Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Xích Tử - Qui trình

Xích Tử - Qui trình 



Xích Tử

1507674_497070270406208_774071248_n.jpg
Quy trình làm báo ở một xã hội bưng bít thông tin. Ảnh: Một Thế Giới
Hôm nay ông Dương Chí Dũng ra tòa, phiên tòa mà mấy ngày trước Tổng Bí thư khua chuông gõ trống cho “bà con chờ xem”.
Ảnh chụp sau vành móng ngựa có 9 người (có báo cắt bớt chỉ còn 5), tất cả đều đồng phục màu xanh, trừ ông Dũng, không có đồng phục, lại được mặc áo khoác. Không biết cách dược ăn mặc có ngụ ý gì. Thôi đó là chuyện của hệ thống tố tụng.
Nhân phiên tòa xử ông Dũng, lại nhớ và nhắc chuyện đúng qui trình. Chính khi vụ Vinashin vỡ, ông Dũng bị điều động luân chuyển, bỏ trốn rồi bị bắt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên dùng cách giải trình đúng qui trình để chối trách nhiệm. Trong lời giải trình đó, Thủ tướng cho rằng việc bổ nhiệm ông Chí Dũng là đúng qui trình, bởi trước đó, Thủ tướng đã điều ông Dũng khỏi một doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của mình (đúng qui trình) và bằng cùng một quyết định, phân công và bổ nhiệm ông Dũng vào một chức vụ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GTVT, vi phạm điều 12 Nghị định 178/2007 ngày 3/12/2007 cũng chính do ông Nguyễn Tấn Dũng ký.
Từ đó cho đến những ngày lũ lụt miền trung vừa qua với việc xả lũ gây chết người cũng được báo cáo, giải trình đúng qui trình, đã âm ỉ một quá trình hình thành hội chứng/phong trào đúng qui trình: đúng qui trình khám chữa bệnh, đấu thầu, xây dựng công trình, xả lũ, đánh giá tác động môi trường, khen thưởng, bổ nhiệm đề bạt…
Qui trình là công cụ, cách thức để nhận thức, khám phá, khai thác, cải biến… thế giới khách quan và quản lý các hoạt động đó. Nó được hình thành bằng tổng kết kinh nghiệm thành công trong quá khứ và dự báo tương đối đúng các yếu tố, điều kiện tác động đến quá trình hoạt động hiện tại và tương lai của con người. Nội dung của một qui trình nào đó là sự chuẩn hóa, mô hình hóa các tiêu chí để kiểm tra đầu vào và kiểm soát quá trình cũng như đầu ra của hoạt động, chuẩn hóa các kỹ thuật, biện pháp, điều kiện, nhân tố, môi trường, phương tiện, nguyên nhiên liệu, thủ tục, bước đi v.v... của một hoạt động để bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả, khả thi, kinh tế và thân thiện nhân văn.
Qui trình không phản ánh hết qui luật và có sự lệch pha nhất định theo không gian và thời gian lịch sử của hoạt động so với qui luật phổ quát. Trong quản lý hoạt động, nhất là quản lý xã hội, qui trình thấp hơn pháp luật và cũng như pháp luật, nó không phải nhất thành bất biến. Tóm lại, qui trình do con người tạo ra, có thiếu sót bất cập, tương đối, đòi hỏi phải luôn được điều chỉnh, hoàn thiện. Có những qui trình sai hoặc trục trặc, thiếu ổn định khi thực thi. Do vậy, khi người tạo ra nó lấy sự đúng qui trình để giải thích cho cái sai, cái trục trặc, cái phản tác dụng, cái thiếu tính kinh tế…, lúc đó, chủ thể ấy rơi vào mấy khả năng: 1. Vô trách nhiệm; 2. Trốn tránh trách nhiệm; 3. Nô lệ của qui trình do chính mình tạo ra; và 4. Khả năng tư duy, nhận thức kém.
Khi 4 khả năng tiêu cực đó lại được bảo vệ bằng quyền lực kiểu miệng nhà quan có gang có thép, có lẽ phải xây dựng nhựng qui trình nhằm khắc phục hậu quả từ phía đối tượng của qui trình hoặc xây dựng qui trình đổ lỗi cho đối tượng đó. Chẳng hạn, khi xả lũ đúng qui trình nhưng người dân vẫn chết, hoa màu bị thiệt hại, cần phải có cách đổ lỗi cho người dân và hoa màu đó chết hoặc thiệt hại không đúng qui trình, hoặc xây dựng qui trình chết cho người dân khi xả lũ đúng qui trình. Giải quyết việc ấy là nhiệm vụ của ngành qui trình học trong tương lai; trước mắt, có thể xuất hiện nhiều luận án tiến sĩ nghiên cứu về hiện tượng đúng qui trình trong kế hoạch 29.000 tiến sĩ của ông Nguyễn Thiện Nhân, tính cả một số luận án về Mặt trận Tổ quốc.
Nhân chuyện đúng qui trình, có thể liên hệ mở rộng chuyện đúng qui luật. Những người cộng sản Việt Nam và các nước khác, khi làm “cách mạng vô sản” để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, họ tự xưng, tự tin và làm cho đồng bào mình tin bằng tuyên truyền và bạo lực rằng quá trình đó đúng qui luật “khách quan”, dựa trên nhận thức duy vật biện chứng và duy vật lịch sử mácxít. Tuy có sửa đổi, điều chỉnh theo kiểu ngụy biện qui luật gốc của Marx cho phù hợp với tình hình “cách mạng“ của mỗi nước nhưng nước nào cũng cho là đúng qui luật. Đùng một cái, cuộc “cách mạng” thất bại, nơi thì bỏ của chạy lấy người, nơi thì phải lo thay đổi trở lại cho tư nhiên, nơi lại bình cũ rượu mới với thứ chủ nghĩa xã hội lợi ích và thực dụng chứa trong cái vỏ hệ thống toàn trị với sự duy trì tầng lớp thống trị cũ, biến nhân dân mình thành con tin dân chủ nhân quyền và nhân đạo để bắt thế giới giúp đỡ nuôi lo và tiếp tục đúng qui luật.
Với cái đà ấy, nếu đến cuối thế kỷ XXI mà chủ nghĩa xã hội chưa hoàn thiện trên đất nước ta, năm 2100, đảng có thể tuyên bố với quốc dân rằng, qua 146 năm nỗ lực xây dựng theo đúng qui trình, song chủ nghĩa xã hội chưa xong, mong bà con thông cảm, lực bất tòng tâm. Chúng ta phải trở lại với qui đầu (tức đầu qui trình).
Xích Tử
Khách gửi hôm Thứ Sáu, 13/12/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131213/xich-tu-qui-trinh
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001