Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

CƠN ĐỊA CHẤN QUYỀN LỰC SAU VỤ BẮT BẦU KIÊN 
Sau khi ông Nguyễn Đức Kiên, chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), một ngân hàng tư doanh lớn nhất trong số gần 40 ngân hàng tư doanh tại Việt Nam bị bắt hôm 21 tháng 8, thì các biến cố liên tiếp sau đó cho thấy là Cộng sản Việt Nam bắt đầu phải đối diện với cơn lốc chính trị mới, đến từ hàng ngũ “đại gia” do chính chế độ sản sinh trong những năm gần đây khi áp dụng mô hình phát triển theo kiểu “tập đoàn” (chaebols) với giấc mơ công nghiệp nền kinh tế Việt Nam vào năm 2020.
Điều này thể hiện rõ nhất trong việc Bộ công an CSVN đã vừa công bố sẽ truy tố thêm ông Kiên tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 165 của Luật hình sự vào ngày 18 tháng 9 . Đặc biệt là hôm 27 tháng 9, CSVN khởi tố hàng loạt 4 nhân vật liên hệ đến ông Kiên là Trần Xuân Giá (Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, Lê Vũ Kỳ (Phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB), Trịnh Kim Quang (Phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) và Phạm Trung Cang (Phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank).
Nếu trước đây những xung đột quyền lực dẫn đến tình trạng bất ổn chính trị trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam đến từ những tranh giành thế chủ đạo giữa các phe nhóm ở trong đảng; thì nay chính sự lớn mạnh của thành phần “đại gia” sản sinh từ nền kinh tế thị trường rừng rú bắt đầu dùng tiền bạc để khuynh loát quyền lực trong đảng, là nguyên nhân tạo ra trận chiến ngầm trong hệ thống chính trị cộng sản. Đây không phải là hiện tượng mới. Nó đã từng xảy ra ở Đông Âu, Liên Xô vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước khi các chế độ độc tài phải mở cửa kinh tế nhưng giữ chặt quyền lực chính trị. Nó thường xuất hiện vào giai đoạn cuối, lúc mà sợi dây nối kết giữa các nhóm quyền lực ở trong đảng chỉ còn dựa vào lợi nhuận từ những cú “áp phe”. Tại sao?
Trong các chế độc tài, đặc biệt là độc tài cộng sản, quyền lực thường tập trung vào một thiểu số nằm trong bộ chính trị. Nó là nguồn gốc đầu tiên phát sinh và nuôi dưỡng nạn tham nhũng trong mọi cơ quan đảng và nhà nước. Khi chế độ độc tài mở cửa buôn bán với bên ngoài và dồn tài nguyên quốc gia để nuôi những doanh nghiệp nhà nước, dưới cái gọi là các tập đoàn kinh tế cho nhu cầu phát triển kinh tế, nó đã biến thành những con bạch tuộc tham lam, nhũng lạm.


Những con bạch tuộc tham nhũng này đã “cộng sinh” trong môi trường mà mối quan hệ chòng chéo về quyền lực và quyền lợi giữa các phe nhóm ở thượng tầng đã tạo ra hai quái vật bất trị: Những “đại gia đầu nậu” giàu có lên rất nhanh nhờ móc ngoặc và những “đại gia thân tộc” giàu có nhờ mối dây liên hệ gia đình, con cái của các lãnh tụ. Đa số hai loại “đại gia” này rất trẻ, nhưng giữ những chức vụ nghe rất lớn như Tổng giám đốc công ty này, Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp nọ, hay Chủ tịch Hội đồng sáng lập tập đoàn này, tổng công ty kia.
Những “đại gia” này đa số không làm bất cứ nghiệp vụ gì khác ngoài việc lợi dụng quyền thế của lãnh tụ, đứng trung gian môi giới những dự án của các doanh nghiệp nhà nước để qua đó trục lợi. Để tránh những xung đột thượng tầng, các lãnh tụ trong bộ chính trị đã phân vùng kinh doanh với nhau và nhất là chi phối các tập đoàn kinh tế nhà nước. Trong lãnh vực ngân hàng cũng vậy, các lãnh tụ ở trong đảng cũng chia vùng ảnh hưởng qua việc yểm trợ các đại gia nói trên thành lập những công ty đầu tư, tài trợ tài chánh, ngân hàng cổ phần hầu vay tiền từ ngân hàng nhà nước để rót vào các dự án ma về sản xuất, bất động sản, xây dựng. Từ đó mới có hiện tượng nợ xấu của ngân hàng nhà nước đang ở mức báo động.
Khoảng năm 2004 trở đi là những năm nở rộ của sự phát sinh thành phần “đại gia” khi Bộ chính trị cho gom non 2000 doanh nghiệp nhà nước để lập ra 12 tập đoàn kinh tế và một số tổng công ty. Tên tuổi của một số “đại gia” được báo chí Việt Nam đề cập gần đây như Nguyễn Đức Kiên, Phạm Trung Cang, Trần Bê, Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Đăng Quang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Đặng Thành Tâm… là những nhân vật không chỉ giàu có về mặt tiền bạc hay bất động sản, mà còn có thế lực lớn trong xã hội vì mối quan hệ ngầm với các lãnh tụ.
Khi đã có tiền và nắm giữ trong tay những quyền lực kinh tế, các “đại gia” thường muốn trở thành những bố già trong một số ngành kinh tế và bắt đầu muốn vói tay sang lãnh vực chính trị. Đương nhiên các “đại gia” này luôn luôn núp đàng sau những lãnh tụ đang còn thực quyền ở trong đảng như một thứ bùa hộ mạng trong các vụ “áp phe” của mình; nhưng một số “đại gia đầu nậu” sau khi thành bố già, thường sử dụng những cựu lãnh tụ, từng một thời ở trong Bộ chính trị và Trung ương đảng, để qua đó kết thành những nhóm riêng, tìm cách chi phối lên các quyết định chính trị của những lãnh tụ đương cầm quyền.
Ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt và bị kết tội lừa đảo với án tù có thể bị là chung thân. Ông Kiên sáng lập ra Ngân hàng ACB lúc 30 tuổi và được coi là người giàu có đứng hàng thứ 14 tại Việt Nam. Ông Kiên đã được phe nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng nâng đỡ trong nhiều năm trời và trở thành một bố già trong ngành ngân hàng và đầu tư địa ốc từ sau khi ngân hàng nhà nước rót hàng chục ngàn tỷ đồng để cứu các ngân hàng thương mại cổ phần sau vụ bùng vỡ bong bóng địa ốc vào năm 2010.
Ông Kiên bị kết tội lừa đảo vì đã dính với ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB trong việc ủy thác cho 19 nhân viên của ACB thực hiện việc nhận 719 tỷ đồng của ACB, gửi vào Ngân hàng công thương Việt Nam để hưởng lãi xuất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7% đến 8%, và đã bị nữ “đại gia” Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Nữ “đại gia” Huỳnh Thị Huyền Như từng được coi là nữ hoàng địa ốc tại Việt Nam, nguyên thành viên hội đồng quản trị công ty chứng khoán Phương Đông, bị bắt giữ từ tháng 10 năm 2011, cũng về tội lừa đảo.
Tội danh của ông Nguyễn Đức Kiên nêu trên chỉ là bề nổi của một cuộc bố ráp chính trị do chính ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ huy. Số tiền 719 tỷ mà các lãnh đạo Ngân hàng ACB chia ra cho 19 nhân viên để chuyển vào Ngân hàng công thương (Vietinbank) hầu kiếm lợi nhuận cho ông Kiên, hay cho một số “đại gia” là số tiền quá nhỏ so với việc phe ông Nguyễn Tấn Dũng đã để cho ông Kiên hay các đại gia khác trục lợi từ Ngân hàng nhà nước qua những dự án ma trong các năm vừa qua. Nói cách khác, “tội lừa đảo” 719 tỷ đồng của ông Kiên, hay của bà Huyền Như từ Ngân hàng ACB, chỉ là cái cớ để cho ông Nguyễn Tấn Dũng và phe nhóm triệt hạ một nhóm “đại gia đầu nậu” đang tập hợp lực lượng nhằm tạo những ảnh hưởng chính trị riêng, trong lúc thượng tầng bộ chính trị đang bị phân hóa. Phe nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng đang chịu rất nhiều áp lực chính trị từ nhiều kẻ thù mà ông ta đã tạo ra trong nhiệm kỳ vừa qua. Nhiều nguồn dư luận cho rằng cái ghế Thủ tướng của ông Dũng sẽ chỉ có thể kéo đến năm 2014 lúc đảng CSVN họp Đại hội XI giữa nhiệm kỳ. Sự nguy hiểm của phe ông Dũng không chỉ đến từ những tấn công của liên minh Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang mà còn từ thành phần “đại gia đầu nậu” dùng tiền bạc và các ảnh hưởng chính trị với những cựu lãnh tụ để trục lợi cả hai mặt kinh tế và chính trị khi phe ông Dũng yếu thế.
Trong thế trận đó, phe ông Nguyễn Tấn Dũng đã không chỉ đốn ngã một nhóm đại gia liên hệ đến ông Nguyễn Đức Kiên mà còn đụng đến một nhóm “đại gia” khác có ít nhiều liên hệ đến phe ông Trương Tấn Sang. Đó là chị em bà Đặng Thị Hoàng Yến và Đặng Thành Tâm, chủ tập đoàn Tân Tạo, khi công an “bắt cóc” ông Nguyễn Duy Hưng, trưởng phòng đại diện công ty cổ phần đầu tư Sài gòn (SGI) và bà Nguyễn Thị Bích Trang nhân viên của Tập đoàn Tân Tạo.
Đây có thể là thời điểm tốt nhất để ông Nguyễn Tấn Dũng biểu diễn quyền lực, hầu bảo vệ ghế Thủ tướng, khi cùng một lúc triệt hạ nhóm đại gia đang thách đố quyền lực của phe nhóm ông và chứng tỏ quyết tâm “diệt” tham ô nhũng lạm của Thủ tướng để mong giữ lại chức chủ tịch Phòng chống tham nhũng mà ông Sang và ông Trọng đang đòi lại hồi tháng 5 năm nay.
Ông Dũng mà mất cái phao “phòng chống tham nhũng” sẽ rất bất lợi cho phe nhóm của ông vì ông Sang và ông Trọng sẽ không ngồi yên. Họ chỉ cần phanh phui một vài mối “lừa đảo” nhỏ như trường hợp phe ông Dũng khui vụ Bầu Kiên thì không chỉ ông Dũng bị mất ghế Thủ tướng mà gia đình ông Dũng và những đại gia liên hệ sẽ mất hết tất cả sự nghiệp. Đó là lý do vì sao ông Nguyễn Tấn Dũng đã tìm mọi cách trì hoãn việc giao Ủy ban phỏng chống tham nhũng cho ông Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ cần nhớ lại trong hai ngày 22 và 23 tháng 8 vừa qua, khi nghe tin bầu Kiên bị bắt, khách hàng đã ào ạt đến Ngân hàng ACB rút ra 8 ngàn tỷ đồng, khiến cho Ngân hàng nhà nước đã phải tức tốc rót vào ngân hàng 2,5 tỷ Mỹ Kim để ngăn chận tình trạng hỗn loạn tài chánh. Đây là dấu hiệu khởi đầu của một cơn lốc xã hội và chính trị khi mà những nhóm thời cơ chính trị và kinh tế đụng nhau.
Vì thế, vụ án bầu Kiên sẽ không dừng ở việc bắt giữ và truy tố những đại gia liên hệ trong vụ Ngân hàng ACB mà sẽ lan toả sang nhiều thành phần khác, khi các phe núp dưới chiêu bài chống tham nhũng, tìm cách thanh toán những ‘quái vật” của phe khác. Ông Dũng hiện nay có nhiều ưu thế hơn phe ông Sang và ông Trọng vì còn nắm chặt kinh tế và công an. Tuy nhiên, một khi khó khăn kinh tế đan xén với những bất ổn chính trị nội bộ đảng xảy ra liên tục, ông Dũng sẽ chịu rất nhiều áp lực và bị ép phải nhận trách nhiệm để buông quyền lực. Do đó bắt nhốt ông Kiên, nhưng sinh mệnh chính trị của ông Dũng không còn mấy sáng sủa.
Lý Thái Hùng
Ngày 28-9-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001