Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Chi tiết “quên” trong tiểu sử tướng Giáp

Chi tiết “quên” trong tiểu sử tướng Giáp 




Võ Văn Tạo


Báo Tuổi trẻ ngày 6-10-2013, trên trang 3 đăng tiểu sử đại tướng Võ Nguyên Giáp, bên dưới bài đăng có dẫn nguồn Thông tấn xã Việt Nam. Toàn văn tiểu sử khá tường tận, từ khi còn là cậu học sinh 14-15 tuổi, đến các chức vụ qua từng giai đoạn. Giai đoạn cuối cùng (tháng 4 năm1981 đến tháng 12 năm 1986) ghi: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, có chi tiết trong giai đoạn này bị… “quên”. Đó là năm 1983, vị đại tướng lẫy lừng thế giới của Việt Nam còn “được” phân công kiêm nhiệm chức… “Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch”!

Tương tự câu chuyện Tề Thiên Đại Thánh, 72 phép thần thống biến hóa, bị giao chức Bật Mã Ôn (quan coi ngựa) trong Tây Du Ký, việc tướng Giáp bị giao coi ngó cái vụ… đặt vòng sinh đẻ, gây bức xúc xã hội, trong ngoài đàm tiếu. Nhiều lão thành cách mạng và tướng lĩnh tên tuổi coi đây là việc cố tình hạ nhục đệ nhất công thần khai quốc đức tài hiếm có. Không ít kẻ chê tướng Giáp quá hèn cam chịu. Cũng chẳng ít người coi việc ông tuân thủ vụ giao “đểu” việc như vậy là ý thức chấp hành sự phân công của Đảng, đặt lợi ích đại cục trên hết. Nhiều người cho rằng, đây là biểu hiện cự thể và rõ nét thái độ ganh ghét tị hiềm của mấy chóp bu đối với vị tướng có uy danh quá lớn. Coi đây là một sai lầm tệ hại đáng xấu hổ trong công tác tổ chức của Đảng, họ thật sự lo ngại cho Đảng, cho nhân dân và đất nước, khi lãnh đạo cấp cao chỉ lo giữ miệng, chóp bu tiểu nhân lộng hành như Triệu Cao (*) xứ Tàu thời Tần Nhị Thế.

Lịch sử là lịch sử. Sự thật là sự thật. Lẽ ra, chẳng nên “ém” chi tiết cực kỳ bi hài này như vậy, ngõ hầu họa chăng hậu thế có thể tránh được vết xe đổ?

V.V.T
Tác giả gửi Quê choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
........................
(*): Theo Sử ký Tư Mã Thiên: Triệu Cao làm Thừa tướng, lộng hành tới mức đem hươu để trước mắt vua và đại thần, nói đây là ngựa. Hầu hết đại thần phải nói theo là ngựa. Tần Nhị Thế nghĩ mình bị loạn óc, nhìn ngựa lại hóa hươu.

Tiểu sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(Nguồn: Tuổi Trẻ, 6-10-2013, tr3 - Theo TTXVN)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp , tên khai sinh Võ Giáp, bí danh: Văn.
Sinh ngày 25-8-1911, tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Từ 1925 đến 1926, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào học sinh ở Huế; năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1930, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: Báo Lao động, Báo Tiếng nói chúng ta, Báo Tiến lên, Thời báo Cờ Giải phóng.. . Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ.
Tháng 6-1940, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; được Đảng cử ra nước ngoài gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Năm 1941, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng.
Tháng 12-1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tháng 4-1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Từ tháng 5-1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng.
Tháng 8-1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 3-1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10-1946, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Tháng 01-1948, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam .
Tháng 02-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Từ tháng 9-1955 - 12-1979, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tháng 9-1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương; được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương; được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V và lần thứ VI của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.
Từ tháng 01-1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4-1981 đến tháng 12-1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).
Đồng chí liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.,.

nguồn:http://bolapquechoa.blogspot.no/2013/10/chi-tiet-quen-trong-tieu-su-tuong-giap.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001