Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Trương Tấn Sang làm gì ở Mỹ?

Trương Tấn Sang làm gì ở Mỹ? 


 
Lê Diễn Đức
Cuộc thăm viếng Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang vào ngày 25/07/2013 hứa hẹn một sự đón tiếp "nồng nhiệt" của cộng đồng người Việt tự do ở Mỹ.
Các bang Texas, Georgia, Califonia, Washington DC, Maryland, New Jersey, v.v. đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc biểu tình phản đối sự hiện diện tại Hoa Kỳ của nhà lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam.
Cuộc biểu tình, tất nhiên là sinh hoạt dân chủ bình thường tại Hoa Kỳ, thế nhưng có lẽ chẳng có nguyên thủ quốc gia nào như của Việt Nam, thăm chính thức Hoa Kỳ, nhưng vào Nhà Trắng bằng... cổng sau. Truờng hợp của Trương Tấn Sang chắc khó tránh được số phận dành cho Thủ tướng Phan Văn Khải hay Chủ tịch Nguyễn Minh Triết.
Chủ tịch nước của CHXHCN Việt Nam về thực chất chỉ là một chức vị mang tính đạo đức nhiều hơn, ít có thực quyền. Trừ giai đoạn Lê Đức Anh, vì sau lưng có hậu thuẫn của tình báo quân đội, vai trò của Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết trong cán cân quyền lực mờ nhạt. Trương Tấn Sang lên, muốn thay đổi nhưng lực bất tòng tâm. Thất bại thấy rõ trong cuộc xung đột, tranh giành ảnh hưởng với Nguyễn Tấn Dũng, tại Hội nghị 6 và Hội nghị 7 Trung ương Đảng, khiến Tư Sang chùng hẳn. Từ mối quan tâm đối nội, Tư Sang chuyển qua đối ngoại, là nơi còn khoảng trống chút ít cho vai trò của chủ tịch nước.
Tuy nhiên, việc Tư Sang qua thăm Trung Quốc vào tháng 6/2013, cũng chỉ để nhất quán hoá các thoả thuận với Bắc triều trước đó của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 10/2011 và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 4/2010.
Thông báo chung, được nghi ngờ do Trung Quốc soạn thảo và đưa cho phía Việt Nam ký, một văn bản đầu hàng với 29 lần nhất trí, xác định chính sách thống nhất phò Tàu giữ đảng, bất chấp sự khiêu khích không ngừng về lãnh thổ của Trung Quốc, là tất cả những gì ông Tư Sang làm được trong chuyến đi này.
Ngay sau đó, trong tháng 7, Barack Obama chính thức mời Trương Tấn Sang qua Hoa Kỳ và phía Việt Nam nhận lời. Điều này có ý nghĩa gì?
Thông thường, một chuyến công du tới một quốc gia khác của nguyên thủ quốc gia được bàn bạc, sắp xếp qua con đường ngoại giao có khi cả năm hoặc vài năm. Chuyến đi có vẻ gấp gáp cho thấy Hoa Kỳ muốn sự có mặt của Trương Tấn Sang để chuyển giao thông điệp của mình, và qua Hoa Kỳ cũng là mong muốn của Việt Nam.
Thực ra, Tư Sang không có quyền hạn nào trong chính sách đối ngoại. Chính sách đối ngoại được chỉ đạo bởi Bộ Chính Trị, nơi mà Tư Sang không có đủ hậu thuẫn cần thiết. Tư Sang chỉ làm công việc giao liên. Cho nên Hoa Kỳ khó có thể hy vọng gì nhiều từ cá nhân Tư Sang.
Việt Nam đang rất cần Hoa Kỳ, đó là điều không thể chối cãi. Trước hết, Hoa Kỳ là một thị trường rất lớn, chỉ kém chút ít so với Liên minh Âu châu và Trung Quốc. Kể từ khi hai nước đã ký kết Hiệp định thương mại vào tháng 12/2001, giao thương buôn bán không ngừng tăng lên từ khoảng 1 tỷ USD tới 26 tỷ USD hiện nay, theo Văn phòng của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ năm 2010 đạt trên 11 tỷ đôla, dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 12,5 tỉ USD trong năm 2013.
Trong khi đó, Trung Quốc trở thành thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất, giai đoạn 2002–2010, nhập siêu Việt Nam từ Trung Quốc tăng khoảng 8 lần và không có dấu hiện suy giảm, ở mức 14,5 tỷ USD năm 2011 và 16,7 tỷ USD năm 2012. Đáng lo ngại là Uỷ ban châu Âu đã cảnh báo có tới 58% sản phẩm đồ chơi, hàng tiêu dùng, hàng dệt may Trung Quốc là hàng nhái và nguy hiểm đến sức khoẻ.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đang lãnh đạo một nền kinh tế suy giảm bởi các công ty thuộc sở hữu nhà nước thua lỗ, một hệ thống ngân hàng với núi nợ xấu, và nạn tham nhũng hoành hành, tăng truởng kinh tế thấp nhất kể từ năm 1988. Không thể thiếu một đối tác thương mại như Hoa Kỳ trong cuộc chơi kinh tế. Không chỉ là thị trường xuất khẩu, mà còn các khoản tín dụng quốc tế, trong đó tiếng nói của Hoa Kỳ rất quan trọng.
Từ tháng 10/2010 Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP là hiệp định đa phương giữa 12 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Việt Nam và Nhật Bản. Khi TPP được ký kết, tổng thu nhập của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 26,2 tỉ USD và sẽ tăng lên 37,5 tỉ USD nếu Nhật Bản tham gia TPP. Do đó, TTP là một ưu tiên của Việt Nam trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ.
Mặc dù trong thế bức bách, cần "có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn ở ngay bên cạnh ủng hộ và hợp tác" (lời của Nguyễn Chí Vịnh) để giữ độc quyền cai quản đất nước, nhưng trong tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không ít người nhìn thấy ý đồ thâm hiểm và bản chất độc ác, lật lọng của Trung Cộng. Đi với Tàu, nhưng trong thâm tâm họ vẫn không muốn bị Tàu đè đầu, cưỡi cổ, nhất là trong bối cảnh lòng yêu nuớc, chống xâm lược Tàu của dân chúng đã ngấm vào xương tuỷ. Một ngàn năm Bắc thuộc đã không thể đồng hoá được dân tộc Việt. Lịch sử đã sinh ra một Ngô Quyền, năm 938, ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng nổi tiếng, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam.
Cho nên, ngoài  việc hợp tác với các nước trong khối Asean, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, sự hợp tác chặt chẽ với Hoa kỳ, một siêu cường về quân sự và kinh tế, mới có thể chống lại sự quyết đoán ngang ngược đang phát triển của Trung Quốc trong mộng bành trướng bá quyền trên Biển Đông. Chuyến đi của Tư Sang không thể nằm ngoài chủ đề quan trọng này. Nhưng đây là chủ đề khó khăn. Làm thế nào để hợp tác với Hoa Kỳ sâu rộng hơn mà không làm mất lòng Trung Cộng đã bị lệ thuộc? Một mình Tư Sang không thể làm nên điều gì. Hoặc là ông ta học thuộc lòng những nước cờ của Bộ Chính Trị, hoặc khả năng rút giấy ra đọc như Phan Văn Khải là hoàn toàn có thể xảy ra.
Quả đắng trong chuyến công du của Tư Sang là Tổng thống Obama "cũng mong muốn thảo luận về nhân quyền".
Trong chiến lược di chuyển lợi ích về châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam với thế địa chính trị là con bài không thể bỏ rơi của Hoa Kỳ trong chính sách kìm hãm Trung Quốc, mặc dù điều này rất khó trong mối tương quan hiện tại. Dù vậy, người Mỹ có tầm nhìn xa trông rộng, họ hiểu rất rõ cái thế phải đu giây của Việt Nam và dựa trên lòng yêu nước và chống Tàu truyền thống của dân tộc Việt.
Cho nên trong quan hệ song phương, nhân quyền là nhạy cảm và cần thiết, nhưng không phải là vấn đề trọng tâm. Các nhà lập pháp của quốc hội Hoa Kỳ nhắc nhở, đòi hỏi, buộc tổng thống Barack Obama không thể không đề cập.
Tình trạng nhân quyền của Việt Nam gần đây là thảm hoạ. Gần 40 bloggers bị bắt giữ, nhận các bản án tù giam nặng nề chỉ vì họ có các bài viết phê phán chính phủ, chống Trung Cộng xâm lược một cách ôn hoà. Rất nhiều bloggers khác bị sách nhiểu, trấn áp. Bắt giam ba bloggers Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Trần Nhật Uy và cáo buộc tội "trốn thuế" để xét xử nhà bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân là những bước lùi nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tôi không hy vọng gì một sự nhượng bộ của Tư Sang về nhân quyền. Nếu có chỉ có thể là hứa hẹn, hoặc chống chế "Việt Nam không có tù chính trị, chỉ có những người vi phạm pháp luật". Thực chất, trong lĩnh vực này, quyền hạn của Tư Sang cũng chẳng có bao nhiêu.
Tóm lại trong cơ cấu quyền lực hiện hành, chuyến công du của Trương Tấn Sang sẽ chẳng mang lại điều gì đột phá. Ông ta chỉ là người mang đến và mang về thông điệp của đôi bên.
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog
nguồn:http://www.rfavietnam.com/node/1702
=====================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001