Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Hoàng Nhất Phương - Diễm Xưa

Hoàng Nhất Phương - Diễm Xưa 



Hoàng Nhất Phương

Có ai đó nói rằng, sự tình cờ lưu lại trong đáy sâu nội ngã mặc nhiên làm nên những điều kỳ diệu, tạo thành chuỗi nhân duyên thường hằng hiện hữu trong cõi người ta. Rất nhiều khi vì say mê nhìn ngắm thế giới bên ngoài, người ta hoàn toàn không ý thức được những gì đang diễn ra trong lòng. Người ta thật không biết, vì ý niệm giống như tia chớp di chuyển với tốc độ 36.000km trong một giờ. Kịp đến khi sấm động tan biến, người ta mới nhận ra bên ngoài tần sóng âm thanh mạnh mẽ ấy, có tiếng tự tình của giọt mưa rơi trên hàng thành quách cũ. Không gian xám thinh lặng. Tầng tháp cổ thinh lặng. Con phố nhỏ thinh lặng. Tất cả ẩn chìm trong thinh lặng. Chỉ còn phiên khúc chơi vơi dìu mùa thu đi thật chậm, giữa hàng cây lá xanh màu thương yêu. Tưởng như tơ lòng nhặt khoan, ai đi gót nhỏ giữa ngàn thu mơ. Dài tay hong lá đợi chờ, cầu treo mấy nhịp tình thơ đón chào. Tay chiêu đàn khúc thanh tao, thấy em diễm lệ má đào đi qua…

"…Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu."

Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ đã thấy con đường soi bóng chia hai, đi qua muôn dặm truông dài đón đưa. Người về theo thoáng hương xưa, qua sông tiếng sóng dư thừa vấn vương. Nỗi nhớ tan giữa không gian cao vời vợi, mời gọi đàn lên tiếng hát. Sự cần thiết ghi lại một niềm hoài cảm, một lần hạnh ngộ giúp tâm hồn nhạy bén hơn, sắc sảo hơn, tinh tế hơn. Tưởng chừng trí khôn là chiếc máy thu hình, ngay lập tức có thể nhận ra đã từng chụp cảnh sắc này ở đâu, đã từng biết nhân dáng này bao giờ. Tự nhiên những điều mơ hồ nhất, trừu tượng nhất chợt rõ ràng, cho lòng lên tiếng hỏi: Ta là ta, hay ta là cung bậc trầm bổng của tiếng thời gian, đong đưa theo dấu chân em khi lá đổ muôn chiều…

"…Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa."

Đàn buông ngàn phím đều tha thiết, cả một tình yêu khắc khoải chờ. Người nghệ sĩ nhìn mưa trên hàng lá nhỏ, chiều từng chiều mong nhớ, nghe điệu buồn vào thu quạnh hiu bay lượn, biết rõ niềm đau xanh buốt xót xa. Để rồi từ mối duyên hư ảo nói lên tình yêu chân thật, và linh hồn âm nhạc đã làm cho tình yêu ấy trở thành bất tử. Trong thời đại hiện nay, nhân loại vừa được thụ hưởng vừa được chiêm ngưỡng nhiều thành tựu xuất sắc của khoa học công nghệ kỹ thuật, như đi mây về gió trên khung trời cyber, du hành trong vũ trụ, lên tới mặt trăng, vẽ ra biểu đồ về độ sâu đại dương và hạt nhân của nguyên tử. Thế nhưng người ta vẫn rất sợ hãi mỗi khi phải nhìn vào nội tâm của mình, vì nhiều mâu thuẫn tồn tại ở nơi chốn được mệnh danh là tâm hồn ấy. Tuy nhiên nghệ sĩ nói chung, người viết nhạc nói riêng, không sợ. Họ dùng thanh âm dùng câu chữ, viết ra những điều tự thân cảm nhận lúc đi giữa cuộc đời. Cũng bằng cách này, họ lặng lẽ phơi bày điều trọn vẹn và điều dang dở có trong cảnh đời riêng. Họ nói về những vết chim di chưa được người xưa biết. Họ mong mưa thấm lâu trong lòng đất, để cuộc hành trình miên viễn, để người phiêu lãng quên mình đang tham dự một chuyến đi không có hạn kỳ…

“…Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng.
Để người phiêu lãng quên mìnhlãng du.”

Khả năng cảm thụ là tấm gương phản chiếu ý tình có trong vạn vật. Trịnh Công Sơn từng hỏi: "Làm sao em biết bia đá không đau…" Để rồi ông tự khẳng định "...ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau." Điều này không phải chỉ một mình Trịnh Công Sơn biết, nhưng ông đã làm cho niềm đau của sỏi đá trở nên bất tử, khi hát bằng giai điệu huyền nhiệm của "Diễm Xưa." Để người đồng thời với ông, để người đời nay và chắc chắn cả người đời sau đều cảm thương một mảnh đời cô đơn buồn của sỏi đá...Thực thể của sỏi của đá là bằng chứng về một quy trình sinh trưởng. Chẳng ai có thể hiểu khối đá hòn sỏi thở hít khí trời như thế nào, nhưng sự tồn tại của những vật thể này cho người ta biết chúng đang sống. Cũng chẳng cần phải hình dung ra sức sống trừu tượng tiềm ẩn trong đá sỏi. Chỉ cần một thoáng mưa bay, em đi bóng nhỏ nửa ngày sang thu, đã thấy sự gắn bó kết thành tình yêu, đã nghe lòng đớn đau chìm trong hoài niệm…

"…Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau."

Cứ thế người xuôi giòng sóng sâu. Tìm nhau hoài cảm giữa giang đầu. Bến thu tơ biếc chừng lưng giậu. Một ánh trăng ngà vọng nguyệt lâu. Những gì ở đằng trước hay những gì ở đằng sau đều nhỏ bé, nếu so với những gì có trong vườn trí tưởng của mỗi người. Trong vườn trí tưởng rất riêng ấy, sự sáng tạo chừng như rất hoang vu, nhưng vô cùng khởi sắc và tự do. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn cũng hoang vu, cũng khởi sắc và cũng tự do như vậy. Trịnh Công Sơn đi giữa cuộc đời thăng trầm giống như mọi người. Ông chỉ hơn nhân loại ở chỗ đã biến nỗi niềm riêng thành âm nhạc, để nói lên kỷ niệm bất biến của tình yêu. Một khi nếm trải đủ mùi vị của cuộc đời, lặng nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ, cũng giống như Trịnh Công Sơn cõi người ta sẽ hát...

"…Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau."

Hoàng Nhất Phương
5:29am Thứ Tư ngày 02 tháng 10 năm 2013

Hồ Gươm gửi hôm Thứ Ba, 22/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131022/hoang-nhat-phuong-diem-xua
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001