Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Từ oan khốc Bắc Giang đến đại oan Hiến pháp 2013 (ghi chép tháng 12)

Từ oan khốc Bắc Giang đến đại oan Hiến pháp 2013 (ghi chép tháng 12) 



Nguyễn Thượng Long

“Trái đất ¾ nước mắt.
Đi như giọt lệ giữa không trung”.
(Xuân Diệu)

clip_image002Tháng 10 đi qua… nước mắt của nhiều người dân Việt Nam dành cho vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, một quan oan cao cấp của chế độ chưa kịp khô thì tháng 11 ập đến…và người đời lại phải rơi nước mắt khi chứng kiến nỗi oan khốc ngút trời của một một dân oan ở Làng Me Bắc Giang, khi ông này bất ngờ được bước ra khỏi tù ngục sau 10 năm tù oan vì những người tự xưng là đầy tớ phục vụ mình.
Điều gì đã xảy ra mà giữa lúc Việt Nam trúng cử Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc với số phiếu cao kỷ lục, nay mai chắc là Việt Nam cũng sẽ thắng cử vào TPP thôi mà sao đất nước lại có cảnh nhiều người cùng phải khóc than đến như vậy?

clip_image004
“Trái Đất ¾ nước mắt…”(Ảnh Internet)
Lâu nay mỗi khi nói tới gian dối, tiêu cực, nói tới suy thoái đạo đức, nói tới băng hoại những giá trị truyền thống, người đời thường cứ mang ngành Giáo Dục, ngành Y Tế… ra mà bài xích, mà “ném đá”, mà rủa xả…
Lần này… bức hình “Trái đất 3/4 nước mắt…” ở trên được tôi trích ra từ một câu chuyện bi thảm mang tầm vóc thế kỷ lại chẳng liên quan gì đến các ông thầy ở trường học và bệnh viện! Câu chuyện này lại liên quan đến những nghề nghiệp, những lãnh địa mà ít ai có thể ngờ…
Dựa vào những gì hoàn toàn thuộc báo chí lề Đảng… bấy lâu nay, xin được tóm lược câu chuyện đó, để những ai trong bộ ba “CÔNG AN - VIỆN KIỂM SÁT - TOÀ ÁN”, một thứ “BỘ BINH - BỘ HỘ - BỘ HÌNH” thời hiện đại… và những ai vì đang bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh mà nỡ vô cảm, nỡ ơ hờ trước biết bao nỗi đau, nỗi oan khuất của người dân… có tài liệu để cùng suy ngẫm.
THẢM ÁN LÀNG ME
Hơn 10 năm về trước… tối 15-8-2003 ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra một vụ án mạng kinh hoàng. Người ta đã phát hiện chị Nguyễn Thị Hoan nằm chết gục dưới chân giường nhà chị, bởi những vết dao đâm chí mạng của sát thủ. Bên cạnh chị là cháu bé 16 tháng tuổi, con chị đang lăn lộn trong vũng máu, ôm xác mẹ khóc đến lạc giọng. Qua lời khai vu vơ của một vài người rằng, trước đó đã nhìn thấy Nguyễn Thanh Chấn, một công dân ở gần nhà chị Hoan đi sang nhà bà Viển là hàng xóm của chị Hoan để múc nước, Nguyễn Thanh Chấn, người đã nhiệt tình giúp công an dựng lều bạt, giết gà nhà mình nấu cháo đãi công an… bị Công an Bắc Giang câu lưu tức thì.
Thoạt đầu Chấn kiên quyết không nhận tội giết chị Hoan… nhưng theo Chấn sau này nói, vì bị Công an bức cung, đánh đập, nhục hình, lại còn tỉ mỉ hướng dẫn Chấn các động tác giết người sao cho hợp lý, tạo cho Chấn một ảo tưởng, nếu ngoan ngoãn nghe lời… sẽ được khoan hồng… nên ngày 28-9-2003, để khỏi bị đánh Chấn đã tự thú bừa rằng tối hôm đó vì đòi chị Hoan cho quan hệ tình dục nhưng chị không đồng ý… vì sợ mọi người biết mà phải giết chị Hoan đi để bịt đầu mối (!). Dựa vào những tự thú này ngày 29-9-2003, Công an Bắc Giang khởi tố vụ án, khởi tố bị can ra lệnh tạm giam Nguyễn Thanh Chấn vì tội giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Ngày 30-10-2003 Công an Bắc Giang cho Chấn thực nghiệm hiện trường, Chấn vô tự diễn lại những gì đã được công an chỉ dẫn ở mức hoàn hảo (!?). Thế là… cả cỗ máy Tư pháp của Bắc Giang bắt đầu rùng rùng chuyển động.
Ngày 3-12-23 Công an Bắc Giang ra kết luận điều tra số 172 và đề nghị truy tố Chấn với tội danh giết người. Ngày 10-2-2004 Viện KSND Bắc Giang ra cáo trạng số 51 và quyết định truy tố Chấn về tội danh giết người. Bất chấp nỗ lực không mệt mỏi của luật sư, và sự phản cung quyết liệt của Nguyễn Thanh Chấn, Toà án Nhân dân Bắc Giang trong phiên sơ thẩm 26-3-2003 và phiên toà phúc thẩm của Toà án Nhân dân Tối cao ngày 26 và 27/7/2003 vẫn xử Nguyễn Thanh Chấn với mức án chung thân, lẽ ra là tử hình nhưng nhờ có bố là liệt sĩ nên ở mức đó là Chấn đã được giảm án.
Và thế là hành trình 10 năm kêu oan của Chấn, gia đình Chấn cùng bè bạn người thân của Chấn đã bắt đầu. Trong phòng giam, suốt 10 năm liền Chấn bền bỉ viết đơn kêu oan mà tịnh không một ai đoái hoài. Đến lần đó, khi nghe vợ là bà Chiến cho biết gia đình đang phải sống trong ê chề nhục nhã vì bị mọi người xa lánh, kỳ thị. Con cái đứa thì bỏ học vì mặc cảm có bố đi tù, đứa thì dấn bước tha phương xứ người làm ôsin để kiếm tiền đỡ mẹ, đơn từ của Chấn và gia đình gửi đi khắp nơi mà chẳng nơi nào trả lời cả… quá tuyệt vọng, Chấn đã tìm đến cái chết để giải thoát nhưng không thành.
Cũng trong 10 năm đó qua vụ án này, tam giác quyền lực “CÔNG AN - VIỆN KIỂM SÁT - TOÀ ÁN”… những “Đèn Giời” đổ bóng tai ương lên cuộc đời tù tội oan của ông Chấn… người thì chết bất đắc kỳ tử, người thì sống đời thực vật vì quả báo… còn lại là thăng quan tiến chức vì thành tích tấn công tội phạm, phá án nhanh ở mức kỉ lục. Vị phụ trách cơ quan điều tra Bắc Giang năm đó, nay đang chễm chệ ngôi Giám đốc Sở Công an tỉnh và đương nhiên họ chẳng còn vướng bợn hình ảnh nào của thảm án thôn Me năm đó nữa.
Thật may, suốt 10 năm đó… vẫn có rất nhiều người dân địa phương, cả một số quản giáo của trại giam không tin là Chấn có thể làm cái việc tội lỗi đó, điển hình là người em đồng hao của Chấn là ông Thân Ngọc Hoạt và người phụ nữ chẳng có quan hệ thân thuộc gì với gia đình Nguyễn Thanh Chấn là bà Thân Thị Hải. Những người dân tốt bụng này chỉ vì linh tính mách bảo rằng, thủ phạm đích thực không phải là Chấn… mà suốt 10 năm liền họ không tiếc công, tiếc sức, tiếc tiền bạc của mình phải bỏ ra để tận tuỵ cùng người thân trong gia đình Chấn bền bỉ kêu oan khắp các cửa.
Thật đáng buồn, cho đến đầu năm 2012, “Cửa công quyền vẫn đóng và đời im ỉm khoá…” trước tấm lòng thơm thảo của ông Hoạt, bà Hải và cả núi đơn của vợ Chấn và mẹ Chấn đang là chủ một gia đình có công với cách mạng cũng bị đối xử như là một mớ giấy lộn. Quá bế tắc và thất vọng, mọi người chỉ còn hy vọng mong manh là nhờ các đấng thiêng liêng, thần phật rủ lòng thương mà đánh thức lương tâm của kẻ thủ ác. Và nhờ một lần gõ cửa Google mà chị Hải đã biết đến địa chỉ của Phòng 1- Cục Điều Tra Hình Sự Viện KSNDTC. Thế là…
Vào một ngày cuối tháng 7-2003, chị Chiến vợ tù nhân Nguyễn Thanh Chấn được chị Hải đưa đến gặp lãnh đạo Phòng 1 để trình toàn bộ các hồ sơ liên quan đến vụ án thôn Me 2003. Bộ hồ sơ này, cùng lá đơn của người nông dân ít chữ Nguyễn Thị Chiến với thông tin tưởng là vô bổ mà lại le lói những dòng chữ có thể làm vụ án làng Me sau đó phải đổi chiều:
“Hiện nay, tháng 6/ 2013, gia đình tôi có biết thêm chứng cứ mới… cực kỳ quan trọng liên quan đến vụ án. Do vậy tôi làm đơn này khẩn cấp kêu cứu cho chồng tôi”.
Nếu dòng chữ còn rất mơ hồ này, lại rơi vào tay những Đức Ông bệ vệ như thần nhưng rất vô cảm thì số phận những tờ giấy đó chắc sẽ vòng vo trên những cung đường kính chuyển, thậm chí nơi đến của nó sẽ là những sọt rác và sẽ tệ hại đến thế nào nếu thông tin lấp lửng đó lại rơi quá sớm vào tay Công an Bắc Giang, những người được thăng quan tiến chức vì phá án làng Me quá nhanh… thì không biết câu chuyện này sẽ đi về đâu? Số phận Nguyễn Thanh Chấn và hung thủ đích thực của vụ án sẽ thế nào?
Rất may, điều huyền diệu, rất hy hữu đã ứng nghiệm. Án oan Nguyễn Thanh Chấn thực sự bước vào một lộ trình sẽ đưa đến một kết cục bước đầu là có hậu. Không khó khăn gì cả, các điều tra viên của Phòng 1 Cục Điều Tra Hình Sự Viện KSNDTC đã giật mình vì những khiếm khuyết không thể cho qua được của khâu tố tụng mà hệ thống Tư pháp Bắc Giang đã tiến hành. Ngay lập tức ba tổ công tác đặc biệt của Cục Điều tra Hình sự Viện KSNDTC lên đường. Một tổ lên Bắc Giang gặp gia đình Nguyễn Thanh Chấn để khéo léo tiếp cận những nhân chứng biết rõ về hung thủ đích thực của vụ án. Một tổ chuyên nghiên cứu lại toàn bộ hồ sơ vụ án. Một tổ vào gặp Nguyễn Thanh Chấn trong Trại giam Vĩnh Quang. Không hẹn mà cùng thời điểm đó, Công an Bắc Giang cũng phái một tổ công tác đặc biệt đi rò xét lại vụ việc này (!). Nguyên cớ là trước đó gia đình Nguyễn Thanh Chấn cũng đã gõ cửa Thủ tướng X bằng bộ hồ sơ này và Văn phòng của ông ta đã “kính chuyển” tất cả về công an Bắc Giang. Bộ hồ sơ này đã làm tam giác quyền lực “CÔNG AN - VIỆN KIỂM SÁT - TOÀ ÁN” và cả Ban Lãnh đạo Bắc Giang bàng hoàng, giật mình, rúng động… Người dân Việt Nam bình thường nào khi biết vụ việc này đều vô cùng đau đớn.
…VÀ GIÓ ĐÃ ĐỔI CHIỀU NHƯ THẾ NÀO?
Một chiều cuối năm 2012, tức là thời điểm chồng bà Chiến đã thụ án chung thân được 9 năm rồi thì ở làng Me loáng thoáng có tin đồn “Thằng Chấn bị oan. Người giết chị Hoan là thằng Chung con ông Chúc, chứ không phải là thằng Chấn”. Thông tin này làm bà Chiến, người đàn bà đã kiệt sức vì kêu oan cho chồng, đang như người sắp chết đuối nay vớ được cọc. Bà Chiến nghĩ ngay người có thể làm rõ việc này là bà Lành vợ lẽ ông Chúc, mẹ kế của tên Chung. Giữa lúc rơi vào cảnh vô vọng… những thông tin như thế được bà Chiến thông báo kịp thời tới những người bạn lâu nay vẫn đứng bên bà và những người nông dân tốt bụng lần đầu tiên trong đời phải vào vai thám tử với máy ghi âm lận trong người lên đường tác nghiệp…
Bằng sự kiên trì và khéo léo thuyết phục của chị Hải, ông Hoạt cùng các điều tra viên mà chính anh em họ tộc và vợ lẽ của ông Lý Văn Chúc là bà Nguyễn Thị Lành… đã vô tình mà cho mọi người biết những gì đã xẩy ra vào tối 15-8 định mệnh đó. Tối hôm đó… về đến nhà Chung ném bộ quần áo dính máu vào chậu nước, ăn cơm rồi đi ngủ. Sáng hôm sau, bên chậu nước ngâm quần áo vẫn hồng màu máu, Chung không hề giấu bố và mẹ kế việc mình đã giết chị Hoan. Ngay lúc đó ông Chúc cho Chung dông thẳng lên Lạng Sơn, rồi sau đó lẩn êm vào Đắc Lắc…Thời điểm đó hung thủ Lý Nguyên Chung vừa tròn 14 tuổi.
Vấn đề lúc này là phải lùng bắt bằng được Lý Nguyên Chung. Với sự tiếp ứng của Cục Điều tra Hình sự Bộ Công an (C45), cùng toàn bộ lực lượng cảnh sát hình sự của ba tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, toàn bộ hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, những nơi mà Lý Nguyên Chung có thể ẩn náu trên Cao Nguyên… đã được rũ tung và không khó khăn gì, các điều tra viên của Cục Điều tra Hình sự Viện KSNDTC đã nhanh chóng lần ra nơi ẩn náu của Chung lúc này là thôn Đoàn Kết, xã Eakamut, huyện Eakar, tỉnh Đắc Lắc. Chung đã lấy vợ là cô Nguyễn Thị Ái Vũ, có con nhỏ sống rất nhếch nhác bằng nghề buôn mít. Vợ Chung cho biết lâu nay không biết Chung đi đâu. Các điều tra viên thừa biết Chung di chuyển liên tục, lúc ở Đắc Lắc, lúc ở Gia Lai, lúc lại về TP Hồ Chí Minh, lúc lại lên Lạng Sơn… và thường liên lạc với chị gái tên là Lý Thị Nghiến ở Lạng Sơn.
clip_image006
Lý Nguyên Chung ... (Ảnh Internet)
Việc thộp được gáy của tên tội phạm giết người không ghê tay từ năm 14 tuổi, nay đã 24 tuổi tròn… không phải là điều đơn giản. Đối tượng Lý Thị Nghiến chị gái của Chung đã được “săn sóc” kĩ càng và trở thành đầu mối quan trọng để các điều tra viên nhanh chóng tìm ra Lý Nguyên Chung. Theo người chị này cho biết thì ngay sau khi gây án, Chung đã muốn ra đầu thú, nhưng người anh Chung, là Lý Văn Phúc, một phần tử bất hảo cũng ở Lạng Sơn không cho Chung đầu thú và bắt Chung đi trốn. Hai năm sau, trong một trận thư hùng ân oán của các băng nhóm giang hồ, Phúc đã bị xã hội đen Lạng Sơn chém chết gục ngay trước cửa nhà.
Đến đây cuộc truy lùng Lý Nguyên Chung đã diễn ra trong bối cảnh của một cuộc mặc cả rất sòng phẳng giữa chị em Lý Nguyên Chung và các Điều Tra Viên. Lý Nguyên Chung, “Con Thú Hoang” lâu nay ẩn náu trên rừng già đại ngàn thừa biết mạng sống của mình sẽ ra sao nếu bị rơi vào tay công an Bắc Giang, nên chủ động đưa ra điều kiện tiên quyết là chỉ ra đầu thú một khi biết chắc chắn là mình không bị đưa vào trại giam của công an Bắc Giang. Nguyện vọng đó của Chung được các điều tra viên của Cục Điều tra Hình sự Viện KSNDTC thông cảm và chấp nhận.
Thế là hung thủ đích thực, kẻ đã giết chị Hoan 10 năm trước trong thảm án làng Me đã lộ diện. Ngày 25/10/2013 Lý Nguyên Chung tự tra tay vào còng số 8, rồi chính thức mặc áo sọc dưa trong một trại giam của Quân đội Nhân dân Việt Nam, chính thức chấm dứt những năm tháng trốn lủi, đi hoang vì tội lỗi và đó cũng là ngày tù nhân oan uổng Nguyễn Thanh Chấn được trả lại tự do.
LỜI KHAI CỦA SÁT THỦ…
Trong bài viết “Công lý được bảo vệ như thế nào?” của nhà báo nổi tiếng Nguyễn Như Phong đăng nhiều kỳ trên Dantri online có đoạn viết về những lời khai của Lý Nguyên Chung khi ra tự thú, hoàn toàn khác với những gì mà công an Bắc Giang đã kết luận:
“… đến quán tạp hoá trong nhà của chị Hoan để mua dầu gội đầu, Chung nhìn thấy trong tủ hàng của chị Hoan có tiền. Chung rút con dao bấm Trung Quốc trong túi quần sau, đâm chị Hoan một nhát về phía trước người. Bị đâm, chị Hoan chửi và quay người bỏ chạy vào trong nhà. Chung đuổi theo dùng tay trái ghì chặt cổ chị Hoan từ phía sau, dùng tay phải cầm dao đâm nhiều nhát vào người chị Hoan (từ phần ngực trở lên). Đâm bao nhiêu nhát và vào đâu, Chung bảo không nhớ… Do chị Hoan vùng vẫy nên Chung đã đâm trúng cả vào cánh tay trái của mình hai nhát gây thương tích đến nay vẫn để lại hai vết sẹo. Giữa chị Hoan và Chung có sự giằng co, vật lộn ở khu vực sát giường, tủ quần áo và cửa hậu. Chung tiếp tục dùng dao đâm vào người chị Hoan, làm gẫy lưỡi dao rơi xuống đất. Chung đã dùng tay túm tóc chị Hoan đập vào tường (gần của hậu). Khi chị Hoan bị đau nằm ngửa, Chung dùng hai tay túm vào người, đập đầu chị Hoan xuống đất, dùng chân đá và đạp vào mặt chị Hoan, dùng chiếc gối chặn vào mặt chị Hoan cho chị Hoan tắt thở.
Sau khi chị Hoan chết, Chung ra ngoài tủ kính bán hàng lấy tiền cho vào túi (về nhà đếm được 59000 đồng), rồi quay lại chỗ chị Hoan nằm, thấy ở tay chị Hoan có hai chiếc nhẫn vàng (không nhớ tay nào), Chung tháo hai chiếc nhẫn của chị Hoan cho vào túi quần, sau đó ra tắt điện, đóng cửa đi về nhà. Từ chỗ nạn nhân đi ra, Chung đi chân đất (hiện trường có vết chân trên nền nhà). Chuôi dao bấm sau khi gây án, trên đường về nhà, Chung vứt ở mương nước trước cửa nhà ông Vui (cách nhà chị Hoan khoảng 60m). Khi về nhà, Chung tắm rửa, ăn cơm rồi đi ngủ. Sáng sớm hôm sau, bà Lành (mẹ kế của Chung) dậy sớm, phát hiện quần áo của Chung ngâm ở chậu có mầu hồng như màu máu đã hỏi: “Có phải mày làm việc đó không?” (ý nói đã giết chị Hoan) thì Chung nói: “Phải”. Bà Lành gọi ông Chúc (bố của Chung) dậy, hai người nói chuyện, sau đó bảo Chung đi lên Lạng Sơn.
Lên đến Lạng Sơn, Chung kể chuyện giết chị Hoan cho anh trai là Lý Văn Phúc biết và đưa hai chiếc nhẫn cho Phúc, sau đó Phúc vay tiền cho Chung đi vào Đắc Lắc. Đặc điểm của hai chiếc nhẫn cướp được của chị Hoan là một chiếc hình tròn, một chiếc hình tròn trên có gắn một vật gì đó. Lý Văn Phúc đã chết (khoảng năm 2005)…
Những trang tự thú chân thực và sống động này của Lý Nguyên Chung cho biết Chung giết chị Hoan chỉ vì những lý do lãng xẹt của một đứa trẻ 14 tuổi thiếu sự giáo dục chứ đâu như kết luận điều tra của Công an Bắc Giang đã tưởng tượng ra rồi vu cho Nguyễn Thanh Chấn. Hãy cùng đọc lại một trích đoạn nặng chất suy bụng ta ra bụng người và sặc mùi sexy và cũng tràn ngập là lỗi chính tả cuả bản kết luận mang số hiệu 172 của Cơ quan điều tra Công an Bắc Giang ngày 3-12-2013:
“…Chấn bước vào nhà, chị Hoan nhận ra Chấn hỏi: “Anh đi đâu đấy?”. Chấn bảo với chị Hoan ngay “Hoan cho anh cái…”, ý nói Chấn xin chị Hoan cho giao cấu, chị Hoan không đồng ý và nói: “Anh đừng lằng nhằng vớ vẩn”. Chấn cho rằng muốn chị Hoan đồng ý cần phải ôm và sờ nghịch để kích thích tình dục chị Hoan.
Chấn đã lao vào ôm chị Hoan từ phía sau lưng, hai tay Chấn vòng lên ngực sờ vú chị Hoan, chị Hoan không đồng ý và cựa hai người giằng co nhau một lúc thì Chấn buông tay ra. Ngay tức khắc chị Hoan với luôn vỏ chai bia Habada ở dưới chân giường lên đập thẳng vào Chấn. Chấn nhanh tay đỡ và giằng được vỏ chai, tay phải cầm cổ chai bia và quật mạnh đít chai vào gáy chị Hoan, chai bia trơn tuột khỏi tay Chấn, rơi xuống nền nhà vỡ vụn, lúc này Chấn vừa bực tức vừa sợ chị Hoan sẽ tố cáo mang tiếng với vợ con và dân làng, Chấn đã nảy ra ý đồ phải giết chết chị Hoan, lập tức Chấn lao vao ôm ngang người chị Hoan vật chị Hoan ngã ngửa xuống nền nhà”… (Hết trích)
BÀI HỌC NÀO CHO NHỮNG DÒNG NƯỚC MẮT…!
clip_image008
“Đi như giọt lệ giữa không trung…” (XD) (Ảnh Internet)

Thảm án làng Me đã trôi qua được 10 năm rồi, cái ác đã bị vạch mặt, nỗi oan Nguyễn Thanh Chấn bước đầu được cởi bỏ, vong linh người xấu số phần nào đã được thanh thản… mọi giá trị sẽ tiếp tục trở về với những gì là vốn có của nó. Điều còn lại là chúng ta, những người vô can và vô cảm với “Thảm Án Làng Me” sẽ rút ra được những bài học nào từ những dòng nước mắt đã và đang không ngừng tuôn chảy?
· Thưa các quý vị trong đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Giang! Thảm án làng Me chẳng lẽ không là nỗi đau của quý vị hay sao mà trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, không hề thấy quý vị nào có một lời thể tình với mọi người về vụ việc này?
· Thưa ba nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Tam Giác Quyền Lực “CÔNG AN - KIỂM SÁT - TOÀ ÁN”, những người đã có ý kiến phát biểu về thảm án làng Me giữa phiên họp Quốc hội vừa qua. Tôi nghĩ rằng cử tri cả nước không hề thoả mãn trước những gì rất lơ mơ… mà quý vị đã trả lời chất vấn. Những phát biểu kiểu như thế không xứng tầm với cương vị và trách nhiệm của các quý vị.
· Thử hỏi nếu không có những điều tra viên của Phòng I Cơ quan Điều tra Hình sự Viện KSNDTC, các chiến sĩ C45 Bộ Công an, các chiến sĩ thuộc lực lượng cảnh sát hình sự công an ba tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, nếu không có người vợ Việt Nam vĩ đại là bà Nguyễn Thị Chiến, nếu không có những người dân tốt bụng như bà Thân Thị Hải, ông Thân Ngọc Hoạt, luật sư đã cãi cho ông Chấn ở cả hai phiên toà, kể cả bà Nguyễn Thị Lành mẹ kế của Lý Nguyên Chung, chị gái Lý Nguyên Chung, nếu lương tâm của Lý Nguyên Chung không được thức tỉnh… không biết thảm án làng Me sẽ thế nào? Giữa lúc tinh thần thời đại là sự thắng thế của thái độ sống vô cảm, những người này có đáng được nhận một giải thưởng mang tên “NGHĨA TÌNH” hay không?
· Cái ác tuy đã được nhận diện, nhưng cái ác đã thực sự bị cô lập ra chưa? Xin thưa là chưa. Một xã hội thực sự có pháp trị thì những người đã can tội bức cung, nhục hình ông Chấn phải lập tức bị đình chỉ công tác và những người này không thể thoát được một phiên toà công khai, sòng phẳng với những gì mà ông Chấn cùng gia đình đã phải 10 năm khốn khổ vì họ!
· Nếu đất nước ta có một thể chế chính trị Đa Nguyên với “TAM QUYỀN PHÂN LẬP”, mọi quyền con người được tôn trọng chỉ cần ở mức như Campuchia, không dám đòi hỏi ở mức như Thái Lan những ngày này, thì thử hỏi liệu tam giác quyền lực “Công An - Kiểm Sát - Toà án” Bắc Giang có được “Bữa Tiệc Làng Me” thịnh soạn như thế, để mà thăng quan tiến chức được không?
Hỏi cũng là trả lời rồi. Nước mắt cho nỗi oan Nguyễn Thanh Chấn trong “Thảm Án Làng Me” chưa khô thì nước mắt cho “Đại Oan Hiến Pháp 2013” đã lù lù trước mắt cả dân tộc.
Nếu ai không hài lòng với những dòng chữ này, xin cho tôi biết để tôi được thưa:
“Tôi đã có những oan ức gì trong các nội dung của
Bản Hiến Pháp vừa được Quốc Hội thông qua ?”./.

Một chiều Cẩm Thuỷ rất buồn - Tháng 12-2013.
N. T. L.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 03:05
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/12/tu-oan-khoc-bac-giang-en-ai-oan-hien.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001