Sự khác biệt giữa hai văn bản hiến pháp Việt Nam 1992 và 2013
Nguyễn Duy Vinh (cựu học sinh trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn)
Vào
tháng 05 năm 2013, tôi có viết và đăng một bài có tựa đề “Những biến
dạng của các văn bản hiến pháp của đảng Cộng Sản Việt Nam” (xem ở đây), trong đó tôi có tiên đoán như sau:
…Và
nếu chúng ta đọc kỹ bài phát biểu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (TBT
NPT), đọc trước hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 02
tháng 05 năm 2013 tại Hà Nội, chúng ta có thể tiên đoán rằng những thay
đổi sắp đến của Hiến pháp 1992, nếu có, như nhà nước vẫn đang kêu gọi
dân chúng đóng góp vào Dự Thảo sửa đổi hiến pháp 1992, sẽ chỉ đi vào
những chi tiết nhỏ thôi. Phần quan trọng nhất mà đa số các nhà trí thức
trong và ngoài nước kêu gọi (tỉ dụ Kiến Nghị 72), cũng như đa số các hội
đoàn tôn giáo đạo Ky Tô và đạo Phật trong và ngoài nước kêu gọi, sẽ
không được nhà nước coi trọng và bàn đến. Tôi xin chép lại một phần của
bài phát biểu của ông TBT NPT dưới đây để chứng minh cho điều tôi vừa
viết:
“Nhà nước ta, tiếp
tục khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nòng cốt là
liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức;
quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát
giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư
pháp; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa… Tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản
Hiến pháp trước đây còn phù hợp; chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực
sự cần thiết, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất
cao. Đối với những vấn đề mới hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau,
Trung ương cần xem xét, trao đổi thật kỹ để có phương án tiếp thu,
giải trình phù hợp.” (TBT NPT)
Như truyền
thông trong nước đưa tin, vừa qua quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu
thông qua bản hiến pháp sửa đổi vào sáng ngày 28/11. Các đại
biểu quốc hội dùng màn ảnh điện tử và bấm nút bỏ phiếu. Trong số 488 đại
biểu có mặt, 486 đại biểu đã bỏ phiếu thuận. Hai người còn lại,
đã bấm vào nút “không biểu quyết” và dĩ nhiên là không có phiếu chống
như trang mạng của quốc hội đã thông tin.
Vào
ngày hôm sau, văn bản của hiến pháp 2013 đã được đưa lên mạng và được
truyền đi khá nhanh chóng khắp thế giới qua thông tin điện tử. Tôi đã tò
mò mở văn bản mới xem và tôi đã có một chút vui xen lẫn với một nỗi
buồn lớn. Chút vui vì thấy mình tuy không có khả năng “bói toán hay tiên
tri” như một số nhà “ngoại cảm” Việt Nam mà chỉ dựa trên bài phát biểu
của TBT Nguyễn Phú Trọng thôi cũng đủ để mình đoán đúng. Nỗi buồn lớn vì
quốc hội Việt Nam đã đánh mất một cơ hội tốt để xích lại gần hơn hay hòa
nhập với trào lưu tiến hóa của nhân loại.
Và
đúng như tôi tiên đoán, văn bản hiến pháp 2013 không khác văn bản hiến
pháp 1992 một tí nào về phương diện nền móng và những điều căn bản. Có
khác chăng chỉ là những chi tiết nhỏ nhoi. Và tôi xin dẫn chứng dưới
đây.
1. Lời nói đầu vẫn giữ nguyên tính cách biện minh
Trong
lời nói đầu của văn bản hiến pháp 2013 (VBHP 2013), đã có một vài biến
dạng nhưng nội dung vẫn không khác VBHP 1992. Người ta đã lấy đi câu
“đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý” nhưng ngược lại lại
thay vào đó bằng một câu mới còn nặng ký gấp mười là “thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
Đọc đến đây thì nếu chúng ta chịu khó tìm tòi sẽ biết cương lĩnh đó là
cương lĩnh gì (vì VBHP 2013 không nói đến). Cương lĩnh đó chính là văn
kiện chính thức của ĐCSVN. Nó là hướng đi, nó là phương châm, nó là cái credo hay political platform (nếu mình dùng tiếng Anh) của ĐCSVN. Xin xem link dưới đây để hiểu rõ hơn về cương lĩnh này :
Chỉ
qua vài câu trong Lời Nói Đầu, chúng ta cũng có thể thấy rõ ràng là
Đảng vẫn lãnh đạo và Đảng đứng trên và đứng ngoài quốc hội (đó là chưa
kể đại đa số đại biểu quốc hội là đảng viên ĐCSVN). Đọc qua lời nói đầu
này, chúng ta có thể mường tượng được những gì xảy ra sau đó trong văn
bản hiến pháp. Đọc Lời Nói Đầu VBHP 2013 chúng ta cũng không thấy những
chữ như “những bè bạn xã hội chủ nghĩa”, ngược lại đọc được những chữ
mới thay thế như “sự giúp đỡ của bạn bè trên thế giới”. Những chữ “chiến
thắng Điện Biên và chiến dịch Hồ Chí Minh” cũng đã được lấy đi để thay
vào đó bằng những từ tương đối đơn giản hơn như “chiến thắng vĩ đại”.
Tuy đơn giản hơn nhưng tính cách biện minh của Lời Nói Đầu vẫn còn được
giữ nguyên. Có nghĩa là đảng cộng sản VN nhờ vào công trạng cách mạng
giải phóng và cứu nước qua những chiến thắng lớn, nhờ vào thừa kế để lại
qua sự ra đời của ĐCSVN từ năm 1930, nên đảng có quyền nắm giữ vận mạng
quốc gia, lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Ở đây
tôi xin đưa ra một băn khoăn : từ khi nước nhà thống nhất đến nay, đã
đến lúc chúng ta cần phải có một thay đổi lớn về thể chế chưa và có khi
nào nhà cầm quyền nghĩ đến và cho phép người dân được thực thi quyền
phúc quyết văn bản hiến pháp mới chưa?
Và một
câu hỏi rất lớn có thể làm lung lay vận mạng dân tộc là: đã đến lúc
chúng ta nên có một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc về vấn đề có nên
để đảng cộng sản VN tiếp tục nắm quyền hay không ? Không biết đảng nắm
quyền hiện nay có dám thực hiện một trong hai điều ấy không (phúc quyết
VBHP hoặc trưng cầu dân ý) vì từ khi ĐCSVN nắm quyền (1930), chưa có một
cuộc tổng tuyển cử hay bầu cử tự do nào được tổ chức trong nước.
2. Nền móng trong văn bản hiến pháp mới vẫn không có gì thay đổi so với văn bản cũ
Chương
I của VBHP 2013 cho thấy chế độ chính trị Việt Nam không có gì thay đổi
so với văn bản cũ. Nhà nước VN vẫn do nhân dân làm chủ và nhà nước có
bổn phận bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của người dân. Đảng CSVN là
lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đọc thật kỹ chương I, chúng ta có
thể hiểu được cấu trúc của cơ chế chính trị VN hiện nay gồm Đảng, Nhà
Nước và Nhân Dân. Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý và Nhân Dân làm chủ.
Theo hiến pháp VN hiện nay “sự làm chủ của nhân dân” chỉ có thể được
hiểu là được thể hiện qua những đại biểu đại diện dân, tức là Quốc hội
(xin xem chương V của VBHP 2013) và các Hội Đồng Nhân Dân. Tuy nhiên,
nếu suy xét thật kỹ, muốn được đại diện dân và được bầu vào quốc hội
cũng như vào các hội đồng nhân dân, các ủy viên đại biểu này trên thực
tế phải là đảng viên nòng cốt của ĐCSVN (mặc dù VBHP không có điều lệ
này). Và đây là cái vòng kim cô rất phức tạp. Nếu anh là đại biểu dân và
lại muốn bảo vệ và phát huy quyền của dân mà đồng thời anh lại là đảng
viên của đảng cộng sản thì công việc của anh rất khó làm. Trong các nước
dân chủ Tây Phương, tuy các đại biểu quốc hội đa số là đảng viên của
đảng cầm quyền qua một cuộc bầu cử tự do, sự hiện diện của đảng đối lập
rất quan trọng và cần thiết. Đảng đối lập quan trọng vì nó nói lên được
sự phản biện chính trị khi quyền công dân bị xâm phạm và nhất là khi
việc quản lý điều hành nhà nước của chính phủ cầm quyền có sai phạm. Nó
rất cần thiết trong việc gìn giữ cán cân dân chủ. Có đảng đối lập thì
tình hình sẽ khác hơn. Đảng cầm quyền sẽ không dám lộng hành. Nếu họ làm
sai dân sẽ xử qua lá phiếu của họ khi thời gian nắm quyền của đảng lãnh
đạo hết hạn.Đó là chưa kể trong những nước dân chủ Tây Phương, tòa án
tối cao hoàn toàn độc lập với nhà nước và quốc hội.
Ở
nước ta hiện nay, qua VBHP 2013, việc “dân làm chủ” mà phải thông qua
một quốc hội trong đó các thành viên đại biểu hoàn toàn là người của
đảng thì “dân rất khó làm chủ” - theo sự hiểu biết giới hạn của người
viết bài này, vì lý do vô cùng đơn giản là quốc hội nằm trong tay Đảng.
Tác giả bài này rất mong ông Chủ tịch QHVN Nguyễn Sinh Hùng chỉ giáo
thêm về sự suy nghĩ này. Và dĩ nhiên quốc hội đứng trên Chủ tịch nước và
Thủ tướng Chính phủ. Theo VBHP VN 1992 cũng như 2013, quốc hội bầu ra
Chủ tịch nước cũng như bầu ra Thủ Tướng. Nhà nước theo tinh thần của
Chương I là gồm quốc hội, chủ tịch nước và chính phủ cũng như các hội
đoàn và công đoàn nhân dân và mặt trận tổ quốc nói chung. Quốc hội, theo
Chương V, vừa là cơ quan đại diện dân cao nhất vừa là cơ quan quyền lực
cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN. Và trên quốc hội là
Đảng (CSVN). Quốc hội có quyền bãi nhiệm Thủ tướng chính phủ, nhưng
quyền ấy, theo tác giả bài viết này, chỉ được thực thi khi có lệnh của
Đảng. Xin xem bài viết dưới đây để thấy những khôn ngoan “lách luật” của
Thủ tướng chính phủ VN khi bị đại biểu quốc hội đặt câu hỏi :
Thủ
Tướng NTD đã dùng Điều 4 để cho quốc hội ra rìa mặc dù theo VBHP, chính
phủ chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước quốc hội. Điều này cho
thấy cái vòng kim cô phức tạp của chế độ độc đảng toàn trị. Quốc hội trở
thành bù nhìn khi chủ tịch nước cũng như thủ tướng chính phủ đem Đảng
ra làm cái khiên che chở.
3. Quyền người dân
Tất
cả những quyền công dân được quy định trong chương II và gồm tất cả 36
điều quy định từ Điều 14 đến Điều 49. So với văn bản cũ, văn bản mới có
nhiều điều quy định hơn và quyền công dân được định nghĩa rõ ràng hơn
tuy những quyền căn bản vẫn không có gì mới. Riêng quyền sở hữu đất đai
thì hai điều 53 và 54 (của Chương III) cho thấy rất rõ là không có
chuyện sở hữu đất đai thuộc về tư nhân. Nhà nước quản lý hoàn toàn tất
cả đất đai trên toàn quốc Việt Nam.
Những quyền
căn bản của người dân tuy được nêu ra khá đầy đủ và khá tốt nhưng trong
cả hai văn bản 1992 và 2013 vẫn còn có những điều kiện đi đôi với quyền
công dân. Và đây chính là cái vòng kim cô số hai. Vòng này đi song song
với những quyền căn bản, nghĩa là người dân có quyền này quyền nọ, nhưng việc thực hiện các quyền phải do pháp luật quy định ! Và
đây là cái nấc cục của một miếng cơm nuốt không trôi. Tôi cho anh năm
đồng nhưng tôi có điều kiện. Và ai làm pháp luật ở đây ? Theo VBHP thì
quốc hội làm luật. Nhưng quốc hội phải theo cương lĩnh Đảng (Điều 4).
Quyền công dân như vậy chỉ có khi nào anh sử dụng nó và không đi ra ngoài
cương lĩnh Đảng CSVN. Quyền công dân VN là tất cả những quyền do Đảng
quy định, cho phép.
4. Kinh tế vẫn do nhà nước chủ đạo:
Chương
III nói về kinh tế và các vấn đề liên hệ đến giáo dục, công nghệ, khoa
học và môi trường. Điểm son đáng khen ngợi ở đây là văn bản mới nói đến
việc bảo vệ môi trường (Điều 63). Còn lại thì không có sự khác biệt với
văn bản cũ. Kinh tế VN vẫn do nhà nước chỉ đạo. Nền kinh tế này là nền
kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó nhà nước
giữ vai trò chủ đạo. Không thấy có chương nào định nghĩa rõ rệt 10 chữ “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tác giả bài viết đi tìm thêm qua các sách báo trên mạng mà không tìm
được bài nào giảng giải được rõ ràng thế nào là kinh tế thị trường theo
định hướng xã hội chủ nghĩa. Thật là một bí ẩn lớn. Tác giả bài viết rất
mong được các nhà kinh tế có tiếng trong nước chỉ giáo thêm.
Nói
tóm lại, văn bản hiến pháp Việt Nam năm 2013 không có gì mới so với văn
bản 1992. Nước Việt Nam vẫn là một nước đảng trị độc quyền. Quyền tự do
và quyền công dân của người dân phải do pháp luật quy định (và không
được đi ra ngoài thể chế cương lĩnh quá độ xã hội chủ nghĩa). Nhà nước
chủ đạo hoàn toàn về kinh tế, giáo dục, công nghệ, khoa học và môi
trường. Số phận và tương lai của dân tộc Việt Nam hoàn toàn tùy thuộc
vào tài lãnh đạo của ĐCSVN cũng như đức độ của đảng viên. Đảng có tài và
thanh liêm thì dân nhờ. Đảng bất tài và tham nhũng thì dân lãnh đủ.
Người
dân không có lá phiếu tự do chỉ còn biết cầu Trời khấn Phật và lạy Chúa
cho ngày càng có nhiều đảng viên lỗi lạc tài đức dìu dắt nhân dân.
N.D.V.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 05:03
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/12/su-khac-biet-giua-hai-van-ban-hien-phap.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001