Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Tội tuyên truyền chống nhà nước 

Theo dõi tin tức về phiên tòa xử ba blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải vào ngày 24 tháng 9 vừa rồi về “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tôi cứ thắc mắc: Không biết trên thế giới có nơi nào nhà cầm quyền khắc nghiệt với các blogger độc lập với lý do tương tự như vậy hay không?

Xin thú nhận ngay: Tôi không biết. Vào Google, đánh mấy chữ “tuyên truyền chống nhà nước” bằng tiếng Anh (anti-state / anti-government propaganda), tôi thấy mỗi cụm từ có hàng mấy chục triệu kết quả. Điều “thú vị” là trong số mấy trăm kết quả đầu tiên hầu hết đều liên quan đến Việt Nam. Nhiều nhất là các bản tin và bình luận về vụ án ba blogger nhắc ở trên. Việt Nam chiếm đa số tuyệt đối. Xen kẽ giữa trùng trùng lớp lớp các bản tin về Việt Nam, họa hoằn mới thấy xuất hiện tên của các nước khác, chủ yếu là Iran, Pakistan và Afghanistan. Điều đó nói lên điều gì? Nó nói một điều: Việt Nam nếu không phải là quốc gia đàn áp dân chúng với lý do “tuyên truyền chống phá nhà nước” nhiều nhất thì ít nhất, cũng là nước có nhiều vụ án liên quan đến “tội trạng” ấy được thiên hạ chú ý đến nhiều nhất. Với lý do gì thì Việt Nam cũng đứng nhất cả.

Nhưng tại sao tội “tuyên truyền chống nhà nước” lại nghiêm trọng đến vậy? Tại sao, trong Bộ luật hình sự Việt Nam, nó chỉ được đặt sau các tội “phản bội tổ quốc” (điều 78), “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79), “tội gián điệp” (điều 80)… và trên cả các “tội phá rối an ninh’ (điều 89), “tội chống phá trại giam” (điều 90) và “tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” (điều 91)?

Tôi sống ở nước ngoài khá lâu, chưa bao giờ tôi nghe một quốc gia dân chủ nào ở Tây phương kết án người nào về tội tuyên truyền chống lại nhà nước. Ở Úc, vô số người viết báo, viết sách, tổ chức hội thảo hay biểu tình, thậm chí, lập đảng để chống lại nhà nước, chả có nói năng gì cả. Ở Mỹ, cũng thế. Hầu như ở đâu có tự do, ở đó đều có cái tự do “chống nhà nước”. Chỉ có hai giới hạn duy nhất: Một, không được vu khống và bôi nhọ một cá nhân nào trong chính phủ (cũng như bất cứ cá nhân nào khác); và hai, không được bạo động hoặc xúi giục bạo động. Còn nói hay viết, tập trung vào các quan điểm và chính sách cũng như các sự kiện có bằng chứng hẳn hoi, thì dù sự phê phán hay đả kích có gay gắt đến mấy, nhà nước cũng phải ráng chịu. Người ta xem đó là chuyện bình thường. Hơn nữa, đó còn là một cái quyền của con người, một quyền được chính phủ Anh công nhận từ năm 1689 (Bill of Rights), chính phủ Pháp công nhận từ năm 1789, Liên Hiệp Quốc công nhận (điều 19 trong bản Tuyên bố chung về nhân quyền) từ năm 1948. Voltaire cho việc bảo vệ cái quyền ấy còn thiêng liêng hơn cả mạng sống của chính mình: “Tôi không đồng ý với bạn, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ cho bạn cái quyền được nói những điều như thế.”

Quyền ngôn luận hoặc quyền “tuyên truyền chống nhà nước” không phải chỉ là biểu hiện của dân chủ mà còn là điều kiện của dân chủ. Bản chất của dân chủ là gì nếu không phải là quyền tự quản (self-government) của dân chúng, ở đó, điều quan trọng nhất là dân chúng được quyền tham gia vào việc quyết định vận mệnh của đất nước và cũng là vận mệnh của chính họ. Tham gia bằng lá phiếu chỉ là một cách. Cách ấy căn bản, phổ biến và khách quan nhưng sẽ không đủ, thậm chí, sẽ không có giá trị gì nếu không đi kèm với một cách khác: quyền được thông tin và phát biểu. Thiếu thông tin, dân chúng không thể chọn lựa nghiêm túc và đúng đắn; lá phiếu, do đó, trở thành vô nghĩa. Thiếu tranh luận, nghĩa là thiếu quyền “tuyên truyền chống nhà nước”, chính phủ, sau khi được bầu lên, sẽ không được ai kiểm tra và phản biện cả, do đó, rất dễ rơi vào tình trạng độc tài, hoặc nếu không, cũng mù quáng.

Không những công nhận quyền tự do ngôn luận hay quyền “tuyên truyền chống nhà nước”, các quốc gia dân chủ còn xây dựng luật lệ và cơ chế để cái quyền ấy được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Luật lệ thì đã rõ: tất cả các bản hiến pháp ở các quốc gia dân chủ đều ghi rõ như vậy. Quan trọng hơn là ở cơ chế: người ta cho phép và bảo vệ các lực lượng đối lập. Ở Úc cũng như ở Anh và một số quốc gia khác, người ta có hai chính phủ tồn tại cùng lúc: một là chính phủ thực sự cầm quyền, và một là chính-phủ-trong-bóng-tối (shadow government) do đảng đối lập cầm đầu. Nhiệm vụ của chính-phủ-trong-bóng-tối, thật ra, là để tuyên truyền chống lại chính phủ đang thực sự cầm quyền kia. Tuyên truyền chống lại chính phủ một cách công khai. Đàng hoàng. Ngay giữa Quốc Hội. Trên mọi diễn đàn. Và họ được trả lương để làm những việc ấy.

Trên thế giới, chỉ ở các nước độc tài, người ta mới sợ quyền tự do ngôn luận, do đó, mới có cái gọi là “tội tuyên truyền chống nhà nước”.

Trong ý nghĩa như thế, có thể nói thế này: ở đâu có những phiên tòa xét xử công dân về “tội tuyên truyền chống nhà nước”, ở đó đều cần có một bản án dành cho bọn độc tài.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
nguồn:http://www.voatiengviet.com/content/toi-tuyen-truyen-chong-nha-nuoc/1516189.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001