Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

RẰM TRUNG THU, ĐỌC LẠI "VỊNH TIẾN SỸ GIẤY" 

Rằm trung thu, đọc lại "Vịnh tiến sỹ giấy"

Hữu Sự


Vênh váo, kiêu ngạo là cách hành xử của những kẻ dốt nát, học giả, bằng giả, danh giả. Dốt nát, học giả, bằng giả, danh giả nên sinh tự ti. Càng tự ti bao nhiêu càng lu loa, càng “cũng” với người đời bấy nhiêu. Nói khác đi, tự ti và tự kiêu chính là hai mặt của những kẻ dốt nát, giả dối.

Thời trước, “ông” tiến sỹ bằng giấy là một trong những món đồ chơi ưa thích nhất của trẻ con ngày rằm tháng tám (trung thu) hàng năm.

Trong ngày tết của trẻ con ấy, người ta làm những “ông” tiến sỹ bằng giấy cho chúng chơi, với hàm ý mong sau này lớn lên chúng cũng học hành, cũng đỗ ông cử ông nghè, được vua ban cờ biển, rồi hoạn lộ thênh thang, trở thành “cha mẹ dân” (phụ mẫu chi dân), một đời sang giầu phú quý...

Viết đến đây tôi chợt giật mình: Thì ra cái bệnh sính khoa danh, trọng bằng cấp không chỉ bây giờ mới có, mà đã ăn vào máu của dân ta từ lâu lắm rồi, ngày nay chỉ là giai đoạn trầm kha nhất, là “đỉnh cao” nhất của căn bệnh đó mà thôi.

Lấy cảm hứng từ những “ông” tiến sỹ giấy này, cụ Tam nguyên làng Yên Đổ (Nguyễn Khuyến) đã sáng tác nên bài thơ nổi tiếng ấy. Bài thơ bằng chữ Nôm, có hai khổ. Cả hai đều hay (thơ của cụ Tam nguyên thì bài nào chả hay?), nhưng trang báo có hạn, nên tôi chỉ xin được hầu bạn đọc đôi điều về khổ hai, vì nó được phổ biến rộng rãi hơn (được đưa vào sách giáo khoa phổ thông). Nguyên văn khổ thơ như sau:

“Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè, có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo, sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh, ấy mới hời
Ghế chéo, lọng xanh, ngồi bảnh choẹ
Nghĩ rằng đồ thật, hoá đồ chơi”.

Một người như cụ Tam nguyên, làm thơ về đồ chơi chắc chắn không phải chỉ để nói về đồ chơi. Đúng vậy, xin hãy chú ý đến 4 chữ “cũng” ở hai câu đầu. Đọc hai câu ấy, có lẽ ai cũng hình dung ra một anh chàng đang vênh mặt, đang vỗ ngực bành bạch, đang gân cổ rằng ta cũng có cái này, cũng có cái kia, cũng được người đời gọi là ông này, ông kia chứ “có kém ai” đâu?

Nhưng chính những cái “cũng” liên tiếp, xưng xưng ấy lại tố cáo rằng những thứ anh ta có, cái danh anh ta được gọi đó có cái gì không bình thường. Người học thật, có tài thật, đỗ thật thường thâm trầm, khiêm tốn, bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng “học hải vô nhai” (biển học không có bờ).


Giàu chữ nghĩa đến như cụ Tam nguyên, mà đến tận cuối đời vẫn “Cúi xuống hổ đất, ngửa lên thẹn trời”(di chúc) nữa là. Vả lại, những thứ họ có là của thật. Học thật, đỗ thật thì cờ, biển vua ban, và cái danh ông nghè là điều đương nhiên, việc gì phải “cũng”?

Vênh váo, kiêu ngạo là cách hành xử của những kẻ dốt nát, học giả, bằng giả, danh giả. Dốt nát, học giả, bằng giả, danh giả nên sinh tự ti. Càng tự ti bao nhiêu càng lu loa, càng “cũng” với người đời bấy nhiêu. Nói khác đi, tự ti và tự kiêu chính là hai mặt của những kẻ dốt nát, giả dối.

Những “ông” tiến sỹ giấy, tất nhiên là làm bằng... giấy, mặt “ông” được các chú hoa man (người làm đồ hàng mã) vẽ bằng bút son. Ngày xưa, sau thi Hội là thi Đình. Bài thi Đình thường do vua trực tiếp chấm, phê bằng bút son (châu phê). Hoặc nếu là giám khảo (do vua cử) chấm thì sau khi chấm, những bài được chấm đỗ dứt khoát phải dâng lên để nhà vua ngự lãm, phê duyệt lại lần cuối cùng.

Những người đỗ Đình thí được đề tên vào tờ giấy màu vàng có nền rồng, giấy ấy dán vào cái bảng cũng màu vàng, có chạm hình rồng, rồi treo lên. Ngày treo bảng bao giờ cũng là ngày được sỹ tử chờ đợi với niềm khát khao nhất, hồi hộp nhất. Một dòng tên trên tờ giấy dán vào bảng vàng, thế là một anh khoá vô danh trở thành một “văn khôi”, tiếng tăm lừng lẫy cả nước, là từ đó cuộc đời ngoặt hẳn sang một hướng khác.

Ý nghĩa của câu 3 và câu 4 trong bài thơ là thế (Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng/ Nét son điểm rõ mặt văn khôi). Hai câu 5 và 6 tuyệt hay, vừa hay vừa thâm trầm, sâu sắc “Tấm thân xiêm áo, sao mà nhẹ/ Cái giá khoa danh, ấy mới hời”. Nhẹ thật đấy chứ! Nhẹ đến mức đứa trẻ con nào cũng nắm thắt lưng các “ông” đưa đi tùng dinh tùng dinh khắp làng được. Hời thật đấy chứ!

Các bậc cao niên kể, thời trước, giá một “ông” tiến sỹ giấy chỉ vài chinh Bảo Đại (đơn vị tiền tệ nhỏ nhất, có thể mua được một cái kẹo bột hay một bát nước chè xanh ở quán nước làng). Còn ngày nay?

Chị Nguyễn Thị Tuyến, chủ một “lò chuyên đào tạo (tức là sản xuất)” tiến sỹ giấy ở Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), cũng là người duy nhất trong làng còn cố giữ cái nghề của một làng ngày trước chuyên sản xuất tiến sỹ giấy, cho biết, sau vài chục công đoạn từ chẻ nan, đan cốt, phết hồ, cắt giấy dán giấy, làm mũ, làm cờ làm lọng cho đến dùng nét son “điểm rõ mặt văn khôi”... giá thành một “ông” tiến sỹ giấy xấp xỉ hai chục ngàn, bán cho người đời được một bát phở bình dân (25.000 đồng), “nhà lò đào tạo tiến sỹ” lãi mỗi “ông” năm, sáu ngàn.


“Lò đào tạo tiến sỹ” của chị Nguyễn Thị Tuyến ở Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội

Vài chinh Bảo Đại một ông tiến sỹ, hai mươi lăm ngàn một ông tiến sỹ, đúng như hai câu 3 và 4 trong khổ thơ đầu bài thơ của cụ Tam nguyên (Mày râu mặt ấy chừng bao tuổi/ Giấy má nhà bay đáng mấy xu). Đó là nghĩa đen, nhưng ngoài nghĩa đen, bài thơ của cụ Tam nguyên câu nào cũng mang nghĩa bóng, cũng “ý tại ngôn ngoại (ý ở ngoài lời)” .

Đọc hai câu 5 và 6 của khổ thơ thứ hai, tôi cứ ngỡ như cụ Tam nguyên nói về thời bây giờ. Một trường đại học ở tận... nước Mỹ, dù đã đóng cửa cả chục năm trước nhưng giờ vẫn cứ bán bằng tiến sỹ với giá 17.000 USD. Tất nhiên là những tấm bằng ấy chẳng có một tý giá trị nào, nó chỉ đơn thuần là một tờ giấy, y như tờ giấy mà những chú hoa man ngày xưa hay chị Tuyến ngày nay dùng để làm những “ông” tiến sỹ giấy vậy.

17.000 USD là món tiền to, rất to. Với số tiền ấy, có thể ăn phở bình dân cả đời. Nhưng với nhiều ông “quan” ngày nay, thì một bát phở bình dân các ông cũng không mất tiền túi mà vẫn có được tấm bằng ấy. Đơn giản, vì các ông (hay cấp trên cho phép các ông) lấy 17.000 USD tiền thuế của dân ra để mua.

Hai khổ thơ chỉ có 16 câu, 112 chữ, mà càng đọc càng thấy ra nhiều điều. Quả là thơ của một người đã từng “cưỡi đầu rồng kể đã ba phen”.
Vậy nên một ông Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch của một tỉnh, một ông Phó Bí thư của một tỉnh (và còn nhiều ông khác nữa chưa bị lộ), chỉ có tấm bằng cử nhân tại chức, một từ tiếng Anh không biết, có xuất ngoại thì cũng chỉ là đi du hí bằng tiền thuế của dân chứ không phải để học, nhưng vẫn có được tấm bằng ấy.

Một ông ở ngành kinh tế cũng có bằng ấy, khi bị nhà báo truy riết, thì lại “bật mí” rằng mình “học tiến sỹ... từ xa”. Nghĩa là ông nghĩ làm một luận án tiến sỹ cũng như làm một bài thi ở bậc đại học, mà học đại học “từ xa” là một “đặc sản” của nền giáo dục chỉ có ở Việt Nam.

Một ngày không học, một xu không mất mà vẫn thành tiến sỹ. So với những chú hoa man ngày xưa hay với chị Tuyến ngày nay, phải bỏ ra hai mươi ngàn, phải đổ mồ hôi hì hục chẻ nan, đan cốt, cắt giấy phết hồ... thì “hời” quá đi chứ.

Nhưng với những ông “quan” trên, thì cái “hời” thực sự còn lớn hơn rất nhiều, cái “hời” mà những người như chị Tuyến có nghĩ cả đời cũng không ra, đó là: Cái tấm bằng tiến sỹ mua bằng tiền thuế của dân ấy, đích thực chỉ là thứ đồ chơi. Nhưng khổ thay, với những người là cấp trên của các ông, thì nó lại là đồ thật. Và chính nhờ có thứ đồ chơi được lộn sòng thành đồ thật ấy, mà các ông có cơ hội thăng tiến lên cao hơn nữa, hưởng lương, hưởng “lậu” và nhất là hưởng bổng lộc còn nhiều hơn nữa...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001