Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Cựu Chủ tịch Vinashin: 'Bị cáo mua tàu Hoa Sen do nóng vội' 



Tại phần thẩm vấn về vụ mua tàu Hoa Sen gây thiệt hại cho nhà nước hơn 400 tỷ đồng, bị cáo Phạm Thanh Bình nhận việc chỉ đạo mua tàu là do nóng vội.
Sáng nay (28/8), ngày xét xử phúc thẩm đầu tiên vụ án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), số người tham dự phiên tòa vắng hơn phiên sơ thẩm. Trong số 19 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo đã vắng luật sư Nguyễn Hồng Vân thuộc Văn phòng luật sư Chu Đông, Đoàn luật sư Hà Nội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Phạm Thanh Bình.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Đình Côn cũng xin tòa cho vắng mặt trong ngày xét xử sáng nay. 8 bị cáo gồm bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin và Trần Văn Liêm, Nguyễn Văn Tuyên, Tô Nghiêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Trần Quang Vũ, Đỗ Đình Côn có mặt đầy đủ tại phiên tòa.
Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Phạm Thanh Bình trông mập hơn tại phiên tòa sơ thẩm hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Chủ tọa phiên tòa ngày hôm nay là Thẩm phán Đào Thị Nga, Phó chánh Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao.
Vụ mua tàu cao tốc Hoa Sen được HĐXX đưa ra xét xử đầu tiên trong buổi sáng gồm 4 bị cáo, Phạm Thanh Bình, Tô Nghiêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp. Bị cáo Phạm Thanh Bình là người bị thẩm vấn đầu tiên.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
Theo bản án tại phiên tòa sơ thẩm, dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen: Từ đầu năm 2007, Phạm Thanh Bình đã chỉ đạo các bị can Trần Văn Liêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, (Hồ Ngọc Tùng và Giang Kim Đạt đã bỏ trốn) thực hiện không đúng sự chỉ đạo về chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ là đóng mới tàu biển chở khách Bắc – Nam, phê duyệt Dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen trước khi lập và thẩm định dự án, không thực hiện chào hàng cạnh tranh khi mua tàu, cho vay và thực hiện các thủ tục bảo lãnh để mua tàu sai quy định của Nhà nước, qua đó gây thiệt hại số tiền hơn 400 tỷ đông.
Bị cáo Phạm Thanh Bình là người đầu tiên bị Tòa thẩm vấn.
Trả lời rành rọt HĐXX trước việc bị cáo buộc cố tình chỉ đạo để mua tàu Hoa Sen trái với chỉ đạo của Chính phủ, bị cáo Bình cho rằng lúc đó do trách nhiệm được giao để có đội tàu cao tốc Bắc – Nam nên đã nóng vội chỉ đạo việc mua tàu Hoa Sen. Đổ lỗi cho việc mua tàu và kinh doanh bị lỗ, bị cáo Bình cho rằng “do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế”.
Tại phiên tòa bị cáo Bình cũng đã khai nhận “Bị cáo làm sai chỉ đạo của Chính phủ trong việc mua tàu Hoa Sen”, tuy nhiên bị cáo cũng đề nghị HĐXX xem xét để giảm tội.
Tại phần thẩm vấn sáng nay, bị cáo Tô Nghiêm, nguyên chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà – Quảng Ninh cho rằng, Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo 18 năm tù là quá nặng, mong HĐXX xem xét để giảm tội cho bị cáo. “Bị cáo chỉ làm theo sự chỉ đạo của Phạm Thanh Bình”, bị cáo Nghiên trình bày trước Tòa.
Cũng trong phiên sáng nay, cả hai bị cáo Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp đều mong muốn HĐXX phúc thẩm xem xét để giảm tội.
Buổi chiều, phiên tòa xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tiếp tục phần thẩm vấn.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ ngày 27 - 30/3, Tòa sơ thẩm đã xác định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, các bị cáo Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin và Trần Văn Liêm, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Tuấn Dương, Tô Nghiêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Trần Quang Vũ, Đỗ Đình Côn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của nhà nước.
Tại một số dự án như: Dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen; dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng; dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân; dự án đầu tư tàu Bình Định Star và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của nhà nước.
Dựa trên cơ sở đánh giá toàn diện hồ sơ, chứng cứ vụ án và kết quả thẩm vấn và tranh tụng công khai tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt:
Bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin 20 năm tù. Bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng Ban kiểm soát Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Nguyên Giám đốc Công ty Viễn Dương 19 năm tù. Bị cáo Tô Nghiêm, nguyên chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà - Quảng Ninh 18 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên, nguyên giám đốc Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin: 16 năm tù. Bị cáo Trịnh Thị Hậu, nguyên Tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy (VFC): 14 năm tù. Bị cáo Hoàng Gia Hiệp, nguyên phó tổng giám đốc công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy (VFC), Giám đốc cho thuê tài chính Công nghiệp tàu thủy: 13 năm tù. Bị cáo Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn CNTT Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc công ty CNTT Nam Triệu: 11 năm tù. Bị cáo Đỗ Đình Côn, nguyên kế toán trưởng, phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh: 10 năm tù.
Cả 8 bị cáo trên bị xét xử về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự.
Riêng Nguyễn Tuấn Dương, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long: bị phạt 3 năm tù giam về tội sử dụng trái phép tài sản và phạt tiền 10 triệu đồng. Bản án còn tuyên các bị cáo buộc phải bồi hoàn dân sự các khoản tiền liên quan đến sai phạm của mình trong từng vụ việc.
Ngoài hình phạt tù và bồi thường dân sự, Tòa sơ thẩm còn phạt cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ trong các cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, 8/9 bị cáo đã làm đơn kháng cáo, riêng bị cáo Nguyễn Tuấn Dương không làm đơn kháng cáo.
Dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra từ nay 28/8 đến 30/8.
Theo Xuân Hải
Infonet

Xem thêm

Cựu chủ tịch Vinashin bình thản hầu tòa

Không diện vest như tại phiên sơ thẩm, ông Phạm Thanh Bình (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vinashin) mặc quần áo màu xám dành cho các bị cáo trong phiên phúc thẩm mở ở TAND Hải Phòng.

Hôm nay, 19 luật sư sẽ tham gia bào chữa vụ Vinashin

Sáng nay (28/8), tại Hải Phòng TAND tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Cựu chủ tịch Vinashin xin giảm nhẹ hình phạt

Ngày 28/8, TAND Tối cao mở phiên xử phúc thẩm xét kháng cáo của cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình, bị kết tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày mai, phúc thẩm vụ án xảy ra tại Vinashin

Ngày 28/8, tại Hải Phòng, TAND tối cao sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

nguồn:http://cafef.vn/20120828030557625CA33/cuu-chu-tich-vinashin-bi-cao-mua-tau-hoa-sen-do-nong-voi.chn
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Trước khi tuyên án, cựu Chủ tịch Vinashin xin lỗi toàn thể nhân viên

Sáng nay 30/8, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tiếp tục ngày làm việc thứ 3, sau phần tranh luận, HĐXX đã cho các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi Tòa tạm nghỉ để nghị án.
Trước khi tuyên án, cựu Chủ tịch Vinashin xin lỗi toàn thể nhân viên
Bị cáo Phạm Thanh Bình tại phiên phúc thẩm.
Tại phần tranh luận sáng nay, tại Tòa đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã cho rằng việc bào chữa của các luật sư đối với 8 bị cáo là không có căn cứ và giữ nguyên quan điểm của mình không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.
Trước khi Tòa nghỉ nghị án, HĐXX đã cho các bị cáo được nói lời sau cùng.
Được nói lời sau cùng trước khi Tòa nghị án, bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin nói lời xin lỗi: “Tôi đã không làm tròn trách nhiệm được Đảng và nhân dân giao cho, tôi xin nhận trách nhiệm của mình đã gây ra và gửi lời xin lỗi tới toàn thể cán bộ, nhân viên của tập đoàn Vinashin. Về cá nhân bị cáo xin HĐXX xem xét về thân nhân và gia đình để giảm nhẹ tội cũng như mức bồi thường thiệt hại”.
Tiếp theo là bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng Ban kiểm soát Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Nguyên Giám đốc Công ty Viễn Dương. “Xin HĐXX xem xét để giảm tội cho tôi về mặt hình sự và dân sự”.
Bị cáo Tô Nghiêm, nguyên Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà – Quảng Ninh. “Tôi mong HĐXX xem xét giảm tội cho tôi và mong nhận được sự khoan hồng của nhà nước”.
Trước khi tuyên án, cựu Chủ tịch Vinashin xin lỗi toàn thể nhân viên
Bị cáo Trịnh Thị Hậu và Phạm Thanh Bình trước tòa. Ảnh: Vnexpress
Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên, nguyên giám đốc Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin. “Xin HĐXX xem xét để giảm tội cho bị cáo”.
Vẫn tiếp tục khóc tại Tòa, bị cáo Trịnh Thị Hậu, nguyên Tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy (VFC) sụt sùi, “Hiện tôi còn mẹ già, chồng thì ốm nặng không ai chăm sóc, mong HĐXX giảm tội cho tôi cũng như mức bồi thường thiệt hại.
Còn bị cáo Hoàng Gia Hiệp, nguyên phó tổng giám đốc công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy (VFC), Giám đốc cho thuê tài chính Công nghiệp tàu thủy. Mong muốn HĐXX dựa trên nhân thân và gia đình của bị cáo để được giảm nhẹ tội. Nhận trách nhiệm về những sai lầm mà mình gây ra, bị cáo Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn CNTT Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc công ty CNTT Nam Triệu: " Xin HĐXX xem xét để bị cáo nhận được sự khoan hồng của nhà nước"
Biện hộ rằng mình chỉ là người làm thuê, bị cáo Đỗ Đình Côn, nguyên kế toán trưởng, phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh cũng mong HĐXX xem xét giảm tội cũng như mức bồi thường thiệt hại.
Từ 12h20 đến 15h hôm nay, Tòa tạm nghỉ để nghị án.
Dự kiến, chiều nay (30/8), Tòa phúc thẩm vụ án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sẽ tuyên án.
Xuân Hải
nguồn:http://www.infonet.vn/phap-luat/truoc-khi-tuyen-an-cuu-chu-tich-vinashin-xin-loi-toan-the-nhan-vien/a27612.html
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Y án 20 năm tù với cựu chủ tịch Vinashin

Thứ Năm, 30/08/2012, 16:27

TAND Tối cao xét thấy không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt và mức tiền bồi thường (hơn 500 tỷ đồng) cho bị cáo Phạm Thanh Bình nên giữ nguyên phán quyết của án sơ thẩm.

Cấp phúc thẩm tiếp tục tuyên ông Bình phạm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, án phạt 20 năm tù. Cựu tổng giám đốc Vinashin nhăn nhó, mệt mỏi khi bị bác toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cùng tiền bồi thường.
7 đồng phạm với ông Bình cũng bị bác toàn bộ nội dung chống án tương tự. Trong khi nghe phán quyết, cả 8 cựu quan chức đều buồn bã. Phía sau, người thân của họ bật khóc.
HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo rất nguy hiểm, diễn ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư.
Trong lời nói sau cùng, cựu tổng giám đốc Vinashin đã ngỏ lời xin lỗi toàn thể nhân viên. Ảnh: Việt Dũng
Bản án xác định bị cáo Phạm Thanh Bình được giao trọng trách rất lớn, quản lý một tập đoàn kinh tế trọng điểm nhưng không làm tròn nhiệm vụ, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện phạm tội. Trong các sai phạm tại dự án mua tàu Hoa Sen, Nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định) và Nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân (Quảng Ninh), cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình được xác định là người tổ chức, giữ vai trò quyết định. Việc làm của ông Bình gây thiệt hại về tài sản rất lớn, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Theo cơ quan xét xử, bị cáo Trần Văn Liêm (nguyên Trưởng ban kiểm soát Vinashin, nguyên Giám đốc Công ty Viễn Dương) với cương vị chủ dự án mua tàu cao tốc Hoa Sen biết chưa đủ thủ tục đầu tư nhưng vẫn nghe theo chỉ đạo của bị cáo Bình để trực tiếp tổ chức, điều hành thực hiện dự án. Ông Liêm bị giữ nguyên mức phạt 19 năm tù cùng tiền bồi thường 495 tỷ đồng.
Bị cáo Tô Nghiêm (nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà, Quảng Ninh) tiếp tục bị phạt 18 năm, bồi thường hơn 16 tỷ đồng. Bị cáo được xác định là chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân trực tiếp đi khảo sát thiết bị máy móc, biết rõ là cũ nhưng vẫn cùng ông Bình cho nhập về. Khi nhà máy chưa lắp đặt xong, chưa chạy thử đã ký nghiệm thu, bàn giao thanh toán hết tiền bảo trì cho đối tác nước ngoài.
Mức phạt 16 năm tù, bồi thường gần 14 tỷ đồng được cấp phúc thẩm giữ nguyên với bị cáo Nguyễn Văn Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh). Đây được cho là người khởi xướng và chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, phạm tội với vai trò đồng phạm.
Cả 8 người chống án đều bị bác đơn.
Bị cáo Trịnh Thị Hậu (nguyên Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy) bị xác định trực tiếp ký duyệt giải ngân trong các dự án Nhà máy nhiệt điện sông Hồng, dự án tàu Bình Định Star. Riêng trong dự án tàu Hoa Sen, bị cáo đã chuyển tiền đặt cọc và ký công văn bảo lãnh cho Công ty Viễn Dương, giữ vai trò thứ yếu. Bị cáo nữ duy nhất của vụ án này bị phạt 14 năm tù.
Hoàng Gia Hiệp (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV CNTT, giám đốc Công ty cho thuê tài chính CNTT) bị quy kết chịu trách nhiệm ký hợp đồng cho Công ty Viễn Dương vay tiền mua tàu Hoa Sen. Hành vi của bị cáo đồng phạm với bị cáo Bình, Liêm nhưng giữ vai trò thứ yếu, lĩnh án 13 năm tù.
Bị cáo Trần Quang Vũ (nguyên Tổng giám đốc Vinashin, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Triệu) biết tàu Bạch Đằng Giang là tài sản thế chấp cho công ty tài chính nhưng vẫn quyết định thanh lý, nhượng tài sản không đúng thẩm quyền, trình tự pháp luật quy định gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản. Người kế nhiệm ông Bình tại Vinashin này bị phạt 11 năm tù, bồi thường hơn 24 tỷ đồng.
Mức phạt 10 năm cùng tiền bồi thường gần 10 tỷ đồng được cấp phúc thẩm tiếp tục áp dụng với bị cáo Đỗ Đình Côn (nguyên Kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh). Người này bị xác định biết dự án chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai nhưng vẫn làm theo chỉ đạo của Tuyên, hợp thức hoá thủ tục vay vốn ngắn hạn từ ban tài chính tập đoàn Vinashin và làm giả hồ sơ vay hơn 42,8 tỷ đồng.
Việt Dũng(VnExpress)
nguồn:http://www.vinacorp.vn/news/phuc-tham-vu-vinashin-tuyen-giu-nguyen-toan-bo-muc-an/ct-531874
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001