Cậu Ấm Nguyễn văn Thành – Con trai Đức Chúa Trời đều giống nhau
Tiếp theo phần trước
Hai toán công nhân của Thành và Sanh luôn luôn được Đội trưởng chấp thuận cho đổi đi chung với nhau về cùng một nơi làm việc. Họ tới Bergerac là một làng của Tỉnh Dordogne thuộc vùng Aquitaine, Miền Tây-Nam nước Pháp.
Tới đây, Thành gặp lại Nghinh, Giám thị Đội 14. Trong thời gian làm Giám thị, Nghinh luôn luôn tìm cơ hội xách động công nhân biểu tình, gieo sự chống đối Ban lãnh đạo hoặc chủ làm, hướng công nhân theo quan điểm giai cấp đấu tranh. Năm 1945, Nghinh bị công an tây bắt ở Marseille vì có những hành động chống phá chánh phủ Pháp có tính chánh trị và bị gởi về Sài gòn để ở tù. Ít lâu sau đó, anh vượt ngục và vượt thoát ra Hà Nội, hoạt động nghiệp đoàn, cán bộ cấp lãnh đạo. Sau 30/04/75, Cụ Thành về Sài gòn gặp lại bạn cũ. Nghinh tâm sự với Thành những bất mãn về chế độ mà ông hết lòng phục vụ trước đây, bất kể vào tù ra khám. Giờ đây, ông sống cơ cực, lang thang, không khá hơn thân phận công nhân (M.O.I) lúc ở Pháp. Mà ngay trên xứ sở của mình. Thành được tin ông mất năm 1990 trong nghèo đói.
Những bữa ăn không quên
Về Bergerac, mọi người làm việc vừa lo đối phó với cái đói và bệnh tật do đói sanh ra. Đói và thiếu thuốc men vì chiến tranh làm cho xứ sở kiệt quệ.
Ngoài giờ làm việc, nhiều người đi ra đồng tìm hái rau, trái rừng phụ thêm bữa ăn. Một hôm, họ hái được nấm đem về nấu cháo nấm. Mùi thơm bốc lên ngây ngất làm cho ai cũng thấy đói bụng. Cháo vừa chín, Thành bị đưa đi một công tác thông ngôn gấp vì có vài công nhân bị lôi thôi với cảnh sát. Những người ăn cháo hôm ấy bị đau bụng, bôi dầu nhị thiên đường, cạo gió, không khỏi. Sau cùng đưa đi nhà thương. Bảy người chết do ăn nấm độc cứu cấp không kịp. Từ đó, Thành không bao giờ dám ăn nấm.
Hằng ngày, ai cũng thấy có con chó tới phòng ăn lân la kiếm ăn, nay không thấy nó nữa. Bữa cơm chiều hôm ấy có món ra-gu mùi bốc lên thơm phức. Ai cũng thấy đói bụng.Thành hỏi anh bếp thịt kiếm được ở đâu hay vậy? Anh bếp mỉm cười «bí mật nhà nghề». Ngồi vào bàn, ai cũng hăm hở ăn. Có một người không ăn đĩa ra-gu. Vì lý do riêng. Một Phật tử. Những người khác cố nài ép anh ấy cùng ăn cho vui. Sau cùng, anh ăn và chỉ ăn một miếng nhỏ để bày tỏ tinh thần «đồng hội, đồng thuyền» với nhau. Phần còn lại, các bạn khác chia nhau. Dù sao, «Cờ Tây» cũng đã lên bàn ăn rồi!
Qua hôm sau, mọi người có thêm món thịt ngon lành nữa: món civet, không phải civet lapin (thỏ hầm rượu) mà civet chat (mèo hầm rượu). Thế là từ nay, ở đây, chó hết sủa, mèo hết ngao!
Vấn đề chăm sóc sức khỏe rất may rủi. Ai bị bịnh, có đưa vào nhà thương, cũng chỉ được vài viên thuốc vô thưởng vô phạt. Có khi bịnh nhơn chết chưa kịp uống thuốc.
Nhưng nhà thương lại là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Nằm nhà thương thường là một cuộc hành trình bất phục hồi. Có một công nhân vào nhà thương để mổ ruột dư nhưng khi ra về « ngã sau » lại mất đi một cái thận. Người ta bảo nhau bác sĩ nhà thương thích mổ bệnh nhân, không phải để chữa bịnh, mà để làm thí nghiệm và thực tập. Khi bệnh nhân chết, thân xác sẽ được một nắm mồ cho khỏi lạnh lẽo nơi xứ người?
Một công nhân Việt Nam thoát chết ở nhà thương Le Dantec trở về kể lại chuyện thật chính anh ta chứng kiến.
Người Việt Nam thích món cháo lòng. Lòng bò hoặc lòng heo. Một anh Ba Tàu làm món cháo lòng bán chui tại nhà cho những người quen biết. Ăn cháo, ai có tiền thì trả bằng tiền. Ai không tiền thì trả bằng thuốc lá trong phần nhu yếu phẩm cá nhân của công nhân. Việc buôn bán của anh Ba Tàu ngày càng khấm khá ra.
Ai cũng biết đang ở thời buổi khó khăn, mọi thứ đều khan hiếm, nhứt là thực phẩm nên hỏi anh Ba Tàu các thứ lòng nấu cháo, anh tìm ở đâu ra. Anh Ba Tàu cho biết anh đổi thuôc lá với một anh hàng thịt ở cách đây khá xa.
Tình cờ, một người làm công việc tẩm liệm ở nhà thương kể chuyện sáng nay, anh tẩm liêm một người, khi cho vào hòm, thấy cái xác, ngực mở toan, bên trong trống lỏng. Anh nói chưa bao giờ anh tẩm liệm một cái xác như vậy.
Những người có ăn cháo lòng nghe chuyện kể xong, bèn cùng nhau kéo tới nhà anh Ba Tàu hỏi anh Ba Tàu mua lòng ở đâu? Hãy dẫn họ tới đó. Lúc đầu còn nói chuyện. Sau vài câu, thấy anh Ba Tàu có vẻ lúng túng, họ bắt đầu tra khảo anh Ba Tàu. Thấy tình thế hung hãn, anh Ba Tàu chịu kể lại chuyện thật: «tối hôm qua, anh thấy con mèo tha một cục gì là lạ, anh lấy cục đá chọi con mèo để giành lấy vật đó. Con mèo sợ, nhả ra và anh lượm lên, thấy một trái tim chưa hư hẳn nên anh đem rửa với nước muối và làm cháo lòng». Nghe tới đây, nhóm mấy người khách cháo lòng liền áp tới, túm lấy anh Ba Tàu, kẻ thoi, người đá tơi bời.
Anh Ba Tàu dựng lên câu chuyện con mèo để không khai người cung cấp lòng cho anh, giúp anh kiếm tiền từ ít lâu nay.
Ai thích món cháo lòng và lòng heo luộc chấm mấm tôm, nên cẩn thận, đừng bao giờ ăn ở tiệm Ba Tàu.
Được gắn huy chương anh dũng
Tình hình chiến sự với Đức tới hồi gay gắt. Một hôm, một hạ sĩ quan Tây tới xưởng hóa chất hỏi tìm một lính thợ (công nhân việt nam không chuyên môn – ONS) tình nguyện đi với anh ta về phía cánh đồi trước mặt. Một anh tình nguyện. Hai người ra đi. Một lúc sau, khi bắt đầu leo lên đồi, anh đội Tây đưa khẩu súng mút-cờ-tông (mousqueton) của mình cho anh lính thợ mang dùm để anh ta chỉ còn ống nhòm cho tiện quan sát. Khẩu súng quá dài và khá nặng đối với anh lính thợ Việt Nam trong thế bò lên đồi nên anh ta bò chậm, luôn luôn ở phía sau anh lính Tây và vì vậy mũi súng cứ chĩa thẳng vài đít anh tây bò phía trước. Anh Tây bảo anh lính thợ hãy quay mũi súng lại. Thấy gần tới mục tiêu, anh Tây bảo anh lính thợ bò trước. Bò phía sau anh lính thợ, anh Tây lại thấy mủi súng chĩa ngay đầu của ảnh. Lại không được nữa. Anh bèn thay đổi thế bò, hai người bò ngang hàng nhau.
Lên tới mục tiêu, anh Tây bảo anh lính thợ giử súng, nằm ở đây chờ để một mình anh ta bò lên trên kia quan sát . Thấy phía dưới chân đồi bên kia, lính Đức đang đi . Anh Trung sĩ vội lủi vào một bụi cây núp. Anh lính thợ nằm đó ghìm súng chờ lịnh .
Bỗng, anh thấy bụi cây rung rinh. Anh sợ hãi. Cái sợ tăng mạnh lên. Tay anh ghì chặt khẩu súng. Mồ hôi toát ra. Không chịu nổi nữa, anh bèn bóp cò đại một phát. Bui cây hết rung. Anh yên lòng nằm chờ. Nửa giờ sau, không thấy ông Tây trở lại, anh bèn leo lên tới bụi cây xem có gì lạ không.
Anh hoảng hồn ví ông Trung sĩ chết ngủm do anh bắn lúc nãy. Giờ phải làm sao đây? Anh đành cõng xác Trung sĩ về giao cho đồn lính.
Anh thật thà kể chuyện lại là do anh bắn. Nhưng vì tiếng Tây của anh chỉ có mấy tiếng “ lui …moi… bùm …bùm ”, anh cử động tay nhiều hơn. Những người thẩm vấn anh đã hiểu chuyện. Ho để anh thong thả. Mấy hôm sau, trước sân trại, lính đứng thành hàng chỉnh tề trước cột cờ. Có cả giàn nhạc. Anh được mời tới.
Thôi nay tới số rồi, anh nghĩ bụng. Nhưng không làm cách nào khác hơn là nạp mạng. Anh đi theo người lính hướng dẫn . Anh lấy làm lạ sao anh không bị còng tay như kẻ phạm tội.
Khi ra tới giữa sân, trước mặt một viên sĩ quan cao cấp thì nhạc trỗi lên. Viên sĩ quan lấy tấm mề-đai móc lên ngực anh, đứng thẳng người chào anh, đồng thời tất cả lính tráng đều đứng nghiêm chào. Viên sĩ quan bắt tay anh. Anh ngơ ngác không hiểu gì hết.
Mấy người lính Tây hiểu là anh bắn lính Đức vì lính Đức đã bắn chết anh Trung sĩ. Anh còn cõng xác anh Trung sĩ về trại nên anh xứng đáng được tưởng thưởng huy chương anh dũng tại mặt trận.
Người lính thợ anh dũng này chọn ở lại, lấy vợ đầm, sanh sống tại Bergerac cho tới gần đây mới mất ở tuổi gần 9O .
Đôi giày làm lỡ duyên
Nhóm lính thợ dưới sự giám thị của Nguyễn văn Thành làm việc trong một nhà máy hóa chất ở Bergerac. Nữ công nhân người Pháp và công nhân Việt Nam vì sức yếu được đưa qua làm chung công việc nhẹ nhàng hơn. Họ quen nhau. Một anh công nhân làm quen một cô đồng nghiệp và cả hai đều phải lòng nhau. Ngày nghỉ, anh được cô bạn đầm mời tới nhà chơi . Anh định bụng sẽ ở lại xứ Bergerac này luôn chớ không hồi hương.
Một hôm đi chợ trời trong làng, anh trông thấy một hộp giày phụ nữ với hình vẻ đôi giày trên hộp rất đẹp và theo hình, thì đôi giày cũng cỡ bàn chân cô đầm, bạn của anh. Giá lại rẻ vừa túi tiền của anh nữa. Không do dự, anh liền mua đôi giày, bảo người bán hãy gói ca-đô .
Sung sướng vô cùng, anh liền cầm đôi giày mới mua đi thẳng tới nhà cô bạn để biếu. Quả thật, người nhận quà cũng vô cùng hạnh phúc. Còn chờ đợi gì nữa khi cả hai đều thấy mình đã yêu nhau từ lâu rồi!
Hôm ấy, anh được cô bạn đầm mời cơm nước, với cả rượu ngon . Ăn uống no say, hai người yêu nhau bấy lâu nay không thể kéo dài tình yêu lý tưởng kiểu tình yêu platonique nữa. Mà phải đi vào thực tiển của tình yêu.
Chiều tới, anh thoải mái ra về. Qua ngày làm việc, gặp lại cô bạn, anh vui vẻ tiến tới bi-dzu (bisou = hôn) như thường lệ. Không ngờ vừa đi tới, cô bạn đầm của anh cầm hộp giày ném thẳng vào mặt anh vừa chửi tơi bời. Cũng may, anh không hiều nhiều tiếng tây, chỉ nghe được vài tiếng quen thuộc “sa-lô, công (con) …” . Anh kinh ngạc trước thái độ giận dữ của cô bạn. Khi nhìn hộp giày mở tung ra nằm dưới đất, thấy hai chiêc giày giống nhau, không phải chiếc chân mặt, chiếc chân trái, anh liền hiểu tại sao anh bị hành hung. Anh bị cô bạn đầm từ anh.
Cùng làm việc trong nhà máy hóa chất có phụ nữ Alsaciennes (vùng Alsac, sát biên giới Đức). Những người này rất thân thiện với công nhân Việt Nam bởi ở đây, họ cũng là những ngưòi đồng cảnh ngộ xa xứ. Phụ nữ Alsaciennes có thân người thô, khỏe mạnh hơn phụ nữ ở nhiều nơi khác.
Một hôm, công nhân đang làm việc, Giám thị Thành đi dao trong sân xưởng hóa chất. Anh tiến về đống thùng cạt-tông ở cuối sân . Bỗng anh bị một nhóm phụ nữ Alsaciennes từ trong đống thùng cạt-tông ùa ra ôm cứng. Anh cố sức vùng ra nhưng không thể thoát ra khỏi những bàn tay rắn chắc của các bà này. Các bà cởi quần anh ra, cùng xem, mân mê cái của anh. Xong, các bà mặc lại quần cho anh, rồi cùng cười, bỏ đi.
Mục đích của các bà chỉ muốn khám phá sự khác nhau giữa cái của Âu châu và cái của Á châu như thế nào mà thôi. Các bà hài lòng khi thấy Đức Chúa Trời thật công bằng đã tạo ra ông Adam thì ở đâu cũng đều giống hệt nhau cả.
© Nguyễn thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/80482/cau-am-nguyen-van-thanh-con-trai-duc-chua-troi-deu-giong-nhau/2013/10
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001