Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Truyền thông quốc tế nói về sự ra đi của tướng Giáp

Truyền thông quốc tế nói về sự ra đi của tướng Giáp 



|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng McNamara 1995 tại Hà Nội
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng McNamara 1995 tại Hà Nội
Trong khi các cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước Việt Nam như VTV, báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân còn im lặng thì rất nhiều các hãng thông tấn và báo chí quốc tế đã đồng loạt đưa tin ngay chiều ngày 4/10/2013 về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người từng chỉ huy chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, giúp chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam.
AFP đưa tin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng của Việt Nam với những chiến thuật tài tình để đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, qua đời ở tuổi 103.
Hãng thông tấn của Pháp nhắc đến việc Tướng Giáp là người Việt Nam được thế giới biết tới nhiều chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là người thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những chiến thuật du kích của ông đã truyền cảm hứng cho phong trào chống thực dân khắp toàn cầu.
Hãng tin cũng nói về phản ứng của những người dùng Internet tại Việt Nam sau khi sự ra đi của Tướng Giáp được công bố. “Xin hãy yên nghỉ, người anh hùng của nhân dân. Ông sẽ mãi mãi là vị tướng vĩ đại nhất của chúng tôi”, AFP dẫn bình luận của một người dùng mạng xã hội.
Với dòng tiêu đề “Tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam từ trần”, hãng truyền thông BBC đưa tin vị tướng Việt Nam từng quân sư cho những chiến thắng chống Pháp và Mỹ, vừa qua đời ở tuổi 103. Báo cho biết việc ông Giáp đánh bại quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954 đã chấm dứt chế độ thuộc địa trong khu vực.
“Ông tiếp tục giám sát cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân chống lại Mỹ năm 1968, và thường được cho là một trong những nhân tố khiến người Mỹ rút lui”, hãng này viết.
Trong khi đó, hãng thông tấn Mỹ AP cho hay Tướng Giáp nổi lên “là một lãnh đạo của đội quân áo vải, gồm những du kích quân đi dép xăng đan làm từ lốp xe, kéo từng cỗ pháo qua những ngọn núi để bao vây và tiêu diệt quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954″. Chiến thắng đó, vốn vẫn đang được giảng dạy trong các trường quân sự, không chỉ đưa Việt Nam đến độc lập mà còn đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương và xa hơn thế nữa, AP viết.
“Sau Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20″, hãng tin Bloomberg dẫn lời Stanley Karnow, một tác giả từng được giải Pulitzer, viết về chiến tranh Việt Nam, hồi năm 2008. “Ông là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối”, Stanley cho biết.
Bản điện tử của Nhân dân Nhật Báo, Tân Hoa Xã và các báo Trung Quốc cũng đưa tin vị tướng lãnh đạo cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam qua đời. Tân Hoa Xã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam, là người sáng lập ra quân đội nhân dân Việt Nam, đánh bại hai cường quốc quân sự trên thế giới. “Ông được người dân Việt Nam tôn kính, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh”, hãng thông tấn Trung Quốc đánh giá.
Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp qua đời lúc 18h09 chiều nay tại Viện quân y 108 ở Hà Nội khi ông vừa qua tuổi 103. Thi hài của ông được chuyển từ khu chăm sóc đặc biệt đến nhà lạnh trong sự nghiêm cẩn của những người lính bồng súng.
Sinh ngày 25/8/1911 tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ một thầy giáo dạy sử đã trở thành “người anh cả” của lực lượng vũ trang Việt Nam, là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bản tin trên CNN thu hút hơn 3000 bình luận của độc giả. Bản tin nói tướng giáp đã “giúp lực lượng Cộng sản” đánh đuổi thực dân Pháp và sau đó là Mỹ ra khỏi Việt Nam. Ông cũng đã giúp “phiến quân của Hồ Chí Minh thành lập quân đội” và cuối cùng “đã lãnh đạo đội quân đó”.
Tin cũng nhắc tới chiến dịch Mậu Thân 1968 tấn công bất ngờ vào hàng chục thành phố và làng mạc khiếnn cả 2 bên đều bị thương vong nặng nề.
Trong khi đó, các hãng tin từ các đông Âu như Ba Lan, Hungaria Séc đều có tin bài ít giờ sau cái chết của vị đại tướng Việt Nam.
Tờ báo Hungaria gọi ông là “Napoleon đỏ” và nhận định: Gần như hoàn toàn là công lao của ông khi các lực lượng quân đội Việt Nam đã chiến thắng quân Pháp tại Điện Biên Phủ (năm 1954) sau cuộc chiến tranh du kích đẫm máu kéo dài 8 năm, nhưng ông cũng là Tổng tham mưu trưởng (QĐNDVN) trong suốt cuộc chiến Việt Nam, và ông cũng là người đã tổ chức các đơn vị tự vệ Bắc Việt trở thành một quân đội.
Liên quan tới cuộc chiến Việt – Mỹ, tướng Giáp có vai then chốt khiến quân đội Hoa Kỳ phải rút khỏi Việt Nam. Ông là người giám sát nhiều chiến dịch lớn, như chiến dịch tết Mậu Thân (1968) làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến, và chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc chiến tranh (năm 1975).
Báo Ba Lan cũng với cách gọi trên cho hay,  tướng Giáp là người gần gũi với Hồ Chí Minh, người “đã dẫn dắt dân tộc tới độc lập”.
Bài báo nhấn mạnh, Võ Nguyên Giáp là bậc thầy của chiến tranh du kích. Ông là người tự học, chưa từng tốt nghiệp một học viện quân sự nào. Ở Việt Nam trong nhiều năm qua, ông được coi như anh hùng. Nhưng sau năm 1975, xuất hiện xung đột với Lê Duẩn “nhân vật quyền lực thứ 2 (sau Hồ Chí Minh) trong hệ thống chính trị Việt Nam” và ông bị thất sủng.
Tờ ČTK của Séc đánh giá, chiến thắng Điện Biên Phủ do đại tướng Giáp lãnh đạo đã làm sụp đổ tham vọng chiếm thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Vào năm 1954, ở Điện Biên Phủ, 2200 quân binh Pháp đã tử trận, 10 000 quân đầu hàng và rất nhiều tù binh chết khi bị dẫn giải về trại giam cách đó 800 km. Nhưng trong trận chiến này, Việt Nam cũng mất đi 8000 đến 10000 quân, tức vào khoảng một phần tư quân đội của mình.
Tờ báo nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ của một đội quân không được trang bị vũ khí tối tân cùng một tướng quân không qua đào tạo chiến đấu bài bản.
Tổng hợp từ nhiều nguồn
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/80241/truyen-thong-quoc-te-noi-ve-su-ra-di-cua-tuong-giap/2013/10
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001