Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng… nước nào?

Tống Văn Công

Có thể các bạn sẽ trách người viết đặt câu hỏi thiếu nghiêm túc, ai chẳng biết chúng ta đang cổ động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?
Xin thưa, Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam vừa báo nguy: Trong khi các doanh nghiệp gốm sứ trong nước đang thoi thóp thì gốm sứ Trung Quốc ào ạt tràn vào. Hiệp hội đã rất nhiều lần kiến nghị phải có biện pháp ngăn chặn gian lận thương mại của hàng Trung Quốc, thế nhưng tình trạng này cứ tiếp tục tăng vọt!
Ảnh minh họa.
Thật ra hàng gốm sứ ào ạt đổ vào không phải là cá biệt, nó nằm trong trận cuồng phong xâm lược của hàng Trung Quốc đối với hàng Việt Nam! Việt Nam nhập siêu hàng Trung Quốc từ đầu thập niên và tăng cao lên từng năm: 2010 là 12,6 tỉ USD, 2011 là 13,5 tỉ USD, 7 tháng đầu năm nay đã là 8,3 tỉ USD! Ngày 6 tháng 8 năm 2012, trong hội thảo Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, bà Phạm Thị Loan, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội lo lắng cho biết, 90% dự án tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị – xây lắp, vận hành, hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khóa trao tay) của Việt Nam đều do nhà thầu Trung Quốc nắm, trong đó chủ yếu là dầu khí và điện, dệt kim. Các dự án trọng điểm quốc gia do 30 doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện. Riêng ngành điện đã có nhiều dự án tỉ USD vào tay thầu Trung Quốc, tiêu biểu là dự án Điện Quảng Ninh 1, 2 có giá trị 400 triệu USD; Điện Mỹ Tân 2 1,3 tỉ USD, Điện Duyên Hải 4,4 tỉ USD… Khi Trung Quốc trúng thầu thì khác với các nước khác, họ không để Việt Nam được thầu phụ, không cho Việt Nam cung ứng từ con bu-loong, ốc vít, lao động chân tay cũng đưa người Trung Quốc sang. Bà Loan băn khoăn.
Chúng ta còn 117 tỉ USD đầu tư cho các công trình xây dựng hạ tầng, vậy trong số này sẽ có bao nhiêu lọt vào tay Trung Quốc? Tại sao băn khoăn của bà Loan lại không trở thành băn khoăn của mọi người Việt Nam, đặc biệt là những người có trách nhiệm điều hành nền kinh tế tài chính quốc gia? Vì thiểu năng thiếu trách nhiệm, vì trình độ quản lý kém, hay vì được các nhà thầu Trung Quốc chia phần? Dù bất cứ lý do gì, việc Hiệp hội Gốm sứ (cũng như các ngành nông sản thực phẩm khác) “nhiều lần kiến nghị” mà không có biến chuyển gì là không thể chấp nhận được!
Việt Nam chủ trương hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng có lợi với tất cả các nước. Mua bán, mời thầu với Trung Quốc là bình thường. Điều không bình thường việc gian lận thương mại, lừa đảo, bịp bợm, trúng thầu tràn lan với thiết bị lạc hậu mà không bị ngăn chặn là mối nguy chẳng những cho kinh tế mà cả an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.
Ngay như với loại hàng hóa Trung Quốc có chất lượng cao, giá rẻ hơn thì trong hoàn cảnh hiện nay những người Việt Nam yêu nước cũng nên ưu tiên dùng hàng nội để khuyến khích sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong trường hợp đó nhà nước nên có chính sách để doanh nghiệp Việt Nam hạ giá thành tăng sức cạnh tranh.
Một bài viết trên đài truyền hình ABC của Mỹ có tựa đề “Tẩy chay hàng Trung Quốc trong 31 ngày” có những nội dung rất đáng cho người Việt Nam suy nghĩ: “Nếu mọi người Mỹ chi tiêu thêm 64 USD hơn mức bình thường để mua hàng của Mỹ trong năm nay thì sẽ tạo ra 200.000 việc làm mới”, “Nếu 200 người Mỹ từ chối không tiêu 20 USD để mua hàng Tàu thì mau chóng giải quyết được sự bình quân về mậu dịch là 1 tỉ USD có lợi cho nước ta”. “70 % người Mỹ nghĩ rằng các đặc quyền mua bán mà chính quyền Mỹ dành cho người Tàu cần phải đình chỉ. Đừng chờ chính quyền hành động! Chính quý vị hãy nắm lấy quyền điều khiển bản thân mình!”.
Người dân của một siêu cường đã có những suy nghĩ rất đáng để cho tất cả chúng ta, là dân của một nước nghèo lại đang từng ngày bị chèn ép, đe dọa mọi mặt, phải suy ngẫm để biết mình phải làm gì!
T. V. C.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 14-8-12

Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/TongVanCong_DungHangNuocNao.htm
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/40346
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001