Vitaly Shentalinsky
Tom Phạm dịch
Bước vào năm 1922. Chính sách kinh tế mới… Đất nước dần hồi phục sau buổi khó khăn của chính sách cộng sản thời chiến. Các cửa hàng buôn bán rộn rã, các quán xá, nhà hàng cạnh tranh náo nhiệt. Giao dịch vận chuyển khởi động. Người người vui sướng trở về cuộc sống bình thường – thực phẩm, lò sưởi, điện sáng, chấm dứt bắn giết. Văn hóa cũng phục sinh: các nhà xuất bản mới và các tạp chí mới, các tổ chức khoa học và các tổ chức nghệ thuật mọc lên như nấm; các nhà hát, khu triển lãm, các buổi hòa nhạc tràn ngập. Bùng cháy niềm hy vọng. Dường như cuộc sống đang vận hành theo chiều hướng tốt lên.
Nhưng tất cả những thứ trên chỉ là cuộc nghỉ ngắn hơi. Ngay mùa xuân năm ấy những người cộng sản đã triển khai một cuộc tấn công mới – trên mặt trận tư tưởng. Kinh tế là kinh tế, thiếu bánh mì khó lòng sống nổi, còn không có thức ăn tinh thần thì vẫn có thể sống qua bằng cách nào đó! Sắc lệnh tịch thu tài sản nhà thờ được ban ra – những người lính hồng quân đội mũ kiểu Budenovka (mà trong dân gian gọi là mũ “mõm lợn” nhân danh khẩu hiệu cứu đói, bất chấp phép tắc trang trọng của nơi thờ tự, ào ào kéo vào cướp bóc các nhà thờ. Cùng với việc bắt giữ hàng loạt các linh mục là việc chia rẽ hàng ngũ giáo sĩ với giáo dân, thành lập nhà thờ tân tạo có mối thân thiện với chính quyền Xô viết. Tiến hành bắt bớ các đảng viên đảng Xã hội và các đảng phái khác, cả những người mới hôm qua thôi còn là đồng minh của phe Bolshevik. Ủy ban Đặc biệt toàn Nga chống phản cách mạng và phá hoại (ВЧК) được đổi sang một cái tên đáng sợ – như chính những gì nó đe dọa? – Cục chính trị nước Nga hợp nhất (GPU). Stalin lên nắm quyền Tổng bí thư Đảng và bắt đầu từng bước thu quyền bính về tay. Tin đồn hoang mang lan truyền trong dân chúng. Hình như Lenin bệnh và rút khỏi đại sự quốc gia. Không phải, đám đông khác rỉ tai nhau rằng Lenin đã mất, và mọi sắc lệnh là do kẻ khác đứng sau ông mạo ký. Làm gì có chuyện như thế, đám đông thứ ba phản đối, Lenin còn sống, nhưng giam mình trong nhà, đánh mất khả năng nói và chỉ biết lặp đi lặp lại: “Tôi đã làm gì với nước Nga thế này?” – và Đức Mẹ Sầu bi đã đến bên ông… Rồi người ta còn nói…
Tin đồn không phải là vô căn cứ: sức khỏe Lenin thực có xấu đi và đã vài tháng nay ông bị mất khả năng làm việc. Tuy nhiên trước đó ông cũng đã kịp khởi động một chiến dịch mới, chưa từng có, và nó sẽ bò lan rùng rùng khắp đất nước.
Tháng 5/1922 Lenin sửa đổi Bộ luật Hình sự: “Theo tôi, cần thiết mở rộng biện pháp xử bắn (cùng với việc thay đổi biện pháp trục xuất ra nước ngoài)…”. Nếu mà quay về hả? Cần cảnh báo trước: trở về nước trái phép – bắn!
Đó là điều khoản được đề cập đầu tiên của lệnh trục xuất, một ý tưởng dội lên trong đầu Ilich ngay trước khi ông bị đột quỵ, – cũng là một trong những hành vi chính trị cuối cùng của vị lãnh tụ Đảng.
Và ngày 19/5/1922 – sáu ngày trước khi cơn đột quỵ buộc Lenin nằm im trên giường, ông đã thảo cho Dzerzhinsky một bức thư mật – một chương trình hành động mà có lẽ đã được suy tính và bàn luận trước đó: “Đồng chí Dzerzhinsky! Với vấn đề trục xuất các nhà văn, các giáo sư, những trợ thủ của bọn phản cách mạng – chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ càng hơn nữa. Không chuẩn bị kỹ, chúng ta sẽ đâm ra là kẻ ngu dốt…”. Ngay sau đó là tên các ứng cử viên đầu tiên bị trục xuất: các tác giả tạp chí “Kinh tế gia” rơi ngay vào tầm mắt Ilich: “Theo tôi, rõ rành rành đây là trung tâm của bọn bạch vệ”, – và ông thông tin đến các đồng chí trong GPU: – “Trong № 3… danh sách các thành viên in trên trang bìa. Tôi cho rằng, hầu hết họ là những ứng cử viên hợp pháp cần trục xuất ra nước ngoài”. Và tiếp theo, hầu như là tiếng kêu: “Tất cả họ rõ ràng là bọn phản cách mạng, đồng bọn của Khối Đồng minh, làm đầy tớ và gián điệp cho chúng, lôi kéo thanh niên sinh viên. Cần phải tiến hành việc lùng bắt và lùng bắt hết “bọn gián điệp quân sự” này, liên tục và có hệ thống trục xuất chúng ra nước ngoài”.
Tóm lại, tiếng tăm về bản danh sách trục xuất đầu tiên cùng việc chỉ ra các tổ chức đoàn thể cần trục xuất ấy thuộc về chính vị lãnh tụ của cách mạng thế giới. Và điều này xảy ra vào thời điểm khi mà, dù cho bầu trời văn hóa Nga sáng rực, nhưng các nhà bác học đang khan thiếu đến mức khủng hoảng trong một đất nước bán thất học, nghèo đói, kiệt quệ bởi các cuộc cách mạng và chiến tranh, khi mà thậm chí ngay cả “người bạn tốt nhất” của Lenin là Maksim Gorky cũng từng nói, không lâu trước khi bị đẩy ra nước ngoài dưới danh nghĩa đi chữa bệnh, rằng “không thể sống thiếu các nhà sáng tạo khoa học và văn hóa Nga, giống như không thể sống mà thiếu linh hồn”, và rằng trong cả nước Nga “họ chỉ có chín ngàn người”…
Một nhiệm vụ khẩn cấp đặt ra cho GPU: thu thập hồ sơ về “các nhà văn và các giáo sư” (“ủy thác việc này cho người nào hiểu biết, có học và tử tế”), lựa chọn từ cái công chúng đê hạ ấy những kẻ không đáng tin cậy nhất và vứt bỏ: người ta đã hành xử như vậy trong việc tuyển chọn tầng lớp trí thức.
Và, báo chí Xô viết, cùng một guồng với GPU, ra sức la hét kích động. “Nền chuyên chính, cái roi da của mi đâu?” – Tờ “Pravda” chất vấn như thế khi công kích cuốn sách nhỏ xíu của phê bình gia Eichenwald luận bàn về thi ca, gọi nó là “đồ bẩn thỉu và rác rưởi”, yêu cầu chặn đứng tác giả cũng như những ai giống ông, bằng cây roi da của nền chuyên chế, “dọn sạch chúng đi, quẳng chúng cùng toàn bộ thế giới thẩm mĩ và tôn giáo ấy vào cái trại xứng đáng với chúng”.
Trong lúc các giáo sư, nhà văn đang rối đầu về những vấn đề xảy ra trên thế giới thì số phận của họ đã được định đoạt. Suốt mùa hè các thành viên Ủy ban Trung ương và các nhân viên an ninh đã chuẩn bị xong xuôi danh sách trục xuất. Giờ “X” được ấn định vào đêm 16 rạng ngày 17/8. Cuộc bố ráp bắt đầu…
Một trong những ứng cử viên bị trục xuất là Nikolai Berdyaev.
Ở đây sẽ không trình bày chi tiết quan điểm của nhà tư tưởng lớn nhất Kỷ nguyên Bạc – bạn đọc ham hiểu biết có thể tìm thấy rất nhiều trước tác của ông, được xuất bản khắp các quốc gia văn minh, và hiện nay đã có mặt ở nước nhà. Chỉ xin nhắc rằng Berdyaev là nhà triết học Nga nổi tiếng nhất phương Tây, người sáng tạo nên “ý thức tôn giáo mới”, đã đưa ra một quan điểm hết sức đặc biệt và sâu sắc về số phận lịch sử của nước Nga, về nguồn gốc và thảm kịch của chủ nghĩa cộng sản Nga.
Vậy ông đã phản đối gì chủ nghĩa cộng sản? Tự do tinh thần và cá tính tự do – như những giá trị tối thượng. Cách mạng không đem đến khởi nguyên sáng tạo – mà trần trụi phủ nhận nó, là sản phẩm của ý thức nô lệ. Chủ nghĩa xã hội – không gì khác hơn là sự ma giáo, là tinh thần ma quỷ, cái tinh thần mà dẫn mọi vấn đề của cuộc sống đến mẩu bánh mì, sản sinh ra sự bần cùng, sự nhỏ nhen độc ác, là sự công bình cưỡng bức trong khốn khó về tinh thần và thể chất. Và giải phóng cưỡng bức con người bề ngoài một cách ít ỏi – đó không phải là giải phóng cho con người, mà là cho con thú, – cần phải thực thi tự do bên trong con người, cái tự do mà không có bất cứ lợi lộc nào trên đời mua nổi.
Là người khinh bỉ chính trị – “Tôi mãi mãi chẳng là ai cả, mãi chỉ là con người của chính mình, con người của tư tưởng mình, của chí hướng mình, của cuộc kiếm tìm chân lý của mình”, – nhưng ông vẫn luôn ở tâm điểm của cuộc đấu tranh chính trị – chính bởi vì ông công khai và lớn tiếng giải quyết câu đố đời đời của người Nga: làm sao có thể tự do trong thế giới phi tự do? Và tiếng nói đó đã có được tiếng vọng mạnh mẽ, tất cả đã lắng nghe ông: cả bạn bè và cả kẻ thù, – kẻ thì với cảm tình cháy bỏng, kẻ thì với sự bực bội không che giấu. Tiếng nói ấy đã đến với mọi người ngay cả khi nó bị cấm đoán trên báo chí Xô viết, – nó đến bằng dòng văn học trốn kiểm duyệt và sự lan truyền của văn học samizdat.
Nghiên cứu biên bản điều tra một nhà triết học khác của Kỷ nguyên Bạc, Pavel Florensky, – trong vụ “Đảng Phục sinh nước Nga”, tôi tìm thấy bên cạnh những trang khai báo viết tay của ông tờ sao hai bản thảo của Berdyaev. Làm sao chúng lại nằm trong đó? Trong số nhiều người bị bắt của vụ việc, thì đây là một người hoàn toàn không có gì đáng để ý, chỉ có tội duy nhất là tin vào Chúa. Hai bài báo ấy Berdyaev viết về số phận của Nhà thờ Nga, được ai đó chép lại từ một tờ báo lưu vong, truyền từ tay người này đến tay người khác cho đến khi nằm trên bàn của điều tra viên. Và chúng trở thành bằng chứng chính làm cho kẻ không may tàng trữ chúng phải trả giá bằng tự do của mình.
Bây giờ thì chúng ta thấy rằng sự phục hưng văn hóa Nga, như ngôi nhà tinh thần của Berdyaev, không có gì khác hơn, than ôi, có thể, là một giải pháp chưa thực hiện được nhằm thay thế cho chủ nghĩa cộng sản Nga, một thứ chủ nghĩa đã ném đất nước vào cảnh man rợ, biến nó thành thảm họa dân tộc. Đó chính là lý do khiến tại sao chính quyền Xô viết cấm sách của nhà triết học và gán cho tư tưởng ông một cái tên gọi đầy khinh bỉ “beliberdyaevschina”; đó là lý do tại sao ngày nay, khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, tư tưởng của ông lại phục sinh và tìm thấy sức sống lần thứ hai.
Trước tác của Nikolai Berdyaev – là những thành quả không chỉ của một trí tuệ tỉnh táo lạnh lùng, mà còn của một trái tim bốc lửa: ông sống sót qua cuộc cách mạng như trải qua sự kiện nội chính riêng biệt, nó xảy ra với cả nhân dân ông, với cả chính ông.
Trong những năm đầu cách mạng, thời kỳ hoang tàn và đói khát, chính quyền Xô viết phân bổ cứ 12 nhà văn nổi tiếng nhất thì được một suất ưu tiên học thuật, giữa những người may mắn được gọi đùa lúc đó là “những người bất tử” có Berdyaev. Danh hiệu an toàn cho phép ông tiếp tục sở hữu cả căn hộ, cả văn phòng làm việc, cả thư viện. Hàng tuần lui tới phòng khách của ông – có lẽ chỉ có một ngôi nhà duy nhất như thế ở Moskva – là những người khác nhau về chính kiến, từ phái tả cực đoan đến phái hữu cực đoan, họ thảo luận hàng loạt vấn đề nóng bỏng và các đề tài kinh điển. Lần nọ tờ nhật báo “Tin tức” đăng tải bản tin-tố giác về một trong những cuộc họp như thế, hôm đó người ta thảo luận đề tài phải chăng Lenin là kẻ Phản Chúa; đi đến kết luận: không, không phải là kẻ Phản Chúa, mà chỉ là tiền thân của kẻ Phản Chúa.
Trong thời buổi cách mạng tuyên chiến với vấn đề tâm linh, quy nó là phản cách mạng, Berdyaev thành lập ở Moskva một Học viện văn hóa tâm linh Tự do, thu nhận khắp Moskva bao kẻ đói rét nhưng vẫn khao khát những tiếp xúc thanh cao. Những năm tháng bão tố cách mạng ấy vẫn còn giữ lại được một cách tương đối thái độ khoan dung và tự do ý kiến, làm cho cả nhà phê bình, cả người phản biện còn tin vào sự cải sinh bên trong chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, giữa hàng ngũ khán thính giả, trên hàng ghế đầu, lúc nào cũng phải có mặt nhân viên Ủy ban an ninh quốc gia (KGB).
Rồi “danh hiệu an toàn” đã không bảo vệ được giáo sư khỏi mối hiểm nguy và thử thách của thời buổi cách mạng…
Thử mở hồ sơ của chính quyền Lubyanka về Berdyaev.
Cuộc gặp mặt của Ủy ban Bất thường với Berdyaev xảy ra vào đêm 18 rạng ngày 19/2/1920.
Bằng chứng về nó – các tài liệu lưu trữ trong hồ sơ Lubyanka. Sự kiện còn có thể khôi phục lại bằng những hồi tưởng về những ngày kinh hoàng đó của chính nhà triết học và của em vợ ông – cô Evgenia Rapp.
Sáng 18/2 đối với Berdyaev bắt đầu rất sớm: ông bị chính quyền bắt đi lao động cưỡng bức. Từ lúc trời còn mờ tối, chiểu theo địa chỉ có trước, người ta tập trung những người như ông, tức “bọn tư sản”, đến một nơi ảm đạm, le lói ánh sáng đèn dầu hoả, sau khi điểm danh theo cách đánh số, họ được xếp thành hàng và cùng một đoàn lính, trong tiếng quát tháo dữ dội, bị lùa ra khỏi thành phố. Đó là một ngày giá lạnh – hơn ba mươi độ âm. Berdyaev lên cơn sốt: trước đó ông đã bị cảm lạnh và bây giờ khó khăn mới cất nổi gót. Đoàn người kéo lê đến một nhà ga nào đó, đàn ông dùng xà-beng dọn dẹp băng tuyết trên đường sắt, phụ nữ mang vác các khối hàng hóa vào toa xe. Làm việc cho đến chiều tà, không ăn uống, cuối cùng chỉ nhận được một mẩu bánh mì đen…
Tối khuya, Berdyaev hoàn toàn kiệt sức, sốt cao, cuối cùng cũng lê lết được đến nhà. Ông vào giường nằm, cơ thể ấm dần – người nhà đem đến bên ông chiếc lò sưởi bằng sắt tây, củi đốt là đồ gỗ cũ – ông vừa thiu thiu ngủ thì cánh cửa nhà bất ngờ bị đập rầm rầm.
– Đây có phải căn hộ của Berdyaev không? – Nhân viên an ninh đứng trên ngưỡng cửa, cùng với những người lính vũ trang.
Một lệnh bắt giữ còn lưu trong cặp hồ sơ mang tên con người đó – Ủy viên Cheka N. Pedan, dưới văn bản có ký tên Chủ tịch Ban đặc biệt Cheka Menzhinsky.
– Không cần phải khám xét đâu, – Berdyaev nói – Tôi là người phản đối Bolshevik và không bao giờ giấu diếm tư tưởng của mình. Các anh sẽ chẳng tìm thấy trong đống giấy má điều gì mà tôi chưa từng nói công khai…
Tuy vậy, cuộc khám xét vẫn được tiến hành một cách kỹ lưỡng và kéo dài đến rạng sáng. Tịch thu: bản thảo, thư từ, bài giảng, một vài tạp chí, một vài tờ báo và hai con dấu: con dấu bằng cao su – là của Viện văn hóa tâm linh Tự do, và con dấu dùng để gắn xi có biểu tượng gia huy của dòng họ quý tộc Berdyaev.
Những gì liên quan đến cuộc trao đổi với nhà triết học, ủy viên Cheka không bỏ qua. Đính kèm lệnh bắt là một “báo cáo” đặc biệt:
“Khi bị bắt, công dân Berdyaev đã tuyên bố, bên cạnh những điều khác, một điều rằng ông ta là “đối thủ tư tưởng của hệ tư tưởng chủ nghĩa cộng sản”, và giải thích do đâu mà ông, Berdyaev, là con người của tinh thần, còn chủ nghĩa cộng sản mang tính “vật chất” (lời ông ta)”.
Người bị bắt bị dẫn bộ tới Lubyanka – đi ngang qua trung tâm Moskva băng tuyết, trước những cặp mắt sợ hãi của khách bộ hành: phương tiện giao thông của chính quyền Xô viết không đủ chỗ cho kẻ thù vô số kể của nó.
Trong việc lập ban chuyên án của các nhân viên Cheka, vụ liên quan đến Berdyaev có tên là “Trung tâm chiến thuật”.
Chẳng bao lâu nữa ở Moskva sẽ xuất hiện “Bộ Sách Đỏ” của Cheka – tài liệu về các tổ chức phản cách mạng những năm đầu chính quyền Xô viết đã bị các nhân viên Cheka dũng cảm đánh bại. Hầu như toàn bộ tập hai của bộ sách nổi tiếng này là dành nói về vụ “Trung tâm chiến thuật”. Số phận cuốn sách này đầy ấn tượng: Những người biên thảo nó bị khống chế, bản thân nó bị gỡ bỏ khỏi các thư viện và bị tiêu huỷ. Chỉ còn vài bản được giữ lại trong các phòng lưu trữ hạn chế. Sự thật bị săn đuổi?
Mọi sự hóa ra còn phức tạp hơn thế. Chăm chú xem xét hồ sơ lưu trữ ở Lubyanka – mà đích danh là tập thứ hai của “Bộ Sách Đỏ” gồm 34 tập, nói về vụ “Trung tâm chiến thuật” – dẫn đến một phát hiện đáng ngạc nhiên: Cuốn sách khủng bố này là một sự ngụy tạo nữa của lịch sử Xô viết, một sự dối trá nữa được chế tạo công phu điêu luyện, sự dối trá ấy tiếp tục được lặp lại trong báo chí chúng ta cho đến nay chưa bị bóc trần. “Bộ Sách Đỏ” của Cheka đã được loại bỏ khỏi kho lưu trữ đặc biệt, và trong thời kỳ Cải tổ người ta in lại nó giống hình thức ban đầu. Sự dối trá cũ vẫn đang tiếp tục được nhân rộng!
Vậy thì các kho lưu trữ đã lưu giữ được cái gì, “Bộ Sách Đỏ” im lặng giấu diếm cái gì?
Ít ra có thể thấy là không phải tất cả được lưu giữ trong bộ sách, mà chỉ là những tài liệu được lựa chọn có tính thiên vị, nhưng ngay cả những gì được lựa chọn cũng bị cắt xén đầy dụng ý. Cơ chế mập mờ nước đôi của Cheka được cẩn thận che đậy: dọa dẫm và lừa dối, màn khiêu khích của các điều tra viên và vai diễn của kẻ phản bội; đe dọa xử bắn và bắt giam người thân, tranh cãi lẫn nhau, gây hiểu nhầm – đó chính là chiến thuật của nhân viên Cheka. Tìm mắt xích yếu nhất, định dạng loại phản bội, biến hắn thành dụng cụ ngoan ngoãn rồi thông qua hắn mà tung hoả mù, thổi phồng vụ án đến quy mô thật lớn dẫn đến thắng lợi vĩ đại – tất cả là để có cái báo cáo với lãnh tụ và để có thể tự hào trước các thế hệ sau.
Vậy ai là kẻ thù đáng sợ cần phải trừng phạt bằng lưỡi gươm cách mạng? Đó là đoàn thể giáo sư, luật sư, các sử gia, các nhà báo, các chuyên gia giáo dục và nông nghiệp, các nhà ngoại giao, các kinh tế gia, các đại diện đảng phái chính trị khác nhau, bao gồm cả các đảng viên Xã hội lẫn những người ngoài đảng, – tóm lại, là giới trí thức. Và thưa vâng, hầu hết họ đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc, giai cấp thù địch đang tuyên chiến với thế lực bá quyền hiện tại, thế nhưng, như sắp đặt lịch sử – chính vị lãnh tụ Bolshevik cũng xuất thân từ tầng lớp quý tộc.
Tất nhiên, giữa những người đông đúc của cái nhà tù Nội bộ Lubyanka ấy, có thể tìm được những người có vũ khí và mong muốn dùng vũ lực quân sự lật đổ chính quyền Xô viết, nhưng những người như thế chỉ có một vài mống – họ là số ít. Về cơ bản họ là những người yêu nước, không thể bàng quan trước số phận của tổ quốc, là những nhà hoạt động xã hội năng động, những con người biết suy nghĩ, những người bất đồng chính kiến, có tâm trạng đối lập, phần nào không đồng ý với chế độ mới, một chế độ dựa trên bất công và khủng bố đẫm máu. Và họ tập hợp lại, liên kết với nhau, tranh luận sôi nổi nhằm tìm ra con đường cứu nước Nga, tìm một tương lai tươi sáng hơn. Viễn cảnh tự do chưa biến mất trong tâm trí họ. Nội chiến diễn ra, chế độ độc tài Bolshevik treo trên sợi tóc, và tưởng chừng chẳng mấy mà đứt bóng. Kết cục như được báo trước.
Nhưng trong khi tinh thần phe đối lập chưa chín muồi, chưa đủ sức kháng cự, thì giới cầm quyền Kremlin và Lubyanka đã kịp vội vã tấn công phủ đầu.
Mục đích thật sự cuộc tấn công trừng phạt của những người Bolshevik sẽ được Công tố viên Krylenko sớm tiết lộ trong một cuộc họp của Tòa án Cách mạng Tối cao:
“…Trong quá trình này công việc của chúng ta là tiến hành phán xét lịch sử đối với những hoạt động của giới trí thức Nga… Trí thức Nga, khi đến với thử thách cách mạng với khẩu hiệu vì một nền dân chủ, đã trở thành đồng minh của thế lực đen tối, được trả tiền, trở thành điệp viên cung cúc vâng lời chủ nghĩa đế quốc châu Âu. Giới trí thức đã chà đạp và vấy bùn lên lá cờ của mình”.
Nikolai Berdyaev là một trong các bị cáo thuộc danh sách “Hiệp hội các nhà hoạt động xã hội”, nằm trong vụ “Trung tâm chiến thuật”. Hồ sơ vụ án cho thấy ông bị bắt là do lời khai báo của một người mà thậm chí ông không hề quen biết, – đó là “chuyên viên hệ thống điều hành nhà nước” Nikolai Nikolaevich Vinogradsky, cựu thành viên “Hiệp hội các nhà hoạt động xã hội” đâu như là thư kí, phụ trách kỹ thuật. Trong vụ án, tay “chuyên viên” này được coi là kẻ tố giác và mồi nhử: hoảng sợ trước sự dọa dẫm của Cheka, tuân theo chỉ thị của vị tổng chỉ huy tối cao chiến dịch Yakov Agranov, ông ta vội vàng viết một bản “phác thảo” vừa cụ thể vừa bán bịa đặt, trong đó đưa ra những chứng cứ buộc tội hàng chục người – tất nhiên là dưới sự chỉ dẫn và đọc cho ghi của nhân viên Cheka. Hơn nữa, ông còn được cố ý đưa vào các phòng giam, tìm cách gây dựng lòng tin của những người bị bắt, sau đó sẽ báo cáo lại với điều tra viên những gì đã nghe được.
Trong “Bộ Sách Đỏ” của Cheka, Berdyaev chỉ như một cái bóng thoáng qua.
Ngày 16/2, hai ngày trước khi Berdyaev bị bắt, Vinogradovsky trong lời khai (nơi ông bộc bạch rõ mục đích: muốn “chứng tỏ xứng đáng lòng tin cậy” của Cheka), đã viết: “Trong số những yếu nhân tham gia “Hiệp hội những nhà hoạt động xã hội” và thường tham dự các cuộc họp của Hiệp hội còn có… giáo sư – triết gia Berdyaev (Nikolai Ivanovich hoặc viết tráo lại)…”
Mức độ quen biết như thế đấy – thậm chí không biết đến cả tên-phụ danh người bị cáo giác! Tuy thế, để bắt giữ thì thế là đủ rồi.
“Berdyaev Nikolai Aleksandrovich. Một trong những nhà sáng lập hội “Các phiên họp Moskva” và “Hiệp hội các nhà hoạt động xã hội”. Nhà tư tưởng, nhà triết học, về tín ngưỡng – là người theo chính thể quân chủ, là tư tưởng gia của lý tưởng quân chủ. Mặt khác, là người biện giải cơ sở tư tưởng cách mạng, biện giải nguồn gốc nhiều hiện tượng khác nhau của cách mạng, trong đó có trào lưu cộng sản chủ nghĩa”.
Vậy là họ đã hiểu, Berdyaev là ai!
Từ “Bộ Sách Đỏ” không thể bòn rút được thêm thông tin gì về ông.
Có một đoạn như thế này trong lời tuyên bố của một tù nhân khác, nhà ngoại giao – nhà báo Valerian Muravyov:
“Tất cả mọi người, kể cả những người cộng sản, ngày này qua ngày khác sống trong sự chờ đợi cơn thảm họa… Tôi thường tự hỏi bản thân, sự chuẩn đoán của tôi có chính xác hay không và có đúng hay không cái ý kiến cho rằng nhân dân Nga sẽ tìm thấy sức mạnh để bằng tiềm lực của chính bản thân mình vượt qua tình trạng suy sụp… Trong ý nghĩa này, hàng loạt các cuộc hội họp của đủ các loại thành phần và tính chất khác nhau đã giúp tôi rất nhiều. Những cuộc họp ấy diễn ra trong các bối cảnh khác nhau nhưng bao giờ cũng bàn luận với một quan điểm triết học – tôn giáo sâu rộng những vấn đề tương lai của nhân loại nói chung và của nước Nga nói riêng. Cuộc tiếp xúc với một số nhà tư tưởng kiệt xuất, ví dụ như N. A. Berdyaev và I. A. Ilyin, đã ảnh hưởng to lớn đến tôi. Đó là những người luôn luôn tìm cách đưa ý kiến của mình vượt ra ngoài khuôn khổ hiện thực, thậm chí ngoài khung cảnh chính trị và luôn trình bày rốt ráo những vấn đề tư tưởng nhân loại, văn hóa nhân loại. Tuy có nhiều bất đồng với các nhà triết học ấy và nói chung với các nhà tư tưởng hiện đại Nga, tôi đã học hỏi được từ họ nhiều điều, và những điều ấy đã giúp tôi ít nhiều xây dựng một nền tảng thế giới quan nhất định…”
Sự giam cầm tù đày của Berdyaev chấm dứt đột ngột, y như nó bắt đầu. Một lần vào nửa đêm ông bị dẫn đi thẩm vấn – theo một mê cung hành lang và cầu thang bất tận ảm đạm. Bỗng nhiên xuất hiện tấm thảm trải, cánh cửa mở ra – một văn phòng rộng lớn rực rỡ ánh sáng cùng với tấm thảm trải nền bằng da gấu trắng. Đứng bên bàn giấy là một người cao lớn vận đồ nhà binh, ngực đeo huy hiệu ngôi sao đỏ. Chòm râu nhọn, đôi mắt màu xám u buồn. Ông ta lịch thiệp mời Berdyaev ngồi, tự giới thiệu:
– Dzerzhinsky.
Berdyaev là người duy nhất trong số những người bị bắt của vụ án này vinh hạnh được chính người sáng lập ra Cheka thẩm vấn. Hơn nữa, đến buổi thẩm vấn còn có một bị lãnh tụ Bolshevik nữa từ Kremlin sang – Lev Kamenev; tại đây cũng có mặt Menzhinsky, người đưa Berdyaev vào tù (nhà triết học biết đôi chút về con người này, từ hồi nào đó, đâu như trước cách mạng, ông ta đã từng lấp lóe trong các tổ chức văn học Petersburg như một nhà văn xuôi mới vào nghề).
Tóm lại, buổi gặp gỡ vừa đầy hiểm nguy vừa trang trọng, xứng tầm đi vào lịch sử. Nhiều năm sau Berdyaev sẽ mô tả lại nó trong cuốn tự truyện triết học “Tự nhận thức” của mình:
“Dzerzhinsky cho tôi một ấn tượng là một người đáng tin cậy và chân thành, – Berdyaev nhớ lại. – Đó là một kẻ cuồng tín… Trong ông ta có gì đó là lạ… Hồi trước ông ta từng mong trở thành một tu sĩ Công giáo, và ông đem niềm tin cuồng tín của mình đặt vào chủ nghĩa cộng sản”.
Triết gia đã chuẩn bị tâm thế chiến đấu và ông quyết định tấn công:
– Xin lưu ý, tôi cho rằng với phẩm giá của một nhà tư tưởng, một nhà văn, tôi sẽ thẳng thắn trình bày những gì mà tôi nghĩ.
– Chúng tôi cũng đang chờ đợi điều đó ở ông – Dzerzhinsky nói.
Và Berdyaev bắt đầu trình bày. Bài diễn văn của ông kéo dài như một bài giảng của giờ học kinh viện. Ông giải thích về việc, dựa trên những căn cứ tôn giáo – triết học – đạo đức học nào mà ông trở thành người phản đối chủ nghĩa cộng sản, cho dù ông không phải là con người chính trị.
Tất cả chăm chú lắng nghe. Chỉ thỉnh thoảng Dzerzhinsky đưa ra ý kiến của mình. Đại loại như câu hàm nhiều nghĩa sau:
– Có thể trở thành nhà duy vật về mặt lý thuyết và nhà duy tâm trong cuộc sống, và ngược lại, nhà duy tâm trong lý thuyết và nhà duy vật trong cuộc sống…
Berdyaev từ chối trả lời những câu hỏi cụ thể về mọi người.
– Tôi sẽ phóng thích ông ngay bây giờ – bỗng Dzerzhinsky nói – nhưng ông không được rời Moskva mà không được phép.
Và quay sang Menzhinsky:
– Đã muộn rồi, thời buổi này cướp bóc gia tăng. Có thể đưa công dân Berdyaev về bằng ô tô được không?
Ô tô không có, người ta tìm được một cái xe máy. Trong tiếng rú chói tai của nó nhà triết học đã về được đến nhà an toàn, thấy thoải mái hơn là từ đó ra đi hôm trước.
Cái gì đã cứu Berdyaev? Sự cương quyết hay sự thẳng thắn? Hay bởi Dzerzhensky nhận ra rằng Berdyaev chẳng có tội gì đặc biệt và việc ông sa vào tay Cheka là một sự nhầm lẫn? Người ở tầm cao như thế, tất vô hại với mặt đất? Mà cũng có thể kẻ cuồng tín cách mạng bị ấn tượng mạnh mẽ từ sự cuồng tín đến mức vô vị lợi vào một niềm tin, dù khác với niềm tin của mình?
Tiếc rằng cuộc thẩm vấn ấy không được thủ tục hóa và đưa vào hồ sơ vụ án, để hôm nay chúng ta có được một tài liệu quan trọng. Nhưng đối với bản thân triết gia, có thể, là điều may mắn, khi những lời thẳng thắn của ông không bị ghi chép thành biên bản. Ông không phải ra tòa, mặc dù có đến dự như một người quan sát và ông định nghĩa nó như một “màn kịch”. Tuy nhiên, màn kịch ấy đe dọa nhiều bạn hữu của ông không phải bằng hình phạt trên sàn diễn sân khấu kịch, chỉ đến phút cuối bản án tử hình mới được giảm nhẹ: bốn bị cáo nhận án tù 10 năm, chín người bị đưa vào trại tập trung, còn lại được trả tự do.
Hình như, cả thẩm phán cả công tố viên đều hiểu rõ cái gọi là “tội phạm nguy hiểm” là gì. Các luật sư vừa đối đáp nhau vừa chạy lui chạy tới bàn quan toà, tay cầm những tập công trình của thân chủ mình: “Thân chủ tôi viết được 11 cuốn!” – “Còn thân chủ tôi – 18 cuốn cơ!” – tiếng cười vang lên trong khán phòng, và Krylenko phá lên cười với họ. Nhưng điều đó cũng không làm bản cáo trạng của ông ta giảm bớt sự cuồng nộ:
– Và nếu như các bị cáo ở đây, ở Moskva này, không bị bắt tận tay day tận mặt, thì đằng nào cũng vậy, họ là những kẻ có hành vi phản cách mạng, vì đã trò chuyện, thậm chí chỉ trong lúc trà chén, về sự cần thiết thay đổi chính quyền Xô viết, một chính quyền mà hòng mong đánh đổ được. Trong thời buổi Nội chiến, không chỉ hành-động mới là phạm tội, mà có cả những phi-hành-động cũng phạm tội…
Hai năm qua đi. Một mùa hè tuyệt vời đến. Berdyaev lần đầu tiên sau cách mạng cùng gia đình đi nghỉ mát, thưởng ngoạn thiên nhiên làng quê. Ngôi nhà gỗ thơm mùi nhựa thông. Những buổi đi hái quả và tìm nấm. Chiều đến, ấm samova được bày ra ban công, cùng trà và mứt, sương mù từ bờ sông lan tỏa tới, những chiều tà thật dài và yên ả. Không có gì báo hiệu tai họa mới.
Một lần – ngày 16/8 – Berdyaev trở về căn hộ Moskva của mình, lần về duy nhất suốt cả mùa hè, và chính đêm hôm đó những người khách không mời cùng súng ống lại đến nhà ông.
Một nhân viên an ninh khác, lần này là một tay M. Sokolov nào đó, một tờ lệnh mang số hiệu khác, với một chữ ký khác – của Phó chủ tịch GPU tên là Unshlikht… Còn lại đều quen thuộc: cuộc khám xét kéo dài (“tác nghiệp từ 1 giờ khuya… kết thúc lúc 5 giờ 10 phút sáng”), thu hồi giấy tờ, con đường khổ ải từ Arbat đến Lubyanka. Thật ra, lúc này đã có ô tô vận chở tù nhân.
Lục soát quần áo trong phòng quân quản rồi tống vào trại giam. Quẳng vào cửa một vật từa tựa nệm cỏ khô – đấy, tự đi mà sắp xếp chỗ nằm cho mình! Trong phòng rất đông, vì có một số tù nhân mới vừa nhập trại. Toàn những khuôn mặt thân quen – các giáo sư, nhà văn. Sao, cả ngài à? Và cả ngài nữa sao? Mọi người tự hỏi: vì cái gì mà bị bắt?… Có thể nhớ lại một giai thoại được lan truyền khắp Moskva, giai thoại về bản anketa mà ai ai cũng phải điền vào, có câu hỏi: “Anh đã bị bắt bao giờ chưa, và nếu chưa, thì tại sao?”.
Biên bản thẩm vấn của trợ lý giám đốc bộ phận Tối mật Bakhvalov được ghi vào ngày 18/8.
Đầu tiên, như quy định, thực hiện một bản anketa bắt buộc, các câu trả lời được Berdyaev viết tay. Đáng tiếc, dạng chữ viết của triết gia là loại khó xem nên một vài từ không đọc được – những chỗ ấy chúng tôi ghi lại bằng dấu ba chấm và để trong ngoặc nhọn.
“Berdyaev Nikolai Aleksandrovich, 48 tuổi, cựu quý tộc thành Kiev.
Nơi lưu trú: Moskva, đường Bvac’evsky, khu nhà 14, căn hộ số 3.
Nghề nghiệp: Nhà văn và nhà nghiên cứu.
Tình trạng hôn nhân: Kết hôn.
Tình trạng tài sản: Không sở hữu gì
Đảng phái: Không đảng phái.
Niềm tin chính trị: Tôi là người ủng hộ cộng đồng Công giáo, một cộng đồng dựa trên nền tảng tự do Công giáo, trên tình huynh đoàn Công giáo và trên tín ngưỡng Công giáo, niềm tin mà không một đảng phái nào có thể áp chế, nghĩa là nó không hợp nhất với xã hội tư sản, cũng giống như không hợp nhất với chủ nghĩa cộng sản.
Trình độ văn hóa: Đại học tổng hợp cao cấp, chuyên ngành: triết học.
Công việc và nơi phục vụ:
a) Trước chiến tranh 1914: không phục vụ ở đâu; nghiên cứu văn học;
b) Trước Cách mạng tháng Hai 1917: cũng không phục vụ ở đâu; nghiên cứu văn học;
c) Trước Cách mạng tháng Mười 1917: cũng không phục vụ ở đâu;
d) Từ sau Cách mạng tháng Mười đến khi bắt giữ: phục vụ tại Tổng văn phòng Lưu trữ, năm 1920 được đề bạt làm giảng viên Trường Đại học Quốc gia Moskva, giảng dạy tại Viện Tôn giáo Quốc gia, là thành viên chính thức của Viện Khoa học Nghệ thuật Nga.
Thông tin về tiền án: năm 1915 bị bắt với án văn học – chính trị, viết bài chống lại Thượng Hội Đồng, bị buộc tội báng bổ. Năm 1920 bị cơ quan an ninh điều tra nhưng không phải ra tòa <…>. Từ 1900 đến 1903 bị lưu đày ở Vologda vì nguyên nhân chính trị”.
Tiếp theo trong biên bản là những bằng chứng sự vụ. Các câu hỏi do điều tra viên viết, các câu trả lời là chữ viết tay của Berdyaev:
“Câu hỏi. Hãy cho biết, công dân Berdyaev, quan điểm của ông về cơ cấu chính quyền Xô viết và hệ thống nhà nước vô sản.
Trả lời. Theo chính kiến của mình tôi không thể đứng trên quan điểm giai cấp và tôi cho rằng cả hệ tư tưởng quý tộc, cả hệ tư tưởng nông dân, cả hệ tư tưởng vô sản, cả hệ tư tưởng tư sản đều hẹp hòi, hạn chế và vị kỷ như nhau. Tôi đứng trên quan điểm của con người và của nhân loại, những quan điểm mà tất cả tổ chức và đảng phái giai cấp này nọ đều phải tuân theo. Tôi coi hệ tư tưởng riêng của mình mang tính quý tộc, nhưng không phải trong ý nghĩa di sản, mà trong ý nghĩa là một sự cai trị tốt nhất, thông minh, tài năng, có văn hóa và cao quý nhất. Tôi cho rằng nền dân chủ là sai lầm, bởi nó đứng trên quan điểm thống trị của số đông… Tuy nhiên, sự phục sinh của xã hội và <…> sự thật có thể dựa trên sự phục sinh tinh thần của con người và nhân dân. Tôi không tin vào <…> con đường phục sinh bằng quân sự và vật chất. Tôi nghĩ rằng ở Nga không có nhà nước vô sản, bởi phần lớn nhân dân Nga là nông dân.
Câu hỏi. Hãy cho biết quan điểm của ông về nhiệm vụ của giới trí thức, cái trí thức mà được gọi là “trí thức cộng đồng”?
Trả lời. Thiết nghĩ, nhiệm vụ của giới trí thức trong mọi lĩnh vực văn hóa và cộng đồng là gìn giữ những giá trị tinh thần, trở thành quan tòa đặc biệt về khoa học, đạo đức và thẩm mĩ. Tôi cho rằng cần phải có sự tương tác và hợp tác giữa các thành viên cộng đồng và các thành viên nhà nước, chính quyền, thiếu <…> một thành phần khác…
Câu hỏi. Hãy cho biết thái độ của ông về một số biện pháp đấu tranh với chính quyền Xô viết, ví dụ như việc đình công của các giáo sư.
Trả lời. Tôi không hiểu biết rõ lắm sự kiện này nên không thể phán xét dứt khoát vụ việc. Nếu như các giáo sư đấu tranh cho lợi ích khoa học và tri thức, thì tôi cho rằng thích hợp, như một biện pháp đấu tranh, còn nếu như họ đứng trên quan điểm kinh tế, thì tôi cho là sai lầm.
Câu hỏi. Hãy cho biết thái độ của ông về những người theo phái Smenovekhovstvo[1] những người Savinkovsy[2] và vụ án đảng những người cách mạng-xã hội chủ nghĩa.
Trả lời. Với những người thuộc phái Smenovekhovstvo thì tôi mới chỉ đọc bản dự thảo, và có xu hướng phủ quyết, vì họ quá nhiều lời và thiếu hiểu biết về cuộc sống Nga. Tôi đồng tình việc phê phán di dân và những mưu toan của nước ngoài nhằm buộc tiến trình đời sống ở Nga phải thay đổi. Đối với mưu toan của những người Savinkovsy tôi cũng không tán thành. Còn về vụ án của những người cách mạng-xã hội chủ nghĩa thì tôi không theo dõi. Tôi cho rằng bản án nghiệt ngã dành cho họ là sai lầm.
Câu hỏi. Hãy cho biết quan điểm của ông về chính sách của chính quyền Xô viết trong giáo dục cấp phổ thông trung học và thái độ của ông về việc cải cách nó.
Trả lời. Tôi không thể đồng tình với chính sách của chính quyền Xô viết về nhà trường phổ thông trung học, bởi chính sách này đã vi phạm quyền tự do khoa học và giảng dạy, hạn chế triết học trước kia.
Câu hỏi. Hãy cho biết quan điểm của ông về triển vọng của dân lưu vong Nga ở nước ngoài?
Trả lời. Tôi cho rằng tình trạng của bộ phận bạch vệ tản cư rất nặng nề, và quan điểm của họ, theo những gì tôi biết, dựa trên sự thiếu hiểu biết về tiến trình đời sống Nga”.
Cuối cuộc thẩm vấn Berdyaev trình bày mối quan hệ của mình đối với tính đảng phái:
“Tôi phủ nhận tính đảng phái và chưa bao giờ cũng như sẽ không bao giờ theo đảng phái nào. Không có một đảng phái nào trước kia cũng như hiện nay khiến cho tôi thấy thiện cảm”.
Ngày hôm sau Basvalov lại triệu tập tù nhân của mình và tuyên bố một tin mới tuyệt vời: vì hoạt động chống nhà nước Xô viết, Berdyaev bị GPU quyết định trục xuất ra nước ngoài. Berdyaev nhớ lại: “Lúc người ta bảo tôi bị trục xuất, tôi thấy buồn quá, tôi không muốn sống lưu vong, muốn chối từ nó như một điều không sao chấp nhận được. Nhưng cùng lúc đó một cảm giác dâng lên là tôi sẽ được sống trong một thế giới tự do, sẽ tha hồ hít thở không khí tự do…”.
Lịch sử xua đuổi giới trí thức khỏi nước Nga Bolshevik vẫn còn ít được nghiên cứu, vẫn còn đang chờ đợi nhà biên niên sử của mình. Bởi thế ở đây mỗi sự kiện thực tế, mỗi tài liệu mới đều quan trọng.
Những gì giữ lại được trong hồ sơ sao lưu cho phép chúng ta giờ đây khôi phục chính xác toàn bộ chiến dịch độc nhất vô nhị này.
Mới đầu Bakhvalov cho bị can xem quyết định buộc tội, những điều khoản cam kết phải thực hiện. Berdyaev phản đối, và theo nguyên tắc hành xử của mình, ông ghi lại sự phản kháng đó vào tờ giấy:
“…Tôi đã đọc Quyết định cáo buộc tôi như một tội phạm… Tôi không chấp nhận mình có tội, như lời cáo buộc là tôi hoạt động chống nhà nước Xô viết, và đặc biệt tôi càng không cho mình là có tội, như lời cáo buộc rằng trong thời khắc chiến sự khắc nghiệt đối với Liên Xô tôi đã có những hoạt động phản cách mạng”.
– Công dân Berdyaev, – điều tra viên giải thích, – điều này chẳng thay đổi được gì. Số phận ông đã được định đoạt. Ông chỉ cần viết đơn xin đi ra nước ngoài. Những gì còn lại GPU sẽ lo.
Và Berdyaev viết:
“Đơn xin
Kính gửi Hội đồng quản trị GPU
Chiểu theo bản tuyên bố của phòng Mật vụ GPU về việc trục xuất tôi, yêu cầu Hội đồng quản trị GPU cho phép tôi bằng chi phí của mình đi ra nước ngoài, đem theo gia đình, gồm những người sau: 1) vợ tôi Lydia Yudifovna Rapp-Berdyaeva, 48 tuổi; 2) em gái vợ tôi là cô Evgenia Yudifovna Rapp, người trước nay vẫn chung sống với chúng tôi, 46 tuổi; 3) mẹ vợ tôi, bà Irina Vasilievna Chushevoy, 67 tuổi”.
Cũng trong ngày hôm đó người ta còn in ra thêm một văn bản được chuẩn trước, về việc cho phép gia đình Berdyaev ra nước ngoài.
“Bản ký kết
Ngày 19/8/1922. Tôi, nhân viên phòng 4 sở Mật vụ GPU Bakhvalov, xem xét vụ việc… về Berdyaev Nikolai Aleksandrovich… thấy như sau:
Kể từ thời điểm Cách mạng tháng Mười đến nay ông ta không chỉ không thể hòa giải được với chính quyền Công-nông đã tồn tại 5 năm nay ở nước Nga, mà còn không ngừng hoạt động chống nhà nước Xô viết, hơn nữa vào đúng thời buổi khó khăn của Liên Xô, Berdyaev ngày càng tăng cường hoạt động phản cách mạng. Tất cả những cáo buộc trên được xác nhận bởi các tài liệu tình báo có trong hồ sơ mật. (Có một tài liệu duy nhất mà có thể gọi là “tình báo” – đó là chứng cớ bịa đặt của Vinogradski hai năm trước đây – Vitaly Shentalinsky).
Do đó, dựa vào điều khoản 2… quy định bởi GPU, nhằm ngăn chặn những hoạt động chống Xô viết tiếp theo của Berdyaev Nikolai Aleksandrovich, tôi đề nghị: trục xuất ông ta khỏi lãnh thổ Liên Xô NGAY LẬP TỨC.
Chấp nhập đơn xin của công dân Berdyaev gửi tới Ban quản trị GPU xin phép đi ra nước ngoài bằng chi phí của mình, – nay quyết định phóng thích để đương sự thu xếp công việc trong vòng 7 ngày, yêu cầu có mặt đúng thời hạn tại GPU và nhanh chóng đi ra nước ngoài”.
Bên dưới ngoài chữ ký của Bakhvalov là tên của những các nhân viên Cheka cấp cao hơn: Reshetov Samsonov, Unshlikht.
Nhưng đến đó, thủ tục giấy tờ chưa kết thúc. Berdyaev cần trình hai tờ đăng ký:
“Giấy đăng ký
Giấy này là của tôi, công dân Berdyaev H.A, gửi phòng Mật vụ GPU, để cam kết: 1) sẽ đi ra nước ngoài theo quyết định của Ban quản trị GPU, bằng chi phí của mình; 2) trong vòng 7 ngày sau khi được phóng thích, sẽ giải quyết mọi công việc cá nhân và sự vụ hành chính, có được mọi giấy tờ cần thiết để đi ra nước ngoài; 3) sau thời hạn 7 ngày tôi xin cam kết trình diện sở Mật vụ GPU, gặp Trưởng phòng 4 Reshetov. Với chữ ký này, tôi ký nhận là đã nhận được thông báo, rằng không trình diện đúng thời hạn quy định sẽ bị xem như chạy trốn sự giám sát, phải chịu mọi hậu quả”.
Và còn nữa:
“Giấy đăng ký
Giấy này là của tôi, công dân Berdyaev N.A, cam kết với Cục Quản lý Chính trị Quốc gia về việc sẽ không quay trở về lãnh thổ Liên Xô mà không có sự cho phép của các cơ quan chính quyền Xô viết.
Tôi cam kết và ký tên về việc đã được thông báo Điều luật 71 Bộ luật Hình sự của Liên Xô quy định tội tự ý trở về lãnh thổ Liên Xô sẽ chịu hình phạt tử hình”.
Thật đúng là những giấy tờ giết người! Đấy cho anh 7 ngày, thu thập gói ghém đồ đạc, tìm một chỗ trú thân trên thế gian, và thế là ngày cuối cùng, thể nào cũng đến nói với chúng tôi: “Tôi xin lỗi”. Và này đừng có mà nghĩ đến chuyện chạy trốn: thể nào chúng tôi cũng tóm được và theo luật thời chiến – lập tức điệu anh không phải ra nước ngoài, mà đến nơi chẳng ma nào biết. Cuốn xéo ngay, còn mà phát hiện quay trở lại – một viên đạn vào đầu…
Berdyaev còn tiếp tục bị giam thêm hai ngày nữa, trước khi có quyết định chính thức của Ban quản trị GPU về việc trục xuất, ông được thả ra để chuẩn bị cho chặng đường đi xa.
Hàng chục triết gia, nhà văn lúc ấy cũng trải qua những thủ tục tương tự ở Lubyanka, số phận của họ cũng được định đoạt như vậy. Từ Moskva, không tòa án, không xét xử, theo quyết định hành chính của GPU, đã trục xuất hàng loạt trí thức Nga: các nhà triết học S. N. Bulgakov, I. A. Ilyin, S. L. Frank, F. A Stepun, B. P. Vysheslavtsev; các nhà văn M. A. Osorgin, Yu. I. Eichenwald, A.V. Peshekhonov, V. F. Bulgakov, các nhà sử học A. A. Kiesewetter, A. B. Florovsky, V. A Miakotin, S. P. Mel’gunov; nhà xã hội học P. A. Sorokin, nhà sinh vật học, hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Moskva M.M. Novikov; nhà toán học V.V. Stratonov, cả một nhóm các nhà kinh tế học và các cộng tác viên, chuyên gia nông nghiệp, các nhà xuất bản sách báo…
Vào thời điểm đó chiến dịch tuyên truyền chống họ đang hồi nóng bỏng nhất. Nhưng nào, cuối cùng họ phạm tội gì? “Những thành phần mà chúng ta trục xuất và sẽ còn trục xuất, về giá trị chính trị không có gì đáng kể, – Trotsky lặp lại Lenin – nhưng họ là vũ khí tiềm năng trong tay kẻ thù tiềm ẩn của chúng ta”. Ông biện minh cho hành động này trong một bài báo-phỏng vấn có tên “Từ thiện dự phòng”: lòng xót thương đối với những người đó buộc chúng ta phải trục xuất họ khỏi đất nước, để tránh đến hồi gay cấn buộc phải xử bắn…
“Trong số những người bị trục xuất hầu như không có tên tuổi nào lớn”, – tờ báo dốt nát “Pravda” tuyên bố. Và kích động tiếp: “Những biện pháp mà chính quyền Xô viết sử dụng, không nghi ngờ gì nữa, được nồng nhiệt đón nhật từ mọi phía công nhân và nông dân, những người nóng lòng chờ đợi tư tưởng của bè lũ Vrangel và Kolchak cuối cùng bị quẳng bỏ khỏi lãnh thổ Liên Xô…”. Báo chí – cơ quan ngôn luận của Đảng – cảnh báo rằng trục xuất chỉ là khâu khởi đầu, là lời cảnh cáo đầu tiên, cú ra đòn bằng roi da đầu tiên, chắc chắn sau đó tất phải còn nhiều cú mới.
Kể từ đó uy tín giới trí thức trong nước bắt đầu rơi rớt, bị gắn với ý nghĩa phản cách mạng, “kẻ thù của nhân dân”…
Vẫn còn những rắc rối với khâu thị thực. Người Đức giáng cho chính phủ Xô viết một cái tát ngoại giao – họ từ chối không cấp thị thực tập thể. Nước Đức nhé – chứ không phảiSiberia, để mà xua đuổi người tới. Song, nếu các nhà văn, các nhà bác học Nga trình thị thực cá nhân, thì xin mời, họ sẽ nhận được lòng hiếu khách. Cần phải chuẩn bị đủ tiền nong đi đường, lựa bỏ những vật dụng không cần thiết cho cả gia đình (tối thiểu mỗi người được phép mang theo một áo ấm mùa đông, một áo khoác mùa hè, một bộ complet, hai áo sơ mi, một bộ dra giường). Không được mang theo bất cứ đồ trang sức quý, thậm chí cả thánh giá. Và không rõ, họ có biết đánh lừa ban bảo vệ Cheka hay không, nhưng theo sự xác nhận của nhà văn Osorgin, họ không được phép mang bất kỳ một tờ giấy có chữ viết, bất kỳ một cuốn sách nào. Chia tay với những người thân, với bạn bè, cuộc sống bị huỷ hoại, thư viện bị mất. Cảm thấy như rời bỏ cuộc đời…
Chuyến tàu Moskva -Petrograd. Lại những cuộc gặp gỡ – chia ly vội vã. Con tàu thủy Đức “Oberbrgermeister Hasken” – từ tầu thang của nó người ta xướng tên, rồi dẫn đến phòng kiểm soát, nơi nhân viên Cheka nghiệt ngã chất vấn, lục soát bẽ bàng, sờ soạng qua váy áo… Cuối cùng, sáng 28/9 họ rời cảng.
Sau bao sự kiện bão tố, bắt đầu lắng dịu. Biển khơi cũng yên bình hiếm thấy. Những người đồng hành của Berdyaev nhớ lại ông đã đi dạo trên boong tàu ra sao, chiếc mũ rộng vành trên những lọn tóc xoăn màu đen, tay cầm cây gậy, chân đi đôi giày cao su sáng bóng. Truyền trưởng chỉ lên cột buồm – trên ấy suốt cuộc hành trình có một con chim cô đơn cứ đậu mãi:
– Tôi nhớ không từng thấy thế bao giờ. Đó là một dấu hiệu bất thường!
Và còn một dấu hiệu nữa. Người ta đưa cho những người bị xua đuổi cuốn “Sách vàng” – cuốn sách được lưu giữ trên tàu thuỷ để ghi lại kỷ niệm của những hành khách nổi tiếng. Nó được trang trí bằng bức vẽ của Chaliapin, người rời nước Nga trước đó chưa bao lâu: ca sĩ vĩ đại thể hiện mình trong trạng thái trần truồng, nhìn từ sau lưng, đang đi qua biển. Dòng chữ khắc viết rằng tất cả thế giới này với ông – là nhà.
Nikolai Aleksandrovich Berdyaev sẽ không bao giờ được trở về quê hương mình nữa. Ông chết ở Clamart, gần Paris, năm 1948 – ông đã nổi tiếng khắp thế giới như một nhà bác học vĩ đại.
Không lâu trước khi chết, ông có một giấc mơ. Ông ngồi trong một chiếc xe tốc hành. Xe lao nhanh về tổ quốc. Cánh đồng Nga đang trải rộng trước mắt. Bỗng ông cảm thấy như có ai đó cạnh mình. Ông nhìn và thấy: cách ông hai bước chân là chúa Giêsu mặc áo trắng. Và ông tỉnh dậy.
V. Sh.
Trích từ bài báo “Những mảnh vụn của Kỷ nguyên bạc” của Vitaly Shentalinsky, Nxb Thế giới mới, số 5 – 6, 1998. Nguồn: http://www.vehi.net/berdyaev/vshental.html
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
Bước vào năm 1922. Chính sách kinh tế mới… Đất nước dần hồi phục sau buổi khó khăn của chính sách cộng sản thời chiến. Các cửa hàng buôn bán rộn rã, các quán xá, nhà hàng cạnh tranh náo nhiệt. Giao dịch vận chuyển khởi động. Người người vui sướng trở về cuộc sống bình thường – thực phẩm, lò sưởi, điện sáng, chấm dứt bắn giết. Văn hóa cũng phục sinh: các nhà xuất bản mới và các tạp chí mới, các tổ chức khoa học và các tổ chức nghệ thuật mọc lên như nấm; các nhà hát, khu triển lãm, các buổi hòa nhạc tràn ngập. Bùng cháy niềm hy vọng. Dường như cuộc sống đang vận hành theo chiều hướng tốt lên.
Nhưng tất cả những thứ trên chỉ là cuộc nghỉ ngắn hơi. Ngay mùa xuân năm ấy những người cộng sản đã triển khai một cuộc tấn công mới – trên mặt trận tư tưởng. Kinh tế là kinh tế, thiếu bánh mì khó lòng sống nổi, còn không có thức ăn tinh thần thì vẫn có thể sống qua bằng cách nào đó! Sắc lệnh tịch thu tài sản nhà thờ được ban ra – những người lính hồng quân đội mũ kiểu Budenovka (mà trong dân gian gọi là mũ “mõm lợn” nhân danh khẩu hiệu cứu đói, bất chấp phép tắc trang trọng của nơi thờ tự, ào ào kéo vào cướp bóc các nhà thờ. Cùng với việc bắt giữ hàng loạt các linh mục là việc chia rẽ hàng ngũ giáo sĩ với giáo dân, thành lập nhà thờ tân tạo có mối thân thiện với chính quyền Xô viết. Tiến hành bắt bớ các đảng viên đảng Xã hội và các đảng phái khác, cả những người mới hôm qua thôi còn là đồng minh của phe Bolshevik. Ủy ban Đặc biệt toàn Nga chống phản cách mạng và phá hoại (ВЧК) được đổi sang một cái tên đáng sợ – như chính những gì nó đe dọa? – Cục chính trị nước Nga hợp nhất (GPU). Stalin lên nắm quyền Tổng bí thư Đảng và bắt đầu từng bước thu quyền bính về tay. Tin đồn hoang mang lan truyền trong dân chúng. Hình như Lenin bệnh và rút khỏi đại sự quốc gia. Không phải, đám đông khác rỉ tai nhau rằng Lenin đã mất, và mọi sắc lệnh là do kẻ khác đứng sau ông mạo ký. Làm gì có chuyện như thế, đám đông thứ ba phản đối, Lenin còn sống, nhưng giam mình trong nhà, đánh mất khả năng nói và chỉ biết lặp đi lặp lại: “Tôi đã làm gì với nước Nga thế này?” – và Đức Mẹ Sầu bi đã đến bên ông… Rồi người ta còn nói…
Tin đồn không phải là vô căn cứ: sức khỏe Lenin thực có xấu đi và đã vài tháng nay ông bị mất khả năng làm việc. Tuy nhiên trước đó ông cũng đã kịp khởi động một chiến dịch mới, chưa từng có, và nó sẽ bò lan rùng rùng khắp đất nước.
Tháng 5/1922 Lenin sửa đổi Bộ luật Hình sự: “Theo tôi, cần thiết mở rộng biện pháp xử bắn (cùng với việc thay đổi biện pháp trục xuất ra nước ngoài)…”. Nếu mà quay về hả? Cần cảnh báo trước: trở về nước trái phép – bắn!
Đó là điều khoản được đề cập đầu tiên của lệnh trục xuất, một ý tưởng dội lên trong đầu Ilich ngay trước khi ông bị đột quỵ, – cũng là một trong những hành vi chính trị cuối cùng của vị lãnh tụ Đảng.
Và ngày 19/5/1922 – sáu ngày trước khi cơn đột quỵ buộc Lenin nằm im trên giường, ông đã thảo cho Dzerzhinsky một bức thư mật – một chương trình hành động mà có lẽ đã được suy tính và bàn luận trước đó: “Đồng chí Dzerzhinsky! Với vấn đề trục xuất các nhà văn, các giáo sư, những trợ thủ của bọn phản cách mạng – chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ càng hơn nữa. Không chuẩn bị kỹ, chúng ta sẽ đâm ra là kẻ ngu dốt…”. Ngay sau đó là tên các ứng cử viên đầu tiên bị trục xuất: các tác giả tạp chí “Kinh tế gia” rơi ngay vào tầm mắt Ilich: “Theo tôi, rõ rành rành đây là trung tâm của bọn bạch vệ”, – và ông thông tin đến các đồng chí trong GPU: – “Trong № 3… danh sách các thành viên in trên trang bìa. Tôi cho rằng, hầu hết họ là những ứng cử viên hợp pháp cần trục xuất ra nước ngoài”. Và tiếp theo, hầu như là tiếng kêu: “Tất cả họ rõ ràng là bọn phản cách mạng, đồng bọn của Khối Đồng minh, làm đầy tớ và gián điệp cho chúng, lôi kéo thanh niên sinh viên. Cần phải tiến hành việc lùng bắt và lùng bắt hết “bọn gián điệp quân sự” này, liên tục và có hệ thống trục xuất chúng ra nước ngoài”.
Tóm lại, tiếng tăm về bản danh sách trục xuất đầu tiên cùng việc chỉ ra các tổ chức đoàn thể cần trục xuất ấy thuộc về chính vị lãnh tụ của cách mạng thế giới. Và điều này xảy ra vào thời điểm khi mà, dù cho bầu trời văn hóa Nga sáng rực, nhưng các nhà bác học đang khan thiếu đến mức khủng hoảng trong một đất nước bán thất học, nghèo đói, kiệt quệ bởi các cuộc cách mạng và chiến tranh, khi mà thậm chí ngay cả “người bạn tốt nhất” của Lenin là Maksim Gorky cũng từng nói, không lâu trước khi bị đẩy ra nước ngoài dưới danh nghĩa đi chữa bệnh, rằng “không thể sống thiếu các nhà sáng tạo khoa học và văn hóa Nga, giống như không thể sống mà thiếu linh hồn”, và rằng trong cả nước Nga “họ chỉ có chín ngàn người”…
Một nhiệm vụ khẩn cấp đặt ra cho GPU: thu thập hồ sơ về “các nhà văn và các giáo sư” (“ủy thác việc này cho người nào hiểu biết, có học và tử tế”), lựa chọn từ cái công chúng đê hạ ấy những kẻ không đáng tin cậy nhất và vứt bỏ: người ta đã hành xử như vậy trong việc tuyển chọn tầng lớp trí thức.
Và, báo chí Xô viết, cùng một guồng với GPU, ra sức la hét kích động. “Nền chuyên chính, cái roi da của mi đâu?” – Tờ “Pravda” chất vấn như thế khi công kích cuốn sách nhỏ xíu của phê bình gia Eichenwald luận bàn về thi ca, gọi nó là “đồ bẩn thỉu và rác rưởi”, yêu cầu chặn đứng tác giả cũng như những ai giống ông, bằng cây roi da của nền chuyên chế, “dọn sạch chúng đi, quẳng chúng cùng toàn bộ thế giới thẩm mĩ và tôn giáo ấy vào cái trại xứng đáng với chúng”.
Trong lúc các giáo sư, nhà văn đang rối đầu về những vấn đề xảy ra trên thế giới thì số phận của họ đã được định đoạt. Suốt mùa hè các thành viên Ủy ban Trung ương và các nhân viên an ninh đã chuẩn bị xong xuôi danh sách trục xuất. Giờ “X” được ấn định vào đêm 16 rạng ngày 17/8. Cuộc bố ráp bắt đầu…
Một trong những ứng cử viên bị trục xuất là Nikolai Berdyaev.
Ở đây sẽ không trình bày chi tiết quan điểm của nhà tư tưởng lớn nhất Kỷ nguyên Bạc – bạn đọc ham hiểu biết có thể tìm thấy rất nhiều trước tác của ông, được xuất bản khắp các quốc gia văn minh, và hiện nay đã có mặt ở nước nhà. Chỉ xin nhắc rằng Berdyaev là nhà triết học Nga nổi tiếng nhất phương Tây, người sáng tạo nên “ý thức tôn giáo mới”, đã đưa ra một quan điểm hết sức đặc biệt và sâu sắc về số phận lịch sử của nước Nga, về nguồn gốc và thảm kịch của chủ nghĩa cộng sản Nga.
Vậy ông đã phản đối gì chủ nghĩa cộng sản? Tự do tinh thần và cá tính tự do – như những giá trị tối thượng. Cách mạng không đem đến khởi nguyên sáng tạo – mà trần trụi phủ nhận nó, là sản phẩm của ý thức nô lệ. Chủ nghĩa xã hội – không gì khác hơn là sự ma giáo, là tinh thần ma quỷ, cái tinh thần mà dẫn mọi vấn đề của cuộc sống đến mẩu bánh mì, sản sinh ra sự bần cùng, sự nhỏ nhen độc ác, là sự công bình cưỡng bức trong khốn khó về tinh thần và thể chất. Và giải phóng cưỡng bức con người bề ngoài một cách ít ỏi – đó không phải là giải phóng cho con người, mà là cho con thú, – cần phải thực thi tự do bên trong con người, cái tự do mà không có bất cứ lợi lộc nào trên đời mua nổi.
Là người khinh bỉ chính trị – “Tôi mãi mãi chẳng là ai cả, mãi chỉ là con người của chính mình, con người của tư tưởng mình, của chí hướng mình, của cuộc kiếm tìm chân lý của mình”, – nhưng ông vẫn luôn ở tâm điểm của cuộc đấu tranh chính trị – chính bởi vì ông công khai và lớn tiếng giải quyết câu đố đời đời của người Nga: làm sao có thể tự do trong thế giới phi tự do? Và tiếng nói đó đã có được tiếng vọng mạnh mẽ, tất cả đã lắng nghe ông: cả bạn bè và cả kẻ thù, – kẻ thì với cảm tình cháy bỏng, kẻ thì với sự bực bội không che giấu. Tiếng nói ấy đã đến với mọi người ngay cả khi nó bị cấm đoán trên báo chí Xô viết, – nó đến bằng dòng văn học trốn kiểm duyệt và sự lan truyền của văn học samizdat.
Nghiên cứu biên bản điều tra một nhà triết học khác của Kỷ nguyên Bạc, Pavel Florensky, – trong vụ “Đảng Phục sinh nước Nga”, tôi tìm thấy bên cạnh những trang khai báo viết tay của ông tờ sao hai bản thảo của Berdyaev. Làm sao chúng lại nằm trong đó? Trong số nhiều người bị bắt của vụ việc, thì đây là một người hoàn toàn không có gì đáng để ý, chỉ có tội duy nhất là tin vào Chúa. Hai bài báo ấy Berdyaev viết về số phận của Nhà thờ Nga, được ai đó chép lại từ một tờ báo lưu vong, truyền từ tay người này đến tay người khác cho đến khi nằm trên bàn của điều tra viên. Và chúng trở thành bằng chứng chính làm cho kẻ không may tàng trữ chúng phải trả giá bằng tự do của mình.
Bây giờ thì chúng ta thấy rằng sự phục hưng văn hóa Nga, như ngôi nhà tinh thần của Berdyaev, không có gì khác hơn, than ôi, có thể, là một giải pháp chưa thực hiện được nhằm thay thế cho chủ nghĩa cộng sản Nga, một thứ chủ nghĩa đã ném đất nước vào cảnh man rợ, biến nó thành thảm họa dân tộc. Đó chính là lý do khiến tại sao chính quyền Xô viết cấm sách của nhà triết học và gán cho tư tưởng ông một cái tên gọi đầy khinh bỉ “beliberdyaevschina”; đó là lý do tại sao ngày nay, khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, tư tưởng của ông lại phục sinh và tìm thấy sức sống lần thứ hai.
Trước tác của Nikolai Berdyaev – là những thành quả không chỉ của một trí tuệ tỉnh táo lạnh lùng, mà còn của một trái tim bốc lửa: ông sống sót qua cuộc cách mạng như trải qua sự kiện nội chính riêng biệt, nó xảy ra với cả nhân dân ông, với cả chính ông.
Trong những năm đầu cách mạng, thời kỳ hoang tàn và đói khát, chính quyền Xô viết phân bổ cứ 12 nhà văn nổi tiếng nhất thì được một suất ưu tiên học thuật, giữa những người may mắn được gọi đùa lúc đó là “những người bất tử” có Berdyaev. Danh hiệu an toàn cho phép ông tiếp tục sở hữu cả căn hộ, cả văn phòng làm việc, cả thư viện. Hàng tuần lui tới phòng khách của ông – có lẽ chỉ có một ngôi nhà duy nhất như thế ở Moskva – là những người khác nhau về chính kiến, từ phái tả cực đoan đến phái hữu cực đoan, họ thảo luận hàng loạt vấn đề nóng bỏng và các đề tài kinh điển. Lần nọ tờ nhật báo “Tin tức” đăng tải bản tin-tố giác về một trong những cuộc họp như thế, hôm đó người ta thảo luận đề tài phải chăng Lenin là kẻ Phản Chúa; đi đến kết luận: không, không phải là kẻ Phản Chúa, mà chỉ là tiền thân của kẻ Phản Chúa.
Trong thời buổi cách mạng tuyên chiến với vấn đề tâm linh, quy nó là phản cách mạng, Berdyaev thành lập ở Moskva một Học viện văn hóa tâm linh Tự do, thu nhận khắp Moskva bao kẻ đói rét nhưng vẫn khao khát những tiếp xúc thanh cao. Những năm tháng bão tố cách mạng ấy vẫn còn giữ lại được một cách tương đối thái độ khoan dung và tự do ý kiến, làm cho cả nhà phê bình, cả người phản biện còn tin vào sự cải sinh bên trong chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, giữa hàng ngũ khán thính giả, trên hàng ghế đầu, lúc nào cũng phải có mặt nhân viên Ủy ban an ninh quốc gia (KGB).
Rồi “danh hiệu an toàn” đã không bảo vệ được giáo sư khỏi mối hiểm nguy và thử thách của thời buổi cách mạng…
Thử mở hồ sơ của chính quyền Lubyanka về Berdyaev.
Cuộc gặp mặt của Ủy ban Bất thường với Berdyaev xảy ra vào đêm 18 rạng ngày 19/2/1920.
Bằng chứng về nó – các tài liệu lưu trữ trong hồ sơ Lubyanka. Sự kiện còn có thể khôi phục lại bằng những hồi tưởng về những ngày kinh hoàng đó của chính nhà triết học và của em vợ ông – cô Evgenia Rapp.
Sáng 18/2 đối với Berdyaev bắt đầu rất sớm: ông bị chính quyền bắt đi lao động cưỡng bức. Từ lúc trời còn mờ tối, chiểu theo địa chỉ có trước, người ta tập trung những người như ông, tức “bọn tư sản”, đến một nơi ảm đạm, le lói ánh sáng đèn dầu hoả, sau khi điểm danh theo cách đánh số, họ được xếp thành hàng và cùng một đoàn lính, trong tiếng quát tháo dữ dội, bị lùa ra khỏi thành phố. Đó là một ngày giá lạnh – hơn ba mươi độ âm. Berdyaev lên cơn sốt: trước đó ông đã bị cảm lạnh và bây giờ khó khăn mới cất nổi gót. Đoàn người kéo lê đến một nhà ga nào đó, đàn ông dùng xà-beng dọn dẹp băng tuyết trên đường sắt, phụ nữ mang vác các khối hàng hóa vào toa xe. Làm việc cho đến chiều tà, không ăn uống, cuối cùng chỉ nhận được một mẩu bánh mì đen…
Tối khuya, Berdyaev hoàn toàn kiệt sức, sốt cao, cuối cùng cũng lê lết được đến nhà. Ông vào giường nằm, cơ thể ấm dần – người nhà đem đến bên ông chiếc lò sưởi bằng sắt tây, củi đốt là đồ gỗ cũ – ông vừa thiu thiu ngủ thì cánh cửa nhà bất ngờ bị đập rầm rầm.
– Đây có phải căn hộ của Berdyaev không? – Nhân viên an ninh đứng trên ngưỡng cửa, cùng với những người lính vũ trang.
Một lệnh bắt giữ còn lưu trong cặp hồ sơ mang tên con người đó – Ủy viên Cheka N. Pedan, dưới văn bản có ký tên Chủ tịch Ban đặc biệt Cheka Menzhinsky.
– Không cần phải khám xét đâu, – Berdyaev nói – Tôi là người phản đối Bolshevik và không bao giờ giấu diếm tư tưởng của mình. Các anh sẽ chẳng tìm thấy trong đống giấy má điều gì mà tôi chưa từng nói công khai…
Tuy vậy, cuộc khám xét vẫn được tiến hành một cách kỹ lưỡng và kéo dài đến rạng sáng. Tịch thu: bản thảo, thư từ, bài giảng, một vài tạp chí, một vài tờ báo và hai con dấu: con dấu bằng cao su – là của Viện văn hóa tâm linh Tự do, và con dấu dùng để gắn xi có biểu tượng gia huy của dòng họ quý tộc Berdyaev.
Những gì liên quan đến cuộc trao đổi với nhà triết học, ủy viên Cheka không bỏ qua. Đính kèm lệnh bắt là một “báo cáo” đặc biệt:
“Khi bị bắt, công dân Berdyaev đã tuyên bố, bên cạnh những điều khác, một điều rằng ông ta là “đối thủ tư tưởng của hệ tư tưởng chủ nghĩa cộng sản”, và giải thích do đâu mà ông, Berdyaev, là con người của tinh thần, còn chủ nghĩa cộng sản mang tính “vật chất” (lời ông ta)”.
Người bị bắt bị dẫn bộ tới Lubyanka – đi ngang qua trung tâm Moskva băng tuyết, trước những cặp mắt sợ hãi của khách bộ hành: phương tiện giao thông của chính quyền Xô viết không đủ chỗ cho kẻ thù vô số kể của nó.
Trong việc lập ban chuyên án của các nhân viên Cheka, vụ liên quan đến Berdyaev có tên là “Trung tâm chiến thuật”.
Chẳng bao lâu nữa ở Moskva sẽ xuất hiện “Bộ Sách Đỏ” của Cheka – tài liệu về các tổ chức phản cách mạng những năm đầu chính quyền Xô viết đã bị các nhân viên Cheka dũng cảm đánh bại. Hầu như toàn bộ tập hai của bộ sách nổi tiếng này là dành nói về vụ “Trung tâm chiến thuật”. Số phận cuốn sách này đầy ấn tượng: Những người biên thảo nó bị khống chế, bản thân nó bị gỡ bỏ khỏi các thư viện và bị tiêu huỷ. Chỉ còn vài bản được giữ lại trong các phòng lưu trữ hạn chế. Sự thật bị săn đuổi?
Mọi sự hóa ra còn phức tạp hơn thế. Chăm chú xem xét hồ sơ lưu trữ ở Lubyanka – mà đích danh là tập thứ hai của “Bộ Sách Đỏ” gồm 34 tập, nói về vụ “Trung tâm chiến thuật” – dẫn đến một phát hiện đáng ngạc nhiên: Cuốn sách khủng bố này là một sự ngụy tạo nữa của lịch sử Xô viết, một sự dối trá nữa được chế tạo công phu điêu luyện, sự dối trá ấy tiếp tục được lặp lại trong báo chí chúng ta cho đến nay chưa bị bóc trần. “Bộ Sách Đỏ” của Cheka đã được loại bỏ khỏi kho lưu trữ đặc biệt, và trong thời kỳ Cải tổ người ta in lại nó giống hình thức ban đầu. Sự dối trá cũ vẫn đang tiếp tục được nhân rộng!
Vậy thì các kho lưu trữ đã lưu giữ được cái gì, “Bộ Sách Đỏ” im lặng giấu diếm cái gì?
Ít ra có thể thấy là không phải tất cả được lưu giữ trong bộ sách, mà chỉ là những tài liệu được lựa chọn có tính thiên vị, nhưng ngay cả những gì được lựa chọn cũng bị cắt xén đầy dụng ý. Cơ chế mập mờ nước đôi của Cheka được cẩn thận che đậy: dọa dẫm và lừa dối, màn khiêu khích của các điều tra viên và vai diễn của kẻ phản bội; đe dọa xử bắn và bắt giam người thân, tranh cãi lẫn nhau, gây hiểu nhầm – đó chính là chiến thuật của nhân viên Cheka. Tìm mắt xích yếu nhất, định dạng loại phản bội, biến hắn thành dụng cụ ngoan ngoãn rồi thông qua hắn mà tung hoả mù, thổi phồng vụ án đến quy mô thật lớn dẫn đến thắng lợi vĩ đại – tất cả là để có cái báo cáo với lãnh tụ và để có thể tự hào trước các thế hệ sau.
Vậy ai là kẻ thù đáng sợ cần phải trừng phạt bằng lưỡi gươm cách mạng? Đó là đoàn thể giáo sư, luật sư, các sử gia, các nhà báo, các chuyên gia giáo dục và nông nghiệp, các nhà ngoại giao, các kinh tế gia, các đại diện đảng phái chính trị khác nhau, bao gồm cả các đảng viên Xã hội lẫn những người ngoài đảng, – tóm lại, là giới trí thức. Và thưa vâng, hầu hết họ đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc, giai cấp thù địch đang tuyên chiến với thế lực bá quyền hiện tại, thế nhưng, như sắp đặt lịch sử – chính vị lãnh tụ Bolshevik cũng xuất thân từ tầng lớp quý tộc.
Tất nhiên, giữa những người đông đúc của cái nhà tù Nội bộ Lubyanka ấy, có thể tìm được những người có vũ khí và mong muốn dùng vũ lực quân sự lật đổ chính quyền Xô viết, nhưng những người như thế chỉ có một vài mống – họ là số ít. Về cơ bản họ là những người yêu nước, không thể bàng quan trước số phận của tổ quốc, là những nhà hoạt động xã hội năng động, những con người biết suy nghĩ, những người bất đồng chính kiến, có tâm trạng đối lập, phần nào không đồng ý với chế độ mới, một chế độ dựa trên bất công và khủng bố đẫm máu. Và họ tập hợp lại, liên kết với nhau, tranh luận sôi nổi nhằm tìm ra con đường cứu nước Nga, tìm một tương lai tươi sáng hơn. Viễn cảnh tự do chưa biến mất trong tâm trí họ. Nội chiến diễn ra, chế độ độc tài Bolshevik treo trên sợi tóc, và tưởng chừng chẳng mấy mà đứt bóng. Kết cục như được báo trước.
Nhưng trong khi tinh thần phe đối lập chưa chín muồi, chưa đủ sức kháng cự, thì giới cầm quyền Kremlin và Lubyanka đã kịp vội vã tấn công phủ đầu.
Mục đích thật sự cuộc tấn công trừng phạt của những người Bolshevik sẽ được Công tố viên Krylenko sớm tiết lộ trong một cuộc họp của Tòa án Cách mạng Tối cao:
“…Trong quá trình này công việc của chúng ta là tiến hành phán xét lịch sử đối với những hoạt động của giới trí thức Nga… Trí thức Nga, khi đến với thử thách cách mạng với khẩu hiệu vì một nền dân chủ, đã trở thành đồng minh của thế lực đen tối, được trả tiền, trở thành điệp viên cung cúc vâng lời chủ nghĩa đế quốc châu Âu. Giới trí thức đã chà đạp và vấy bùn lên lá cờ của mình”.
Nikolai Berdyaev là một trong các bị cáo thuộc danh sách “Hiệp hội các nhà hoạt động xã hội”, nằm trong vụ “Trung tâm chiến thuật”. Hồ sơ vụ án cho thấy ông bị bắt là do lời khai báo của một người mà thậm chí ông không hề quen biết, – đó là “chuyên viên hệ thống điều hành nhà nước” Nikolai Nikolaevich Vinogradsky, cựu thành viên “Hiệp hội các nhà hoạt động xã hội” đâu như là thư kí, phụ trách kỹ thuật. Trong vụ án, tay “chuyên viên” này được coi là kẻ tố giác và mồi nhử: hoảng sợ trước sự dọa dẫm của Cheka, tuân theo chỉ thị của vị tổng chỉ huy tối cao chiến dịch Yakov Agranov, ông ta vội vàng viết một bản “phác thảo” vừa cụ thể vừa bán bịa đặt, trong đó đưa ra những chứng cứ buộc tội hàng chục người – tất nhiên là dưới sự chỉ dẫn và đọc cho ghi của nhân viên Cheka. Hơn nữa, ông còn được cố ý đưa vào các phòng giam, tìm cách gây dựng lòng tin của những người bị bắt, sau đó sẽ báo cáo lại với điều tra viên những gì đã nghe được.
Trong “Bộ Sách Đỏ” của Cheka, Berdyaev chỉ như một cái bóng thoáng qua.
Ngày 16/2, hai ngày trước khi Berdyaev bị bắt, Vinogradovsky trong lời khai (nơi ông bộc bạch rõ mục đích: muốn “chứng tỏ xứng đáng lòng tin cậy” của Cheka), đã viết: “Trong số những yếu nhân tham gia “Hiệp hội những nhà hoạt động xã hội” và thường tham dự các cuộc họp của Hiệp hội còn có… giáo sư – triết gia Berdyaev (Nikolai Ivanovich hoặc viết tráo lại)…”
Mức độ quen biết như thế đấy – thậm chí không biết đến cả tên-phụ danh người bị cáo giác! Tuy thế, để bắt giữ thì thế là đủ rồi.
“Berdyaev Nikolai Aleksandrovich. Một trong những nhà sáng lập hội “Các phiên họp Moskva” và “Hiệp hội các nhà hoạt động xã hội”. Nhà tư tưởng, nhà triết học, về tín ngưỡng – là người theo chính thể quân chủ, là tư tưởng gia của lý tưởng quân chủ. Mặt khác, là người biện giải cơ sở tư tưởng cách mạng, biện giải nguồn gốc nhiều hiện tượng khác nhau của cách mạng, trong đó có trào lưu cộng sản chủ nghĩa”.
Vậy là họ đã hiểu, Berdyaev là ai!
Từ “Bộ Sách Đỏ” không thể bòn rút được thêm thông tin gì về ông.
Có một đoạn như thế này trong lời tuyên bố của một tù nhân khác, nhà ngoại giao – nhà báo Valerian Muravyov:
“Tất cả mọi người, kể cả những người cộng sản, ngày này qua ngày khác sống trong sự chờ đợi cơn thảm họa… Tôi thường tự hỏi bản thân, sự chuẩn đoán của tôi có chính xác hay không và có đúng hay không cái ý kiến cho rằng nhân dân Nga sẽ tìm thấy sức mạnh để bằng tiềm lực của chính bản thân mình vượt qua tình trạng suy sụp… Trong ý nghĩa này, hàng loạt các cuộc hội họp của đủ các loại thành phần và tính chất khác nhau đã giúp tôi rất nhiều. Những cuộc họp ấy diễn ra trong các bối cảnh khác nhau nhưng bao giờ cũng bàn luận với một quan điểm triết học – tôn giáo sâu rộng những vấn đề tương lai của nhân loại nói chung và của nước Nga nói riêng. Cuộc tiếp xúc với một số nhà tư tưởng kiệt xuất, ví dụ như N. A. Berdyaev và I. A. Ilyin, đã ảnh hưởng to lớn đến tôi. Đó là những người luôn luôn tìm cách đưa ý kiến của mình vượt ra ngoài khuôn khổ hiện thực, thậm chí ngoài khung cảnh chính trị và luôn trình bày rốt ráo những vấn đề tư tưởng nhân loại, văn hóa nhân loại. Tuy có nhiều bất đồng với các nhà triết học ấy và nói chung với các nhà tư tưởng hiện đại Nga, tôi đã học hỏi được từ họ nhiều điều, và những điều ấy đã giúp tôi ít nhiều xây dựng một nền tảng thế giới quan nhất định…”
Sự giam cầm tù đày của Berdyaev chấm dứt đột ngột, y như nó bắt đầu. Một lần vào nửa đêm ông bị dẫn đi thẩm vấn – theo một mê cung hành lang và cầu thang bất tận ảm đạm. Bỗng nhiên xuất hiện tấm thảm trải, cánh cửa mở ra – một văn phòng rộng lớn rực rỡ ánh sáng cùng với tấm thảm trải nền bằng da gấu trắng. Đứng bên bàn giấy là một người cao lớn vận đồ nhà binh, ngực đeo huy hiệu ngôi sao đỏ. Chòm râu nhọn, đôi mắt màu xám u buồn. Ông ta lịch thiệp mời Berdyaev ngồi, tự giới thiệu:
– Dzerzhinsky.
Berdyaev là người duy nhất trong số những người bị bắt của vụ án này vinh hạnh được chính người sáng lập ra Cheka thẩm vấn. Hơn nữa, đến buổi thẩm vấn còn có một bị lãnh tụ Bolshevik nữa từ Kremlin sang – Lev Kamenev; tại đây cũng có mặt Menzhinsky, người đưa Berdyaev vào tù (nhà triết học biết đôi chút về con người này, từ hồi nào đó, đâu như trước cách mạng, ông ta đã từng lấp lóe trong các tổ chức văn học Petersburg như một nhà văn xuôi mới vào nghề).
Tóm lại, buổi gặp gỡ vừa đầy hiểm nguy vừa trang trọng, xứng tầm đi vào lịch sử. Nhiều năm sau Berdyaev sẽ mô tả lại nó trong cuốn tự truyện triết học “Tự nhận thức” của mình:
“Dzerzhinsky cho tôi một ấn tượng là một người đáng tin cậy và chân thành, – Berdyaev nhớ lại. – Đó là một kẻ cuồng tín… Trong ông ta có gì đó là lạ… Hồi trước ông ta từng mong trở thành một tu sĩ Công giáo, và ông đem niềm tin cuồng tín của mình đặt vào chủ nghĩa cộng sản”.
Triết gia đã chuẩn bị tâm thế chiến đấu và ông quyết định tấn công:
– Xin lưu ý, tôi cho rằng với phẩm giá của một nhà tư tưởng, một nhà văn, tôi sẽ thẳng thắn trình bày những gì mà tôi nghĩ.
– Chúng tôi cũng đang chờ đợi điều đó ở ông – Dzerzhinsky nói.
Và Berdyaev bắt đầu trình bày. Bài diễn văn của ông kéo dài như một bài giảng của giờ học kinh viện. Ông giải thích về việc, dựa trên những căn cứ tôn giáo – triết học – đạo đức học nào mà ông trở thành người phản đối chủ nghĩa cộng sản, cho dù ông không phải là con người chính trị.
Tất cả chăm chú lắng nghe. Chỉ thỉnh thoảng Dzerzhinsky đưa ra ý kiến của mình. Đại loại như câu hàm nhiều nghĩa sau:
– Có thể trở thành nhà duy vật về mặt lý thuyết và nhà duy tâm trong cuộc sống, và ngược lại, nhà duy tâm trong lý thuyết và nhà duy vật trong cuộc sống…
Berdyaev từ chối trả lời những câu hỏi cụ thể về mọi người.
– Tôi sẽ phóng thích ông ngay bây giờ – bỗng Dzerzhinsky nói – nhưng ông không được rời Moskva mà không được phép.
Và quay sang Menzhinsky:
– Đã muộn rồi, thời buổi này cướp bóc gia tăng. Có thể đưa công dân Berdyaev về bằng ô tô được không?
Ô tô không có, người ta tìm được một cái xe máy. Trong tiếng rú chói tai của nó nhà triết học đã về được đến nhà an toàn, thấy thoải mái hơn là từ đó ra đi hôm trước.
Cái gì đã cứu Berdyaev? Sự cương quyết hay sự thẳng thắn? Hay bởi Dzerzhensky nhận ra rằng Berdyaev chẳng có tội gì đặc biệt và việc ông sa vào tay Cheka là một sự nhầm lẫn? Người ở tầm cao như thế, tất vô hại với mặt đất? Mà cũng có thể kẻ cuồng tín cách mạng bị ấn tượng mạnh mẽ từ sự cuồng tín đến mức vô vị lợi vào một niềm tin, dù khác với niềm tin của mình?
Tiếc rằng cuộc thẩm vấn ấy không được thủ tục hóa và đưa vào hồ sơ vụ án, để hôm nay chúng ta có được một tài liệu quan trọng. Nhưng đối với bản thân triết gia, có thể, là điều may mắn, khi những lời thẳng thắn của ông không bị ghi chép thành biên bản. Ông không phải ra tòa, mặc dù có đến dự như một người quan sát và ông định nghĩa nó như một “màn kịch”. Tuy nhiên, màn kịch ấy đe dọa nhiều bạn hữu của ông không phải bằng hình phạt trên sàn diễn sân khấu kịch, chỉ đến phút cuối bản án tử hình mới được giảm nhẹ: bốn bị cáo nhận án tù 10 năm, chín người bị đưa vào trại tập trung, còn lại được trả tự do.
Hình như, cả thẩm phán cả công tố viên đều hiểu rõ cái gọi là “tội phạm nguy hiểm” là gì. Các luật sư vừa đối đáp nhau vừa chạy lui chạy tới bàn quan toà, tay cầm những tập công trình của thân chủ mình: “Thân chủ tôi viết được 11 cuốn!” – “Còn thân chủ tôi – 18 cuốn cơ!” – tiếng cười vang lên trong khán phòng, và Krylenko phá lên cười với họ. Nhưng điều đó cũng không làm bản cáo trạng của ông ta giảm bớt sự cuồng nộ:
– Và nếu như các bị cáo ở đây, ở Moskva này, không bị bắt tận tay day tận mặt, thì đằng nào cũng vậy, họ là những kẻ có hành vi phản cách mạng, vì đã trò chuyện, thậm chí chỉ trong lúc trà chén, về sự cần thiết thay đổi chính quyền Xô viết, một chính quyền mà hòng mong đánh đổ được. Trong thời buổi Nội chiến, không chỉ hành-động mới là phạm tội, mà có cả những phi-hành-động cũng phạm tội…
Hai năm qua đi. Một mùa hè tuyệt vời đến. Berdyaev lần đầu tiên sau cách mạng cùng gia đình đi nghỉ mát, thưởng ngoạn thiên nhiên làng quê. Ngôi nhà gỗ thơm mùi nhựa thông. Những buổi đi hái quả và tìm nấm. Chiều đến, ấm samova được bày ra ban công, cùng trà và mứt, sương mù từ bờ sông lan tỏa tới, những chiều tà thật dài và yên ả. Không có gì báo hiệu tai họa mới.
Một lần – ngày 16/8 – Berdyaev trở về căn hộ Moskva của mình, lần về duy nhất suốt cả mùa hè, và chính đêm hôm đó những người khách không mời cùng súng ống lại đến nhà ông.
Một nhân viên an ninh khác, lần này là một tay M. Sokolov nào đó, một tờ lệnh mang số hiệu khác, với một chữ ký khác – của Phó chủ tịch GPU tên là Unshlikht… Còn lại đều quen thuộc: cuộc khám xét kéo dài (“tác nghiệp từ 1 giờ khuya… kết thúc lúc 5 giờ 10 phút sáng”), thu hồi giấy tờ, con đường khổ ải từ Arbat đến Lubyanka. Thật ra, lúc này đã có ô tô vận chở tù nhân.
Lục soát quần áo trong phòng quân quản rồi tống vào trại giam. Quẳng vào cửa một vật từa tựa nệm cỏ khô – đấy, tự đi mà sắp xếp chỗ nằm cho mình! Trong phòng rất đông, vì có một số tù nhân mới vừa nhập trại. Toàn những khuôn mặt thân quen – các giáo sư, nhà văn. Sao, cả ngài à? Và cả ngài nữa sao? Mọi người tự hỏi: vì cái gì mà bị bắt?… Có thể nhớ lại một giai thoại được lan truyền khắp Moskva, giai thoại về bản anketa mà ai ai cũng phải điền vào, có câu hỏi: “Anh đã bị bắt bao giờ chưa, và nếu chưa, thì tại sao?”.
Biên bản thẩm vấn của trợ lý giám đốc bộ phận Tối mật Bakhvalov được ghi vào ngày 18/8.
Đầu tiên, như quy định, thực hiện một bản anketa bắt buộc, các câu trả lời được Berdyaev viết tay. Đáng tiếc, dạng chữ viết của triết gia là loại khó xem nên một vài từ không đọc được – những chỗ ấy chúng tôi ghi lại bằng dấu ba chấm và để trong ngoặc nhọn.
“Berdyaev Nikolai Aleksandrovich, 48 tuổi, cựu quý tộc thành Kiev.
Nơi lưu trú: Moskva, đường Bvac’evsky, khu nhà 14, căn hộ số 3.
Nghề nghiệp: Nhà văn và nhà nghiên cứu.
Tình trạng hôn nhân: Kết hôn.
Tình trạng tài sản: Không sở hữu gì
Đảng phái: Không đảng phái.
Niềm tin chính trị: Tôi là người ủng hộ cộng đồng Công giáo, một cộng đồng dựa trên nền tảng tự do Công giáo, trên tình huynh đoàn Công giáo và trên tín ngưỡng Công giáo, niềm tin mà không một đảng phái nào có thể áp chế, nghĩa là nó không hợp nhất với xã hội tư sản, cũng giống như không hợp nhất với chủ nghĩa cộng sản.
Trình độ văn hóa: Đại học tổng hợp cao cấp, chuyên ngành: triết học.
Công việc và nơi phục vụ:
a) Trước chiến tranh 1914: không phục vụ ở đâu; nghiên cứu văn học;
b) Trước Cách mạng tháng Hai 1917: cũng không phục vụ ở đâu; nghiên cứu văn học;
c) Trước Cách mạng tháng Mười 1917: cũng không phục vụ ở đâu;
d) Từ sau Cách mạng tháng Mười đến khi bắt giữ: phục vụ tại Tổng văn phòng Lưu trữ, năm 1920 được đề bạt làm giảng viên Trường Đại học Quốc gia Moskva, giảng dạy tại Viện Tôn giáo Quốc gia, là thành viên chính thức của Viện Khoa học Nghệ thuật Nga.
Thông tin về tiền án: năm 1915 bị bắt với án văn học – chính trị, viết bài chống lại Thượng Hội Đồng, bị buộc tội báng bổ. Năm 1920 bị cơ quan an ninh điều tra nhưng không phải ra tòa <…>. Từ 1900 đến 1903 bị lưu đày ở Vologda vì nguyên nhân chính trị”.
Tiếp theo trong biên bản là những bằng chứng sự vụ. Các câu hỏi do điều tra viên viết, các câu trả lời là chữ viết tay của Berdyaev:
“Câu hỏi. Hãy cho biết, công dân Berdyaev, quan điểm của ông về cơ cấu chính quyền Xô viết và hệ thống nhà nước vô sản.
Trả lời. Theo chính kiến của mình tôi không thể đứng trên quan điểm giai cấp và tôi cho rằng cả hệ tư tưởng quý tộc, cả hệ tư tưởng nông dân, cả hệ tư tưởng vô sản, cả hệ tư tưởng tư sản đều hẹp hòi, hạn chế và vị kỷ như nhau. Tôi đứng trên quan điểm của con người và của nhân loại, những quan điểm mà tất cả tổ chức và đảng phái giai cấp này nọ đều phải tuân theo. Tôi coi hệ tư tưởng riêng của mình mang tính quý tộc, nhưng không phải trong ý nghĩa di sản, mà trong ý nghĩa là một sự cai trị tốt nhất, thông minh, tài năng, có văn hóa và cao quý nhất. Tôi cho rằng nền dân chủ là sai lầm, bởi nó đứng trên quan điểm thống trị của số đông… Tuy nhiên, sự phục sinh của xã hội và <…> sự thật có thể dựa trên sự phục sinh tinh thần của con người và nhân dân. Tôi không tin vào <…> con đường phục sinh bằng quân sự và vật chất. Tôi nghĩ rằng ở Nga không có nhà nước vô sản, bởi phần lớn nhân dân Nga là nông dân.
Câu hỏi. Hãy cho biết quan điểm của ông về nhiệm vụ của giới trí thức, cái trí thức mà được gọi là “trí thức cộng đồng”?
Trả lời. Thiết nghĩ, nhiệm vụ của giới trí thức trong mọi lĩnh vực văn hóa và cộng đồng là gìn giữ những giá trị tinh thần, trở thành quan tòa đặc biệt về khoa học, đạo đức và thẩm mĩ. Tôi cho rằng cần phải có sự tương tác và hợp tác giữa các thành viên cộng đồng và các thành viên nhà nước, chính quyền, thiếu <…> một thành phần khác…
Câu hỏi. Hãy cho biết thái độ của ông về một số biện pháp đấu tranh với chính quyền Xô viết, ví dụ như việc đình công của các giáo sư.
Trả lời. Tôi không hiểu biết rõ lắm sự kiện này nên không thể phán xét dứt khoát vụ việc. Nếu như các giáo sư đấu tranh cho lợi ích khoa học và tri thức, thì tôi cho rằng thích hợp, như một biện pháp đấu tranh, còn nếu như họ đứng trên quan điểm kinh tế, thì tôi cho là sai lầm.
Câu hỏi. Hãy cho biết thái độ của ông về những người theo phái Smenovekhovstvo[1] những người Savinkovsy[2] và vụ án đảng những người cách mạng-xã hội chủ nghĩa.
Trả lời. Với những người thuộc phái Smenovekhovstvo thì tôi mới chỉ đọc bản dự thảo, và có xu hướng phủ quyết, vì họ quá nhiều lời và thiếu hiểu biết về cuộc sống Nga. Tôi đồng tình việc phê phán di dân và những mưu toan của nước ngoài nhằm buộc tiến trình đời sống ở Nga phải thay đổi. Đối với mưu toan của những người Savinkovsy tôi cũng không tán thành. Còn về vụ án của những người cách mạng-xã hội chủ nghĩa thì tôi không theo dõi. Tôi cho rằng bản án nghiệt ngã dành cho họ là sai lầm.
Câu hỏi. Hãy cho biết quan điểm của ông về chính sách của chính quyền Xô viết trong giáo dục cấp phổ thông trung học và thái độ của ông về việc cải cách nó.
Trả lời. Tôi không thể đồng tình với chính sách của chính quyền Xô viết về nhà trường phổ thông trung học, bởi chính sách này đã vi phạm quyền tự do khoa học và giảng dạy, hạn chế triết học trước kia.
Câu hỏi. Hãy cho biết quan điểm của ông về triển vọng của dân lưu vong Nga ở nước ngoài?
Trả lời. Tôi cho rằng tình trạng của bộ phận bạch vệ tản cư rất nặng nề, và quan điểm của họ, theo những gì tôi biết, dựa trên sự thiếu hiểu biết về tiến trình đời sống Nga”.
Cuối cuộc thẩm vấn Berdyaev trình bày mối quan hệ của mình đối với tính đảng phái:
“Tôi phủ nhận tính đảng phái và chưa bao giờ cũng như sẽ không bao giờ theo đảng phái nào. Không có một đảng phái nào trước kia cũng như hiện nay khiến cho tôi thấy thiện cảm”.
Ngày hôm sau Basvalov lại triệu tập tù nhân của mình và tuyên bố một tin mới tuyệt vời: vì hoạt động chống nhà nước Xô viết, Berdyaev bị GPU quyết định trục xuất ra nước ngoài. Berdyaev nhớ lại: “Lúc người ta bảo tôi bị trục xuất, tôi thấy buồn quá, tôi không muốn sống lưu vong, muốn chối từ nó như một điều không sao chấp nhận được. Nhưng cùng lúc đó một cảm giác dâng lên là tôi sẽ được sống trong một thế giới tự do, sẽ tha hồ hít thở không khí tự do…”.
Lịch sử xua đuổi giới trí thức khỏi nước Nga Bolshevik vẫn còn ít được nghiên cứu, vẫn còn đang chờ đợi nhà biên niên sử của mình. Bởi thế ở đây mỗi sự kiện thực tế, mỗi tài liệu mới đều quan trọng.
Những gì giữ lại được trong hồ sơ sao lưu cho phép chúng ta giờ đây khôi phục chính xác toàn bộ chiến dịch độc nhất vô nhị này.
Mới đầu Bakhvalov cho bị can xem quyết định buộc tội, những điều khoản cam kết phải thực hiện. Berdyaev phản đối, và theo nguyên tắc hành xử của mình, ông ghi lại sự phản kháng đó vào tờ giấy:
“…Tôi đã đọc Quyết định cáo buộc tôi như một tội phạm… Tôi không chấp nhận mình có tội, như lời cáo buộc là tôi hoạt động chống nhà nước Xô viết, và đặc biệt tôi càng không cho mình là có tội, như lời cáo buộc rằng trong thời khắc chiến sự khắc nghiệt đối với Liên Xô tôi đã có những hoạt động phản cách mạng”.
– Công dân Berdyaev, – điều tra viên giải thích, – điều này chẳng thay đổi được gì. Số phận ông đã được định đoạt. Ông chỉ cần viết đơn xin đi ra nước ngoài. Những gì còn lại GPU sẽ lo.
Và Berdyaev viết:
“Đơn xin
Kính gửi Hội đồng quản trị GPU
Chiểu theo bản tuyên bố của phòng Mật vụ GPU về việc trục xuất tôi, yêu cầu Hội đồng quản trị GPU cho phép tôi bằng chi phí của mình đi ra nước ngoài, đem theo gia đình, gồm những người sau: 1) vợ tôi Lydia Yudifovna Rapp-Berdyaeva, 48 tuổi; 2) em gái vợ tôi là cô Evgenia Yudifovna Rapp, người trước nay vẫn chung sống với chúng tôi, 46 tuổi; 3) mẹ vợ tôi, bà Irina Vasilievna Chushevoy, 67 tuổi”.
Cũng trong ngày hôm đó người ta còn in ra thêm một văn bản được chuẩn trước, về việc cho phép gia đình Berdyaev ra nước ngoài.
“Bản ký kết
Ngày 19/8/1922. Tôi, nhân viên phòng 4 sở Mật vụ GPU Bakhvalov, xem xét vụ việc… về Berdyaev Nikolai Aleksandrovich… thấy như sau:
Kể từ thời điểm Cách mạng tháng Mười đến nay ông ta không chỉ không thể hòa giải được với chính quyền Công-nông đã tồn tại 5 năm nay ở nước Nga, mà còn không ngừng hoạt động chống nhà nước Xô viết, hơn nữa vào đúng thời buổi khó khăn của Liên Xô, Berdyaev ngày càng tăng cường hoạt động phản cách mạng. Tất cả những cáo buộc trên được xác nhận bởi các tài liệu tình báo có trong hồ sơ mật. (Có một tài liệu duy nhất mà có thể gọi là “tình báo” – đó là chứng cớ bịa đặt của Vinogradski hai năm trước đây – Vitaly Shentalinsky).
Do đó, dựa vào điều khoản 2… quy định bởi GPU, nhằm ngăn chặn những hoạt động chống Xô viết tiếp theo của Berdyaev Nikolai Aleksandrovich, tôi đề nghị: trục xuất ông ta khỏi lãnh thổ Liên Xô NGAY LẬP TỨC.
Chấp nhập đơn xin của công dân Berdyaev gửi tới Ban quản trị GPU xin phép đi ra nước ngoài bằng chi phí của mình, – nay quyết định phóng thích để đương sự thu xếp công việc trong vòng 7 ngày, yêu cầu có mặt đúng thời hạn tại GPU và nhanh chóng đi ra nước ngoài”.
Bên dưới ngoài chữ ký của Bakhvalov là tên của những các nhân viên Cheka cấp cao hơn: Reshetov Samsonov, Unshlikht.
Nhưng đến đó, thủ tục giấy tờ chưa kết thúc. Berdyaev cần trình hai tờ đăng ký:
“Giấy đăng ký
Giấy này là của tôi, công dân Berdyaev H.A, gửi phòng Mật vụ GPU, để cam kết: 1) sẽ đi ra nước ngoài theo quyết định của Ban quản trị GPU, bằng chi phí của mình; 2) trong vòng 7 ngày sau khi được phóng thích, sẽ giải quyết mọi công việc cá nhân và sự vụ hành chính, có được mọi giấy tờ cần thiết để đi ra nước ngoài; 3) sau thời hạn 7 ngày tôi xin cam kết trình diện sở Mật vụ GPU, gặp Trưởng phòng 4 Reshetov. Với chữ ký này, tôi ký nhận là đã nhận được thông báo, rằng không trình diện đúng thời hạn quy định sẽ bị xem như chạy trốn sự giám sát, phải chịu mọi hậu quả”.
Và còn nữa:
“Giấy đăng ký
Giấy này là của tôi, công dân Berdyaev N.A, cam kết với Cục Quản lý Chính trị Quốc gia về việc sẽ không quay trở về lãnh thổ Liên Xô mà không có sự cho phép của các cơ quan chính quyền Xô viết.
Tôi cam kết và ký tên về việc đã được thông báo Điều luật 71 Bộ luật Hình sự của Liên Xô quy định tội tự ý trở về lãnh thổ Liên Xô sẽ chịu hình phạt tử hình”.
Thật đúng là những giấy tờ giết người! Đấy cho anh 7 ngày, thu thập gói ghém đồ đạc, tìm một chỗ trú thân trên thế gian, và thế là ngày cuối cùng, thể nào cũng đến nói với chúng tôi: “Tôi xin lỗi”. Và này đừng có mà nghĩ đến chuyện chạy trốn: thể nào chúng tôi cũng tóm được và theo luật thời chiến – lập tức điệu anh không phải ra nước ngoài, mà đến nơi chẳng ma nào biết. Cuốn xéo ngay, còn mà phát hiện quay trở lại – một viên đạn vào đầu…
Berdyaev còn tiếp tục bị giam thêm hai ngày nữa, trước khi có quyết định chính thức của Ban quản trị GPU về việc trục xuất, ông được thả ra để chuẩn bị cho chặng đường đi xa.
Hàng chục triết gia, nhà văn lúc ấy cũng trải qua những thủ tục tương tự ở Lubyanka, số phận của họ cũng được định đoạt như vậy. Từ Moskva, không tòa án, không xét xử, theo quyết định hành chính của GPU, đã trục xuất hàng loạt trí thức Nga: các nhà triết học S. N. Bulgakov, I. A. Ilyin, S. L. Frank, F. A Stepun, B. P. Vysheslavtsev; các nhà văn M. A. Osorgin, Yu. I. Eichenwald, A.V. Peshekhonov, V. F. Bulgakov, các nhà sử học A. A. Kiesewetter, A. B. Florovsky, V. A Miakotin, S. P. Mel’gunov; nhà xã hội học P. A. Sorokin, nhà sinh vật học, hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Moskva M.M. Novikov; nhà toán học V.V. Stratonov, cả một nhóm các nhà kinh tế học và các cộng tác viên, chuyên gia nông nghiệp, các nhà xuất bản sách báo…
Vào thời điểm đó chiến dịch tuyên truyền chống họ đang hồi nóng bỏng nhất. Nhưng nào, cuối cùng họ phạm tội gì? “Những thành phần mà chúng ta trục xuất và sẽ còn trục xuất, về giá trị chính trị không có gì đáng kể, – Trotsky lặp lại Lenin – nhưng họ là vũ khí tiềm năng trong tay kẻ thù tiềm ẩn của chúng ta”. Ông biện minh cho hành động này trong một bài báo-phỏng vấn có tên “Từ thiện dự phòng”: lòng xót thương đối với những người đó buộc chúng ta phải trục xuất họ khỏi đất nước, để tránh đến hồi gay cấn buộc phải xử bắn…
“Trong số những người bị trục xuất hầu như không có tên tuổi nào lớn”, – tờ báo dốt nát “Pravda” tuyên bố. Và kích động tiếp: “Những biện pháp mà chính quyền Xô viết sử dụng, không nghi ngờ gì nữa, được nồng nhiệt đón nhật từ mọi phía công nhân và nông dân, những người nóng lòng chờ đợi tư tưởng của bè lũ Vrangel và Kolchak cuối cùng bị quẳng bỏ khỏi lãnh thổ Liên Xô…”. Báo chí – cơ quan ngôn luận của Đảng – cảnh báo rằng trục xuất chỉ là khâu khởi đầu, là lời cảnh cáo đầu tiên, cú ra đòn bằng roi da đầu tiên, chắc chắn sau đó tất phải còn nhiều cú mới.
Kể từ đó uy tín giới trí thức trong nước bắt đầu rơi rớt, bị gắn với ý nghĩa phản cách mạng, “kẻ thù của nhân dân”…
Vẫn còn những rắc rối với khâu thị thực. Người Đức giáng cho chính phủ Xô viết một cái tát ngoại giao – họ từ chối không cấp thị thực tập thể. Nước Đức nhé – chứ không phảiSiberia, để mà xua đuổi người tới. Song, nếu các nhà văn, các nhà bác học Nga trình thị thực cá nhân, thì xin mời, họ sẽ nhận được lòng hiếu khách. Cần phải chuẩn bị đủ tiền nong đi đường, lựa bỏ những vật dụng không cần thiết cho cả gia đình (tối thiểu mỗi người được phép mang theo một áo ấm mùa đông, một áo khoác mùa hè, một bộ complet, hai áo sơ mi, một bộ dra giường). Không được mang theo bất cứ đồ trang sức quý, thậm chí cả thánh giá. Và không rõ, họ có biết đánh lừa ban bảo vệ Cheka hay không, nhưng theo sự xác nhận của nhà văn Osorgin, họ không được phép mang bất kỳ một tờ giấy có chữ viết, bất kỳ một cuốn sách nào. Chia tay với những người thân, với bạn bè, cuộc sống bị huỷ hoại, thư viện bị mất. Cảm thấy như rời bỏ cuộc đời…
Chuyến tàu Moskva -Petrograd. Lại những cuộc gặp gỡ – chia ly vội vã. Con tàu thủy Đức “Oberbrgermeister Hasken” – từ tầu thang của nó người ta xướng tên, rồi dẫn đến phòng kiểm soát, nơi nhân viên Cheka nghiệt ngã chất vấn, lục soát bẽ bàng, sờ soạng qua váy áo… Cuối cùng, sáng 28/9 họ rời cảng.
Sau bao sự kiện bão tố, bắt đầu lắng dịu. Biển khơi cũng yên bình hiếm thấy. Những người đồng hành của Berdyaev nhớ lại ông đã đi dạo trên boong tàu ra sao, chiếc mũ rộng vành trên những lọn tóc xoăn màu đen, tay cầm cây gậy, chân đi đôi giày cao su sáng bóng. Truyền trưởng chỉ lên cột buồm – trên ấy suốt cuộc hành trình có một con chim cô đơn cứ đậu mãi:
– Tôi nhớ không từng thấy thế bao giờ. Đó là một dấu hiệu bất thường!
Và còn một dấu hiệu nữa. Người ta đưa cho những người bị xua đuổi cuốn “Sách vàng” – cuốn sách được lưu giữ trên tàu thuỷ để ghi lại kỷ niệm của những hành khách nổi tiếng. Nó được trang trí bằng bức vẽ của Chaliapin, người rời nước Nga trước đó chưa bao lâu: ca sĩ vĩ đại thể hiện mình trong trạng thái trần truồng, nhìn từ sau lưng, đang đi qua biển. Dòng chữ khắc viết rằng tất cả thế giới này với ông – là nhà.
Nikolai Aleksandrovich Berdyaev sẽ không bao giờ được trở về quê hương mình nữa. Ông chết ở Clamart, gần Paris, năm 1948 – ông đã nổi tiếng khắp thế giới như một nhà bác học vĩ đại.
Không lâu trước khi chết, ông có một giấc mơ. Ông ngồi trong một chiếc xe tốc hành. Xe lao nhanh về tổ quốc. Cánh đồng Nga đang trải rộng trước mắt. Bỗng ông cảm thấy như có ai đó cạnh mình. Ông nhìn và thấy: cách ông hai bước chân là chúa Giêsu mặc áo trắng. Và ông tỉnh dậy.
V. Sh.
Trích từ bài báo “Những mảnh vụn của Kỷ nguyên bạc” của Vitaly Shentalinsky, Nxb Thế giới mới, số 5 – 6, 1998. Nguồn: http://www.vehi.net/berdyaev/vshental.html
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
[1]. Thuật ngữ được được hình thành từ hai từ smena (thay đổi) và vekha (cột mốc), chỉ những người chia sẻ quan điểm tư tưởng và chính trị của tác phẩm Smena vekh do những người Nga lưu vong xuất bản tại Praha năm 1921. (Chú thích của người dịch)
[2]. Thuật ngữ được hình thành từ tên riêng Savinkov (Boris Viktopovich), một quân nhân Xô viết, người tổ chức phong trào chống chính quyền Bolshevik và chủ trương ám sát Lenin. (Chú thích của người dịch)
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/41638
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/41638
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001