Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Ai chịu trách nhiệm về Đập thuỷ điện Sông Tranh 2? 

Lê Quốc Trinh
Kỹ sư Canada
Là một kỹ sư cơ khí có hơn 36 năm kinh nghiệm thực tiễn ở Canada, tôi xin phép nói lên vài nhận định như sau về sự cố Đập thuỷ điện Sông Tranh 2:
1) Hàng chục cơn địa chấn nhỏ (hay động đất yếu) đã liên tục xảy ra những ngày gần đây, trong lúc mực nước ở mức thấp nhất, cho thấy rằng nguy cơ tiềm tàng báo động một cơn động đất cực mạnh sẽ nổ ra sau khi chính phủ ra lệnh cho tích nước lên mực độ cao nhất. Đó chính là mối lo sợ chính đáng của hàng ngàn hộ dân miền Trung sống dưới hạ lưu. Tôi thông cảm với họ.
2) 10 năm trước, khi chưa xây đập, không hề có chấn động liên tu bất tận như thế. Điều này khẳng định vị trí con đập đã là nguyên nhân gây ra sự cố nguy hiểm. Người dân hoảng sợ là đúng.
3) Hiệp hội Khoa học Nhà nước và công ty EVN đã công khai tuyên bố đập thuỷ điện xây cất kiên cố vững chắc có sức chịu đựng những cơn địa chấn dưới 5,5 độ Richter. Có thể họ tính toán đúng. Nhưng ai dám bảo đảm rằng cơn động đất sắp tới sẽ không vượt qua ngưỡng 5,5 độ, và con đập sẽ không bị sụp đổ tan tành? Có vị quan chức cán bộ khoa học nào dám đứng ra bảo đảm rằng địa chấn xung quanh vùng sẽ không bao giờ vượt quá 5,5 độ Richter?
4) Cứ cho rằng thiết kế tính toán đúng, nhưng khâu thi công xây dựng đã phạm quá nhiều sai lầm, để cho nước thấm qua chảy liên tục suốt 12 tháng trời, hình ảnh do phóng viên báo chí ghi lại cho thấy nước phun chảy như suối, như thác trong những ngày đầu tiên. Như vậy mọi cơ cấu chịu lực do nguyên tắc “đầm lăn” đã bị nước chảy làm suy yếu bên trong. Sức kháng cự của con đập bị giảm, vị cán bộ khoa học kỹ thuật nào dám ký tên công khai bảo đảm an toàn hãy cho biết danh tính trên mặt báo?
5) Nhiều nhà khoa học độc lập đã công khai lên tiếng lo ngại về nhiều sai lầm nghiêm trọng trong thiết kế, ví dụ:
- Thiếu cửa thoát để xả nước dưới đáy đập: nguy hiểm tiềm tàng vì mực nước trong hồ luôn luôn ở vị trí đáng ngại, cản trở mọi công tác sửa chữa bảo trì khi cần. Góp phần gây ra hạn hán cho vùng canh nông hạ lưu vì thiếu nước.
- Hiện giờ miền Trung đang đi vào mùa mưa lũ, nước dâng tràn khắp nơi. Làm sao giải toả lưu lượng nước ứ đọng, khi đập Sông Tranh cứ bị giam mãi, không cho tích nước? Xem ra bài toán còn nan giải phức tạp hơn nhiều, vì nhiều vùng thượng lưu sẽ bị vạ lây???
- Cty nhà nước EVN đã nghiệm thu công trình xây cất đập, họ tuyên bố nhiều lần rằng đập thuỷ điện an toàn. Điều này chứng tỏ khâu “kiểm tra chất lượng” bị xem thường, Nhà nước không theo dõi gắt gao công tác thi công, không có tiêu chuẩn rõ ràng minh bạch, không có phòng thí nghiệm (bê tông, xi măng) để thẩm định chất lượng xây dựng, cho nên mới xảy ra sự cố.
- Chỉ trong vòng vài tuần lễ đầu tiên khi phát hiện sự cố thấm nước, nhà thầu và những người chịu trách nhiệm đã đưa ra quá nhiều lời tuyên bố mâu thuẫn, nhập nhằng về lưu lượng nước thấm cho phép. Điều này chứng tỏ họ không có tính chuyên nghiệp, xem thường dư luận, vô trách nhiệm.

Kết luận: Người dân miền Trung sống dưới hạ lưu và chính quyền tỉnh Quảng Nam lo ngại, nghi ngờ khả năng của cán bộ khoa học kỹ thuật nhà nước là có cơ sở. Sai lầm nghiêm trọng do từ quản lý lỏng lẻo của chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải đích thân lên tiếng giải thích sự kiện này trước công luận và phải chính thức nhận lấy trách nhiệm.
28/09/2012
L.Q.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/41632
=====================================================================
Động đất tại Sông Tranh 2 – 4 nghi vấn cần làm rõ

Linh Trần

Ngay sau khi Thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra sự cố nước chảy ở thân đập chính, TS Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch Hội Tư vấn KHCN&QL (TPHCM) đã đến và chỉ ra 4 nghi vấn, dù chủ đầu tư khẳng định là đã an toàn sau khi khắc phục.
TS Nguyễn Bách Phúc đã có cuộc trao đổi với báo Lao Động vào chiều qua (26.9) về những vấn đề mà dư luận đang quan tâm.
Thưa tiến sĩ, “hiện tượng Sông Tranh” thu hút các nhà khoa học và đã có những ý kiến trái chiều, khiến người dân Bắc Trà My… không biết đâu là đúng.

Hiện dư luận có các luồng ý kiến:

1- Thủy điện Sông Tranh 2 đã được thiết kế và xây dựng trên địa điểm có nhiều mảng đứt gãy địa chất, nguy cơ động đất sẽ thường xuyên đe dọa con đập và hồ chứa, hậu quả tai hại khôn lường.
2- Thủy điện Sông Tranh 2 đã được xây dựng với chất lượng rất thấp, mới vận hành chưa đầy một năm đã xuất hiện những sự cố hết sức trầm trọng (mặc dù vẫn được Cơ quan Giám định chất lượng Nhà nước đánh giá là tốt), và trầm trọng hơn là vừa qua mới chỉ được sửa chữa qua quýt, mà vẫn được Cơ quan Giám định chất lượng Nhà nước công nhận là đã đảm bảo, từ đó dẫn đến nỗi lo lắng rằng nguy cơ vỡ đập là rất lớn dù chỉ có những trận động đất kích thích nhỏ.
3- Gần đây, thực tế đã lại liên tục xảy ra động đất, ngày càng mạnh, khiến người dân rơi vào tình cảnh bất an, hoang mang. Thế nhưng, một đoàn các nhà khoa học, cùng với chủ đầu tư, với tay không, là “người trần mắt thịt”, đi khảo sát mấy ngày trên mặt đất ở vùng Bắc Trà My, lại đã hùng hồn tuyên bố rằng động đất không có gì nguy hiểm, Đập vẫn an toàn và đủ điều kiện để tích nước trở lại. Dư luận buộc phải đặt câu hỏi đâu là sự thật về khả năng an toàn của con đập.
4- Một câu hỏi hết sức bức xúc của dư luận, ai là người chịu trách nhiệm nếu con đập bị vỡ? trách nhiệm đến đâu và pháp luật sẽ xử lý thế nào?
Đánh giá về động đất ở Bắc Trà My, quan điểm của tôi là phải có cái nhìn khoa học về sự kiện, không thể nhận định theo kiểu “thầy bói sờ chân voi”. Tôi không chuyên ngành về động đất nên không thể bàn sâu về các khía cạnh kỹ thuật của vấn đề, chỉ có thể có vài ý kiến có màu sắc phương pháp luận khoa học mà thôi.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thị sát việc khắc phục sự cố rò rỉ nước trong đường hầm đập thủy điện Sông Tranh 2
Vậy quan điểm của tiến sĩ như thế nào, thưa ông?

Về luồng ý kiến thứ nhất: Cần thiết phải kiểm tra lại toàn bộ phần tính toán thiết kế của Công trình Thủy điện Sông Tranh 2, bao gồm Dự án đầu tư, Thiết kế kỹ thuật, Thiết kế thi công, trong đó có tính đến điều kiện địa chất sở tại không? Có tính đến các đứt gãy địa chất của vùng Bắc Trà My không? Nếu từ đầu đã quan tâm tính toán đến vấn đề này, thì còn cần phải kiểm tra lại tất cả các tính toán ban đầu có đúng và chính xác không.

Nếu kết quả kiểm tra cho thấy: Từ đầu đã quan tâm đến điều kiện địa chất và mọi tính toán đều đúng đắn và chính xác (và thi công hoàn toàn đúng theo thiết kế), thì hoàn toàn có thề yên tâm rằng Thủy điện Sông Tranh 2 sẽ không bị vỡ, dù có bao nhiêu động đất kích thích, mọi người khỏi phải lo lắng gì cả.
Còn nếu kết quả kiểm tra là ngược lại, thì phải có biện pháp xử lí ngay, kể cả biện pháp từ bỏ đập và hồ thủy điện này.
Về luồng ý kiến thứ hai: Nếu mối lo lắng thứ nhất được giải tỏa, cần thiết phải kiểm tra nghiêm túc, để xác định chính xác những sai phạm trong thi công xây dựng đập, những sai phạm trong xử lí sự cố vừa qua, từ đó xác định chính xác phương pháp sửa chữa đập và tiến hành sửa chữa nghiêm túc.
Nếu làm được điều này thì mọi người yên tâm, không sợ gì các đợt động đất kích thích, kể cả những trận động đất chưa vượt quá cấp độ cho phép theo thiết kế.
Còn nếu kết quả kiểm tra và kết quả sửa chữa là ngược lại, thì đập Sông Tranh 2 chắc chắn sẽ vỡ, dù có động đất hay không, dù động đất lớn hay nhỏ.
Về luồng ý kiến thứ ba: Theo tôi, việc đoàn các nhà khoa học, cùng với chủ đầu tư đi khảo sát vài ngày rồi đưa ra kết luận. Tôi xin nói thẳng rằng họ không có khả năng đưa ra kết luận, và nhất là họ không có thẩm quyền đưa ra kết luận về an toàn của con đập.
Xin được ngắt lời TS – tại sao họ lại đưa ra kết luận?
Theo các Nghị định của Chính phủ thì chức năng nhiệm vụ đó thuộc về cơ quan giám định chất lượng các công trình xây dựng của Nhà nước. Tiếc thay, Cục Giám định chất lượng nhà nước vẫn cho rằng: Đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn, bất chấp dư luận đã vạch ra những sai sót động trời, những nguy cơ hiển nhiên.
Phải chăng đó là một cái cớ để họ cứ khăng khăng rằng đập an toàn và còn đề nghị cho tích nước?
Trong lúc chưa có những khảo sát và tính toán khoa học để đánh giá nghiêm túc, chính xác về động đất ở Bắc Trà My, xin đừng vội nói đến hai chữ “an toàn” hoặc đưa ra lời khuyên “dân hãy yên tâm sống”.
Chính phủ đã quyết định chưa cho tích nước trở lại vào con đập. Đó là một quyết định sáng suốt. Tôi tin Chính phủ cũng hiểu rằng đập không an toàn, nên mới có quyết định sáng suốt như vậy.
Xin trở lại với “dòng thời sự”, đó luồng ý kiến thứ tư?
Câu hỏi ấy có thể trả lời như sau: Không có ai chịu trách nhiệm cả! Không có ai bị xử lý cả! Nghĩa là nếu đập vỡ thì chỉ có dân Quảng Nam với hàng vạn người hứng chịu. Còn chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền “liên đới” chẳng ai bị quy trách nhiệm, đều hoàn toàn vô can, vì không có điều luật nào chế tài.
Có lẽ cũng vì thế mà tất cả các quan chức liên quan đều “sang sảng” tuyên bố là đập an toàn, không một chút do dự nào.
Cũng vì thế mà chúng tôi cho rằng Quốc hội phải nhanh chóng thông qua Luật về đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng. Chúng tôi đang chuẩn bị kiến nghị gửi Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.
L.T.
Nguồn: http://laodong.com.vn/Xa-hoi/Dong-dat-tai-Song-Tranh-2-4-nghi-van-can-lam-ro/85602.bld
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/41658
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001