Kẻ thù nguy hiểm nhất của độc lập, tự do
(Phần 2 bài Kẻ thù của độc lập, tự do)
PV Quốc DoanhSách có ghi, đầu thế kỷ XX, một nhà chính trị Trung Quốc là ông Lương Khải Siêu nói với cụ Phan Bội Châu: “Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ lo không có tư cách độc lập”. Kẻ thù nguy hiểm nhất của độc lập dân tộc ở trong chính mỗi công dân của dân tộc ấy. Nên đất nước có khi không còn bóng ngoại xâm mà chưa hẳn đã hoàn toàn được độc lập. Kẻ thù có nhiều, loại nào nguy hiểm nhất?
Xin sơ lược lịch sử chống ngoại xâm giành thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong gần trăm năm qua. Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, gặp được chủ nghĩa Mác – Lênin, và cách mạng Tháng Mười Nga, đã thấy: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”; “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Kế tục, ông Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản ViệtNam: “Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Con đường giải phóng dân tộc rất sáng tạo vì trước đó chưa hề có.
Sáng tạo xuất phát từ thực tiễn. Cách mạng vô sản Tháng Mười Nga đã thành công. Thế giới trỗi dậy hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh. Với lòng yêu nước sâu sắc, các vị khai quốc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tìm thấy sức mạnh vô song khi kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Một tầm nhìn xa trông rộng của tư duy độc lập, và thực tiễn đã chứng minh sự đúng đắn tuyệt vời.
Kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại để tạo thành sức mạnh đưa đất nước vượt qua các thử thách, đó là chân lý còn đúng đến hôm nay. Câu hỏi đặt ra, sức mạnh thời đại hiện nay là gì? Có còn là chủ nghĩa xã hội nữa không, khi trên thế giới hệ thống chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ, những nước vẫn đi theo con đường chủ nghĩa xã hội thì chìm sâu vào đói nghèo, lạc hậu?
Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI viết: “Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”. Luận điểm này thiếu căn cứ thực tiễn và lý luận. Vì lý luận đã chỉ rõ, những nước như nước ta muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải dựa vào một nước công nghiệp hiện đại, nên không thể có độc lập. “Và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”, vậy những nước không phải chủ nghĩa xã hội sẽ không đảm bảo vững chắc độc lập dân tộc, như nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp? Kết luận thiếu căn cứ thực tiễn rất dễ trở thành hồ đồ.
Khi tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê nin, Bác Hồ đã nói rất rõ, tìm thấy cái dân tộc ta cần để giải phóng khỏi ách ngoại xâm. Đó là công cụ cho một nhiệm vụ cụ thể của một giai đoạn lịch sử. Ông Đoàn Duy Thành, cựu Phó thủ tướng, trong tác phẩm “Một số cảm nhận về tư tưởng – hành động của Hồ Chí Minh” có viết, chưa thấy Bác Hồ khẳng định là kinh tế nước ta cần đi theo chủ nghĩa xã hội.
Con cháu bây giờ hô hào học Bác Hồ nhưng không học được cốt lõi tư tưởng Bác Hồ là độc lập, tự do. Cả hệ thống lý luận nước ta, đang tự mình ràng buộc vào một vài luận điểm hình thành và phát huy giá trị tích cực trong những điều kiện thực tiễn của quá khứ, dù bây giờ thực tiễn đã có nhiều thay đổi.
Ông G. Nê-ru của Ấn Độ viết: “Tương lai đã thay đổi, còn con người vẫn tiếp tục nghĩ về cuộc đấu tranh của mình, những thất bại của mình mà không chịu biết đến suy nghĩ của người khác”. Ông Lee Kun Hee, Chủ tịch Tập đoàn Sam Sung nói về lý do thành công: “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ, con của bạn”. Tập đoàn IBM thành công cũng với nguyên tắc: “Điều duy nhất không thay đổi đó là sự thay đổi”. Còn ông Rove, chiến lược gia của Tổng thống Bush (Mỹ) nói: “Các đảng chính trị đã tự đặt dấu chấm hết cho mình, không vì một đảng khác, mà vì họ đã thất bại trong việc thích nghi với tình hình mới”.
Tình hình nước ta hiện nay, là cơ hội lớn cho Đảng Cộng sản Việt Nam tự đổi mới. Nhân dân đang ủng hộ sự đổi mới đó, đặc biệt thế hệ trẻ khao khát đổi mới và đang tự đổi mới mạnh mẽ. Nhiều thế hệ trước, phải hòa vào cộng đồng mới đổi mới được, Bác Hồ tìm đường cứu nước phải bôn ba bốn biển năm châu. Ngày nay, tuổi trẻ chỉ cần một căn phòng nhỏ có đủ tiện nghi hiện đại, thậm chí một cái máy tính xách tay nối mạng internet, là tiếp cận được những tư tưởng tiến bộ của thời đại. Mỗi thay đổi trong lãnh đạo đất nước, nhanh chóng được xã hội biết tới, đón nhận. Nên không chỉ sự trì trệ trong tư duy mà trì trệ trong phương pháp truyền thông như nhiều cách mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến hành (kiểu loa phường), cũng gây dị ứng cho xã hội, làm xã hội mệt mỏi.
Thời cụ Phan Bội Châu, đất nước ta yếu hèn vì “hủ nho”, quá ràng buộc vào nho giáo để tự đánh mất tư duy độc lập, tự do. Có câu “nho ơi ta bảo nho này, khăng khăng nho thế sao ra cái đời”. Lịch sự quanh co, dường như bây giờ đang lặp lại vết xe đổ đầu thế kỷ trước, đất nước yếu hèn vì “hủ Mác-Lê nin”. Nho giáo cũng như chủ nghĩa Mác-Lê nin không xấu, đó là những dấu mốc phát triển tư tưởng loài người, nhưng hậu quả xấu khi “hủ nho”, “hủ Mác-Lê nin”.
Độc lập và tự do trước hết là độc lập và tự do trong tư duy, để không ngừng sáng tạo, phát triển. Độc lập và tự do là không tự ràng buộc mình vào bất cứ cái gì cả, nhất lại là những đạo giáo, học thuyết từ bên ngoài. Nên kẻ thù nguy hiểm nhất của độc lập và tư do là sự tự ràng buộc vào bên ngoài.
Ngày 6/5/2012
Q.D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(nguồn boxitvn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001