Hiệp định TPP: Điều gì đang khiến Trung Quốc do dự
Lê Thành-Nhật Anh (IRYS)
Một học giả Trung Quốc cảnh báo nếu không muốn bị loại khỏi sân chơi kinh tế khu vực, những áp lực trong tương lai về hợp tác kinh tế sẽ khiến Trung Quốc phải tham gia vào TPP và bị kìm hãm trên nhiều lĩnh vực thông qua những khuôn khổ ràng buộc được viết ra bởi Hoa Kỳ.
Hiệp định TPP hiện nay đã bước sang vòng đàm phán thứ 17 tổ chức tại Chile, và nếu như lời đề nghị tham gia của Nhật Bản được thông qua, thì Hiệp định này sẽ đạt con số 10 quốc gia thành viên xuyên suốt hai bờ Thái Bình Dương. Vậy là Hiệp định thương mại được mệnh danh là "Hiệp định thương mại của thế kỷ XXI" này sẽ có cả nền kinh tế đứng đầu và đứng thứ ba thế giới tham gia ký kết. Nói vậy thôi cũng đủ hình dung ra tầm mức khổng lồ của Hiệp định này rồi. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ rằng, vì sao một sân chơi lớn đầy tiềm năng như TPP lại vắng bóng gã khổng lồ Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á và đứng thứ 2 thế giới? Vậy thì điều gì đang khiến cho người Trung Quốc phải do dự?
Liệu TPP có phải là một âm mưu của Hoa Kỳ?
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ thiết lập môt nền tảng toàn diện về pháp lý, thúc đẩy quá trình hội nhập và tạo môi trường bền vững cho hoạt động thương mại của khu vực và quốc tế. Khởi đầu với chỉ ba quốc gia (New Zealand, Singapore và Chile) vào năm 2002, sau khi có thêm sự tham gia của Hoa Kỳ vào năm 2006, TPP hiện nay đã nhận được sự quan tâm của tất cả các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương. Thế nhưng cũng từ thời điểm đó, TPP hiện lên trong tư duy của đại đa số các học giả Trung Quốc như một nỗi ám ảnh về sự kiềm hãm của Hoa Kỳ đối với cường quốc đang trỗi dậy này.
Bài phỏng vấn học giả Zhu Wenhui, đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 28-05-2012, đã đưa ra quan điểm xem TPP như một "mạng lưới quyền lực mềm mà Hoa Kỳ đang phủ quanh Trung Quốc". Theo học giả này, với vị thế là đối tác lớn nhất trong Hiệp định, Hoa Kỳ đang phát triển TPP thành một tổ chức có sức ảnh hưởng cao trong khu vực mà người làm chủ luật chơi chính là Washington. Vậy nếu như Trung Quốc có gia nhập hay không gia nhập vào TPP, thì cơ chế kinh tế này cũng đã thuộc quyền ảnh hưởng của người Mỹ. Qua đó, học giả này đưa ra lời cảnh báo, nếu không muốn bị loại khỏi sân chơi kinh tế khu vực, những áp lực trong tương lai về hợp tác kinh tế sẽ khiến Trung Quốc phải tham gia vào TPP và bị kìm hãm trên nhiều lĩnh vực thông qua những khuôn khổ ràng buộc được viết ra bởi Hoa Kỳ.
Cũng trên tờ Thời báo Hoàn cầu, số đăng ngày 30-07-2012, tác giả Zhou Zhongfei đã đưa ra nhận định về TPP như một phần trong chiến dịch "trở lại Châu Á" của Washington, mà mục đích đầu tiên chính là lôi kéo lại những người đồng minh. Người viết lập luận rằng TPP sẽ góp phần cân bằng vị thế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với nền kinh tế châu Á, hướng quá trình hội nhập kinh tế của Đông Á vào khu vực kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ khi đó Hoa Kỳ mới có thể tách nền kinh tế Đông Á ra khỏi cái bóng của Trung Quốc và đưa nó theo quỹ đạo mà họ mong muốn.
Bên cạnh đó, với việc mời Đài Loan gia nhập vào TPP, Mỹ đang có tham vọng làm giảm tính phụ thuộc về kinh tế của chủ thể này vào Trung Quốc Đại lục, đưa người đồng minh này trơ lại gần hơn với Hoa Kỳ. Giới cầm quyền Đài Loan cũng đã bày tỏ mong muốn tham gia vào TPP nếu "không muốn bị bỏ lại và đánh mất lợi thế cạnh tranh". Có thể nói, trong tương lai, TPP sẽ là một thách thức lớn đối với vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế khu vực.
Tờ Nhân dân nhật báo vào ngày 27/7/2011 đã bày tỏ quan điểm rằng Hoa Kỳ sẽ không dễ dàng chấp nhận bị đẩy ra khỏi sân chơi Châu Á - Thái Bình Dương, và TPP do đó không đơn thuần là một hiệp định kinh tế, mà còn là một công cụ để kiềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Li Xiangyang, giám đốc Học viện Châu Á - Thái Bình Dương (thuộc viện Khoa học Xã hội Trung Quốc), cho rằng TPP "mang ý nghĩa địa chính trị" nhằm kiềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc - yếu tố then chốt trong chiến lược mang Hoa Kỳ "trở lại châu Á".
Điều mà các nhà nghiên cứu của Trung Quốc lo ngại chính là "sức hấp dẫn" của TPP tác động đến thái độ của các quốc gia khu vực đối với việc Hoa Kỳ tăng cường hiện diện tại khu vực. Thông qua Hiệp định TPP, Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự ràng buộc lợi ích kinh tế giữa mình với các quốc gia đồng minh khu vực như Úc, Nhật, Hàn,. .. và nhiều khả năng sẽ lôi kéo thêm nữa các quốc gia Đông Nam Á. Hệ quả là các quốc gia này sẽ ngày càng xa rời Trung Quốc và sẽ bị lôi kéo gần hơn về phía Hoa Kỳ. Quan trọng hơn, với những lợi ích kinh tế là nền tảng, cơ chế này làm tăng sự ủng hộ của các nước khu vực với Hoa Kỳ và sẽ mở đường cho siêu cường này "trở lại" khu vực Đông Á. Vị thế và chính sách của Trung Quốc khi đó chắc chắn sẽ bị thách thức.
Thiệt hại nhãn tiền trên "sân nhà"
Sự ra đời của TPP sẽ làm giảm vai trò của các khung hợp tác mà hiện nay Trung Quốc đang tạo dựng tại Đông Á. Việc Trung Quốc không "có chân" trong hiệp định này sẽ làm tổn hại đến những thành quả mà họ đã đạt được trong suốt hơn một thập kỷ thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế Đông Á và gầy dựng tiếng nói của mình trong trục kinh tế khu vực. Yang Jiemian, chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải cho rằng TPP là một trong những công cụ thể hiện quyền lực mềm của Hoa Kỳ, với mục đích là giảm thiểu sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực nhiều hơn là để "bao vây" Trung Quốc.
Hiệp định này có thể xem là một bước đi chiến lược của Hoa Kỳ nhằm bảo đảm vị thế tương lai của mình trong cuộc đua Trung Quốc - Hoa Kỳ. Bước vào 'Thế kỷ châu Á", khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với trung tâm là trục kinh tế Đông Á (Đông Bắc Á - Đông Nam Á), đang phát triển vô cùng mạnh mẽ và hứa hẹn sẽ trở thành một nhân tố then chốt đối với nền kinh tế thế giới. Như vậy, tham vọng của Hoa Kỳ khi xây dựng Hiệp định TPP không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một môi trường thương mại mang tính cạnh tranh cao hơn, mà như học giả Wang Yong nhận xét "để đảm bảo tiếng nói của Hoa Kỳ trong mọi hoạt động thương mại của khu vực này trong tương lai".
Hiệp định TPP cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc bị đẩy vào thế bất lợi trong cuộc đua xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường như Nhật Bản, Úc, hay Hoa Kỳ. So với nhiều nước đang tham gia đàm phán Hiệp định TPP, hàng hóa của Trung Quốc không quá vượt trội về chất lượng. Vậy nếu hiệp định TPP được thông qua mà không có sự tham gia của Trung Quốc, các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ hay Nhật Bản sẽ có xu hướng lựa chọn nhập khẩu hàng hóa của các quốc gia cùng tham gia cam kết thương mại. Các sản phẩm của Trung Quốc, vốn đã không có nhiều thiện cảm trên thị trường khó tính như Hoa Kỳ, sẽ phải chịu thêm sự cạnh tranh từ hàng hóa các quốc gia khác trong khu vực.
Tuy nhiên, theo giới học giả Trung Quốc, mối lo ngại về kinh tế vẫn là không quá lớn. Cần lưu ý rằng Hiệp định TPP cũng bao gồm nhiều quốc gia có nền kinh tế đạt trình độ phát triển cao hơn Trung Quốc và cũng hướng đến những phân khúc thị trường khác với Trung Quốc. Cho đến lúc này, chỉ có 2 quốc gia là Việt Nam và Malaysia nhiều khả năng cùng chia sẻ thị phần xuất khẩu tương đương Trung Quốc. Thế nhưng năng lực xuất khẩu của các quốc gia này không thể sánh bằng số lượng hàng hóa khổng lồ của "công xưởng" Trung Quốc. Như vậy, tính đến lúc này, những thiệt hại tương lai đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc là không quá nhiều. Thế nhưng, nếu như Hiệp định TPP tiếp tục thu hút nhiều quốc gia khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cùng tham gia, áp lực cạnh tranh đè nặng lên nền kinh tế xuất khẩu của Trung Quốc là không thể tránh được.
Admin gửi hôm Thứ Năm, 11/07/2013
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130710/dieu-gi-dang-khien-trung-quoc-do-du
=====================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001