Vĩnh biệt người con yêu của dòng sông Kiến Giang
Nguyễn Thị Khánh Trâm
Tên
ông là Nguyễn Kiến Giang, tên một con sông của đất Quảng Bình và con
sông ấy lại chảy ngang chính ngôi làng nơi ông sinh ra nhưng tôi lại gọi
ông là chú Kiên Giang giống như cách gọi của bố chồng mình.
Tôi cũng
không hiểu tại sao ông lại gọi như vậy nhưng tôi đoán rằng chữ “Kiên” là
kiên cường và chữ “Giang” có nghĩa là con sông, dòng sông. Và, theo
cách hiểu của tôi thì chú là một dòng sông kiên cường đúng như tính cách
con người chú. Sáng nay ngày 2/12/2013 chú đã về nơi chín suối và đầu
giờ chiều tôi mới biết tin-một cái tin không ai muốn nhận dẫu vẫn biết
rằng sự sống thì vĩnh hằng còn đời người thì hữu hạn.
Chú
Kiên Giang kính yêu ơi! Chiều nay từ đất phương Nam cách xa đất Bắc cả
vạn dặm cháu ngồi nhớ lại những lần chú cháu gặp nhau. Lần cuối cùng là
hè 2012 ở bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội rồi trước đó là những cuộc thăm
viếng ngắn ngủi để cháu được nghe chú kể về những tháng năm đau buồn hay
những niềm vui nho nhỏ của một đời cầm bút. Chính những năm tháng này
đã tạc nên một “dòng sông kiên cường”- Kiên Giang. Lần nào ngồi bên chú
cháu cũng học được nhiều điều. Cháu đã được đọc những trang viết của chú
từ những năm tháng chưa có Internet, mọi người phải dấm dúi truyền tay
nhau, phải tính toán xem những “tài liệu phản động” ấy đưa cho nhau lúc
nào (và ở đâu) thì an toàn… Đọc những kiến thức về văn hóa, chính trị,
tôn giáo… mà cứ vụng vụng trộm trộm, mắt nhìn lấm la lấm lét không khác
gì phường trộm cắp xấu xa (có đời thủa nhà ai lại vô lý và khổ sở như
thế hả chú?) Một người công dân trẻ tuổi như cháu ngày ấy chưa hiểu biết
gì về chính trị như bây giờ thế nhưng cháu cứ say sưa đọc “ Nhìn lại
quá trình du nhập chủ nghĩa Mác Lê Nin vào Việt Nam”, “ Khủng hoảng và
lối ra”, “ Từ duy tân đến đổi mới”, “Công bằng xã hội và kinh tế”, “ Một
cuộc chiến chống lại “phi lý tính”, “ Nhìn nhận thực trạng văn hóa Việt
Nam hiện nay”, “ Một quan niệm về hiện đại hóa ở Việt Nam”, “ Đi tìm
cách tiếp cận bản tính gốc người Việt”, “ Đời sống tâm linh và ý thức
tôn giáo”… Chú đã cho cháu hiểu thế nào là sự thụt lùi của lịch sử
với những dẫn chứng sinh động từ bài viết về phong trào Duy Tân với nhận
xét đầy giá trị: “ Tuy nhiên, đứng trên bình diện lịch sử mà xét,
chỉ riêng việc các nhà nho Duy Tân đề xướng dân chủ, văn minh, dân giàu
nước mạnh… giữa một thế giới cạnh tranh quyết liệt, “mạnh được yếu
thua”, cũng đủ để coi sự nghiệp của các cụ là một cống hiến vô giá cho
công cuộc giải phóng dân tộc và hiện đại hóa đất nước. Cái hay nhất, cái
sáng suốt nhất của các cụ chính là ở chỗ kết hợp hai mặt ấy với nhau
thành một quá trình thống nhất. Nói cách khác các cụ đã đặt ra được một
hệ vấn đề đúng. Và hệ vấn đề ấy vẫn đang đặt ra với chúng ta, sau gần
một thế kỷ ”.
Con người chú từ chỗ say sưa
với CNCS để rồi từ bỏ chủ nghĩa ấy với bao ĐỚN ĐAU. Chỉ có những người
trong cuộc thì may ra mới hiểu hết được sự “đớn đau” này. Những người
như cháu nếu có “đau” thì chỉ đau ngoài da, còn cái đau của chú là cái
đau cấu từng thớ thịt, cấu nát con tim… bởi thế chú mới chia sẻ “Đó
là một cuộc tự lột xác, không phải không đau đớn. Bởi vì khi tôi viết
xong để mình từ giã chủ nghĩa xã hội khoa học thì gần như không ăn, uống
thì có, vì nó mệt quá… Bởi vì đây là một niềm tin, một cái gì đó rất
thiêng liêng, mà tự mình phải lột bỏ đi. Cái đó là một sự đau đớn ghê
gớm”.
Chú Kiên Giang ơi, kể từ ngày hôm nay
chú không còn phải chịu thêm cái “đau” nào nữa như nhà triết gia kiêm sử
gia trứ danh Phùng Hữu Lan đã nói: Hải khoát thiên không ngã tự phi /
biển rộng trời cao ta vút bay. Thật lạ kỳ, hai học giả là chú và Phùng
Hữu Lan cùng có cuộc đời đầy oan nghiệt. Viết những dòng chữ này cháu
nhòe nước mắt. Hình ảnh chú lại hiện về. Cháu xin gửi tặng chú những
dòng ghi chép về những cuộc gặp mặt trong quá khứ coi như đây là những
lời cuối cùng của chú cháu mình chú nhé. Cho cháu gửi những lời thì thầm
trong gió này để nhờ gió cuốn đi đến nơi chú nằm.
…Thưa
chú Kiên Giang, chú đã mang tên một dòng sông- một DÒNG SÔNG KIÊN
CƯỜNG. Tên tuổi và những đóng góp của chú sẽ được lịch sử mãi mãi khắc
ghi. Chú là một DÒNG SÔNG TRI THỨC. Cũng như “Tất cả những dòng sông đều chảy”
dòng sông Kiên Giang sẽ mãi mãi không bao giờ ngừng trôi, nguồn tri
thức vô giá mà chú để lại cho đời sẽ đi bốn phương trời, sẽ vượt đại
dương còn dòng sông Kiến Giang mãi mãi chảy qua ngôi làng của chú ở
huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình, nơi có con người thuộc số tri thức
hàng đầu Việt Nam đã dâng hiến hết mình để khai sáng và làm gương cho
các thế hệ tri thức Việt hôm nay và mai sau.
Vĩnh biệt chú, người con yêu của đất Quảng Bình và của Mẹ Việt Nam.
“ Biển rộng trời cao ta vút bay ” chú nhé!
(Dưới đây BVN xin trích đăng một đoạn trong những trang ghi chép của tác giả về các cuộc gặp mặt ông Nguyễn Kiến Giang)
CUỘC ĐỜI NGHIỆT NGÃ
Hôm qua, chủ nhật ngày 23/5/2004 mình vừa đi Mỹ Tho về Tú (con gái ông NKG – BVN)
gọi điện thoại hẹn đưa chú Kiên Giang lại nhà thăm nơi ở cũ của bố Độ
và thăm gia đình Trâm Hải. Mừng quá, Hải và mình chạy vội lên khách sạn
Equatorial mua bánh mì đen và bánh ngọt, trên đường về mua thêm Jambon,
chả lụa, ít trái cây. Chuẩn bị xong xuôi thì vừa lúc gia đình Tú (ông xã
và cậu con trai) cùng chú vừa đến nơi. Vừa bước vô nhà, chú hỏi mình: “Trước đây bố cháu ở đâu?”.
Mình dẫn chú bước chậm rãi về phía cuối căn nhà. Đây nhà phòng của bố
Độ mỗi lần bố vô Nam. Căn phòng đơn sơ với chiếc giường đơn rộng 1,2 m.
Phía đầu giường là cái giá đầy ắp sách, kế bên là chiếc bàn gỗ trên để
đèn bàn vì bố thường hay ngồi viết ban đêm. Sát lối vào có đặt bộ bàn
ghế nhỏ chỉ đủ chỗ cho hai người, là nơi bố thường ngồi đọc sách và uống
trà. Chú lặng lẽ nhìn căn phòng còn mình lại nhìn chú, trong đầu nhớ
đến câu chú nói với mình hôm bố mất: “Xúc động thì vô ngôn”.
Từ
hôm bị ngã, chú đi lại rất khó khăn, ngồi lâu cũng mệt. Ngồi ở phòng ăn
không tiện, mình dọn đồ ăn ra phòng khách nơi có bộ salon dựa lưng khá
êm. Chú ngồi đó mình mới yên tâm. Vợ chồng mình quý chú nên chủ và khách
không mầu mè khách sáo. Chú ngồi chơi, ăn ngon, cứ nói: “Định không ăn uống gì cuối cùng lại ăn no quá…”
(chẳng là Tú cốt ý không báo trước, chỉ điện thoại hẹn đến chơi rồi về,
không cho mình bày vẽ gì cả). Vừa ăn mọi người vừa nhắc đến cái thời
bao cấp. Ngày ấy không mấy khi được ăn no. Ai ai cũng thiếu ăn, ai ai
cũng lo toan. Rồi thì thiếu điện, thiếu nước. Thiếu điện thì dùng đèn
dầu, thiếu nước thì đêm đêm phải hứng từng giọt. Nói đến đây mấy chú
cháu đều nhớ đến câu nói rất phổ biến thời ấy mà ai cũng biết: “Cả nước lo việc nhà, nhà nhà lo việc nước”.
Câu chuyện trở nên rôm rả nhất là bàn đến cái ăn. Ngày nay cũng vẫn chủ
đề ăn này, hầu hết các bà nội trợ lại thường bảo nhau: “Không biết ăn cái gì?”
Chuyện
xưa, chuyện nay đan xen nhau. Cuối bữa ăn chú kể về những ngày đi tù.
Chuyện này có liên quan đến vấn đề “Xét lại chống Đảng” mà chú là một
trong những người nằm trong cái bản danh sách oan nghiệt ấy. Mình lắng
nghe mà tim cứ đập thình thịch. Chú nói chậm rãi về cái quá khứ như ta
xem lại một cuốn phim. Họ bắt chú ngày 18/10/1967. Đó là một ngày định
mệnh. Chú được thả năm 1976. Rất trớ trêu là khi bắt thì có lệnh, nhưng
khi thả thì chẳng hề có một thứ giấy tờ gì. Đúng ngày bắt chú, ông Lê
Đức Thọ còn gặp chú và nói rằng: “Đảng không bỏ tù các anh đâu”
vậy mà chỉ một tiếng sau đó chú bị đưa lên xe và chuyến “không bỏ tù” ấy
dài đằng đẵng hàng chín năm trời… Những ngày trong tù chú bảo đói khổ
chú không sợ, mà sợ nhất là quá thừa thời gian, nhưng chú đã biết sử
dụng khoảng thời gian ấy để đọc và học thuộc lòng cuốn Bách Khoa Toàn Thư bằng tiếng Nga từ A đến Z. Ngoài ra chú còn dặn gia đình mang cho chú sách toán, lý để chú luyện trí óc: “Buổi
sáng lấy toán ra học, đọc bài toán đố, sau đó suy nghĩ cách giải. Đến
chiều giở sách ra so sánh kết quả… cứ như vậy để thời gian trôi nhanh”.
Mình nghe phục chú quá và còn tự dặn mình phải ghi nhớ kinh nghiệm này
để viết lại phổ biến cho nhiều người nghe mà chẳng may thời cuộc đưa đẩy
“được” đi tù. Có chi tiết này chú kể nghe thật khôi hài. Đó là có lần
chú yêu cầu giám thị nhắn gia đình gửi cho bộ truyện “Chiến Tranh và Hòa Bình”. Họ chẳng hiểu đó là một bộ tiểu thuyết sử thi nên không cho nhận mà còn khuyên chú: “Dính đến chiến tranh và hòa bình phức tạp lắm, anh đừng nên đọc làm gì…” như vậy có những thứ sách họ cho nhận, có thứ không. Kể lại thời đau buồn đầy ẫu trĩ đó chú tâm sự: “Tuy một số anh em có những bất đồng chính kiến, nhưng tất cả không ai đầu hàng hay hóa điên. Đó là tốt lắm rồi!”. Nhắc đến cuốn sách viết gần đây của Vũ Thư Hiên “Đêm Giữa Ban Ngày” chú nói: “Thằng Hiên nó viết ban ngày nhưng đã bao giờ có ban ngày đâu?”. Chú nói xong là cười liền. Thế rồi tiếp luôn: “Chú đang viết cuốn trải và nghiệm , viết được 200 trang rồi khi nào xong sẽ cho Trâm.”
Chuyện
đời chú đầy nước mắt. Nhưng những người được biết về cái thời “oan
nghiệt và cay đắng” này không nhiều. Lý do là bị bưng bít thông tin.
Nếu
kể theo trình tự thời gian tính từ ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc
1954 cho đến cuối thế kỷ 20 thì cái tội ác này lần lượt sẽ là: Cải cách
ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, Xét lại chống Đảng, hậu Nhân văn (vụ án
“Về Kinh Bắc”), đàn áp và trừng trị các thành viên của CLB những người
kháng chiến cũ (một thời là các đồng chí của Đảng, trong đó nhiều người
có chức vụ cao)… Không ai nói ra nhưng trong đầu mỗi người thì đầy rẫy
những câu hỏi “ Tại sao? ” và mình lại nhớ đến câu than thở của bố: “ Bây giờ chẳng có lý tưởng gì nữa mà chỉ còn ước mơ thôi! ”. Vâng, ông là tác giả của bài viết cho thanh niên lừng danh một thời: “ Lý tưởng, ước mơ và nghĩa vụ ” bây giờ chỉ còn một vế…
Người
lớn thì tâm sự chuyện đời, trẻ con thì vô tư nô đùa. Bữa cơm hôm nay có
đủ ba thế hệ. Chủ yếu mình nghe chuyện đời chú và tận tai chứng kiến
cái thời đen tối nhất của một con người. Chẳng biết nói gì hơn là thốt
lên hai từ ĐAU ĐỚN! (bởi đó là cái thời trẻ trung, xung mãn nhất của một
đời người). Đang chuyện buồn thế rồi thoát ra lúc nào không hay. Chú kể
chuyện sinh hoạt. Hàng ngày chú vẫn làm việc hai buổi, mỗi buổi 45
phút. Mình chỉ mong sao chú thật khỏe để chứng kiến ngày lịch sử thay
đổi, trả lại công bằng cho mọi người, cho những người như các chú. Theo
dõi thời sự hàng ngày, chú rất buồn là vừa qua nhà nước làm lễ kỷ niệm
50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ( 1954 – 2004), họ chẳng nói gì đến
tướng Lê Liêm, tướng Đặng Kim Giang. Hai vị tướng trong bộ tư lệnh chiến
dịch cùng với tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Hoàng Văn Thái. Chú hay so
sánh bố Độ với Tướng Lê Liêm. Chú nhận xét nhiều nhưng mình nhớ nhất là
họ có nhiều nét giống nhau: thẳng thắn, chân tình.
Hai
người, bố và chú bắt đầu thân nhau từ 1992 và gắn bó suốt 10 năm trời.
Hàng tuần cứ thứ sáu chú lại đạp xe đến chơi với bố, ngày nắng cũng như
ngày mưa. Đó là những năm tháng chú có nhiều kỷ niệm với bố. Chú bảo: “ Trong hàng ngũ lão thành chỉ có bố cháu là vượt được cái ngưỡng, từ bỏ được CNCS…”
Sài Gòn, 12/2013
N.T.K.T.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
Ảnh: Vòng hoa của gia đình tác giả viếng ông Nguyễn Kiến Giang tại nhà tang lễ Phùng Hưng Hà Nội chiều 04/12/2013.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 06:08
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/12/vinh-biet-nguoi-con-yeu-cua-dong-song.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001