Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Indonesia lên tiếng về các vùng biển tranh chấp tại Liên Hợp Quốc 

Luke Hunt

The Diplomat, September 29, 2012
Indonesia đang chơi trò tháu cáy ngoại giao: bằng cách đưa Bộ quy tắc ứng xử nhằm giải quyết tranh chấp biển Đông trở lại chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc tại New York, các lãnh đạo Indonesia đã gia tăng sức ép lên các nước láng giềng trong khu vực đồng thời ngăn chặn không cho bất cứ một tình huống khó xử nào tái diễn vào cuộc họp sắp tới của khối ASEAN, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN không đạt được đồng thuận tại một cuộc họp ở Thủ đô Phnom Penh của Campuchia vào tháng Sáu về một phương cách thích hợp để giải quyết bằng đường lối hòa bình các cuộc tranh chấp giữa các thành viên, liên quan các đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Vào thời điểm đó, một loạt chính sách ngoại giao hạm thuyền cũng đang diễn ra trên biển Đông.
Những văn bản mới liên quan đến Bộ quy tắc ứng xử đang được Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa phổ biến tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sau khi Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono thúc đẩy tất các phe tranh chấp phải bắt đầu đàm phán thực sự để tìm kiếm một bản quy tắc có tính ràng buộc pháp lý.
Những sửa đổi và những biệp pháp ngoại giao nào được đề xuất trong Bộ quy tắc vẫn còn là một bí mật được giữ kín. Tuy nhiên, sự thúc đẩy của Jakarta là một chỉ dấu cho thấy các nước trong khu vực đang ngày càng chán ngấy – đặc biệt với Trung Quốc, Philippines và Việt Nam – về việc xử lý bộ quy tắc.
Bắc Kinh đã từ chối sự trọng tài quốc tế và đòi hỏi bất cứ xung đột nào trên biển cũng phải được dàn xếp trên cơ sở song phương, chứ không thông qua một cơ chế đa phương như các quốc gia ASEAN đang có tranh chấp lãnh hải mong muốn.
Bế tắc tháng Sáu vừa qua tại cuộc ASEAN là lần đầu tiên trong lịch sử của khối thương mại này, họ không đưa ra được một thông cáo chung sau cuộc họp thượng đỉnh. Campuchia, nước chủ nhà của cuộc họp, đã bị bêu riếu vì đã đặt lợi ích của Trung Quốc trước lợi ích của cả 10 thành viên – Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như trên tất cả các đảo và vùng lãnh hải chung quanh.
Một cuộc họp khác đã được lên lịch vào giữa tháng Mười một, mà Tổng thống Barack Obama được dự kiến sẽ tham dự cùng với các lãnh đạo từ Trung Quốc, châu Âu và các cường quốc khu vực khác. Và Phnom Penh, vì muốn tranh một ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, sẽ không thể chơi lại điệp khúc cũ.
Jakarta đã nắm chủ động vấn đề này trong những tháng gần đây. Nếu quốc gia này có thể đem lại một vài tiến bộ trước cuộc họp các lãnh đạo ASEAN, về một cuộc tranh chấp mà Yudhoyono nhận thấy đã gây nhức nhối trong phần lớn thế kỷ qua, thì bản thân sự kiện này tự nó sẽ là một thắng lợi
Một thoả thuận ban đầu về việc soạn thảo một bộ quy tắc đã được Trung Quốc và ASEAN thông qua một thập kỷ trước đây.
Cũng còn được mệnh danh là biển Tây Phi Luật Tân và biển Đông tại Việt Nam, vùng biển này rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên đồng thời trên một nửa thương mại thế giới được chuyên chở qua các tuyến đường biển nằm giữa Việt Nam và Philippines. Một số hải đảo cũng được Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền.

L.H.
Nguồn: http://thediplomat.com/asean-beat/2012/09/29/indonesian-pitch-for-disputed-seas/

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/41643
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001