Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Đỗ Kim Nhung - Quê Hương Xưa Trong “Cõi Đá Vàng”
Tùy Bút-Đỗ Kim Nhung

Tháng 3 năm 2012 tôi về Việt Nam. Ý nguyện của tôi trong chuyến đi nầy là sẽ viếng thăm quê hương của tác giả “Cõi Đá Vàng”, Nguyễn Thị Thanh Sâm, chị ruột tôi.

Cùng với thời gian này, anh Trần Hoài Thư, một nhà thơ, một cựu quân nhân của VNCH ở hải ngọai, người chủ biên “Thư Quán Bản Thảo”. Anh đã cùng một nhóm bạn, với tinh thần “Gìn Vàng giữ Ngọc” khởi xướng công việc tìm kiếm những quyển sách có giá trị văn học để in lại và lưu giữ cho những thế hệ trẻ lưu vong sau này.
Anh Phaolô đã tìm được và mượn Cõi Đá Vàng trong thư viện của trường Đại Học Cornell và với một tấm lòng yêu mến tác phẩm, anh đánh máy lại từng trang, và cuối cùng thì đến tay các anh chị trong Thư Quán Bản Thảo. Họ đã cùng nhau vực “Đứa con tinh thần” của Nguyễn Thị Thanh Sâm, cho sống lại trong ánh sáng mùa xuân 2012. Chị Trần Thị Nguyệt Mai là người đã bỏ ra rất nhiều công sức, thay mặt cả nhóm thực hiện trong việc liên lạc và đều hành tổng quát dự án “Cõi Đá Vàng”.

Sau đó những cây bút có giá trị về văn học đã ca ngợi và làm thăng hoa cho tác phẩm đã bị chôn vùi hằng bao năm tháng.

Vào một đêm tôi nằm giữa Saigon, hồn quê cũ thức dậy gọi người ra đi hàng chục năm hãy trở về. Trở về để nghe lại tiếng thì thầm của giòng sông, tiếng rì rào của hàng tre xao động, để nghe tiếng đất thở hòa vào tiếng thở của chính mình. Những kỷ niệm tuổi thơ mơ hồ đó, tưởng đã quên, tưởng đã mất, nhưng bỗng rủ nhau trở về khua động cả tâm thân.Tình hoài hương đã giục giã chân người. 

Buổi sáng hạ tuần tháng ba, từ Huế trên chiếc xe van, người tài xế lái chạy về hướng Bắc. Rời quốc lộ 1, vượt qua bao nhiêu làng mạc có những tên quen thuộc trong tiềm thức thơ bé ngày xưa của tôi. Phá Tam Giang, một địa danh mang chất thơ Tô Thùy Yên và nhạc Trần Thiện Thanh qua bài thơ phổ nhạc nổi tiếng “Chiều Về Trên Phá Tam Giang”. Rẽ phía phải chúng tôi đi qua các làng Văn Xá, Vĩnh Xương, Đại Lộc, Kế Môn nằm dọc theo một hàng chữ nhất. Nơi đây trong thời tham gia kháng chiến 1950-1951, Phạm Duy đã lấy chất liệu viết nên chiều dài lịch sử bản nhạc “Về Miền Trung”.

Chao ôi! Tôi nhớ lại cái thuở mà hai chị em chúng tôi từ Huế trở về quê trong ba tháng hè:
 “Chân non vui mộng hiền
 Nắng hè thơm bình yên” (Thơ Thanh Sâm).

Nhìn ra xa, giòng sông Ô Thủy vẫn lặng lờ bao quanh làng mạc, khói sóng đẹp như bức tranh thủy mạc và vời vợi buồn như đôi mắt của những người con gái thời chiến chinh.

Đến đầu làng Thế Chí Tây, làng của tôi, tôi cảm động không nói nên lời. Tôi muốn bắc chước nhà văn Do Thái Isaac Asimon. Khi về đến nơi chôn nhau cắt rốn, ông bốc một nắm đất trên tay cất vào ngực mình, như một nơi quí nhất của tâm hồn. Ông nói: “Cảm tạ Thượng Đế, Cảm tạ Thượng Đế đã cho tôi thấy lại quê hương một lần nữa.”


Không bao lâu tôi đã đứng trong sân từ đường xưa của ông nội tôi. Cảnh vật theo thời gian biến chuyển không ngừng. Tôi không tìm ra hình ảnh ngày xưa cách đây hơn nửa thế kỷ. Nhưng tôi đã đứng đây trên mảnh đất quê xưa. Tôi định được vị trí trong óc tưởng tượng của tôi. Tôi bắt trí óc tôi kiến trúc lại hình ảnh dấu yêu của thời thơ ấu. Nơi kia cội hoa sói cạnh hòn non bộ trước sân nhà mà chúng tôi hằng ra hái để kính cẩn rắc vào chén trà buổi sáng của ông nội tôi. Xa hơn mươi bước dưới giàn hoa tường vi thơm ngát hương đêm nơi chúng tôi đùa vui ca hát quanh sân từ đường vào những đêm có ánh trăng tràn ngập.

Trước ngõ đi vào giữa hai hàng chè tàu, tơ vàng biêng biếc như những giải lụa óng ả quấn quanh âu yếm trên những đọt chè .Tôi hình dung ra được chị tôi mặc chiếc áo dài vân trắng của Huế, tóc xõa ngang vai đang dịu dàng đi giữa hai hàng tơ vàng đó, chị tôi đang ở tuổi dậy thì thơm ngát của mùa hè quê nội...

Tôi chớp mắt, tất cả đều tan biến. Những ngày tươi đẹp không còn nữa. Tôi thấy bài thơ của chị tôi viết về quê nội trong những tháng ngày điêu linh:

“Nhưng làng tôi xưa, ngày nay không còn nữa.
Từ chiến chinh bừng lửa một đêm nao
Thây ngổn ngang máu ngập trên chiến hào,
Tro tàn lạnh nhà xiêu bên gạch đổ,
Chiều vắng lạnh tóc tang về đây đó
Không tiếng gà eo óc buổi hoàng hôn.
Đêm nghe như ghê sợ đến bên hồn.
Làng tôi chừ, chiều nghe niềm thống khổ
Chinh phu về dấu rỗ gót chinh nhân.” 

Quyển “Cõi Đá Vàng” được viết nên trong bối cảnh đau thương của những thanh thiếu niên trí thức miền Trung dưới đại họa ý thức hệ cộng sản.

Hôm nay với căn bệnh alzheimer và tuổi đời chồng chất, chị tôi ngồi quên lãng tất cả. Suối nguồn quá khứ và hiện tại không còn nữa. Trí óc chị như một giải mù sương, như một giải khăn sô trắng xóa. Chị ngồi đó, mỉm cười xa vắng...

Cõi Đá Vàng là một thời quá khứ đầy nhiệt huyết, tình yêu và nước mắt của chị. Nhưng chính chị, chị là một quá khứ tràn ngập tình thương yêu trong tôi.

Tôi nhớ mãi trong lòng hai câu thơ chị đã dịch của văn hào Nga Leon Tolstoy:

              “Con người ta sống bằng gì?
        Bằng tình yêu mến khắc ghi trong lòng”

Đỗ Kim Nhung
Tháng 8 năm 2012
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/08/o-kim-nhung-que-huong-xua-trong-coi-vang.html
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001