Cải tổ Kinh tế tại Trung Quốc: Biết dễ làm khó
Ngô Nhân Dụng
Vào
năm 2009, trong số 10 công ty giá cao nhất thế giới (tính theo tổng số
giá các cổ phần), đứng đầu là PetroChina (lúc đó trị giá hơn 340 tỷ),
thứ nhì là Exxon Mobil, một công ty Mỹ đã làm nghề khai thác dầu khí hơn
100 năm.
Trong mười công ty lớn nhất này, Trung Quốc chiếm bốn chỗ;
Ngân hàng Công thương (ICBC), đứng hạng ba, Ngân hàng Kiến thiết (CCB)
đứng hạng 8 và Công ty viễn thông China Mobile đứng hạng 6. Công ty dầu
khí Petrobas, của nước Brazil đứng hạng 9 cũng là một xí nghiệp quốc
doanh. Sau cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008, kinh tế các nước Âu Mỹ
bị đình trệ, trong mấy năm liền Mô hình Kinh tế Trung Quốc được nhiều
người khâm phục, muốn bắt chước. Trong thời gian đó, các công ty quốc
doanh khắp thế giới đều lên giá. Trong đám mười công ty lớn nhất vào năm
2009, nước Mỹ chỉ góp mặt với ba công ty, Exxon, Walmart, và Microsoft.
PetroChina
bắt đầu bán một số cổ phần trên thị trường Thượng Hải năm 2007, là một
công ty lớn, chiếm độc quyền một thị trường tiêu thụ hàng trăm triệu
người, họ lại được Chính phủ Bắc Kinh giúp đỡ. Đó là những điều kiện rất
thuận lợi để kiếm ra tiền, nhiều nhà đầu tư muốn được chia một miếng
trong cái nồi cơm có bảo đảm đó bảo nhau mua cổ phần; cho nên chỉ trong
một thời gian ngắn, giá cổ phần của PetroChina tăng vọt lên. Có lúc, đem
cộng các cổ phần của PetroChina thì giá trị lên tới một ngàn tỷ mỹ kim,
lớn hơn tất cả các công ty quốc tế khác, từ Âu Mỹ qua Á châu vào lúc
đó! Trong lịch sử chưa một công ty nào trên thế giới đạt tới giá trị
1000 tỷ đô la. Mà cho tới hôm nay cũng không có. Như trong năm 2013,
công ty có giá trị cao nhất thế giới là Apple, chắc ai cũng biết cái tên
này. Tổng số các cổ phần của Apple (vào đầu tháng Mười 2013) chỉ lên
tới 450 tỷ đô la thôi; công ty đứng hạng nhì vẫn là Exxon Mobil, giá trị
tổng cộng chỉ hơn 310 tỷ! Còn PetroChina bây giờ ra sao? Hiện đang họ
đứng hàng thứ 10. Nếu đem cộng tất cả các cổ phần của PetroChina lại,
tổng số giá trị chỉ còn là 230 tỷ đô la. Ngày 2 tháng Chín 2013 vừa qua,
Chủ tịch công ty là Tưởng Khiết Mẫn (蒋洁敏,Jiang Jiemin) đã bị ngưng
chức; ông ta bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng!” Đó là một
cách nói khéo, vì không muốn nói tới chữ “tham nhũng”.
Trị
giá của PetroChina đã lên cao rồi tụt xuống, cùng với uy tín của cái
gọi là Mô hình kinh tế Trung Quốc. Trong những năm 2007, 08, kinh tế Mỹ
và các nước Tây phương suy thoái, nhiều người nhìn về phía nước Trung
Hoa. Họ thấy kinh tế Trung Quốc thoát được tai họa này, vì các quyết
định quan trọng nhất nằm trong tay nhà nước, các ngân hàng lớn, các đại
công ty đều do nhà nước kiểm soát. Mô hình này gọi là “tư bản nhà nước”,
tức là cũng sử dụng cơ chế thị trường như lối tư bản nhưng mọi quyết
định lớn đều do nhà nước nắm vai chủ động chứ không phải tư nhân.
Nhưng
từ năm 2009 đến nay, số phận của các công ty và ngân hàng quốc doanh đã
xuống, tại Trung Hoa cũng như ở Nga và Brazil. Những nhược điểm của
kinh tế chỉ huy lại xuất hiện, ngày càng thấy rõ hơn. Kinh tế ở Mỹ đang
hồi phục từ từ; trong khi đó thì Trung Quốc đang phải giảm bớt tốc độ
phát triển để tránh cho thị trường địa ốc không nổ như bong bóng và các
ngân hàng khỏi phá sản vì nợ xấu chồng chất. Nếu hai điều đó xảy ra thì
địa vị của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ lung lay.
Đầu
tháng 11 năm 2013 hội nghị Trung ương kỳ thứ ba (khoá 18) của Đảng Cộng
sản Trung Quốc đã công bố những quyết định cải tổ kinh tế sâu và rộng
hơn, chính vì muốn tránh nguy cơ kề trên. Trước ngày họp, ông Du Chính
Thanh (Yu Zhengsheng, 俞正声), nhân vật đứng hàng thứ tư
trong Thường vụ Bộ Chính Trị đã báo rằng hội nghị sẽ đưa ra những quyết
định mới “chưa bao giờ thấy”. Hoàn cầu thời báo, tiếng nói của
đảng Cộng sản, đã so sánh các quyết định của hội nghị vừa rồi với hội
nghị Trung ương thứ ba năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu thay đổi
toàn thể cơ cấu nền kinh tế.
Một cái bẫy dễ sụt chân
Những chính sách mới được đưa ra để cứu nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi cảnh bế tắc vẫn được đặt tên là “cái bẫy của mức lợi tức bậc trung” (middle income trap).
Giới lãnh đạo Trung Quốc được các chuyên gia kinh tế của họ cho biết về
mối nguy này. Hai ông Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường có
vẻ quyết tâm dẫn nền kinh tế quay sang một ngã rẽ. Nhưng giới lãnh đạo
Trung Quốc có thực hiện được những cải tổ cần thiết đó hay không, và
thực hiện với tốc độ nào, đó còn là một câu hỏi khó trả lời. Bởi vì biết
thì dễ, làm thì khó. Cũng giống như ai cũng biết người bệnh mập phì
phải bớt ăn và tập thể dục, nhưng vẫn không kiêng được, Vì mỗi cuộc thay
đổi cơ chế đều khiến cho nhiều người mất những quyền lợi họ đang được
hưởng. Họ sẽ cưỡng lại, trì hoãn, để giữ nguyên trạng càng lâu càng tốt.
Năm
ngoái, 2012, ông Lý Khắc Cường đang làm Phó Thủ tướng, ông nói rất hoan
nghênh một bản phúc trình, trong đó nói đến mối nguy của “cái bẫy lợi tức bậc trung”. Hai
cơ quan cùng ký tên trên một bản phúc trình về kinh tế Trung Quốc, là
Ngân hàng Thế giới (WB) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc vụ
viện (chính phủ) Trung Quốc (Development Research Centre, DRC,
国务院发展研究中心). Bản phúc trình này gọi là Trung Quốc năm 2030 (中国 2030)
khuyến cáo phải cải tổ sâu rộng cơ chế kinh tế, nếu không sẽ dần dần bị
tắc nghẽn, vì “cái bẫy lợi tức bậc trung”. Nhiều quốc gia đã bị rơi vào
cái bẫy này. Tiêu biểu là những nước như Brazil, Mexico và một số quốc
gia ở Trung Đông. Khi kinh tế các nước đó phát triển tới mức lợi tức
theo đầu người khoảng 5.000 đô la một năm, rồi không tiến thêm được nữa.
Có những nước đã vượt qua được cái bẫy này trong quá trình phát triển,
như Nam Hàn, Đài Loan, Singapore. Hiện nay Trung Quốc đang bước vào mức
lợi tức bình quân 5.000 USD, và chưa thấy bắt đầu các bước cần thiết để
thoát ra khỏi cái bẫy đó.
Quá
trình phát triển bắt đầu thường dễ dàng, kinh tế cất cánh lên nhờ sử
dụng được những tiềm năng trước đó vẫn bị bỏ quên. Ở một số quốc gia, đó
là tiềm năng nằm dưới đất, như quặng mỏ, rừng, biển, vân vân, chỉ cần
lấy từ đất lên mà khai thác sinh ra của cải. Ở một số nước khác tiềm
năng nằm trong số lao động thặng dư chưa được sử dụng đúng mức; cũng có
thể được khai thác; Trung Quốc và Ấn Độ có những khối người sẵn sàng làm
việc, chỉ cần tạo cơ hội cho họ.
Trung
Quốc đã phát triển nhanh trong hàng chục năm, với tỷ lệ tăng trưởng 10%
một năm, nhờ khai thác sức lao động của số dân đông đúc chưa có đủ việc
làm. Nền kinh tế dựa trên hàng xuất khẩu bán với giá rẻ vì tiền lương
trả cho công nhân rất thấp so với thế giới. Số tiền thu vào được dùng để
đầu tư trong các công trình xây dựng, tạo công việc làm cho số dân đông
đúc này. Sức gia tăng của cả nền kinh tế là do hai nguồn đóng góp vào,
lao động và vốn. Mỗi năm có nhiều người làm việc hơn, và thêm tiền vốn
được đem sử dụng. Tất cả các nước Á Đông đã phát triển trong thập niên
1970 đều đi qua chặng đường này: Gia tăng hai yếu tố sản xuất là số vốn
và số người làm việc, tự nhiên các hoạt động kinh tế gia tăng. Nhưng
theo kinh nghiệm của các nước đã đi qua chặng đường này, sẽ tới lúc cả
hai nguồn tiếp sức đó cạn dần. Hơn nữa, trong giai đoạn mới bắt đầu phát
triển, các nước đang lên có ưu thế cạnh tranh là có thể sản xuất với
giá thành rất hạ. Nhưng sẽ tới lúc các công nhân cũng muốn được tăng
lương và giá sử dụng tài nguyên, đất đai, điện nước cũng tăng theo. Đó
là lúc nền kinh tế phát triển tới mức “lợi tức bậc trung”. Vào thời điểm
này, cần có những đột phá. Nếu không thì kinh tế sẽ rơi vào một cái bẫy
trì trệ khó thoát được.
Bước
đột phá chính yếu là làm sao gia tăng sản năng (productivity) của những
người đang làm việc. Cùng một số lao động đang được sử dụng, làm cách
nào cho mỗi người có thể sản xuất được những hàng hóa hay dịch vụ có giá
trị cao hơn? Nói rõ hơn, công việc của người lao động xưa nay vẫn làm
tăng giá trị của những thứ đi qua tay họ, nay phải làm sao cho cái “giá
trị gia tăng” này lớn chứ không nhỏ như trước. Đối với một cá nhân, điều
này dễ hiểu. Một người thợ mộc có thể tăng sản năng lao động nếu dùng
máy móc tinh xảo thay vì dùng cưa, đục cũ kỹ. Những miếng gỗ, ván đi qua
tay anh hay chị ta biến thành những đồ vật, mà phần đóng góp của anh
chị ta trong một giờ làm việc giúp cho giá trị của mấy miếng gỗ tăng lên
nhiều hơn; tức là “giá trị gia tăng” cao hơn.
Trong
toàn thể nền kinh tế, để hiểu khái niệm “gia tăng sản năng lao động”
chúng ta có thể nghĩ tới một thí dụ giản dị. Những nước đã tận dụng sức
lao động rẻ tiền của người dân để kiếm lợi đều biết không thể nào để
người dân mình tiếp tục ngồi bên cái máy khâu hay máy dập làm ra những
món hàng rẻ tiền mãi được. Sẽ tới lúc phải có những công việc tạo ra các
sản phẩm đắt tiền hơn. Từ việc may quần áo, giày dép tiến qua việc lắp
ráp hàng điện tử, đó là dấu hiệu sản năng lao động đã tăng lên rồi.
Người công nhân làm công việc mới này cần hiểu biết nhiều kỹ thuật khó
hơn, họ được trả lương cao hơn. Những linh kiện đi qua tay người thợ,
biến thành một cái laptop hay iPad, có giá trị hơn là những khúc vải qua
tay người ngồi đạp cái máy khâu. Nói theo kinh tế học, các công nhân
mới đã tạo ra “giá trị gia tăng” cao hơn. Nhưng sẽ tới lúc ngay cả việc
lắp ráp hàng điện tử cũng vẫn bị coi là “việc rẻ tiền,” vì không làm gia
tăng giá trị các sản phẩm bao nhiêu so với những công việc đòi hỏi tài
chuyên môn. Thay vì chỉ lo việc lắp ráp, chỉ cần khéo tay; bây giờ tiến
tới trình độ tự mình sản xuất những thứ linh kiện được lắp ráp, cần hiểu
biết kỹ thuật và tổ chức công việc khó hơn. Khi người lao động làm
những công việc có “giá trị gia tăng” cao hơn nữa; cả xã hội cùng thêm
sung túc. Các nước thường bước vào mức “lợi tức bậc trung” sau khi quá
trình công nghiệp hóa bước vào giai đoạn này.
Tuy
nhiên, nếu không tiến xa hơn thì nền kinh tế sẽ rơi vào cái bẫy bế tắc.
Bởi vì ngay trong tiến trình sản xuất lấy hàng hóa, người ta vẫn chỉ sử
dụng những kỹ thuật đã có sẵn, được phát minh từ những nước tiên tiến.
Các kỹ thuật được chuyển giao, hay được nhập cảng, nhưng vẫn là thứ kỹ
thuật do người khác đã phát minh ra. Ngay cả cách tổ chức công việc, các
kỹ thuật quản lý cũng đã được người nước ngoài đặt ra, chỉ cần bắt
chước là đủ. Nhưng bắt chước mãi thì chỉ đi sau người ta mà thôi. Rồi sẽ
tới lúc những lợi thế của mình cũng không còn là lợi thế nữa. Những lợi
thế như lương công nhân rẻ, giá đất đai và chi phí về phúc lợi thấp,
cũng không thể giữ ở mức thấp kém mãi.
Bước
đột phá cần thiết là làm sao các xí nghiệp và những người lao động có
khả năng tự họ cải thiện các kỹ thuật có sẵn, hoặc phát minh những kỹ
thuật mới. Làm được điều này, người ta mới thoát được cảnh sa lầy sau
khi đạt được mức lợi tức bậc trung. Nhật Bản, Đại Hàn Dân quốc và Đài
Loan đã đi qua giai đoạn này, và họ đã thành công. Họ không chỉ sao chép
những kỹ thuật của Âu Mỹ; chính họ đã cải thiện từ kỹ thuật sản xuất
đến lề lối làm việc hoặc phát minh các kỹ thuật mới. Các xí nghiệp Nam
Hàn đã tiến rất nhanh trong việc cải thiện kỹ thuật và phát minh cho nên
đã vượt qua được cái bẫy “lợi tức bậc trung”. Kỹ nghệ xe hơi của Nhật
Bản lúc đầu chỉ sao chép các kỹ thuật và tổ chức sản xuất được phát minh
ở Mỹ hay ở Đức. Đến lúc Toyota nghĩ ra cách tổ chức việc tồn kho theo
phương pháp mới thì sau đó chính các công ty xe hơi ở Detroit hay vùng
Ruhr cũng phải bắt chước, và đi chậm hơn một bước. Singapore, Hương Cảng
đã chuyển hướng nền kinh tế, từ việc chế hóa hàng rẻ bước sang việc
khai thác các ngành kỹ thuật cao và dịch vụ, tự biến thành những trung
tâm nghiên cứu, trung tâm tài chánh quốc tế, trung tâm chuyển tải thương
mại quốc tế, nên không bị rơi vào cảnh sa lầy.
Hiện
nay Trung Quốc đang đứng ngấp nghé trên bờ cái bẫy này. Số phát minh và
sáng chế rất thấp, tính theo đầu người, so với Nam Hàn khi nước này
bước vào mức “lợi tức bậc trung”. Giống như ở Mexico và Brazil trước
đây, nền công nghiệp ở Trung Quốc vẫn chỉ sử dụng những kỹ thuật có sẵn,
được các nước tiên tiến tạo ra chỉ cần đem về sử dụng. Đó là chưa kể
những chướng ngại khác cản trở bước tiến, vì những thói quen do quá khứ
chế độ chỉ huy kinh tế đã thành nếp không xóa bỏ được. Đó là nạn tập
trung quyền hành, nạn tham nhũng và sử dụng người, thăng thưởng người
dựa vào bè đảng chứ không theo khả năng.
Bản
báo cáo “Trung Quốc 2030” đã khuyến cáo Chính phủ Trung Quốc phải thay
đổi lề lối làm kinh tế; đã viết rõ ràng: “Nếu các quốc gia không gia
tăng sản năng lao động qua các sáng kiến, phát minh, thì họ sẽ rơi vào
cái bẫy. Trung Quốc không cần phải chịu số phận đó”. Một mối lo là cơ
cấu dân số đang thay đổi, số người già ngày càng đông còn số người trong
tuổi lao động thì xuống. “Trung Quốc đang đi tới một khúc quanh trên
đường phát triển, khi cần phải có một ngả rẽ chiến lược mới từ nền
tảng”, bản báo cáo nhấn mạnh. Những yếu tố giúp Trung Quốc phát triển
nhanh chóng trong các năm qua đang dần dần biến mất. Nhà nước đóng vai
chủ động trong các ngành chủ yếu là một ưu thế trong thời kỳ sơ khai,
trong tương lai sẽ là một chướng ngại cho sức sáng tạo. Vai trò của lãnh
vực tư nhân sẽ có tính chất quyết định, vì vùng biên cương mới của phát
minh, sáng chế có tính chất khác hẳn thời kỳ chỉ cần cóp nhặt các phát
minh cũ cũng giúp kinh tế chạy theo kịp các nước tiến bộ. Công việc này
không thể nhờ hoạch định tập trung được nữa.
Một trong những tác giả của báo cáo là ông Lưu
Hạc (Liu He, 刘鹤), nhân vật thứ nhì trong Trung tâm Nghiên cứu Phát
triển (DRC). Lưu Hạc ngồi trong Ủy ban soạn kế hoạch ngũ niên mới đây;
là một cố vấn cho Thường vụ Bộ Chính Trị, và được coi là rất thân cận
với ông Tập Cận Bình. Ông là người soạn thảo nghị trình các phiên họp,
quyết định những thông tin nào sẽ được đưa tới mắt những người lãnh đạo,
đề nghị các giải pháp cho họ lựa chọn. Những viên chức Mỹ thường gặp
ông cho biết ông vẫn nói với họ rằng các nước ngoài có thể tạo áp lực và
nêu ý kiến để giới lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm thay đổi mạnh hơn.
Những quyết định mới sau hội nghị Trung Ương thứ ba vừa qua phản ảnh mối
quyết tâm này.
Biết dễ làm khó
Sau
phiên họp bốn ngày của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, kết thúc
ngày 12 tháng 11 năm 2013, họ công bố từ này “Thị trường sẽ đóng vai trò
quyết định trong việc phân bố tài nguyên”. Đó là một bước tiến mới, vì
trước đó ngôn ngữ chính thức của Trung Cộng chỉ coi thị trường đóng “vai
trò cốt yếu”. Đặc biệt, họ lại nhắc đến vai trò của thị trường trong
việc “phân bố tài nguyên”, khiến người ta thấy sẽ có một cuộc cải tổ
trong việc điều hành hệ thống ngân hàng, để cứu nguy cả hệ thống ngân
hàng đang chứa đầy những món nợ khó đòi và các cấp chính quyền địa
phương mắc nợ chồng chất.
Hệ thống ngân hàng nằm
trong tay nhà nước, trả tiền lãi rất thấp cho dân chúng gửi vào, rồi
đem cho các xí nghiệp nhà nước vay, đã gây ra cảnh khó khăn này. Tổng số
nợ ở nước Trung Hoa từ năm 2006 đến 2012 đã tăng từ 125% lên tới 210%
GDP. Nhưng các món tiền cho vay đó được dùng như thế nào? Rất nhiều “thị
xã ma” đã xuất hiện, gồm những ngôi nhà và cao ốc mọc lên mà không có
ai mua hoặc thuê. Nhiều thứ hàng hóa sản xuất ra được chất đống trong
nhà kho, bến cảng, từ than đá, đồ chơi, cho tới các máy điện dùng trong
nhà, không tới tay người tiêu thụ. Ai cũng thấy cứ mỗi lần nhà nước nới
tay để các ngân hàng được cho vay thì lập tức có một phong trào xây dựng
lên cao. Số thương xá và cao ốc đã xây dựng rồi mà hiện nay vẫn chưa ai
thuê hoặc mua sẽ phải chờ chín năm nữa mới được sử dụng hết. Một nhà
phân tích đã nhận xét: Kinh tế Trung Quốc đang “tự buộc thòng lọng” trên
cổ mình vì bị lệ thuộc vào hành động cho vay không cần biết nợ có được
hoàn lại hay không (Patrick Chovanec, Trưởng chiến lược đầu tư, Công ty
Silvercrest Asset Management tại New York).
Các
ngân hàng cũng bơm tiền cho chính quyền các địa phương, dùng vào các
công trình xây dựng lớn. Đường lối này được các cán bộ hoan nghênh; vì
họ có thể trưng ra các con số xây dựng lên cao chứng tỏ địa phương mình
vẫn “phát triển tốt”. Mặt khác, mỗi công trình xây dựng lại là một dịp
cho các “lỏa quan” lớn, nhỏ rút ruột. Số nợ trong các ngân hàng ở Trung
Quốc đã gia tăng trong các năm qua tới tình trạng giống hệt như ở Nhật
Bản, Nam Hàn và Thái Lan trước khi các nước này bị khủng hoảng tài chánh
khiến kinh tế suy sụp. Nhà kinh tế Mao Vu Thức (Mao Yushi, 茅于轼) ở Quảng
Đông chứng kiến cảnh chính quyền các tỉnh, huyện ngày càng mang nợ
nhiều, đã nói thẳng: “Tôi cảm thấy sợ đến chết!”
Chủ trương cũ kỹ đó cần thay đổi. Ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan, 周小川),
đứng đầu ngân hàng trung ương từ năm 2002, chủ trương gia tăng cạnh
tranh trong hệ thống ngân hàng, và tạo cơ hội cho các ngân hàng tư nhân
nhỏ xuất hiện, cũng như nhận thêm vốn đầu tư của của người ngoại quốc.
Một đề nghị của ông là cho các ngân hàng tự quyết định lãi suất trả cho
người gửi tiền, kích thích họ cạnh tranh với nhau; thay vì để nhà nước
quyết định lãi suất. Biện pháp đó sẽ giúp cho người dân bình thường có
thêm tiền khi gửi vào ngân hàng, nhờ thế dân được tiêu thụ nhiều hơn;
đúng chủ trương chuyển tài nguyên từ các vụ cho vay đầu tư phí phạm sang
tay người tiêu thụ. Ông cũng đề nghị thành lập một Quỹ bảo hiểm cho
Người gửi tiền (trương chủ), giống như cơ quan FDCI ở Mỹ. Cơ quan
Federal Deposit Insurance Corporation bảo đảm nếu một ngân hàng khánh
tận thì nhà nước Mỹ sẽ trả lại tiền cho người có trương mục, tới mức
100,000 đô la. Hiện nay các trương chủ ở Trung Quốc gửi tiền vào ngân
hàng đều không có bảo hiểm. Nhưng tất cả hệ thống vẫn chạy, vì ai cũng
tin rằng chính phủ đóng vai nhà bảo hiểm, sẽ bỏ tiền cứu các ngân hàng
nếu bị khánh tận vì không đòi được nợ. Thành lập một Quỹ bảo hiểm cho
trương chủ sẽ giúp cho các ngân hàng tư và nhỏ có thể mạnh hơn. Các ngân
hàng tư này sẽ cho các xí nghiệp tư nhân nhỏ và trung vay tiền, thay vì
bao nhiêu tiền dân để dành bị các ngân hàng của nhà nước chuyển cho các
xí nghiệp quốc doanh. Đó là ý nghĩa của quyết định cho thị trường sẽ
đóng “vai trò quyết định” trong việc phân bố tài nguyên, thay thế vai
trò điều khiển vẫn dành cho bộ máy nhà nước.
Cũng
trong mục đích tạo cơ hội cho thị trường đóng vai trò quyết định, một
thứ tài nguyên khác sẽ dần dần được “giải phóng” là ruộng đất. Nông dân
Trung Hoa được phép bán hoặc cho thuê dài hạn các ruộng đất mà họ được
“quyền sử dụng.” Họ còn được dùng ruộng đất đó để cầm thế cho các ngân
hàng khi vay tiền. Khi nói đến quyền sở hữu, người ta phân tách ra nhiều
thứ quyền. Ngoài quyền sử dụng theo nhu cầu của mình còn có quyền sang
nhượng, quyền cho người khác thuê để dùng, quyền đem cầm thế vật sở hữu
để vay nợ. Nông dân Trung Hoa sẽ được hưởng cả ba thứ quyền, gần như trở
thành chủ sở hữu của ruộng đất, chỉ chưa được chính thức đứng tên sở
hữu mà thôi. Thông báo về hội nghị Trung ương Đảng kỳ ba còn quy định là
trong thị trường ruộng, đất sẽ không được phân biệt giữa nông thôn và
thành thị. Tất cả được mua bán như nhau trong cùng một “thị trường điều
hợp thống nhất”. Bản thông báo đầu tiên sau hội nghị cũng nói: “Chúng ta
phải ấn định những quy luật thị trường công bằng, cởi mở và công khai
trong suốt”.
Với chính sách mới, giá trị ruộng
và đất ở nông thôn sẽ tăng lên, nông dân có thêm tiền tiêu, kích thích
kinh tế và chuyển hướng cả nền kinh tế qua việc gia tăng tiêu thụ thay
vì chỉ đầu tư và xuất cảng. Nhưng đây cũng là những biện pháp chính trị,
nhằm xoa dịu nỗi bất mãn của nông dân. Từ nay, ruộng đất ở Trung Quốc
bắt đầu được thị trường hóa, theo chủ trương “thị trường đóng vai trò
quyết định trong việc phân bố tài nguyên”. Các nông dân sẽ hưởng lợi,
nhưng một hệ quả quan trọng hơn là họ có thể nhân danh chính sách mới
khi chống lại các hành động truất hữu quyền dùng đất, ruộng mà các chính
quyền địa phương vẫn ép dân để lấy đất bán cho các nhà đầu tư.
Một
biện pháp kinh tế có ảnh hưởng lớn khác trong việc phân bố “tài nguyên
lao động” là quyết định thay đổi chế độ hộ khẩu. Hộ khẩu là thứ cùm vô
hình khóa chân các nông dân, gây cảnh sống khó khăn cho gần 300 triệu
người đã lên các thành phố kiếm việc làm và phải đổi chỗ ở. Vì không có
hộ khẩu ở nơi cư trú mới, gia đình họ không được hưởng các dịch vụ như y
tế, trường học cho trẻ em, không được hưởng chế độ hưu bổng của thành
phố, vân vân. Họ trở thành những “công dân hạng nhì” ngay trong đất nước
họ. Chính sách mới sẽ cho phép các di dân được hưởng một số quyền lợi
kể trên, tăng thêm dần dần theo thời gian, bắt đầu áp dụng với các thành
phố nhỏ. Các biện pháp này đã được thí nghiệm từ mấy năm qua, nay trở
thành chính sách chung. Sau khi thí nghiệm trên toàn quốc, sẽ tiến tới
việc bãi bỏ hệ thống hộ khẩu, đã được Mao Trạch Đông sử dụng với mục
đích kiểm soát từ miếng ăn, áo mặc cho đến nơi làm việc, nơi đi học,
giải trí, cho tới nơi chữa bệnh của dân Trung Hoa.
Việc
thay đổi về hộ khẩu gây một hệ quả kinh tế ngay lập tức là khi biết con
cái được đi học trường công, có bệnh được chữa trị miễn phí thì các di
dân sẽ yên tâm tiêu thụ nhiều hơn. Hơn nữa, còn gia tăng số người làm
việc. Nếu số lao động tăng lên thì tỷ lệ phát triển cũng tăng theo. Hiện
nay lương công nhân ở Trung Quốc đã lên cao khiến nhiều xí nghiệp khó
kiếm người làm. Một hệ quả khác là các thành phố phải chi tiêu nhiều hơn
cho các di dân. Nhưng người ta đã tính chi phí cho mỗi di dân chỉ vào
khoảng 2,500 đồng nguyên một năm (hơn 400 đô la Mỹ), có thể chịu được.
Hơn nữa, Tập Cận Bình đã nhượng bộ các viên chức địa phương bằng cách
cho các thành phố được tăng thuế.
Ngoài hai điều
cụ thể liên can đến toàn dân trên đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ mở
cửa thị trường tài chánh rộng hơn cho tư nhân tham dự, khuyến khích các
ngân hàng tư và giới kinh doanh tư nhân; trong khi buộc các doanh nghiệp
nhà nước phải đóng góp thêm tiền cho chính phủ. Chương trình đổi mới
của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được gọi tên là Kế hoạch Tam bát
tam (383). Số ba thứ nhất là mục tiêu cải tổ giúp cân bằng ba ngành,
gồm thị trường, chính quyền, và các doanh nghiệp nhà nước. Vai trò thị
trường sẽ được nâng cao, tất nhiên nhà nước và doanh nghiệp nhà nước sẽ
phải nhường. Tám lãnh vực sẽ được cải tổ gồm có ngân hàng, thuế khóa,
tài sản công, phúc lợi xã hội, ruộng đất, đầu tư ngoại quốc, cải tiến
phát minh, và quản trị có hiệu quả.
Chương trình
đề ra đầy tham vọng. Nếu thực hiện được thì đúng là một cuộc “cải cách
thứ nhì,” sau bước đầu do Đặng Tiểu Bình đưa ra năm 1978. Nó sẽ giúp
kinh tế Trung Quốc không bị rơi vào cái bẫy “lợi tức bậc trung”. Nhưng
liệu đảng Cộng sản Trung Quốc có thực hiện được điều mà họ biết là cần
thiết hay không?
Việc thực hiện sẽ khó khăn, nếu
ông Tập Cận Bình không đủ mạnh để bắt cả hệ thống phải thay đổi. Một
con thuyền nhỏ có thể xoay hướng dễ dàng; một hàng không mẫu hạm khó
hơn. Nhất là các chướng ngại lớn xuất phát từ ngay trong nội bộ. Chướng
ngại lớn nhất là những “nhóm lợi ích” đã thành hình từ hai chục năm qua,
do chính sách cải tổ từng bước không toàn diện và không thấu triệt.
Những
người quản lý các cơ sở quốc doanh, cùng với giới lãnh đạo trung cấp ở
các địa phương lâu nay vẫn làm giàu nhờ hệ thống kinh tế vẫn bảo vệ các
đặc quyền của họ. Họ nắm những độc quyền về kinh tế và chính trị, trong
lúc vận dụng được đường lối chuyển các tài nguyên quốc gia qua tay các
ngân hàng của nhà nước, đưa cho đám quan chức này sử dụng và làm giàu.
Nếu hệ thống kinh tế thay đổi, họ sẽ phải chịu theo những thứ “kỷ luật
thị trường”, như các quản đốc doanh nghiệp tư; và mất nhiều quyền lợi.
Lề lối làm ăn đó đã thành quen, giống như nghiện ma túy, rất khó bỏ.
Hiện nay, Chính phủ Bắc Kinh đang nắm quyền quyết định trên 1.500 loại
dự án đầu tư, các địa phương kiểm soát 17 ngàn loại khác, nếu họ không
chấp thuận thì không ai được phép làm. Nếu các ngân hàng tư nhân và các
xí nghiệp tư được phát triển, thì quyền kiểm soát và thao túng của các
quan chức sẽ mất. Các chính quyền địa phương lâu nay vẫn kiếm ra tiền
nhờ truất hữu đất của dân trao cho những nhà đầu tư sử dụng. Nếu ruộng
đất được thị trường hóa thực sự, thì họ sẽ kiếm đâu ra tiền? Chủ trương
mới cũng dự đoán nỗi khó khăn đó, cho nên sẽ cho phép các địa phương
được quyền tăng các món thuế theo nhu cầu. Nhưng trong việc thu thuế thì
số tiền bỏ vào túi các quan chức sẽ bị giảm xuống.
Các
doanh nghiệp nhà nước trước đây hành xử giống như các cơ quan chính
phủ. Những người đứng đầu các công ty lớn như PetroChina hay China
Mobile được chính thức coi ngang hàng với chức thứ trưởng trong nội các.
Chế độ này khiến cho các người quản trị doanh nghiệp nhà nước không
hành động như các doanh nhân mà chỉ giữ thói quen của các viên chức tìm
cách làm báo cáo cho đẹp để vừa lòng cấp trên. Các doanh nghiệp nhà nước
khó tự cải biến thành những doanh nghiệp bình thường. Sau hội nghị
Trung ương vừa qua, các chức hàm thứ trưởng của chủ tịch các công ty lớn
đã bị bãi bỏ chính thức, trong chiều hướng tách các doanh nghiệp ra
khỏi guồng máy chính quyền. Nhưng biện pháp đó chưa biết sẽ có hiệu quả,
thay đổi được hành vi, tác phong của các nhà quản đốc lớn nhỏ hay
không.
Các doanh nghiệp nhà nước đã đem tiền
của xí nghiệp đầu tư vào những ngành không liên hệ gì đến công việc của
chính xí nghiệp họ cai quản. Nhiều người đầu tư vào địa ốc, vì được vay
tiền dễ dàng với lãi suất thấp trong khi hy vọng lợi nhuận cao; nhưng
chính hành động này đã thúc đẩy giá nhà đất tăng lên, gây mối lo ngại cả
thị trường địa ốc sẽ bùng nổ. Nhưng các doanh nghiệp và ngân hàng vẫn
có quyền báo cáo những số doanh thu lớn, khiến người ta tưởng họ vẫn có
lợi nhuận. Như trong nửa đầu năm 2013, các doanh nghiệp nhà nước đều có
lời. Nhưng phân tích rạch ròi người ta sẽ thấy một nửa số tiền lời này
là do các ngân hàng kiếm ra nhờ cho vay. Trong phần còn lại, những doanh
nghiệp sản xuất thực thụ đóng góp rất ít, mà đa số là do các vụ đầu cơ
địa ốc của các doanh nghiệp cùng với tiền lãi kiếm được trong hệ thống
các quỹ tín thác do những ngân hàng lập ra để tránh không phải theo
những hạn chế vì luật lệ và chính sách về ngân hàng.
Trung
Quốc có thực hiện được các chính sách mới của ông Tập Cận Bình hay
không, hoàn toàn tùy thuộc thái độ và hành động của các viên chức địa
phương. Nếu họ không muốn mất các quyền lợi đang hưởng, họ sẽ có nhiều
phương pháp để trì hoãn, lái sang hướng khác có lợi cho họ. Giáo sư Liêu
Kim Chung (Liao Jinzhong,聊金钟),
Đại học Hồ Nam, đã nhiều lần diễn thuyết cho các cán bộ trong Trường
Đảng ở Hồ Nam. Ông đã khuyên họ bớt theo đuổi đến các công trình xây
dựng lớn lao, trong khi “Chúng tôi chỉ mong được thấy có một hệ thống
ống cống thoát chất phế thải chạy tốt hơn!” Thành phố Trường Sa ở tỉnh
Hồ Nam công bố tỷ lệ kinh tế gia tăng sẽ tới gần 13% trong năm 2013, nhờ
đã đầu tư vào nhiều công trình giao thông lớn. Giáo sư Liêu kể rằng sau
khi ngồi nghe xong, các cán bộ đều bắt tay khen ngợi ông đã can đảm,
dám nói thẳng những sự thật mất lòng. Nhưng, ông kể: “Chính họ lại nói
với tôi rằng họ không thể thay đổi lối làm việc đó được!” Tại sao họ
biết mà lại không làm? Ông Liêu Kim Chung giải thích: “Tất cả guồng máy
đang chạy nhờ các cán bộ chỉ lo thăng quan tiến chức mà thôi. Tôi không
thấy triển vọng mọi sự sẽ sắp được thay đổi”.
Tình
trạng khắp nơi ở Trung Quốc chắc cũng không khác gì thành phố Trường
Sa. Cho nên hy vọng nền kinh tế thoát khỏi cái bẫy “lợi tức bậc trung”
vẫn còn mong manh. Chương trình cải tổ đợt hai của ông Tập Cận Bình đã
được nhiều người tán thưởng, nhưng có thể sẽ chỉ được “thi hành” trên
giấy tờ, báo cáo mà thôi. Có đến 60 biện pháp được đưa ra, nhưng đến lúc
ông về hưu sau hai nhiệm kỳ chưa chắc mỗi biện pháp đã thực hiện được
một nửa. Kinh tế Trung Quốc sẽ đi vào một giai đoạn trì trệ, có thể kéo
dài vài chục năm. Chúng ta có thể nhìn Nhật Bản như một tiền lệ. Kinh tế
Nhật đã phát triển rất mạnh trong những năm từ 1970 đến 1990, ai cũng
nghĩ nó chỉ có đường đi lên, không thể đi xuống được. Nhưng từ năm 1990,
kinh tế đã bắt đầu trì trệ, cho tới bây giờ vẫn chưa thoát ra được. Lý
do chính cũng vì có nhiều “nhóm lợi ích” kìm hãm không cho giới lãnh đạo
thi hành một cuộc cải tổ toàn diện, mặc dù ai cũng đồng ý cải tổ là một
điều cần thiết.
N.N.D.
Ngày 1 Tháng 12 năm 2013
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 02:31
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/12/cai-to-kinh-te-tai-trung-quoc-biet-de.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001