Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Teresa Tammer - Hannah Arendt và cuộc cách mạng ôn hòa

Teresa Tammer - Hannah Arendt và cuộc cách mạng ôn hòa 



Teresa Tammer
Phiên, bạn đọc Dân Luận chuyển ngữ
Quyền Lực và Bạo Lực đã đóng giữ vai trò nào trong cuộc cách mạng mùa Thu năm 1989?

1. Mở đầu

Trước đây vài tuần sự kiện thống nhất nước Đức vừa tròn 20 năm. Trong năm 1990, những thay đổi chóng mặt cuối cùng đã đưa đến sự sụp đổ của nhà nước CHDC Đức vào ngày 3.10.1990 mà cho đến trước đó vẫn còn đứng vững, và đã ghi ấn sự thống nhất Đông - Tây. Chỉ chưa đầy mười hai tháng trước đó bức tường Berlin đã sụp đổ, cùng với nó là sự thống trị của Đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức (SED), và toàn bộ nhà nước Đông Đức. Trước hết, chính dân chúng Đông Đức với những ý nguyện thay đổi về chính trị và xã hội của mình đã đóng vai trò quyết định trong tiến trình phát triển đặc biệt nhanh chóng này, và vì vậy cái gọi là "bước ngoặt" phải được gọi là một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, cuộc cách mạng tại Đông Đức mùa thu năm 1989 không nên được xem xét một cách độc lập với các sự kiện khác, mà phải được đặt trong một tiến trình lịch sử lâu dài với các cuộc nổi dậy đưa đến sự sụp đổ của khối cộng sản ở Trung và Đông Âu, và do đó đã kết thúc mối xung đột Đông - Tây thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Không giống như ngày 17 Tháng 6 năm 1953 tại Đông Đức, Hungary năm 1965, Tiệp Khắc năm 1968, hoặc trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào tháng 6 năm 1989, các cuộc biểu tình của dân chúng ở Leipzig và Berlin diễn ra khá ôn hòa. Không có xe tăng Liên Xô xuất hiện, không có chuyện bắn vào đám đông và không có một cuộc thảm sát dân thường, mặc dù điều này chắc chắn là một phương án hành động để lựa chọn.
Hannah Arendt (1904-1975), người từng nghiên cứu các vấn đề của bạo lực liên quan đến các cuộc cách mạng và đặc biệt là liên quan tới các phong trào sinh viên vào thập niên 60 ở Mỹ và Cộng hòa Liên bang Đức, đã không có được cái may mắn chứng kiến cuộc cách mạng ôn hòa này. Trong cuốn sách của mình, Quyền Lực và Bạo Lực năm 1970, bà đã công bố lý thuyết về hai thuật ngữ đó, phân tích sự khác biệt giữa các khái niệm được sử dụng tương tự như nhau và đã chỉ ra sự khác biệt giữa lý thuyết của mình và của những nhà tư tưởng chính trị khác. Trọng tâm của Arendt là lập luận phản bác lại các quan điểm phổ biến trong các tài liệu trước đó, cho rằng Quyền lực và Bạo lực là những khía cạnh của một hiện tượng, trong đó Bạo lực được coi là "biểu hiện rõ ràng nhất của Quyền lực" [1]. Tại đây bà đã đề cập đến Max Weber, Bertrand de Jouvenel, Jean Paul Satre, Rober Strausz - Hupé, Alexander Passerin d' Entrève và nhiều người khác, đó là những người trong các bài viết của họ đã đánh đồng Quyền lực nhà nước với sự độc quyền Bạo lực và đã định nghĩa Bạo lực như là một công cụ của Quyền lực hoặc Quyền lực là hình thức êm dịu hơn của Bạo lực. Đối với Arendt, Quyền lực và Bạo lực là hai thứ đối lập nhau. Bạo lực chỉ có thể phá hủy Quyền lực, nhưng không bao giờ tạo ra được Quyền lực và Quyền lực thực sự dựa trên tính chính đáng của nó chứ không phải dựa vào khả năng sử dụng Bạo lực. Mặc dù, theo Arendt, Bạo lực và Quyền lực thường xảy ra đồng thời và khó có thể tách biệt nhau một cách rõ ràng, chúng vẫn phải được phân biệt về mặt khái niệm.
Bài viết này sẽ bàn đến định nghĩa về các khái niệm của Hannah Arendt và cố gắng xuất phát từ các định nghĩa đó để giải thích tính không bạo lực trong cuộc cách mạng năm 1989. Quyền lực ở đây là khái niệm trung tâm. Ở đâu nó tồn tại và ở đâu nó không còn nữa?
Trong phần đầu của bải viết sẽ đưa ra một cách tổng quan về các điều kiện tiên quyết dẫn đến sự sụp đổ của chế độ SED và dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình. Tiếp theo là việc phân tích về vấn đề Bạo lực hay không Bạo lực trong các sự kiện hồi tháng 10 và tháng 11 năm 1989. Sau đó, sẽ xem xét một cách chi tiết các định nghĩa của Hannah Arendt về Quyền lực và Bạo lực. Cuối cùng, sẽ chỉ ra rằng cuộc cách mạng ở Đông Đức không cần thiết đến sự đối đầu bằng bạo lực, bởi vì Quyền lực và Bạo lực đã không nhất thiết phải cùng nhau xuất hiện.

2. Cuộc cách mạng ôn hòa ở Đông Đức

2.1. Quyền lực bị mất đi tính chính đáng của nó
Nếu không có các cuộc biểu tình đông đảo rộng khắp của người dân Đông Đức thì sẽ không thể có sự sụp đổ của bức tường Berlin và không thể có được sự thống nhất đất nước. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Đức đã trở nên rõ ràng hơn vào mùa hè năm 1989, và người dân đã không còn sẵn sàng chấp nhận chế độ độc tài này nữa. Sự sụp đổ của Bức Tường ngày 9 Tháng 11 năm 1989 là kết quả và là đỉnh điểm cuối cùng của các cuộc biểu tình phản đối diễn ra trong tuần trước tại Berlin, tại Leipzig cũng như ở các thành phố khác của Đông Đức. Ngày 9 Tháng 11 đánh dấu sự kết thúc của chính phủ Đông Đức và của chế độ SED, mà cho đến lúc đó họ vẫn còn hy vọng qua những nhượng bộ sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực và kiểm soát được đất nước. Nhưng cuối cùng cách mạng đã giành được chiến thắng. [2]
Klaus - Dietmar Henke nêu ra mười điều kiện đã đóng góp vào việc động viên đám đông quần chúng ở Đông Đức. Trong số các điều này đó là đường lối minh bạch dưới thời Mikhail Gorbachev ở Liên Xô từ giữa những năm 80, nó cũng đã mở ra cho các nước XHCN anh em một phạm vi hoạt động mới. Cũng trong năm 1975, Đức tham gia ký kết vào tuyên bố chung CSZE [3](Hội nghị về an ninh và hợp tác tại châu Âu), xác định các nguyên tắc quốc tế đảm bảo các quyền cơ bản của con người. Vì thế chế độ SED ngày càng bị lâm vào tình trạng khó lý giải. Sự độc quyền Quyền lực của đảng thống nhất tại các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Ba Lan và Hungary đã bắt đầu sớm lung lay rồi sụp đổ từ những năm 1987-1988. Do đó, sự thù địch với cải cách tại Đông Đức trở nên rõ ràng, là điều trái ngược với các quốc gia khác và đã không đáp ứng được với nhu cầu thay đổi của tình hình. Cái đặc biệt của Đông Đức là nằm gần phương Tây, giáp với Cộng hòa Liên bang Đức. Người dân Đông Đức đã nhận thấy được sự chênh lệch về điều kiện sống giữa Đông và Tây. Ngoài ra, lãnh đạo SED đã không có khả năng để duy trì nền sản xuất và nâng cao năng suất lao động tại Đông Đức ít nhất là ở mức người dân có thể chấp nhận được. Năm 1989, kinh tế Đông Đức đã chạm đáy. Dân chúng mất đi niềm tin vào chính phủ. Khắp nơi chỉ thấy sự thất vọng và bất mãn. Không chỉ trong dân chúng, mà cả trong mọi cấp bậc của bộ máy nhà nước đều có những tiếng nói đặt câu hỏi về đường lối hiện hành và thể hiện sự nghi ngờ vào độ tin cậy của đội ngũ quản lý. Nhà thờ và đặc biệt là Giáo hội Tin lành tại Đông Đức đã đóng một vai trò quan trọng trên con đường tiến tới và thực hiện cuộc cách mạng ôn hòa. Họ là một tổ chức an toàn đối với sự xâm nhập trực tiếp của nhà nước và là nơi trú ẩn cho nhiều loại hội đoàn hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, xã hội và môi trường. Viễn kiến tích cực của các nhóm khác nhau về một Đông Đức tốt đẹp hơn, mà thường xoay quanh các khái niệm về dân chủ cơ sở và nhấn mạnh rằng việc đối thoại là tiền đề cho một khởi đầu mới, đã góp phần đáng kể vào sự thay đổi bằng biện pháp ôn hòa. [4]
Dấu hiệu nổi bật nhất của sự phân rã quyền lực và sự mất đi tính chính đáng của chính phủ Đông Đức là việc hàng loạt dân chúng đã rời bỏ đất nước và chạy sang phương Tây. [5] Từ năm 1961, chính quyền đã cố gắng để ngăn chặn sự di cư của dân chúng bằng các biện pháp đàn áp. Thế nhưng, từ mùa hè năm 1989 việc di cư của dân Đông Đức đã không còn nằm trong tầm kiểm soát. Hàng ngàn người đổ xô đến Hungary, nơi biên giới với Áo chỉ còn là một hàng rào dây thép gai, đổ xô vào các đại sứ quán Tây Đức ở Prague, Warsaw, Budapest và Đông Berlin để tìm đến tự do. Ngày 11.09 năm 1989, chính phủ Hungary đã mở toang biên giới. Chỉ trong vòng một vài tuần đã có tới 50.000 người tự nguyện rời khỏi Đông Đức theo đường này. Sự kiện hàng loạt người rời bỏ đất nước đã khuyến khích các công dân Đông Đức còn ở lại xuống đường và bày tỏ một cách rõ ràng sự không hài lòng của mình một cách to tát hơn trước nữa. [6] Do sự tiến triển của tình hình nên những kể chống lại cải cách tại Đông Đức, cũng như ở Tiệp Khắc, ở Bulgaria và Rumani đã bắt buộc phải nhìn nhận là không thể nào còn có thể ngăn cản việc chia sẻ quyền lực được nữa.
2.2. Cách mạng và tính không bạo lực
"Bước ngoặt" năm 1989 tại hầu hết các nước châu Âu, là một trong những điểm xoay quan trọng của tiến trình lịch sử và chủ yếu mang ý nghĩa tích cực. Tại Đông Đức và CHXHCN Tiệp Khắc sự dứt đoạn đã xảy ra mạnh mẽ hơn, ví dụ như ở Ba Lan và Hungary, nơi cải cách kinh tế và chính trị đã được khởi xướng từ trước đó, và quá trình chuyển đổi xảy ra dần dần. Thuật ngữ "cách mạng" tuy vậy không phải là thuật ngữ gốc, nghĩa là vào mùa thu năm 1989 thuật ngữ này đã không được sử dụng. Chỉ sau năm 1989, nó mới được dùng để nói lện sự đoạn tuyệt rõ ràng với quá khứ. [7]
Vấn đề, các sự kiện 1989 ở Đông Đức đã bất bạo động ở mức nào, chỉ có thể xác định được trong mối tương phản đối với các vụ đàn áp những phong trào tương tự, chẳng hạn như với "giải pháp Trung Quốc" [8] hoặc với việc xử bắn người biểu tình ôn hòa của chế độ Ceausescu ở Rumani. Chế độ độc tài SED vẫn bắt giữ các đối thủ chính trị và phần nào hành hạ họ, nhưng phe đối lập đã không bị giết hoặc bị đưa vào trại cải tạo một cách ồ ạt. Giới cầm quyền đã từ bỏ giải pháp bạo lực, mặc dù có đủ phương tiện để làm điều này. Phillip Ther gọi trường hợp này là sự "tự kiềm chế", bởi vì chế độ này đã phải đối mặt với quyết định hoặc chia sẻ quyền lực của mình hoặc dập tắt đẫm máu các cuộc nổi dậy. [9] Không sử dung bạo lực do đó có nghĩa là một phương tiện nhất định đã bị loại bỏ. Những lý do cho điều này, theo Ther, một là phải nhìn thấy rằng trong thực tế với sự phi Stalin hóa việc đàn áp hàng loạt dân chúng không còn được coi là một tiết mục của hành động chính trị. Thứ hai, từ những năm 80 đã hình thành sự phê phán mạnh mẽ từ công chúng, và chúng cũng đã thể hiện ở các phương tiện truyền thông trên bình diện quốc tế. "Việc sử dụng bạo lực quân sự do đó nguy hiểm hơn, có thể đưa đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây và nguy cơ nội chiến." [10] Sự nhượng bộ, chuyển giao một phần quyền lực cho dân chúng, ban đầu không liên quan tới ý tưởng tước đoạt hoàn toàn quyền lực. Chỉ những suy nghĩ có tính toán và những quyết định có tính chiến lược đã đưa đến việc Công an Nhân dân và Quân đội Nhân dân ngày 9 Tháng 10 năm 1989 tại Leipzig không nhận được lệnh giải tán các cuộc biểu tình. Ngày này đã quyết định tiến trình tiếp theo của phong trào và cho đến nay vẫn được coi là bước ngoặc của sự kiện. Với việc từ bỏ bạo lực quân sự chống lại bảy mươi nghìn người biểu tình, quyền lực nhà nước đã đầu hàng người dân. [11]
Đối với một số nhà khoa học chính trị và xã hội học, cách mạng luôn được gắn liền với bạo lực, nhưng trường hợp của năm 1989 không phải như vậy. Vì vậy câu hỏi đặt ra là liệu sự kiện 1989 nói chung có thể được coi là cuộc cách mạng ôn hòa hay là các khái niệm "ôn hòa""cách mạng" loại trừ lẫn nhau. Phillip Ther nghiêng về phía khái niệm cách mạng, bởi vì với sự thay đổi một phần hay toàn bộ sự cai trị đã dẫn đến sự thay đổi sâu sắc trong hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội tại các nước. Hơn nữa chậm nhất là đến năm 1991 tại tất cả các nước nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô trước đây đã thiết lập các thiết chế dân chủ và pháp quyền. [12] Để có thể đi sâu hơn vào vấn đề bạo lực trong cách mạng, tiếp đây cần phải làm rõ các khái niệm của Hannah Arendt. Xuất phát điểm của bà là bạo lực không phải là đặc điểm thiết yếu của cách mạng.

3. Hannah Arendt và cuộc cách mạng ôn hòa

3.1 Quyền lực và Bạo lực
Luận điểm chính của Arendt là sự trái ngược giữa Quyền lực và Bạo lực.
"về mặt chính trị sẽ không đầy đủ khi nói, rằng Quyền lực và Bạo lực chính là một. Quyền lực và Bạo lực trái ngược với nhau: ở đâu một trong hai cái đó thống trị một cách tuyệt đối, thì cái kia không tồn tại. Bạo lực sẽ xuất hiện, khi Quyền lực bị đe dọa; nếu người ta để cho nó đi theo quy luật nội tại của nó, thì đích đến cuối cùng, đích đồng thời là sự kết thúc, sẽ là sự biến mất của Quyền lực" [13].
Quyền lực, theo Arendt, "trên thực tế thuộc vào bản chất của tất cả các cộng đồng nhà nước, của tất cả các loại nhóm có tổ chức, nhưng bạo lực thì không". [14] Cái đã trao quyền lực cho pháp luật, cho các thiết chế và cho nhà lãnh đạo của một quốc gia, đó chính là sự ưng thuận của người dân. "Quyền lực không cần biện minh, vì nó luôn đã có sẵn trong tất cả các cộng đồng con người. Tuy nhiên nó đòi hỏi tính chính đáng". [15] Một tính chính đáng như vậy được tạo nên khi con người muốn hợp lại với nhau thành một nhóm và muốn để có thể cùng nhau hành động. Như vậy Quyền lực phụ thuộc vào con số người ủng hộ nó. Số các thành viên của một nhóm ủng hộ sự cai trị [nhóm] càng nhiều, thì nền tảng của Quyền lực càng vững chắc. Quyền lực khi không còn được dân chúng hỗ trợ, nó sẽ sụp đổ. [16] Quyền lực do vậy không cần phải biện minh, vì sự tồn tại của nó đã diễn tả tính chính đáng. Quyền lực không hướng đến một mục đích, mà tự thân nó là mục đích.
"Quyền lực phát sinh bất cứ khi nào con người tập hợp lại với nhau và cùng nhau hành động, tính chính đáng của nó không dựa trên các mục tiêu và mục đích, những cái mà mỗi một nhóm đặt ra; nó xuất phát từ đòi hỏi quyền lực, xảy ra cùng một lúc với việc thành lập nhóm. Đòi hỏi về quyền lực được hợp thức hóa dựa vào quá khứ, trong khi đó sự biện minh của phương tiện được thực hiện bởi một mục đích trong tương lai ". [17]
Bạo lực, tuy nhiên, theo như Hannah Arendt, "bản chất của nó mang tính công cụ; giống như mọi phương tiện và công cụ nó luôn cần phải có một mục đích, để điều khiển nó và biện minh cho việc sử dụng nó".[18] Những hành vi được xác định bởi một mục đích sẽ tuân thủ một cấu trúc rõ ràng với sự bắt đầu và sự kết thúc. Mặc dù Bạo lực, ví dụ như trong trường hợp tự vệ có thể được biện minh, cho dù vậy nó không bao giờ là chính đáng. Không giống như sự tạo nên quyền lực, cường độ của bạo lực không phụ thuộc vào số người tham gia, bởi vì vũ khí có hiệu quả tác động không phụ thuộc vào sức mạnh của con người.
"Một trong những khác biệt quan trọng giữa Quyền lưc và Bạo lực đó là Quyền lực luôn luôn phụ thuộc vào số lượng, trong khi Bạo lực ở một mức độ nhất định sẽ không phụ thuộc vào số lượng bởi nó dựa trên các công cụ."
Bạo lực đối với Hannah Arendt là hành động mang tính kỹ thuật. Và như thế những mối quan hệ giữa các cá nhân cũng được tạo nên thông qua các công cụ (vũ khí). "Hoạt động có mục đích kiểu như vậy... tuân theo một quy tắc mang tính kỹ thuật, có một khởi đầu xác định rõ ràng và một kết thúc cũng xác định một cách rõ ràng như thế." [19] Ngược lại hành động chính trị đã làm gián đoạn quá trình có quy tắc. [20] Mục đích cũng hoàn toàn có thể là việc giữ vững Quyền lực thông qua Bạo lực. Trong trường hợp này có khả năng sẽ xảy ra việc đàn áp những cuộc biểu tình và đàn áp sự phản kháng, như tình hình hiện nay ở Iran cho thấy.
"Người ta có thể thay thế Quyền lực bằng Bạo lực, và điều này có thể đem lại chiến thắng, nhưng cái giá phải trả của chiến thắng sẽ rất cao; bởi vì không chỉ kẻ bại trận phải trả giá, mà kẻ chiến thắng cũng phải trả giá cho sự mất mát quyền lực của mình". [21]

Chiến lược dùng Bạo lực đàn áp các tiến triển có nguy cơ đe dọa Quyền lực do vậy không thể ngăn chặn được việc chế độ đang mất dần sự ủng hộ. Bởi vì những cái mà Bạo lực không thể tạo ra được đó là tính chính đáng và sự hỗ trợ cho Quyền lực, là những thứ mà chính Quyền lực dựa vào.
3.2 Cách mạng không có bạo lực
Từ những sự kiện lịch sử và từ các khái niệm lý thuyết của Hannah Arendt tiếp đây ta sẽ rút ra những lập luận chính và kết nối chúng lại với nhau để làm hình thành nên mối quan hệ giữa cuộc cách mạng năm 1989 và tính không bạo lực của nó. Các sự kiện [khi đó] cũng hoàn toàn có thể sẽ tiến triển theo hướng khác. Không nên nhất thiết khẳng định, rằng cách mạng phải ôn hòa. Cái chính muốn đề cập ở đây là việc lý giải về khả năng thay đổi quyền lực một cách ôn hòa.
"Ý tưởng phổ biến, rằng cuộc cách mạng là kết quả của cuộc nổi dậy có vũ trang [đó chỉ là] một câu chuyện cổ tích. Các cuộc cách mạng xảy ra không phải như vây, và ít nhất không phải là qua một tiến tình có sự rút kinh nghiệm, từ bất đồng chính kiến trở thành âm mưu lật đổ, từ phản kháng thụ động tiến tới nổi dậy có vũ trang. " [22] Bạo lực, theo Arendt, không phải là phần chủ yếu của một cuộc cách mạng. Những thành viên của phong trào phản kháng ở Đông Đức cũng vậy ngay từ đầu họ đã tuyên truyền cho từ bỏ bạo lực. Thay vào đó, họ kêu gọi chính phủ tham gia vào một cuộc đối thoại với người dân. [23] Bởi vì, về cơ bản ngay cả trong khái niệm cách mạng của Arendt cũng vậy nội dung chính đã và vẫn là mối tương quan quyền lực chứ không phải sức mạnh vũ khí. Chính quyền cũng thế, từ ngày 9.10.1989 họ đã không phô trương vũ khí nữa, mặc dù điều sau vẫn đúng: "Ở đâu Bạo lực đối mặt với Bạo lực, thì Bạo lực nhà nước vẫn luôn là kẻ chiến thắng" [24]. Bạo lực nhà nước đã quyết định không giải tán cuộc biểu tình lớn ở Leipzig và như vậy, hoặc có lẽ vì như vậy, mà cuộc cách mạng đi theo tiến trình như nó đã xảy ra.
SED [Đảng CS Đông Đức] và những ông chủ cũ của chế độ trong giai đoạn cuối cùng của Đông Đức đã bị mất gần như hoàn toàn tính chính đáng là một đội ngũ cầm quyền. Tình trạng bấp bênh cực kỳ về kinh tế chỉ là một yếu tố dẫn đến việc dân chúng không còn tin tưởng vào chính quyền. Như đã nêu trong 2.1, qua sự so sánh với các nước khác người dân Đông Đức đã có được hình ảnh về sự tan rã trong nội tình đất nước, về sự bất lực của chính quyền và họ đã phản ứng lại. Thêm vào đó việc ra đi hàng loạt của dân chúng qua Áo, Hungary và Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức cho thấy chính phủ Đông Đức đã liên tục bị tước đoạt sự hỗ trợ của người dân. Arendt đã diễn đạt tầm quan trọng của số lượng những người ủng hộ hoặc chối bỏ Quyền lực như sau:
"Tất cả các thiết chế chính trị là những biểu hiện và vật chất hóa của Quyền lực; chúng sẽ bị tê liệt và tan rã ngay sau khi sức mạnh sống động của người dân không còn chống lưng và hỗ trợ cho chúng". [25]
Song, những người tham gia biểu tình tại khu trung tâm Leipzig hay sau đó tại Đông Berlin vào thời điểm này vấn chưa biết, kết cục gì sẽ đến với họ đêm hôm đó. Mặc dù vậy, họ đã tạo nên một dấu hiệu rõ ràng, rằng lãnh đạo một khi không còn có thể kiểm soát nổi không gian công của mình, thì nó đã mất đi một phần hoặc toàn bộ tính chính đáng của nó [26] .
Trước mùa Thu năm 1989, đã từng có những cuộc tập hợp phản kháng trên các đường phố. Những người tìm đến với nhau thông qua quá trình bàn bạc trao đổi và quyết định lựa chọn một hành động chung, họ đã bắt đầu kiến tạo quyền lực, quyền lực đó sẽ cạnh tranh với quyền lực nhà nước. Jürgen Habermas xuất phát từ các bài viết của Arendt đã dẫn ra ba tình huống cụ thể, chúng phản ánh trong một mức độ nào đó tình hình ở Đông Đức và sự thành lập phong trào phản kháng mà tại đấy Quyền lực thể hiện ra:
"a) trong các hệ thống chính trị, [có nhiệm vụ] bảo vệ quyền tự do chính trị,
b) trong sự phản kháng chống lại các thế lực đang đe dọa sự tự do chính trị từ bên ngoài hoặc bên trong, và
c) trong mỗi giai đoạn cách mạng ở đó các thiết chế mới của tự do được thiết lập" [27].
Cùng với mức độ liên tục mất đi tính hợp pháp của chế độ SED, phía đối lập ngày càng giành được nhiều sự ủng hộ. Mặc dù có sự chia rẽ trong các nhóm chủ trương, song lòng mong muốn thay đổi và sự quyết chí xuống đường, bất kể động cơ cụ thể ra sao, đã chính đáng hóa cho mọi nhóm là kẻ gánh vác quyền lực và cuối cùng là chính đáng hóa cho toàn bộ phong trào phản kháng trong trong việc xóa bỏ quyền lực của chế độ cũ . "Max Weber đã định nghĩa Quyền lực là khả năng áp đặt ý chí của mình trên hành vi của người khác. Khác với điều đó, Hannah Arendt hiểu Quyền lực là khả năng đi đến thống nhất một hành động chung trong sự bàn luận trao đổi với nhau một cách tự nguyện". [28] Thành tích tuyệt vời của cuộc cách mạng ôn hòa, việc xóa bỏ các mối quan hệ cũ do đó phải được nhìn nhận trước hết ở trong sự thể hiện ý nguyện chung của hàng ngàn người biểu tình và của các nhà hoạt động khác, chứ không chỉ ở trong thực tế của việc xóa bỏ chế độ Đông Đức. Trong quá trình thống nhất này, bạo lực vắng bóng hoàn toàn.
Quyền lực, dựa vào sự chính đáng [ủng hộ] trong dân chúng, như vậy nó sinh ra một cách phi bạo lực. Bạo lực đến từ sự bất lực của những kẻ nắm giữ quyền lực, nhưng [nó] không thể được thực thi với tất cả các hậu quả của nó, bởi vì Quyền lực cảm nhận thấy, như vậy mình sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm như thế nào. "Bạo lực có thể phá hủy Quyền lực; nó hoàn toàn không có khả năng tạo ra Quyền lực." [29] Ở đây quan trọng là cụm từ "tự kiềm chế", như đã được Phillip Ther sử dụng. Với quyết định không sử dụng bạo lực, lãnh đạo SED đã chỉ ra hậu quả có thể dự đoán được của một sự can thiệp kiểu như vậy sẽ vô cùng nặng nề đối với bộ máy quyền lực, hơn nhiều so với việc khoan dung đối với những người biểu tình. Rõ ràng, rằng "như đã nói bởi vì Bạo lực trên thực tế luôn có thể phá hủy Quyền lực, cho nên nó là mối đe dọa thường trực của chính Quyền lực" [30] Đối với Habermas, điều này được thể hiện như sau: "Không có lãnh đạo chính trị nào có thể không bị trừng phạt khi thay thế Quyền lực bằng Bạo lực; và họ chỉ có thể duy nhất nhận được Quyền lực từ một cộng đồng dân chúng không bị biến chất" [31].

4. Tóm tắt và kết luận

Các sự kiện của mùa thu năm 1989 xứng đáng với tên gọi của một cuộc cách mạng ôn hòa, bởi vì không có Bạo lực, nhưng cũng còn do việc dân chúng chủ động tước bỏ tính chính đáng dẫn đến hệ thống cai trị hiện hành bị lật đổ. Dân chúng đã xuống đường để thể hiện sự bực tức, sự không hài lòng, và cả ý nguyện chính trị của mình nữa. Số lượng đông đảo những người biểu tình và những người đi theo đã đặt dấu hỏi cho tính chính đáng của quyền lực cầm quyền. Được hỗ trợ bởi các phong trào tại các nước xã hội chủ nghĩa láng giềng và của các chính sách của Gorbachev, cơ sở thống trị của chế độ SED đã bị sụp đổ. Việc cuộc cách mạng xảy ra phần lớn là phi bạo lực có thể giải thích được bằng luận điểm của Hannah Arendt, Bạo lực không tạo ra Quyền lực, chỉ có thể phá hủy. Không khẳng định, rằng những thành viên chủ chốt, quyền lực nhà nước, những người tham gia biểu tình đã ý thức được các mối liên quan đó, tiến trình của một cuộc cách mạng phi bạo lực cần phải được thừa nhận, như Hanna Arendt đã nhìn thấy về mặt lý thuyết. Về câu hỏi tại sao cuộc cách mạng lại xảy ra ôn hòa, thay vì đưa ra các sự kiện lịch sử sẽ là câu trả lời sau đây: Cuộc cách mạng xảy ra ôn hòa, không phải vì điều đó là cần thiết, mà bởi vì điều đó là có thể. Bởi vì Quyền lực không dựa trên Bạo lực, mà dựa trên tính chính đáng, cho nên cán cân quyền lực sẽ thay đổi, khi người dân từ bỏ sự ủng hộ đối với sự thống trị này và chuyển sang ủng hộ sự thống trị khác.
---------------
Chú thích
[1] Arendt , Hannah: Quyền lực và Bạo lực, Gisela Uellenberg (transl.), Munich/Zurich năm 1970, trang 36
[2] Xem: Henke, Klaus- Dietmar (ed.): 1989, In: Henke , Klaus- Dietmar (ed.): Cách mạng thống nhất đất nước vào năm 1989/90. Khi mà ở Đức thực tế đã vượt qua sự tưởng tượng, Munich 2009, trang 11ff .
[3] Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu
[4] Xem: Henke, Klaus- Dietmar (chủ biên ), 1989, trang 15ff.
[5] Cho đến khi xây dựng bức tường Berlin đã có 3 triệu người rời bỏ CHDC Đức. Từ năm 1961 đến 1988 đã có 600.000 người tị nạn. Ngoài ra, khoảng 33.000 tù nhân chính trị đã được Tây Đực chuộc lại trong thời gian đó .
[6] Henke , Klaus- Dietmar (chủ biên ), 1989, trang 26f .
[7] Xem : Ther Phillip: 1989 - Một cuộc cách mạng thương lượng, trong: Gerberngasse, Tạp chí hàng quý Thuringer về Lịch sử đương đại và Chính sách, tháng 3/2010, trang 11
[8] Đây nói về vụ thảm sát người biểu tình ở Thiên An Môn ngày 4 Tháng Sáu năm 1989 ở Bắc Kinh.
[9] Xem: Ther Phillip: 1989 - Một cuộc cách mạng thương lượng, trong: Gerberngasse, Tạp chí hàng quý Thuringer về Lịch sử đương đại và Chính sách, tháng 3/2010, trang 15
[10] Như trên, trang 16.
[11] Xem Green Tree, Robert: Thống nhất nước Đức. Tổng quan từ năm 1945 đến nay, Berlin 2010, trang 65
[12] Xem: Ther Phillip: 1989 - Một cuộc cách mạng thương lượng, trang 11
[13] Arendt, Hannah: Quyền lực và Bạo lực, Gisela Uellenberg (transl.), Munich/Zurich năm 1970, trang 57
[14] Arendt, Hannah: Suy nghĩ không có điểm vịn. Bài viết và thư từ, Heidi Bohnet/Klaus Stadler (ed.), Tập 601 trong loạt bài viết của Liên bang về Giáo Dục Công Dân, Bonn năm 2006, trang 89
[15] Như trên, trang 90
[16] Như trên.
[17] Như trên.
[18] Như trên, trang 89.
[19] Arendt, Hannah: Suy nghĩ không có điểm vịn, trang 89
[20] Xem: KULLA, Ralf: Quyền lực chính trị và bạo lực chính trị. Chiến tranh, bạo động và dân chủ , sau Hannah Arendt và Carl von Clausewitz, Hamburg năm 2005, trang 45
[21] Arendt, Hannah: Suy nghĩ không có điểm vịn, trang 92
[22] Arendt, Hannah: Quyền lực và Bạo lực, trang 49
[23] Xem: Maier, Charles S.: Tiểu luận: Cuộc cách mạng Đông Đức, trong: Henke , Klaus- Dietmar (ed.): Cách mạng thống nhất đất nước vào năm 1989 /90. Khi mà ở Đức thực tế đã vượt qua sự tưởng tượng, Munich 2009, trang 553
[24] Arendt, Hannah: Quyền lực và Bạo lực, trang 49
[25] Như trên, P 42.
[26] Xem: Maier, Charles S.: Tiểu luận: Cuộc cách mạng Đông Đức, trang 564
[27] Habermas, Jürgen: Chính trị, Nghệ thuật, Tôn giáo. Tiểu luận về triết học hiện đại, Stuttgart, 1989, trang 106
[28] Như trên, P 103.
[29] Arendt, Hannah: Quyền lực và Bạo lực, trang 57
[30] Như trên, P 56.
[31 ] Habermas, Jürgen: Chính trị, Nghệ thuật, Tôn giáo, trang 108.
Hồ Gươm gửi hôm Chủ Nhật, 06/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131006/teresa-tammer-hannah-arendt-va-cuoc-cach-mang-on-hoa
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001