn sinh viên Phật tử Vạn Hạnh.
Trui rèn trong lửa đỏ, các trang 83-93
Phải chăng đây là điều mà ông Hoàng Văn Giàu muốn nhắc tới sự đóng góp của các TT Thích Thiện Minh và TT Trí Quang cho hòa bình và độc lập dân tộc?
Nhưng ở một chỗ khác, Hoàng Văn Giàu lại nhìn nhận một cách gián tiêp và không dám nói rõ ra. Ông viết:
Tôi là Vụ trưởng sinh viên Phật tử Vụ nên tôi cũng bị lây. Tờ Điện Tín của nhóm Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức từng tố khổ tôi trên trang nhất là Giáo gian Hoàng Văn Giàu chỉ vì tôi quyết dẹp đoàn Sinh viên Phật tử Sài gòn và Vạn Hạnh vì đa số thành phần điều khiển những đoàn này.. không còn là.. Phật tử nữa ..
Có nghĩa là nói rõ ra họ đã bị cộng sản xâm nhập, trà trộn?
Nói về những phong trào tranh đấu của Phật giáo miền Nam, phỏng vấn Hoàng Văn Giàu của Quán Như. Sách hiếm.net
Sẽ có nhiều người không đồng ý với lập luận của ông Hoàng Văn Giàu và trong số đó có Hòa Thượng Thích Tâm Châu.
Người ta được biết rằng thoạt đầu phong trào tranh đấu Phật Giáo có tính cách thuần tôn giáo nhằm đòi hỏi chính quyền Ngô Đỉnh Diệm thực thi quyền tự do và bình đẳng tôn giáo. Nhưng chẳng bao lâu sau nó trở thành một phong trào chính trị bạo động nhằm lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.
Từ tranh đấu có tính cách tôn giáo rẽ sang tranh đấu chính trị bằng bạo lực đã chia rẽ khối Phật giáo làm hai mảnh.
Từ đó có sự phân rẽ trong Phật giáo: Phật giáo Ấn Quang chủ yếu là cánh miền Trung do TT. Trí Quang và TT Thích Thiện Minh lãnh đạo trở thành một phong trào cực tả rất gần với các hoạt động phá hoại của Việt Minh cộng sản.
Nhận thấy mối nguy cơ của một miền Nam có thể rơi vào tay cộng sản, TT Thích Tâm Châu đã tách ra khỏi Ấn Quang, có lúc phải trốn tránh ra Vũng Tàu để tránh khỏi bị người của Ấn Quang ám hại, và sau đó thành lập khối Phật giáo Việt Nam Quốc Tự với đường lối tranh đấu ôn hòa hơn.
Sau này, TT Tâm Châu đã viết lại tất cả nội bộ Phật giáo trong giai đoạn này trong một tập sách mỏng nhan đề: Bạch thư vế vấn đề chia rẽ Ấn Quang với Việt Nam Quốc Tự, Tổ Đình Từ Quang, 2176 Ontario. East Montre1al, Qué bec, H2K, 1V6, Canada, 1993 trong đó Hòa Thượng Thích Tâm Châu đã tố cáo đích danh những hoạt động cũa TT Trí Quang đánh phá ông và Việt Nam Quốc Tự.
Sau 1963, các TT Thích Trí Quang và phái Ấn Quang đã tạo ra một tình trạng hầu như vô chính phủ ở miền Trung, ngay cả tham vọng muốn đòi tự trị và kéo dài trong suốt ba năm mà Lý Chánh Trung đã viết một cuốn sách nhan đề: Ba năm xáo trộn.
Cho nên sau 50 năm có dịp nhìn lại, ai dám can đảm đánh giá một cách thuyết phục các thành quả của cách mạng sau 1963 của các vị tướng lãnh, các chính khách đã từng có mặt ỡ những thời điểm ấy là những người có tài, có bản lảnh và tâm huyết và nhất là có đảm lược chính trị?
Tôi chưa thấy một bài biên khảo nào đánh giá sự thành tựu của cuộc tranh đấu sau 1963!!
Nhưng điều đó cho thấy nó phô bầy một thực tế khá phũ phàng là họ chỉ có khả năng đạp đổ mà không có khả năng cầm quyền. Vì thể một cách nào đó, tự họ làm “phai nhạt” những thành quả cách mạng, những hy sinh ngay cả lý tưởng cho cuộc chính biến 1963. Từ đó cũng nảy sinh một hiện tượng “ trốn trách nhiệm”, hiện tượng “ đổ vấy cho nhau” mà tôi gọi là những kẻ chạy tội.
Trong nhiều năm sau đó ở miền Nam, tôi chưa hề được chứng kiến những ngày lễ hội, ăn mừng chiến thắng. Không hề thấy có những tiệc mừng công khai, chính thức hay trong vòng riêng tư. Cũng không có tưởng niệm, không có tượng đài, không có diễn binh, không có diễn văn cũng không có hội thảo cũng không kiếm ra được một công trình nghiên cứu, một sử liệu nào được viết ra một cách nghiêm túc. Đã không có mấy công trình nghiên cứu đáng giá về vai trò của Mỹ, về vai trò của Phật giáo, về biến cố đài phát thanh, về vai trò của ông Trí Quang về vai trò các tướng lãnh, các nhà lãnh đạo chính trị một cách quy mô có khảo chứng? Theo tôi thì chưa có đầy đủ.
Mặc dầu không có công trình nghiên cứu nào đáng nể, nhưng một cách mặc nhiên, không ai cần nói ra, người ta hiểu rằng, cuộc “ cách mạng” sau 1963 là một cách mạng dang dở inachevée và không hoàn tất. Cái dang dở ấy chấm dứt với Phong trào Phật giáo đấu tranh của Ấn Quang năm 1966 bằng vụ tuyệt thực đến chết bất thành của TT Trí Quang tại dưỡng đường Duy Tân.
Ngày hôm nay, không hiểu do những động lực chính trị nào đứng đằng sau đang khơi dậy một cách có ý nghĩa những biến cố chính trị-tôn giáo- văn hóa trước 1963.
Điều oái ăm là các buổi tưởng niệm như tưởng niệm Hòa Thượng Thích Quảng Đức hiện nay ở trong nước lại do nhà nước cộng sản chủ trì và dàn dựng. Nó được diễn ra trên khắp các thành phố lớn trên toàn quốc. Tại chùa Quán Sứ- Hà Nội do T.Ư Giáo Hội Phật giáo tổ chức để tưởng niệm 50 năm ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân ( 1963-2013).
Với sự tham dự theo thứ tự đại diện các bộ, ngành, MTTQ Việt Nam, các chức sắc Phật giáo, tăng ni, Phật tử cùng dự lễ.
- Cùng ngày, tại Thiền viện Quảng Đức, TP Hồ Chí Minh, Thành Hội Phật giáo thành phố cũng trang trọng tổ chức.
- Cùng ngày, tại Tổ Đình Từ Đàm ( TP Huế), Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Thừa Thiên- Huế cũng tổ chức một buổi lễ tương tự.
- Nhưng quan trọng nhất là tại Nhatrang, quê hương của Bồ Tát Thích Quảng Đức vào ngày 28 tháng năm, tại chùa Long Sơn, Nhatrang, Giáo Hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa phối hợp cùng Ban Văn Hóa Trung Ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm Bồ Tát Thích Quảng Đức. Bên cạnh đó còn có những buổi lễ khánh thành xây dựng tượng đài Bồ Tát Thích Quang Đức, triển lãm các hình ảnh và di vật cũng như hành hương về nơi Bồ Tát đản sinh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Hữu Dược- Vụ trưởng vụ Phật giáo ( Ban tôn giáo chính phủ) khẳng định: Hành động phi phàm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, tự thiêu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị và đàn áp Phật giáo cách đây có ý nghĩa rất to lớn trong phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam, đồng thời thắp sáng lương tri nhân loại để ủng hộ dân tộc Việt Nam giành độc lập-tự do. 50 năm đã trôi qua, hành động của Bồ Tát Thích Quảng Đức ngảy càng được xã hội tôn vinh bởi những gì ngài tâm nguyện nay đang thành hiện thực. Sự hy sinh của ngài là động lực tốt đẹp cho Phật giáo và xã hội phát triển. Ông nói tiếp với lời nhắn nhủ các tăng ni, phật tử: Đối với mỗi tăng ni, phật tử hôm nay, tự hào trước tấm gương vô úy của Bồ Tát Thích Quảng Đức, mỗi người gương mẫu thực hiện tốt phương châm của giáo hội Phật giáo Việt Nam là: Đạo Pháp- Dân tộc và chủ nghĩa xã hội. xây dựng cuộc sống an lạc tốt đạo- đẹp đời”. Ông Bùi Hữu Dược nhấn mạnh.
Vài dòng trích dẫn của người đại diện chính quyền trên đây cho thấy Đạo Phật đã mất tư thế một tôn giáo độc lập, thoái hóa bản chất, chỉ là một thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc.
Nói thẳng ra. Đó là một thứ tôn giáo nhà nước mà không mấy người dám nhìn nhận một sự thật đau lòng đó. Họ im lặng, họ tránh né nói đến và có một số ngậm miệng ăn tiền.
Bảy chữ vàng Đạo Pháp-Dân Tộc- Và chủ nghĩa xã hội tự nó nói lên tính cách thế trị của đạo Phật ngày hôm nay.
Họ chẳng còn là Ấn Quang, họ cũng chẳng giử được tư thế là Việt Nam Quốc Tự nữa. Họ là Phật giáo Quốc doanh và nay có nguy cơ thứ Phật giáo này được xuất cảng ra Hải ngoại tạo ra tình trạng vàng thau lẫn lộn. Người ta sẽ không còn biết ai là người tu thật, ai giả tu, chùa nào là chùa nơi xứng đáng cho hàng phật tử lui tới niệm Phật?
Những người như Hòa thượng Tâm Châu và một số vị chân tu khác hẳn là phải lo âu lắm cho tình trạng này mà đôi khi đành bất lực.
Bề ngoài thì đạo Phật ở Việt Nam có được sự tài trợ vật chất, tài trợ xây dựng và xem ra rất bề thế. Các cơ sở tu trì, chùa chiền, tu viện được xây cất khắp nơi. Các buổi lễ với ánh sáng, âm thanh, cờ sắc, quần áo rực rỡ và có phần được ưu đãi hơn các tôn giáo bạn.
Nhưng thực chất chỉ là công cụ của nhà nước, nằm trong Mặt trận và bộ phận tôn giáo do chính quyền chi phối, điều hành và quyết định. Và phần đông chú trọng và phần phục vụ như lễ nghi, ma chay, cưới hỏi, chôn cất. Đây là những dịch vụ hái ra tiền.
Và tôn giáo thế trị thì có nhiều nguy cơ bị phá sản.
Bằng chứng là linh hồn của cuộc tranh đấu Phật giáo năm 1963 là TT Thích Trí Quang nay bị cộng sản cô lập và nay vắng mặt. Có thể ông Thượng tọa Trí Quang bị giam lỏng, diện bích và tịnh khẩu!!
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu được vì lý do gì đã ép buộc một người có nhiều tham vọng như ông lại có thể tịnh khẩu, im tiếng trong suốt 38 năm này..
38 năm rồi, ông nay chỉ là cái bóng mờ của tinh thần tranh đấu Phật giáo 1963. Những đệ tử thân tín như trưởng đoàn và phó trưởng đoàn sinh viên Phật tử Huế do ông sáng lập và xây dựng nên nay họ đang ở đâu và ở phía nào? Hằng ngàn ngàn Phật tử mà nhiều người nghe theo lời kêu gọi của ông đã dấn thấn xuống đường, đã tranh đấu ngay cả đã hy sinh nay họ đâu cả rồi.
Người cộng sản vinh danh, xây dựng tượng đài cho Hòa Thượng Thích Quảng Đức, nhưng lại giam lỏng người lãnh đạo cao nhất của phong trào Phật giáo năm 1963.
Sự mâu thuẫn trái cựa ấy nói lên điều gì?
Ai tin người cộng sản thì cứ việc tin, còn tôi thì không. Bởi vì cùng thời điểm này, Phật giào Hòa Hảo cũng tổ chức tưởng niệm giáo chủ của họ thì bị công an, đàn áp, đánh đập. Trong khi đó, tôi mới nhận được tin tức bạn bè gửi cho thì Phật giáo Hòa Hảo đang gặp kiếp nạn .
Theo tin của thông tín viên RFA ngày 25 tháng 06 năm 2013, công an đã đến bao vây không cho tiến hành lễ kỷ niệm khai sáng đạo tại ấp Long Hòa 2, xã Long điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Kết quả là tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm đã lấy dao ra tự mổ bụng để phản đối.
Theo lời ông Võ Văn Diêm, người em củ ông Võ Thanh Liêm cho biết sự việc như sau:
Làm lễ xong rồi, mặc áo choàng đi mỗi người cầm một nén hương vào chùa Quang Minh Tự, đi được một đoạn đường hơn 100 mét, hai bên có hàng rào công an dùng ghế ném chúng tôi, dùng nước thối xịt chúng tôi. Anh Năm tôi và các đồng đạo đều bị trúng, rồi họ chửi mắng một cách thô lỗ, lúc đó anh mới vạch bụng ra tự mình rạch bụng, vết thường chiều sau6b hơn 1 cm, và chiều da2in hơn 10 cm, lúc đó họ thấy vậy tản ra . Anh Năm tôi lúc đó xỉu, mấy anh em tôi mới khiêng anh Năm tôi tôi về nhà thân mẫu tôi. Bây giờ chúng tôi đang lo trị bệnh cho anh Năm và các anh em bị thương .
Cũng mới đây, Phật giáo Hòa Hảo cũng gửi thư phản đối một luận văn tốt nghiệp của tăng sinh Thích Thiện Huệ, (tăng sinh khóa 4 1997-2001) của Phật Học viện Phật giáo Việt Nam ở số 759, Nguyễn Kiệm, F4, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Bản luận văn mang tên: Thực chất của đạo Hòa Hảo.
Bản luận văn chỉ gồm có 57 trang mà theo thư phản đối thì tác giả đã xử dụng những lời lẽ thô bỉ, vô giáo dục và ngu xuẩn nhằm nhục mạ Đức Huỳnh Giáo Chủ và đả kích nền giáo lý PGHH một cách thậm tệ.
Chẳng hạn, xin trích dẫn một câu:
Chúng ta có thể bỏ qua những lỗi lầm do nhận thức thô siển của một nông dân ít học, thích diễn giải Phật pháp như Huỳnh Phú Sổ, nhưng chúng ta không thể chấp nhận thái độ ngang ngược mang tính bất lương của ông khi cố tình lý giải sai lệch mục Chánh Tinh Tấn trong Bát Chánh Đạo đầy ác ý, nhằm bài xích tư tưởng của những người theo tư tưởng Mác Xít (Trích nguyên văn).
Trích Lê Quang Liêm, Trúc Lâm Yên Tử trên mạng xã hội.
Tôi không đếm xỉa đến tư cách của tăng sinh Thích Thiện Huệ. Nhưng tôi trách cứ những kẻ đã chấp thuận luận văn với lời phê: luận văn đạt yêu cầu.
Viết điều này ra để mọi người thấy được, tính chất bất dung nhận của những người cộng sản đối với các tôn giáo như thế nào ..
Nói về tôn giáo với người cộng sản thì nói đến bao giờ cho hết!! Chỉ mong là người của các tôn giáo cần cảnh giác để đừng để họ lợi dụng tôn giáo cho những mục đích chính trị của họ.
© Nguyễn Văn Lục
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/77136/can-canh-giac-truoc-nhung-buoi-le-tuong-niem/2013/07
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001