Nguyễn Minh Cần - ĐỌC “CA KHÚC TƯỞNG NIỆM” (REQUIEM) CỦA ANNA AKHMATOVA
at 10/05/2013 11:27:00 AM
Nguyễn Minh Cần
Requiem
(Ca
khúc Tưởng niệm) là một trong những sáng tác nổi bật
nhất của nhà thơ A. Akhmatova. Bà đã phải gánh chịu
biết bao khổ nạn trong những năm khủng khiếp dưới chế
độ độc tài toàn trị. Requiem là tiếng khóc thảm thiết
của người vợ, người mẹ, bị tước đoạt mất chồng,
mất con - tiếng khóc không chỉ riêng cho nhà thơ, mà cho
tất cả mọi bà mẹ, mọi bà vợ, mọi ông bố, mọi
người con, mọi người yêu có người thân đang bị đày
đọa oan uổng trong các nhà tù của chế độ bất nhân.
Tranh
của
họa sĩ N.Altman vẽ A,Akhmatova. Năm 1914
Trong
mấy câu “Thay
lời nói đầu”,
nhà thơ nhắc đến “những
năm khủng khiếp thời Ezhov”, tức
là cái thời đen tối nhất ở trên đất nước vĩ đại
có tên gọi là Liên Xô dưới sự cai trị tàn bạo của
Stalin, nơi đã diễn ra nạn diệt chủng của những kẻ
cầm quyền đối với nhân dân nước mình.
Thời
Akhmatova làm bài trường ca này là vô cùng khắc nghiệt,
cho nên lắm khi bà phải nói bóng gió. Chẳng hạn, trong
“Thay
lời nói đầu”
ta thấy có một câu hầu như không ăn nhập gì lắm với
đề tài: “Một
bận, có ai đó “nhận ra” tôi”,
nhưng nếu chú ý đến hai chữ “nhận
ra”
bà đặt trong ngoặc kép thì có thể hiểu nhà thơ ngầm
ý là có kẻ mật thám nào đó theo dõi, nhận biết được
bà. Điều này nói lên thân phận khốn khổ của nhà thơ
– ngay cả khi đứng xếp hàng cạnh nhà tù để chờ đến
giờ thăm nuôi con, bà cũng bị “người ta” theo dõi,
kiểm soát! Mặc dù vậy, nhiều khi nỗi đau quá sức chịu
đựng, cảm xúc quá mạnh, bà không thể kìm được mình
thì bà vẫn bộc lộ tâm tư thẳng thừng, không còn biết
sợ là gì nữa.
Trong
bốn câu thơ nhập đề,
Akhmatova nói rõ là cả cuộc đời mình, bà luôn luôn gắn
bó với số phận của nhân dân và đất nước thân yêu
ngay cả trong những thời kỳ khủng khiếp nhất:
“Không,
tôi không đứng
dưới bầu trời khác lạ,
Không
một cánh chim khác lạ nào che chở,
Hồi
đó, tôi đã cùng với nhân dân tôi
Ở
nơi mà nhân dân tôi, khốn thay, đã từng ở.”
Chính
vì thế
bà đã khóc mà không chút e sợ cho số phận của “nước
Nga vô tội”
và nhân dân Nga dưới chế độ cực quyền:
“Còn
nước Nga vô tội thì quằn quại
Dưới
những chiếc ủng đẫm máu
Và
dưới những bánh xe tang đen ngòm.”
,,,
“Tôi luôn luôn nhớ đến họ khắp nơi khắp chốn,
Cả
trong cơn hoạn nạn mới tôi cũng sẽ không quên họ.
Và
nếu người ta bóp miệng khốn khổ của tôi,
Nơi
qua đó cả trăm triệu người đang gào thét.”
Mấy
chữ “cả
trăm triệu người” là
nhà thơ ngụ ý toàn dân Nga (vì theo số liệu điều tra
dân số Liên Xô năm 1939, toàn Liên Xô có 170 triệu 557093
người, riêng nước Nga có 99 triệu 591520 người).
Trước
mắt nhà
thơ luôn luôn hiện lại hình ảnh những bà mẹ, bà vợ,
anh chị em, người yêu... của các tù nhân đang cùng với
bà đứng rục cẳng xếp hàng dài vô tận cạnh nhà tù
Krestư ở Leningrad để chờ đến giờ thăm nuôi. Cái khổ
nhục này được mô tả trong mấy câu thơ bà tự nói với
mình:
“Giá
mà chỉ cho mày xem, hỡi cô gái tinh nghịch,
Được
tất cả bạn bè đều mến thương,
Nữ
chúa bày trò vui nhộn ở Hoàng thôn,
Điều
gì đã xảy đến trong đời mày.
Là
người xếp hàng thứ ba trăm với giỏ nuôi tù
Mày
sẽ đứng rục cẳng dưới khu Thánh giá,
Đôi
mắt tràn lệ nóng bỏng của mày
Làm
băng giá đầu năm tan chảy.”
Trong
bài
trường ca, tội ác của chế độ độc tài bất nhân đã
bị bóc trần không chút ngần ngại trong những câu thơ
đầy chua xót:
“Trước
nỗi đau khổ lớn lao này,
Núi
cao gập mình, sông dài ngừng chảy,
Nhưng
những then cửa nhà tù vẫn chốt chặt.
Còn
sau cánh cửa là những “hang tù”
Và
nỗi buồn đứt ruột.”
“Hồi
đó, chỉ có người chết mỉm cười
Vui
mừng được yên ổn.
Leningrad
như một vật thừa vô dụng
Đung
đưa cạnh những nhà tù.”
Anna Akhmatova thời thanh xuân
Nỗi
buồn của những cuộc biệt ly với chồng, con, người
thân,
với tâm trạng vô vọng rằng sẽ có ngày tái ngộ, với
cảm giác bị tách ra, bị cô lập khỏi mọi người, lạnh
lẽo, cô đơn, côi cút được phản ánh rõ nét trong những
câu thơ vang lên rất thê thảm làm người đọc khó cầm
được nước mắt:
“Sông
Đon yên tĩnh chảy êm đềm,
Ánh
trăng vàng nhợt lọt vào nhà,
Đội
mũ lệch, trăng lưỡi liềm
Vào
thấy một chiếc bóng chơ vơ.
Người
đàn bà này ốm đau khốn khổ,
Người
đàn bà này quạnh quẽ đơn côi.
Chồng
nằm dưới mộ, con ngồi trong tù.
Xin
hãy cầu nguyện cho tôi.”
Trong
bài “Đề
tặng”
mô
tả tâm trạng, tình cảm và cảm xúc của những người
xếp hàng mệt mỏi đứng chờ hàng ngày cạnh nhà tù với
cảm giác không lối thoát, vô vọng, cho dù chỉ một tý
xíu hy vọng cỏn con cũng không dám nghĩ đến. Cả cuộc
đời họ chỉ còn phụ thuộc vào... án quyết sắp được
tuyên bố đối với người thân yêu của mình! Mà án
quyết đó chắc chắn sẽ mãi mãi tách rời những người
thân yêu đó khỏi tổ ấm gia đình, khỏi bố mẹ, vợ
con, người yêu... Nhà thơ đã đưa ra một hình ảnh tương
phản để diễn đạt tâm trạng của mình cũng như của
những người đang cùng bà đứng xếp hàng chờ đợi:
“Vì
ai gió mát hắt hiu?
Vì
ai mơn trớn ráng chiều hoàng hôn?
- Chúng tôi nào có biết!
Khắp
nơi chỉ nghe tiếng khóa tù đáng ghét
Rít
lên ken két
Và
bước chân nặng trịch của lính canh.”
“Gió
mát hắt hiu”
cũng như “ráng
chiều mơn trớn” là
những niềm hạnh phúc cỏn con, những giây phút tự do
mong manh mà thiên nhiên hiến tặng cho con người. Nhưng
những thứ hạnh phúc, tự do đó, dĩ nhiên, không thể
nào đến được với những người đang bị đày đọa
trong tù, mà cũng không đến được với những người
đang rục cẳng đứng chờ ở ngoài nhà tù, nóng lòng
muốn được vào thăm nuôi người thân hay hồi hộp đợi
chờ án quyết. Những người này chỉ nghe thấy những âm
thanh khó chịu, “đáng
ghét”
của “tiếng
khóa tù” “rít lên ken két”
và “những
bước chân nặng trịch của lính canh”
mà thôi.
Còn
khi án quyết đã tuyên bố:
“Án
quyết vừa tuyên... Tức thì dòng lệ trào lên,
Tôi
đã bị tách khỏi mọi người,
Như
thể sự sống bị rút ra từ con tim đau đớn,
Như
thể bị quật nhào ngã nằm sấp mặt,
Nhưng
vẫn đi... lảo đảo... cô đơn...”
Anna
Akhmatova, con
người mảnh mai, xinh đẹp và tài hoa như thế mà phải
chịu đựng biết bao khổ nạn dưới chế độ toàn trị!
Đọc những câu thơ của bà, độc giả cảm thấy dường
như nhà thơ tự đặt cho mình câu hỏi: Làm sao một đất
nước vĩ đại, như nước Nga, mà có thể cho phép một
chế độ quỷ quái, mất nhân tính như thế tồn tại
được?
Và
nỗi khổ đau cho cái riêng
của nhà thơ xoắn quyện với nỗi đau cho cái chung của
cả dân tộc.
“Họ
bắt con đi vào lúc rạng sáng,
Mẹ
đi theo con như bước theo quan tài.
Trong
buồng tối lũ trẻ khóc lóc,
Ngọn
nến lụi dần trên bàn thờ Đức Mẹ,
Môi
con đặt lên tượng thánh giá lạnh,
Trán
con đầm đìa mồ hôi chết chóc...
Trời
ơi, mẹ không thể nào quên được!”
Nỗi
khổ nạn đã lên đến điểm đỉnh, người đàn bà
dường như không còn nhận thấy gì quanh mình được nữa.
Cuộc đời bà đã trở thành một cơn ác mộng bất tận,
và những câu thơ sau nói lên tâm trạng đó của bà:
“Không,
không phải tôi, mà là ai khác đang đau khổ.
Tôi
không thể chịu được như thế, còn những gì đã xảy
ra
Xin
hãy đậy kín lại dưới những tấm dạ đen
Và
hãy cất đi những chiếc đèn...
Đêm. ”
Người
đọc tự hỏi: Có thể nào một con người bình thường
gánh chịu nổi những khổ nạn mà số phận đã giáng
xuống cho bà? Chỉ một phần nhỏ những khổ nạn đó
có khi cũng đủ làm cho người ta suy sụp, điên lên và
muốn chết. Nhưng bà vẫn sống... Bà tưởng nhớ lại
thời thanh xuân khi bà còn xinh tươi, vui vẻ, sống hồn
nhiên, vô tư lự, và bà nói chuyện với chính mình...
Nhưng sự ly biệt với cậu con trai độc nhất, những nỗi
lo âu cho con mình, những ký ức về chồng, con lâm nạn
làm cho bà không chịu được nữa. Bà muốn “giết
chết hẳn trí nhớ”
để nó không còn giày vò, không còn đè nặng lên trái
tim của bà...
“Hôm
nay mẹ có nhiều việc phải làm:
Mẹ
phải giết chết hẳn trí nhớ,
Phải
làm sao cho tâm hồn hóa đá,
Và
phải học lại cách sống”.
Những
khổ đau quá lớn đã tước mất ở bà lòng
mong muốn tự nhiên nhất của con người là muốn sống.
Trong tình trạng thảm hại hiện hữu của bà thì cuộc
sống đối với bà không còn ý nghĩa gì nữa. Bởi thế
nhà thơ cầu xin Thần Chết “tới
ngay bây giờ”,
vì nghĩ rằng cái chết sẽ giải phóng cho bà mọi khổ
đau.
“Trước
sau gì ngươi cũng tới. Sao không tới ngay bây giờ?
Ta
đang chờ ngươi đây. Ta đau đớn lắm rồi.
Ta
đã tắt đèn và mở toang cửa cho ngươi,
Ngươi
thật giản dị và tuyệt vời.”
Nhưng
Thần Chết không tới mà “cơn
điên dại” lại
đang tới gần... Trong thâm tâm, nhà thơ cảm thấy “cơn
điên dại” sẽ
đoạt lấy tất cả những gì trước đây là quý báu
nhất của bà, nhưng trong hoàn cảnh này thì dường như
nó sẽ giúp bà quên đi cái thực tại độc ác, mất hết
tình người đã ập xuống và đè nặng trên số phận
của bà.
“Cơn
điên dại đã phủ cánh
Lên
một nửa tâm hồn tôi,
Vừa
chuốc rượu nồng cháy,
Vừa
quyến rũ tôi xuống thung lũng đen ngòm.”
Anna
Akhmatova (1889-1966)
Nỗi
khổ đau vô hạn của con người dưới chế độ mất
nhân tính được biểu hiện rõ nét trong những câu thơ
cao
nhã, tuyệt vời của Akhmatova. Vì thế, có thể nói trường
ca Requiem mãi mãi là bản cáo trạng đối với các chế
độ dựa trên bạo lực và thú tính trên trần gian đầy
tội ác này. Dù vậy, toàn bài trường ca vẫn toát lên
tình yêu thương nồng thắm và sự cảm thông chân thành
giữa những con người khổ đau cùng chung số phận, mà
không hề có chút bóng dáng nào của lòng căm thù và nỗi
uất hận.
“Và
mẹ cầu nguyện chẳng riêng gì cho mẹ,
Mà
cho tất cả những ai cùng xếp hàng với mẹ cạnh nhà tù
Cả
trong giá buốt mùa đông, cả trong nồng nực mùa hè
Dưới
bức tường đỏ rực chói chang.”
Thơ
của Akhmatova giản dị nhưng có một sức mạnh lạ thường
dường như xoáy sâu vào lòng người đọc làm con tim thắt
lại, tâm hồn rung động, và người đọc không thể dửng
dưng, vô cảm được. Nỗi đau lớn lao và những khổ nạn
ê chề của nhà thơ làm
người đọc thấm thía sâu sắc toàn bộ tính bi kịch
của của cuộc sống con người dưới chế độ độc tài
toàn trị.
Moskva,
mùa
đông 2011
Nguyễn
Minh Cần
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/10/nguyen-minh-can-oc-ca-khuc-tuong-niem.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001