Lê Tự - Những ông… vua con
at 7/26/2013 09:54:00 AM
Lê Tự
Vua là nhân vật to nhất nước rồi, ai dám cãi đâu, cả nước có một ông
thôi. Còn những ông vua con thì sao nhỉ, nhiều như quân nguyên luôn.
Những ông vua nhất khoảnh này thực sự là nỗi khiếp đảm của người dân
chân đất, ít học. Đó là những ông vua con…
1.Không xa, người viết bài này có dịp vào Tây nguyên. Khi tiếp xúc với
người dân ở một xã thì nghe được một câu hay quá: “Một người làm quan cả
họ đói nghèo”. Lạ tai quá xá, đành hỏi cho ra nhẽ, cho rõ đầu cua tai
nheo. Cây trả lời là: “Cán bộ họ toàn bình xét cho anh em họ hàng là gia
đình nghèo đói. Gia đình thuộc diện nghèo thì được cho nhiều thứ lắm,
các cháu đi học được cho tiền, được cho bảo hiểm y tế, không phải đóng
góp gì, vân vân và vân vân”.
Thế là cuộc đua, thậm chí là cuộc chiến dành danh hiệu “hộ nghèo” bắt
đầu, những người nghèo thật thì bị đo ván lập tức. Phì cười khi người
nghèo tới nhận trợ cấp lại đi xe máy xịn giá mấy chục triệu. Ai dám nói?
Ai dám tố cáo? Chết ngay tắp lự. Người dân ít học lại nghèo thì hèn
lắm, hèn quá hoá ngu. Ở một nơi xa xôi như thế thì người dân biết kêu ai
bây giờ, nhìn thấy chủ tịch xã như thấy quan phụ mẫu, công an viên lộng
hoành, lới xới thì còng số 8 vào tay ngay.
2. Ngăn chặn người dân khiếu nại tố cáo là một trong những việc sống còn
của chính quyền cơ sở, nòng cốt là những ông lãnh đạo chủ chốt xã
phường. Có người khiếu kiện là mất điểm thi đua, không được bình bầu là
khu dân cư văn hoá, vân vân…Và điều quan trọng hơn là ngăn chặn người
dân phát hiện, phanh phui những ông vua con tham nhũng, những ông cướp
ngày. Họ coi những người có đơn tố cáo khiếu nại là bọn phản nghịch, là
thành phần tiêu cực, chậm tiến bộ, là những kẻ chọc gậy bánh xe.
Viết đơn kiến nghị, tố cáo thì bị quy chụp là chống lại đường lối chính
sách của Đảng, là vi phạm pháp luật. Những người dân trung thực, dám đấu
tranh, dám đưa đơn thì bị những ông vua con cản trở bằng nhiều thủ
đoạn. Đơn thư bị ngâm tôm không giải quyết, hoặc giả có giải quyết thì
sai lệnh nội dung, quy trình, để quá thời hiệu…nói chung là rất phức
tạp. Người chân chính bị cản trở đủ điều. Thế mới có chuyện một vụ khiếu
nại đơn giản thôi mà mấy chục năm chẳng ai giải quyết dứt điểm. Con
kiến thì kiện được ai…
Xin kể một chuyện, có một chị phụ nữ người Mường ở ngoại hành Hà Nội có
đơn để nghị giải quyết vì bị chính quyền thôn khinh nghét, kỳ thị, o ép,
không được mời đi họp hành, không được chia quà ngày hội đại đoàn kết
toàn dân, con học giỏi cũng không được quà…Họ đã tiến hành hoà giải bằng
cách yêu cầu chị ta phải rút đơn. Nếu cố tình có đơn thư thì sẽ ảnh
hưởng tới con cái sau này. Nguyên câu nói đó thôi là biết họ hăm doạ
rồi, sau này con mày đi học sẽ bị phê là “gia đình không chấp hành chính
sách của Đảng và chính phủ”. Chết chưa con!
Một cái quy định quái gở nhất trong lịch sử phát triển loài người: “Nếu
có đơn khiếu nại, tố cáo…thì sẽ không được công nhận gia đình văn hoá.
Cả xóm của người có đơn thư cũng không được công nhận là xóm văn hoá,
khu dân cư văn hoá…” Thế là người có đơn thư khiếu tố mà luật pháp cho
phép đã trở thành một tên tội phạm với gia đình, tội phạm với làng xóm.
Vậy thì chỉ còn cách im lặng mà thôi, chịu khó bỏ tiền ra mua kẹo mút mà
ngậm, trong bất luận tình hình thế nào cũng phải ngậm kẹo thôi.
3. Những ông vua con còn giầu có hơn cả những ông vua ta ấy chứ. Đấy các
vị không tin thì cứ nhìn mà xem, có ông nào có chức quyền mà nghèo
không chứ? Có khẩu hiệu rằng “Toàn dân tích cực phòng chống tham
nhũng!”. Một câu chuyện hài hước dài nhất, người dân chân đất mắt toét,
ít học thì biết gì mà chống tham nhũng chứ, họ có được biết dự án đâu,
có được xem sổ sách đâu… mà chống được tham nhũng? Bà con chỉ biết một
điều: “Ông này mới lên làm chủ tịch mà đã xây nhà to mua xe ô tô, mua
đất cát khắp nơi, nuôi con đi học nước ngoài…Tiền ở đâu ra, các vị làm
gì ra tiền nhanh thế, phổ biến cho dân chúng tôi học tập được không? Bảo
họ là tham nhũng ư, chứng cứ đâu? Thế là người dân đơ cổ ra, làm gì có
bằng chứng ông này ông kia tham nhũng chứ…
4. Những ông vua con là thủ phạm khiến cho người dân giảm lòng tin vào
đường lối chính sách. Quan thì xa, bản nha thì gần, người dân chỉ biết
tiếp xúc với nhũng ông trưởng thôn, trưởng xóm, cao lắm là tới ông chủ
tịch xã phường là cùng. Tại sao những người làm công tác đảng, chính
quyền gần dân nhất lại không được đào tạo bài bản là sao? Ở nhiều nơi
việc bầu trưởng thôn đã trở thành cuộc chạy đua giữa họ này với họ kia,
cuộc đấu trí giữa nhóm này nhóm khác khá là quyết liệt. Chừng nào đội
ngũ cán bộ cơ sở chưa được đào tạo bài bản, chưa được nghiên cứu nhân
bản về con người, về phép làm đầy tớ của nhân dân thì họ sẽ vẫn là những
ông vua con nhất khoảnh.
Vua con có nhiều không? Xin thưa chưa ai thống kê được có bao nhiêu ông
vua con trên trần gian này. Con sâu làm rầu nồi canh, chỉ cần vài con
sâu thôi là nồi canh đã bị hỏng rồi, phải đổ bỏ đi rồi, huống hồ là cả
một nồi sâu?
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/07/le-tu-nhung-ong-vua-con.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001