Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012


Giám định phận người 

1:50, 30/08/2012
Thi thoảng, người ta lại đưa nhau ra Tòa để xin ly hôn. Đời sống hôn nhân như gió mưa trái mùa, người trong cuộc mới am tường cặn kẽ. Từ chối mối lương duyên được gọi là phúc phận ba sinh, hẳn ai mà không đau lòng. Có hàng nghìn lý do để người ta ly hôn. Thế nhưng, lý do đau đớn nhất vẫn là… người cha phát hiện ra người bấy lâu họ tưởng là huyết thống cốt nhục lại không phải con ruột của mình. Dứt lòng quên nghĩa, họ muốn ra đi. Đi như để trốn tránh, đi như để lãng quên.

1. Rượu cạn, bảo thôi anh em mình về, trời khuya mà em còn nhiều việc. Anh gạt tay, mỏi mệt. Nghe anh kể hết câu chuyện này. Anh đang buồn.
Anh nói, anh mới bí mật gửi mẫu máu của con trai mình đến Bệnh viện Truyền máu và Huyết học để xem cậu nhóc có phải là huyết thống của anh không. Kết quả, đúng như anh dự tính và sợ hãi bấy lâu, cậu nhóc không phải là con ruột của anh. Anh suy sụp hoàn toàn.
Bỏ vợ, thì anh không nỡ. Vì anh còn thương. Chối con, anh lại càng không làm được. Vì nhiều năm nay, đó là niềm vui sống của anh.
Tôi hỏi, mắc mớ gì đâu mà anh lại đi làm hành động dại dột ấy. Anh hắt hiu, người ta cứ xầm xì hoài. Nhiều lúc, anh ẵm con trai vào phòng tắm, hai cha con áp mặt nhìn nhau soi vào gương, anh không thấy con trai anh có điểm tương đồng nào với anh.
Tôi lặng im, anh thở dài.
Anh là trí thức, chị cũng trí thức. Anh thân với tôi ngày tôi còn là sinh viên, bông phèng bạt mạng.
Anh chị yêu nhau hơn sáu năm thì thành chồng thành vợ. Anh làm lắm tiền, đủ để chị muốn gì có đó. Lấy nhau được hơn năm, thì chị mang thai. Anh mừng, còn hơn sắp phá sản lại trúng số độc đắc cặp nguyên.
Nghe ai mách, phụ nữ có thai ăn cái này cái kia sẽ tốt cho thai nhi, anh đều làm theo.
Anh mua yến về, tỉ mỉ ngồi nhặt lông tơ, chưng cất rồi bưng bê đút từng muỗng nhỏ cho chị.
Anh đặt mua trứng đà điểu tận Nam Phi để chị tẩm bổ.
Anh tự đi chợ, lựa cá chép tươi về nấu cháo cho chị ăn để an thai.
Con trai chào đời, anh cười tít mắt. Ngồi đâu anh cũng nói về con trai, tưởng tượng về cái ngày mà anh được ngồi sui với người ta. Rồi anh sẽ về hưu, ở nhà chăm cháu nội.
Anh em ngồi với nhau, có điện thoại, thấy anh vội vã gọi tính tiền, đứng bật dậy. Hiểu là chị ở nhà, bấm số điện thoại của anh, cho con trai nói chuyện.
Minh họa: Lê Phương

Con trai hắt hơi, sổ mũi hay nổi mẩn đỏ, anh đưa vào Bệnh viện Nhi. Nhấc máy điện thoại, gọi hết chỗ này đến chỗ kia để nhờ vả. Gặp bác sĩ nào cũng khúm núm, dạ dạ vâng vâng, nhìn thảm không có lời nào tả xiết.
Thoắt cái, mọi sự đã khác.
Tôi nói với anh, có lần anh em mình tếu táo với nhau, hành động ngu xuẩn nhất của mỗi ông bố là mang con đi xét nghiệm AND để khẳng định đó có thật là con của mình hay không, anh nhớ không.
Anh trả lời, có nhớ.
Nhớ thì sao anh lại làm… Thêm lần nữa, lặng im.
Anh hỏi, giờ anh phải làm sao hả em.
Quên được không?
Không quên được.
Ám ảnh rồi phải không?
Ừ.
Nhưng kết quả xét nghiệm khoa học, chưa bao giờ là chuẩn xác 100%.
Biết là vậy, nhưng kết quả xác tín sự hồ nghi của anh.
Nói với chị điều này chưa?
Chưa. Đau lòng quá. Không biết nói làm sao.
Ừ, thôi thì đừng nói nữa. Cố mà xem như không có chuyện gì xảy ra.
Anh không thể.
Không thể thì cũng phải có thể. Thằng nhóc không có lỗi gì. Không được phép để nhóc có mặc cảm.
Anh hiểu.
Hiểu là được.
Thời khắc nặng nề trôi qua. Anh ngồi yên ắng như tượng đá, khói thuốc trắng một góc đường. Không biết khuyên nhủ nhau làm sao, cũng không biết trách móc nhau làm sao.
Rượu rót đều tay, uống hoài vẫn tỉnh.
2. Đàn ông vẫn vậy. Sự ám thị của huyết thống bao giờ cũng choán hết tâm tưởng.
Có ai không một lần ngồi nghĩ ngợi lung tung, có phải thật là cốt nhục của ta không?
Như cái kiểu vẫn hay đùa, chỉ có vợ và bà ngoại là không bao giờ thắc mắc về nguồn gốc của đứa trẻ.
Còn lại, mọi sự đều có thể xảy ra.
Tôi đi công tác Bạc Liêu về đến Sài Gòn là 5 giờ sáng. Chiều, nhà bảo có vẻ nhà chuyển dạ. Vội vã đưa nhà vào bệnh viện. Cũng bấn loạn, cũng gọi điện thoại tứ tán khắp nơi để nhà có một chỗ nghỉ ngơi tử tế.
Bệnh viện dịch vụ, chất lượng không kém khách sạn cao cấp là mấy. Vậy mà, vẫn cứ lo.
Đúng một tuần sau hôm chuyển dạ, con trai mới ra đời. Con trai nằm trên bàn tắm cho trẻ sơ sinh, da có nhiều bợn trắng, mắt nhắm nghiền. Nhìn tự dưng bật khóc, nước mắt cứ trào ra.
Con trai ra đời, mới thấy thương nhà hơn.
Nhà ngày xưa, xinh tươi, nhìn như phụ nữ Nhật Bản.
Có con, cả ngày nhà chỉ lo làm sao để có được nhiều sữa cho con trai. Quần áo không cần quan tâm, tóc tai khi nào cũng rũ rượi. Người nhà lúc nào cũng có cái mùi ngái ngái của sữa, của phụ nữ làm mẹ. Có khi tìm hoài, mà không ngửi được mùi hương ngày còn yêu nhau.
Con trai, như một sự cứu rỗi. Mỗi khi tuyệt vọng, mệt mỏi hay thất vọng, về nhà nhìn con trai cười, lập tức lãng quên mọi thứ.
Nhạc sĩ viết, yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ. Hóa ra, nhạc sĩ không biết rằng, chỉ có con trai mới đủ sức làm lòng ta từ bi.
Ở đâu, làm gì cũng nghĩ đến con trai.
Đi công tác, nhớ con trai đến quay quắt.
Bước ra khỏi nhà, là lo không biết con trai ở nhà có được chăm sóc chu đáo không.
Con trai, đủ sức khiến mình quên đi những vuốt ve danh vọng.
Bạn hay nói, mày cuồng con.
Thay vì trả lời, chỉ đáp, khi nào có con mày cũng sẽ vậy.
Không có gã đàn ông nào, chưa làm bố lại có thể hiểu về cảm giác được làm bố thiêng liêng đến mức nào.
Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện, sẽ giám định xem con trai có thật là cốt nhục của mình không.
Có thì sao, không thì sao… Điều này không quan trọng.
Quan trọng là, sáng mở mắt, được nhìn thấy con trai mỉm cười.
Đi làm về, ôm con trai vào lòng, con trai miệng tròn hôn lên má.
Tối được vỗ lưng cho con trai ngủ.
Con trai mang họ mình, là con trai của mình.
Con trai là cuộc đời của mình, là hạnh phúc của mình, là niềm tin của mình.
Mọi thứ có thể thay đổi, nhưng con trai, mãi mãi là con trai của mình. Không ai có thể dứt con trai ra khỏi vòng tay, ra khỏi sự yêu thương của mình.
Cái gì là xét nghiệm, cái gì là giám định AND chứ.
Vứt toàn bộ những thứ ấy vào nơi nó đáng thuộc về đi.
3. Tôi nói dứt câu, anh bảo, giá mà anh nghĩ được như em.
Có lúc, anh đã nghĩ như em, nhưng không hiểu sao, anh lại làm như vậy.
Không phải, ôm con trai vào lòng, đi dạo trong hẻm, ẵm con trai ra phố, chỉ cho con trai xe cộ qua lại, người cười nói là hạnh phúc sao?
Không phải, cõng con trai trên vai, đi vào thảo cầm viên, có nhiều cây xanh, nói cho con trai nghe đây là con khỉ, kia là con nai… là hạnh phúc sao?
Không phải, kéo quần con trai, mình ngồi chồm hổm, miệng kêu sì sì cho con trai tiểu... là hạnh phúc sao?
Không phải, tay vỗ nên tiếng, miệng cười khích lệ, con trai ba bò giỏi, con trai ba đứng hay... là hạnh phúc sao?
Không phải ngồi với bạn bè, sau này mày có con gái, nếu con gái mày xinh, tao sẽ suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ sui gia... là hạnh phúc sao?
Không phải đi làm về, vứt ba lô, khóa điện thoại, con trai cất tiếng gọi ngọng nghịu ba, ba... là hạnh phúc sao?
Không phải mỗi sáng, thay áo cho con trai, gùi áo đưa vào mũi ngửi mùi con trai... là hạnh phúc sao?
Không phải dúi miệng vào bụng con trai, chọc cho con trai cười nắc nẻ, nước dãi nhiễu xuống ngực áo... là hạnh phúc sao.
Không phải khai nhân thân, mục con, ghi tên con trai, ngày sinh tháng đẻ của con trai... là hạnh phúc sao?
Không phải nghĩ về ngày nắm tay con trai, đưa con trai đến trường, dạy cho con trai học bài...là hạnh phúc sao?
Còn rất nhiều thứ hạnh phúc không tên khác mà chỉ có con trai mới mang lại được cho mình.
Vậy thì, cứ khư khư cái kết quả xét nghiệm để ám ảnh giấc mơ, để hoảng hốt đêm về, để ngày suy nhược.
Để nhìn con trai như gần như xa.
Để nhìn chị lòng đau mắt ướt.
Có hạnh phúc hay không, có vui sướng hay không?
Duyên kiếp tiền định cho con trai bước vào nhà mình, gọi mình là ba, bấy nhiêu đã đủ đầy.
Cần gì phải xét nét đến mức cuồng tín cái chuyện tào lao, con trai từ đâu ra.
Con trai sinh ra là để được yêu thương, chăm bẵm, dạy bảo.
Con trai hồn nhiên bước vào đời mình, để mình giang tay rộng mở chào đón con trai...
Con trai không hiện hữu, để tạo nên sự nghi ngờ danh phận.
Anh hiểu điều tôi muốn nói với anh không?
Con trai, dẫu thế giới này có thể thay đổi, thì vẫn cứ là con trai anh.
Cứ hôn con trai như anh đã từng hôn.
Cứ ôm con trai như anh đã từng ôm.
Cứ yêu con trai như anh đã từng yêu.
Cuộc sống dài và nhiều bất trắc, đừng để cái bản giám định vô giác vô tri thay đổi một phận người.
Con trai vẫn ở đấy, chờ anh...
Đừng khóc với tôi, nếu con trai rời xa anh, theo cái cách mà anh đang muốn thực hiện.
Cái cách ấy, tàn nhẫn và dại dột lắm.
Có ai lại đi giám định một phận người bao giờ?


  Ngô Nguyệt Lãng
nguồn:http://www.baomoi.com/Home/TinhYeu/antgct.cand.com.vn/Giam-dinh-phan-nguoi/9223079.epi
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001