Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Bầu cử Mỹ: Mùa đại hội bắt đầu

   Khi các đảng viên Cộng hòa tụ tập tuần này và các đảng viên Dân chủ tụ hội vào tuần sau, họ sẽ cố gắng tiếp thị hình ảnh đẹp đẽ nhất tới người dân Mỹ. Nhưng liệu sẽ có ai quan tâm. 
Có bốn mùa trong dòng chảy của một chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ. Đầu tiên là kỳ bầu cử đại biểu vào mùa đông-xuân khi các đảng lựa chọn các ứng cử viên của mình. Tiếp đến là mùa hè uể oải khi các ứng viên lao vào giành phiếu nhưng hầu hết người Mỹ thì lại thờ ơ. Mùa hè kết thúc với sự khởi đầu cho các đại hội đảng toàn quốc, nơi mà các đảng sẽ chốt lại đề cử các ứng cử viên của mình. Và cuối cùng là mùa thu khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra.
Nhưng hãy đợi một phút. Chẳng phải tôi đã nói rằng có hai mùa nơi các đảng lựa chọn các ứng cử viên của mình? Đúng là tôi đã nói như vậy, và đó lại là một đặc trưng khác của chính trị Mỹ.
Tuần này, các đoàn đại biểu của Đảng Cộng hòa từ khắp các bang trên toàn nước Mỹ sẽ tụ hội ở Tampa, Florida để chọn ra ứng viên của đảng cho cương vị tổng thống và phó tổng thống. Chúng ta cũng đã biết rằng chắc chắn hai ứng viên đó sẽ là Mitt Romney và Paul Ryan. Romney đã giành đủ số phiếu đại diện trong các cuộc bầu cử đại biểu vào mùa xuân năm rồi để đảm bảo chắc chắn ông ta sẽ được đề cử. Hai tuần trước, ông ta đã tuyên bố Paul Ryan sẽ là đối tác liên danh tranh cử. Vì thế, sẽ chẳng có sự chờ đợi nào về việc ai sẽ được đề cử ở Tampa. Sự lựa chọn của đảng Cộng hòa sẽ chỉ còn là thủ tục.
Trong quá khứ không hoàn toàn là như vậy. Các đại hội toàn quốc thường là trung tâm sân khấu của tiến trình đề cử, một nơi mà chiến trường chính sẽ diễn ra các cuộc đấu quyết liệt và những lựa chọn khó khăn được đưa ra. Một chút lịch sử sẽ giúp giải thích cho chúng ta hiểu điều này đã diễn ra như thế nào và bằng cách nào mà nó lại chấm dứt.
Những quý ông viết nên Bản Hiến pháp Hoa Kỳ đã mất rất nhiều thời gian tranh luận về việc một tổng thống sẽ được lựa chọn như thế nào trong các ứng cử viên cho cương vị này. Nhưng họ lại không đưa ra chỉ dẫn làm thế nào để một ai đó trở thành ứng cử viên tổng thống. Dường như họ nghĩ rằng bằng cách nào đó các ứng cử viên sẽ xuất hiện từ mỗi vùng trên cả nước, và họ xây dựng một số quy trình để chọn lọc ứng viên trong kỳ bầu cử toàn quốc. Họ không nói một dòng nào về các đảng phái chính trị, bởi lẽ không có đảng phái nào tồn tại vào thời điểm Hiến pháp được viết năm 1787.
Có hai mùa nơi các đảng lựa chọn các ứng cử viên của mình
Trước năm 1980, sự chia rẽ tự nhiên giữa các quan điểm đã bắt đầu xuất hiện trong tầng lớp chính trị và các chính trị gia bắt đầu kiến tạo các liên minh mà rất nhanh chóng chúng phát triển thành các đảng phái chính trị với những cái tên kiểu như Những người liên bang và Chống Masons. Khi điều này xảy ra, các thành viên Quốc hội của mỗi đảng mới ra đời này bắt đầu tập hợp lại với nhau và lựa chọn ra một ứng viên tổng thống để đại diện cho đảng mình trong kỳ bầu cử. Các nhà lịch sử ngày nay gọi đó là hệ thống đề cử "họp kín của quốc hội" Nhưng hệ thống đó chỉ tồn tại được vài thập kỷ. Hầu hết người dân Mỹ không thể tham gia và không thích các ứng viên do hệ thống họp kín này chọn ra.
Đến những năm 1830, một quy trình đề cử mới xuất hiện, được xây dựng dựa trên các đại hội đảng toàn quốc. Sự mở rộng nhanh chóng của hệ thống đường sắt trên cả nước đã tạo điều kiện để đại biểu từ mọi bang có thể tập hợp về một thành phố trong vài tháng trước cuộc bầu cử để tranh luận về một "nền tảng" của các ưu tiên chính sách và lựa chọn ứng cử viên của đảng mình.
Từ những năm 1830 đến 1960, những cuộc đại hội này là những nơi mà lãnh đạo đảng của mỗi bang - thường được gọi là "các ông chủ đảng" tụ họp cùng với các phái đoàn đại diện mà họ đã chọn và các thành viên sẽ bỏ phiếu về định hướng mà người đứng đầu đã đưa ra. Các ông chủ đảng thường giữ ý kiến khác nhau về việc ai nên được đề cử và thường xuyên có hàng loạt các cuộc mặc cả, mua bán, thỏa thuận, và ballot trước khi một ứng cử viên giành được đa số cần thiết. Chẳng hạn, vào năm 1924, Đảng Dân chủ đã phải cần đến 103 ballots và 15 ngày để chọn lựa ứng viên, người cuối cùng đã thất bại thảm hại trước ứng viên Calvin Coolidge của Đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử mùa thu.
Tất cả những điều này đã thay đổi nhanh chóng sau năm 1968 khi đảng Dân chủ cải tổ các quy định theo đó yêu cầu hầu hết các đoàn đại biểu tại kỳ đại hội oàn quốc phải được lựa chọn bởi cuộc bầu cử phổ thông, chứ không phải bởi một ông chủ đảng. Các ông chủ nhanh chóng đánh mất quyền lực và các cuộc bầu cử đại diện trở thành trung tâm của tiến trình đề cử. Vì thế, kể từ năm 1968, không có bất kỳ sự thay đổi nào về việc ai sẽ được đề cử tại đại hội toàn quốc của bất kỳ đảng nào. Quyết định đó đã được đưa ra trong các kỳ bầu cử đại diện rồi.
Vì vậy, hiện nay các đại hội đảng toàn quốc có ý nghĩa không gì khác hơn là một lễ kỉ niệm, một cơ hội để các đảng liên kết lại xung quanh ứng viên đề cử và nỗ lực xây dựng một hình ảnh tích cực và chiến thắng khi họ chuẩn bị cho chiến dịch bầu cử phổ thông. Một đại hội đảng thời hiện đại thực chất không khác gì một chương trình truyền hình, do các lãnh đạo đảng kiểm soát và được thiết kế để tạo ra hình ảnh hoàn hảo cho ứng cử viên của đảng mình và bôi xấu hình ảnh ứng viên đối phương.
Thế nhưng khi các đại hội đảng toàn quốc ít bất ngờ hơn trước, chúng cũng trở nên kém hấp dẫn đối với đại chúng Mỹ. Các hệ thống truyền hình lớn hiếm khi đưa tin về chúng và tỉ lệ người xem sụt giảm thê thảm so với thời kỳ các đại hội đảng được truyền thông rộng rãi trong công chúng.
Khi các đảng viên Cộng hòa tụ tập tuần này và các đảng viên Dân chủ tụ hội vào tuần sau, họ sẽ cố gắng tiếp thị hình ảnh đẹp đẽ nhất tới người dân Mỹ. Nhưng liệu sẽ có ai quan tâm?
*G. Calvin Mackenzie 
(Ông là giáo sư của ĐB Colby Mỹ, và là học giả của Chương trình Fulbright tại Việt Nam)
nguồn:http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/86345/bau-cu-my--mua-dai-hoi-bat-dau.html
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Đảng Cộng hòa Mỹ tổ chức đại hội trước bão lớn

Kỳ đại hội lần thứ 40 của đảng Cộng hòa khai mạc hôm qua và sẽ đánh dấu việc ông Mitt Romney được chọn là ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
> Romney sẽ là ứng viên tổng thống Mỹ

Ngay trước kỳ đại hội lần này, cựu thống đốc bang Massachusetts ở thế so kè sát nút với đương kim Tổng thống Barack Obama trong nhiều kết quả thăm dò tiền bầu cử. Bởi vậy, những sự thể hiện tại đại hội đảng Cộng hòa được cho là có thể sẽ giúp Romney tạo nên bước tiến mới trong cuộc đua với ông Obama.

Khai mạc chóng vánh để chạy bão

Ông Reince Preibus, chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, là người mở màn phiên đầu tiên của đại hội vào lúc 14h chiều qua theo giờ địa phương (1h sáng nay theo giờ Hà Nội). Đây là phiên khai mạc tượng trưng, bởi nó chỉ diễn ra trong ít phút với quá nửa số ghế tại cung thể thao Tampa Bay, thuộc thành phố Tampa ở bang Florida, bị bỏ trống.
Một góc thành phố Tampa với bầu trời u ám trước khi cơn bão nhiệt đới Issac đổ bộ. Ảnh: AFP
Phiên khai mạc được tổ chức chóng vánh nhằm đảm bảo an toàn cho khoảng 4.000 đại biểu chính thức đến từ khắp nơi trên nước Mỹ, trong bối cảnh cơn bão nhiệt đới Isaac đang tràn vào khiến tổng thống Obama phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Quá trình nâng cấp trung tâm thể thao Tampa Bay
Đảng Cộng hòa đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ đại hội quan trọng này, thể hiện qua sự chuẩn bị kỳ công và chu đáo. Trong suốt một tháng trước đại hội, trung tâm thể thao Tampa Bay được nâng cấp và trang trí lại, nhằm đảm bảo cho 20.000 người có thể cùng có mặt tại đây. Khoảng 14 tấn thiết bị các loại đã được lắp đặt.
Khoảng 50.000 người đổ về thành phố Tampa trong thời gian diễn ra đại hội, trong đó có các đại biểu của đảng Cộng hòa và nhiều quan chức chính phủ. Khoảng 15.000 phóng viên trong nước và quốc tế cũng đã đăng ký tham gia đưa tin tại đại hội. An ninh cũng được thắt chặt, khi nhiều tổ chức xã hội tại Mỹ đang kêu gọi những cuộc biểu tình bên ngoài nơi đại hội được tiến hành.
Romney, người gần như chắc chắn sẽ được đề cử là đại diện đảng Cộng ra tranh cử tổng thống, cũng sẽ tới Tampa sớm hơn hai ngày so với dự kiến.

"Chúng ta có thể làm tốt hơn"

Đó là khẩu hiệu đúc kết cương lĩnh hành động của đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và sẽ là chủ đề chính trong 4 ngày đại hội. Câu nói này hàm ý rằng đảng Cộng hòa cũng như cá nhân ông Romney có thể làm tốt hơn những gì mà chính quyền tổng thống Obama đã và đang làm.
Giải pháp quan trọng mà ông Romney và đảng Cộng hòa nhắm tới là các biện pháp thúc đẩy đà phục hồi của kinh tế Mỹ, cải thiện tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ liên bang. Đây là những biện pháp được coi là chủ đạo của đảng Cộng hòa với mục tiêu "tái chiếm" Nhà Trắng sau 4 năm để đảng Dân chủ nắm giữ.
Cương lĩnh hành động của đảng Cộng hòa được thể hiện rõ nét ngay trong phiên khai mạc tượng trưng. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của đảng này, ông Preibus đã kích hoạt hai chiếc đồng hồ được thiết kế nhằm nhấn mạnh "sự lỏng lẻo về tài chính" của chính quyền tổng thống Obama.
Số nợ quốc gia của Mỹ được hiển thị chi tiết tại cung thể thao Tampa, nơi diễn ra đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa. Ảnh: AFP
Chiếc đồng hồ thứ nhất hiển thị số nợ quốc gia của Mỹ đã lên tới gần 16 nghìn tỷ USD. Chiếc còn lại được khởi động từ con số không và sẽ hiển thị số nợ quốc gia tăng thêm trong suốt 4 ngày của đại hội.
Lễ khai mạc ngắn của đại hội đảng Cộng hòa
"Chiếc đồng hồ đầu tiên sẽ cho chúng ta thấy một cách đầy đủ về sự nghiêm trọng của vấn đề, trong khi chiếc thứ hai sẽ tạo nên ấn tượng về việc chính phủ của chúng ta chi tiêu quá tay như thế nào trong quãng thời gian chỉ vỏn vẹn 4 ngày", AFP dẫn lời Preibus.
Theo kịch bản ban đầu của đại hội, vào sáng ngày hôm qua, ông Romney được chính thức đề cử là ứng viên đảng Cộng hòa cạnh tranh vị trí ông chủ Nhà Trắng với tổng thống Obama trong cuộc bầu cử ngày 6/11. Tuy nhiên, những thay đổi nhằm đối phó với cơn bão Isaac khiến việc này sẽ được tiến hành vào tối nay theo giờ địa phương.
Các quan chức đảng Cộng hòa cho hay những buổi diễn thuyết quan trọng vào tối nay và tối mai, cũng như bài phát biểu chấp nhận việc đề cử của ông Romney sẽ vấn được diễn ra đúng theo kế hoạch.

Vị thế của Romney

Những cuộc điều tra tiền bầu cử cho thấy Romney đang tạo được những sức ép nhất định lên đương kim Tổng thống Obama với thế so kè.
Ông Mitt Romney đang ở thế so kè với Tổng thống Obama. Ảnh: AFP
Một cuộc trưng cầu của tờ Washington Post và kênh ABC News hôm qua cho thấy ông Romney dẫn trước với tỷ lệ ủng hộ là 47%, so với 46% của ông Obama. Kết quả này phần nào phản ánh rằng nhiều người Mỹ không hài lòng với những chính sách kinh tế của tổng thống Obama. 8 trong số 10 người tham gia cuộc trưng cầu có nhận xét bi quan về kinh tế Mỹ. 50% số người được hỏi cho biết họ dành niềm tin nhiều hơn cho ông Romney trong việc điều hành nền kinh tế đi đúng hướng, so với chỉ 43% dành cho ông Obama.
Nhưng con đường để Romney tới Nhà Trắng không chỉ trải đầy thảm đỏ. Có thể thấy rằng nhiều người Mỹ dù không cảm thấy bị thuyết phục trước thành tích điều hành nền kinh tế của Tổng thống Obama, nhưng chính họ cũng chưa cảm thấy thật sự yên tâm với một phương án thay thế mang tên Romney. Cũng trong cuộc trưng cầu kể trên, 58% số người được hỏi cho hay họ không tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ cải thiện nếu ông Obama tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai, nhưng cũng có tới 52% số người tham gia thể hiện sự thiếu tin tưởng đối với Romney trong vấn đề tương tự.
Chính Tổng thống Obama cũng có những chỗ dựa vững chắc để tin vào khả năng tiếp tục làm ông chủ Nhà Trắng. Những cuộc trưng cầu khác cho thấy Obama đang dẫn điểm tại một số bang quan trọng, vốn có thể quyết định tới kết quả cuộc bầu cử tổng thống.
Dù sao thì việc đảng Cộng hòa nhanh tay tổ chức đại hội toàn quốc trong tuần này cũng là một lợi thế không nhỏ đối với Romney. Đảng Dân chủ và ông Obama sẽ có đại hội tương tự tại Charlotte, bang Bắc Carolina, vào tuần tới. Romney đang có lợi thế thời gian để làm rõ hơn nữa cương lĩnh tranh cử cũng như các biện pháp hiện thực hóa những lời hứa đối với các cử tri Mỹ.
Nhật Nam
nguồn:http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2012/08/dang-cong-hoa-my-to-chuc-dai-hoi-truoc-bao-lon/
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Vũ khí 'khủng' bảo vệ hội nghị chọn ứng viên TT Mỹ

Quốc hội Mỹ đã trao cho cảnh sát thành phố Tampa và Charlotte 50 triệu USD/nơi để ngăn những người chủ trương vô chính phủ gây rối hội nghị toàn quốc của đảng Cộng hòa và Dân chủ, sẽ diễn ra trong tuần này và tuần tới.




Nhà chức trách hai thành phố trên đã tập hợp nhiều thiết bị khủng gồm xe tải bọc sắt cực mạnh, máy bay không người lái, máy chiếu X-quang EOD, xe bobcat và máy in thẻ lớn để duy trì hòa bình tại nơi diễn ra hội nghị. Công tác chuẩn bị được Bộ An ninh nội địa cho là "sự kiện an ninh quốc gia đặc biệt.

Dưới đây là những gì nhà chức trách Tampa và Charlotte sẽ dùng để bảo đảm an ninh cho hội nghị của đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Xe tự hành



Chiếc xe không người lái The Wraiths sẽ đi rong trên các đường phố của Tampa với tư cách là tai và mắt của sở cảnh sát thành phố này. Chiếc xe có thể di chuyển với tốc độ lên tới 104km/h và leo trèo được nhiều nơi.

Theo giới chức Mỹ, chiếc The Wraiths có khả năng đem theo máy quay do thám và thậm chí là vũ khí chết người lẫn phi chết người. Nó được thiết kế để đi theo một số cơ quan nhất định vào hiện trường và nếu họ gặp rắc rối, nó sẽ được một trung tâm điều khiển kích hoạt và cung cấp hỗ trợ ngay tức khắc.
Xe Bobcat 



Cảnh sát Tampa đã chi 790.000 USD cho một loạt thiết bị mới, gồm cả xe bobcat và xe đạp nhôm 200 Kona Race Light 7005
Máy bay không người lái
Máy bay không người lái hiện giờ không chỉ sử dụng ở các khu vực bộ lạc tại Afghanistan và Pakistan, mà hiện giờ còn được dùng để cung cấp "thông tin tình báo, quan sát và trinh sát cho các cơ quan chính phủ". 

Khi hội nghị đảng Cộng hòa diễn ra tại Tampa, máy bay không người lái Aether Aero - một máy bay không người lái nhìn giống một chiếc trực thăng thu nhỏ, sẽ được dùng. Máy bay được trang bị máy quay zoom quang học 109x và rất nhẹ, có thể nhấc lên bằng hai ngón tay.
Xe tải bọc sắt


Phương tiện này sẽ được triển khai ở Tampa. Như một phần của ngân sách 50 triệu USD, xe tải bọc sắt là thiết bị hoàn hảo để phá vỡ rào chắn của người biểu tình. Theo cảnh sát Charlotte, thành phố sẽ dùng hơn 146.000 USD cho xe tải mới này, gồm cả loại Chevrolet Tahoes, Ford F-250s và để thuê xe Harley-Davidson cho cảnh sát.
Máy chiếu X quang EOD



Giới chức địa phương có thể mang những chiếc máy chiếu X quang công nghệ cao, cầm tay, giá 64.325 USD/chiếc đi khắp nơi. "Chiếc máy cầm tay này sẽ cho phép một đội chuyên gia chất nổ được đào tạo bài bản, kiểm tra những chiếc hộp đáng nghi tại hội trường diễn ra hội nghị và đưa ra kết quả nhanh chóng, an toàn.
Hoài Linh (Theo DailyMail, Alantic Wire) 
nguồn:http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/86352/vu-khi--khung--bao-ve-hoi-nghi-chon-ung-vien-tt-my.html
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Những tỷ phú Mỹ được lợi nếu Mitt Romney thành Tổng thống


Thứ Tư, 29/08/2012, 18:03 RSS Gửi email In tin
Mitt Romney vừa chính thức được đảng Cộng hòa của Mỹ đề cử thành ứng cử viên chính thức của đảng này trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012.
Nếu ông chiến thắng trước đương kim Tổng thống Barack Obama, đại diện của đảng Dân chủ, trong cuộc đua này, thì đó không chỉ là một thắng lợi của đảng Cộng hòa, mà còn là phần thưởng không nhỏ cho những tỷ phú đã hào phóng tài trợ cho ông trong cuộc đua vào Nhà trắng.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, các nhà tài trợ giàu có và các doanh nghiệp đã ủng hộ nhiều cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay hơn bất kỳ cuộc bầu cử nào kể từ vụ bê bối Watergate 1972 dẫn tới những đạo luật ngặt nghèo hơn về tài chính tranh cử.

Một loạt những thay đổi pháp lý vào năm 2010 đã cởi bỏ các hạn chế liên bang về mức tài trợ, mở đường cho các nhà tài trợ lớn đạt được những lợi ích lớn nếu ứng viên mà họ ủng hộ thắng cử. Nhiều nhà tài trợ đổ tiền vào các tổ chức phi lợi nhuận giữ kín tên tuổi của người đóng góp, hoặc các ủy ban hành động chính trị (super-PAC). Đến cuối tháng 7 năm nay, các super-PAC này đã huy động được số tiền lên tới 350 triệu USD.

Theo số liệu từ tổ chức Center for Responsive Politics, 1/4 số tiền này do 10 nhà tài trợ đóng góp, dẫn đầu là “vua” sòng bạc Mỹ Sheldon Adelson. Các nhà tài trợ hàng đầu cho đảng Cộng hòa nói rằng, họ ủng hộ ứng cử viên Mitt Romney vì họ nhất trí với chủ trương chính phủ nhỏ gọn của ông, đồng thời không đồng tình với những chính sách mới của Tổng thống Barack Obama về các ngân hàng và lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, ngoài việc ca ngợi chính sách của ông Mitt Romney, thì các nhà tài trợ cũng coi việc ủng hộ cho chiến dịch tranh cử của ông như một vụ đầu tư có khả năng đem lại lợi nhuận lớn.

Bloomberg đã điểm qua một số nhà tài trợ lớn trong chiến dịch tranh cử của ông Mitt Romney và khả năng họ được lợi ra sao nếu ứng viên đảng Cộng hòa trúng cử:

Sheldon Adelson
 


Tỷ phú sòng bạc 79 tuổi Adelson, nhà tài trợ lớn nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, có thể chứng kiến lợi nhuận từ các sòng bạc của ông tăng vọt nếu ông Mitt Romney thắng cử và thực hiện được yêu cầu Trung Quốc tăng tỷ giá đồng Nhân dân tệ như đã hứa.

Hơn một nửa lợi nhuận của “đế chế” sòng bạc Sands mà Adelson kiểm soát đến từ 4 casino ở vùng lãnh thổ Macau của Trung Quốc. Sands China Ltd, công ty phát triển, sở hữu và vận hành các sòng bạc này, đóng góp 2,95 tỷ USD trong tổng số 5,34 tỷ USD doanh thu của toàn bộ Sands trong 6 tháng đầu năm nay.

Nếu đồng Nhân dân tệ tăng giá so với USD đúng như chủ trương chính sách mà ông Mitt Romney đưa ra trong chiến dịch tranh cử, thì lợi nhuận của tỷ phú Adelson quy đổi sang USD cũng sẽ tăng mạnh theo. Thậm chí, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong tỷ giá giữa Nhân dân tệ và đồng USD cũng có ảnh hưởng nhiều triệu USD tới doanh thu và lợi nhuận của Sands. Chỉ cần tỷ giá đồng Nhân dân tệ tăng giá 5% trong năm nay và một nửa khách chơi bạc tại các sòng bạc của Sands ở Macau dùng Nhân dân tệ, thì doanh thu của Sands China trong 6 tháng đầu năm có thể tăng thêm 73,8 triệu USD.

Ông Mitt Romney đã đưa ra quan điểm rằng, Trung Quốc nên bị xem là một quốc gia thao túng tỷ giá, giữ tỷ giá đồng Nhân dân tệ ở mức thấp hơn giá trị thực. Tổng thống Obama cũng cho rằng, đồng Nhân dân tệ nên được tăng giá, dù quan điểm của ông không gay gắt như thái độ của ông Mitt Romney trong vấn đề này.

Sở hữu giá trị tài sản khoảng 20 tỷ USD theo ước tính của Bloomberg, ông Adelson và vợ đã ủng hộ khoảng 36 triệu USD cho các super PAC của đảng Cộng hòa tính tới thời điểm này của cuộc đua vào Nhà Trắng.

Harold Simmons

 


Tỷ phú Harold Simmons, 81 tuổi, có thể biến một công ty đang làm ăn thua lỗ của ông thành một cỗ máy in tiền nếu ông Mitt Romney thắng cử và thực hiện duy nhất một thay đổi. Theo Bloomberg, công ty kiểm soát rác thải Waste Control Specialists, một công ty con của công ty đại chúng Valhi Inc. mà tập đoàn Contran Corp. của Simmons sở hữu 90% đã liên tục thua lỗ 5 năm nay. Riêng năm ngoái, công ty này lỗ 38 triệu USD.

Tuy nhiên, Waste Control Specialists có thể kiếm bộn một khi giành được quyền tiếp cận với một thị trường trị giá nhiều tỷ USD nếu Ủy ban Giám sát hạt nhân Mỹ thay đổi một quy định. Sự thay đổi, nếu có, sẽ cho phép bãi rác rộng lớn ở Tây Texas của công ty này được nhận uranium đã được làm nghèo còn sót lại từ hoạt động sản xuất vũ khí thời Chiến tranh lạnh và từ hoạt động sản xuất nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân. Bãi rác này thậm chí có thể thay thế khu vực Yucca Mountain ở bang Nevada để trở thành bãi rác thải hạt nhân cấp cao.

Suốt 6 năm nay, Ủy ban Giám sát hạt nhân Mỹ đã cân nhắc xem liệu các công ty tư nhân có thể đảm bảo an toàn cho việc xử lý uranium đã được làm nghèo. Ông Mitt Romney có thái độ cởi mở hơn so với ông Obama trong việc cho phép các công ty, thay vì chính phủ, giải quyết rác thải phóng xạ.

Với giá trị tài sản ròng ít nhất 6,5 tỷ USD theo ước tính của Bloomberg, ông Simmons và vợ đã ủng hộ hơn 15,7 triệu USD cho các super-PAC của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm nay.

John Childs

Trong chiến dịch tranh cử, ông Mitt Romney cũng đã cam kết bảo vệ nhiều chương trình giãn, giảm thuế mà nhà đầu tư cổ phần tư nhân John W. Childs và công ty J.W. Childs & Associates của ông này được hưởng lợi.

Từ năm 1995 đến nay, công ty này đã đầu tư tổng số tiền hơn 14 tỷ USD vào hơn 40 công ty khác nhau. Theo luật thuế hiện nay của Mỹ, các nhà đầu tư cổ phần tư nhân chỉ phải đóng thuế tài sản gia tăng cho công ty ở mức thuế suất 15%. Tổng thống Obama đang muốn tăng thuế suất này lên, đồng thời còn muốn các nhà đầu tư cổ phần tư nhân phải đóng thêm một khoản thuế với thuế suất có thể lên tới 39,6%.

Trong 10 năm qua, công ty J.W. Childs & Associates đã huy động được 1,75 tỷ USD từ các nhà đầu tư. Các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân thường hưởng 20% từ giá trị gia tăng của các khoản đầu tư, sau khi các nhà đầu tư góp vốn hưởng lợi nhuận 8%.

Hiện chưa rõ bản thân ông John Childs được hưởng bao nhiêu lợi nhuận. Năm nay 71 tuổi, ông này đã đóng góp 2,6 triệu USD cho các super-PAC của đảng Cộng hòa.

David và Charles Koch

 
Đối với cặp anh em Charles và David Koch, chủ nhân của tập đoàn năng lượng tư nhân khổng lồ Koch Industries, lời hứa của ứng cử viên Mitt Romney về việc bãi bỏ đạo luật giám sát tài chính Dodd-Frank dưới thời Tổng thống Obama có thể dẫn tới sự giám sát bớt ngặt nghèo hơn và lợi nhuận lớn hơn.

Ông Charles Koch, 76 tuổi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, và người em trai 72 tuổi David, Phó chủ tịch điều hành của Koch Industries là người giàu thứ 7 và thứ 8 thế giới theo xếp hạng của Bloomberg, với tổng giá trị tài sản ít nhất 70 tỷ USD. Tập đoàn Koch Industries hoạt động đa lĩnh vực, bao gồm lọc hóa dầu và ethanol, đường ống dẫn, khoáng sản, và thậm chí là kinh doanh gia súc. Ngoài ra, một công ty con của tập đoàn là Koch Supply and Trading LP là một trong những công ty giao dịch năng lượng lớn nhất thế giới, với các nghiệp vụ phái sinh về hàng hóa cơ bản, trong đó có giao dịch hoán đổi (swap) phục vụ các quỹ đầu cơ và hưu trí.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu các công ty có nghiệp vụ giao dịch hoán đổi phải có mức vốn và tài sản thế chấp cao hơn, theo đó hạn chế số tiền mà họ có thể sử dụng. Phản ứng trước quy định mới này, nhà Koch vào đầu năm 2010 đã thuê một nhà vận động hành lang ở Washington nhưng đến nay chưa có kết quả.

Chủ tịch Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau của Mỹ (CFTC) hiện nay là ông Gary Gensler sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2013. Khi đó, vị Tổng thống đắc cử trong cuộc bầu cử năm nay sẽ bổ nhiệm một Chủ tịch CFTC mới, theo đó sẽ có ảnh hưởng lới tới chính sách đối với nghiệp vụ swap.

Anh em nhà Koch đã thành lập một quỹ mang tên Americans for Prosperity, cam kết sẽ chi 100 triệu USD cho quảng cáo truyền hình và một chương trình tiếp xúc cử tri nhằm kêu gọi mọi người bỏ phiếu cho ông Romney.
An Huy(VnEconomy)
nguồn:http://www.vinacorp.vn/news/nhung-ty-phu-my-duoc-loi-neu-mitt-romney-thanh-tong-thong/ct-531792
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001