Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Quãng đời nhẫn nhục của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Quãng đời nhẫn nhục của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 


Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-10-05
000_HKG2004043072993-305.jpg
Ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ngày 30 tháng 4 năm 2004 tại Hà Nội.
AFP 
Trong bài trước, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã đưa ra nhìn nhận của về con người và công trạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau đây mời quý vị theo dõi tiếp ý kiến của hai nhân vật vừa nói về điều học được từ chữ nhẫn trong cuộc sống của vị Đại tướng huyền thoại Việt Nam.

Không được lắng nghe

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không được trọng dụng như trước mà phải chuyển sang làm những công tác khác. Điều đó được nhiều ý kiến cho rằng ông bị thất sủng cho đến cuối đời. Thậm chí những đóng góp tâm huyết của ông cũng không được lắng nghe như ba lần viết thư gửi trực tiếp đến cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu nên dừng lại dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên vì những nguy hại cho quốc phòng và môi trường.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong những người khởi xướng mạng Bauxite Vietnam, nơi lến tiếng mạnh mẽ về những bất cập của dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nói về những bài học mà người trí thức như ông học được từ phần đời sau này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đến lúc chết:
Bài học về chữ nhẫn của Đại tướng cũng là một bài học lớn, nhưng phải nhìn trong sự phát triển, có chuyển dịch theo tình thế lịch sử thì bài học ấy mới thực sự phát huy được tác dụng.
-GS Nguyễn Huệ Chi
“Bài học lớn của Đại tướng mà tôi thấy rất rõ trong khi đến thăm nhà Đại tướng nhân dịp sinh nhật vào năm ngoái, tôi thấy con người ấy nhất quán giữa nói và làm; một con người khiêm cung, liêm chính từ việc giữ ngôi nhà của mình đúng nguyên trạng như thế, chứ không lo bồi đắp, xây dựng, tô vẽ như bất kỳ một vị lãnh đạo hay một vị quyền chức nào. Tôi thấy đó là một con người có học, một người xuất thân từ nhà Nho và giữ phong cách thanh liêm của một ông quan Việt Nam vốn có từ xưa cho đến nay là thanh, thận, cần: thanh liêm, thận trọng, cần mẫn. Những điều đó toát lên từ ngôi nhà của Đại tướng mà tôi được xem.

000_Hkg9064931-250.jpg
Báo chí Việt Nam đăng tải hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ảnh chụp ngày 05 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội. AFP PHOTO.

Con người ấy như là chỉ báo, là thước đo cho tình hình đất nước. Mỗi khi con người ấy cất tiếng nói lên là đất nước có vấn đề. Dân có thể không hiểu hết tất cả những ý kiến của Đại tướng nhưng mà khi nghe Đại tướng cất lên tiếng nói thì biết đất nước đang có vấn đề nan giải mà phải giải quyết theo hướng nào đấy mới có chiều hướng tốt được. Đại tướng còn và lên tiếng thì lòng dân thấy còn tin tưởng và thấy có ánh sáng dẫn đường để mình có thể yên tâm sống và làm việc trong một xã hội tuy rằng hiện nay có nhiều chuyện nhưng mà vẫn còn có lối ra một cách tích cực.
Thế còn bài học về chữ nhẫn là bài học cho trí thức Việt Nam vì trí thức Việt Nam lâu nay học Đại tướng về chữ nhẫn đó. Tuy nhiên theo tôi chữ nhẫn đó cũng có hai mặt của nó. Mặt tích cực cũng thấy rất rõ, nhưng không phải không có những mặt mà bản thân chữ nhẫn không giải thích được, cho nên phải có những chữ thay thế và bổ sung vào đó. Tôi nghĩ bài học về chữ nhẫn của Đại tướng cũng là một bài học lớn, nhưng phải nhìn trong sự phát triển, có chuyển dịch theo tình thế lịch sử thì bài học ấy mới thực sự phát huy được tác dụng.”

Bị ‘vô hiệu hóa’

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, vào thời điểm trước khi bị bắt, khi được hỏi về nhận xét đối với việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị ‘vô hiệu hóa’ trong quãng đời còn lại ra sao. Ông cho biết:
“Tôi cho rằng cũng như trong xã hội thôi, tâm của một số hay đông đảo người có tâm rất tốt, nhưng chính quyền bất chấp những tâm đó; thì để giải quyết vấn đề chiến lược đó và điều tôi học được từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là suy nghĩ chiến lược chứ không suy nghĩ manh mún, trước mắt có thể người ta phá mình, nhưng về lâu dài nếu ta kiên trì thì sự phá hoại ngày hôm nay sẽ bị lật ngược lại, bị làm cho phá sản trong một tương lai không phải  xa. Và những người phá những nỗ lực để bảo vệ đất nước, phá những nỗ lực xây dựng một xã hội vì con người sẽ bị trừng trị trong tương lai.
Tôi cho rằng cũng như trong xã hội thôi, tâm của một số hay đông đảo người có tâm rất tốt, nhưng chính quyền bất chấp những tâm đó.
-TS Cù Huy Hà Vũ
Bởi vì đất nước Việt Nam là trường tồn, con người Việt Nam là trường tồn, những âm mưu hay những hành vi phá hoại không thể nào vượt qua lịch sử được; nhất là trong thời đại ngày nay với Internet, với những kiến thức có thể rất nhiều tràn ngập Việt Nam, thì những người dân yêu nước từ người dân thường cho đến những vị như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng tướng khác như Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh… kết nối với nước ngoài, tạo thành một sức mạnh tổng hợp mà trước đây chúng tôi ở trong nước thường hay gọi là sức mạnh thời đại; sức mạnh Việt Nam là luôn phải gắn kết với sự hiểu biết, chia xẻ, úng hộ của thế giới mà trước hết là của những người Việt Nam sống ở nước ngoài, thì những kết hợp ấy tạo nên sức mạnh vô biên để bảo vệ vững chắc quê hương Việt Nam không phải tại thời điểm này, ngay tại chỗ trong phạm vi Việt Nam, mà bảo vệ trên phạm vi toàn thế giới.”
Điều mà Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ sẽ nói với những bạn trẻ sau này về nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông từng được gặp gỡ được chia xẻ như sau:
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp xét cho đến cùng là sản phẩm của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, cho nên bất cứ ai có lòng yêu nước, yêu tổ quốc Việt Nam, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam do ông cha ta tạo lập cả hàng đời, hàng nghìn năm nay đều có thể tiếp cận và phát huy tư tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi vì tư tưởng lớn nhất là yêu nước. Nếu yêu nước thì sẽ nghĩ ra những tư tưởng, hành động để giúp nước.”
Ngay sau khi có tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, những ý kiến khác nhau về nhân vật này lại được nêu lên; tuy nhiên hầu như nhiều người đều cho rằng nhân vô thập toàn, tôn vinh hay phê phán tất cả cũng để rút ra những bài học thiết thực nhằm có thể xây dựng và phát triển đất nước làm sao cho người dân Việt Nam ở mọi miền không còn khổ, không có sự cách biệt quá lớn giữa những thành phần trong xã hội, những giá trị phổ quát về quyền con người được thực thi, mọi bất công được luật pháp phân xử một cách công bằng …
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vo-nguyen-giap-passed-away-part-2-gm-10052013094253.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001