Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Sàn vàng ảo Việt Nam và cú lừa động trời 60 tỷ USD

Chỉ ngay sau khi có tin về vụ vỡ sàn vàng ảo tại Trung Quốc gây thiệt hại cho hàng ngàn nhà đầu tư với tổng số tiền lên đến 60 tỷ USD, các nhà đầu tư vàng ảo tại Việt Nam vội vàng tìm cách rút tiền
Báo động khẩn cấp! Chỉ ngay sau khi có tin về vụ vỡ sàn vàng ảo tại Trung Quốc gây thiệt hại cho hàng ngàn nhà đầu tư với tổng số tiền lên đến 60 tỷ USD, các nhà đầu tư vàng ảo tại Việt Nam vội vàng liên hệ ngay với điều hành các sàn vàng ảo mà mình tham gia để thăm hỏi về năng lực tài chính và khả năng rút tiền.
Ba sai lầm của giải pháp quản lý thị trường vàng
Điện thoại tắc ứ mấy tiếng đồng hồ. Bà chị tôi vun vén được năm chục cây vàng nhảy vào đầu tư sàn vàng ảo, gọi điện không được, cứ như ngồi trên lửa. Thằng em giả vờ không biết gì, cứ cằn nhằn: Nhìn thấy trên giao diện nó có hàng chữ Tàu rõ mà chị còn chơi. Đã bảo Tàu nó thâm lắm, nó để cho chị kiếm được mấy cây vàng xong là nó tuyên bố vỡ nợ, chị làm gì được nó. Việt Nam đã cấm sàn vàng ảo, chị nghe nó dụ, chơi sàn vàng quốc tế thì đi mà chịu!
Sàn vàng ảo ở Việt Nam không khác gì sàn ảo ở Trung Quốc hay trên thế giới. Đơn giản, anh có 10 cây vàng gửi vào quỹ đầu tư thì anh có quyền mua 140 cây vàng (giá trị đầu tư 7%). nếu giá vàng trên thị trường cao hơn giá mua vào, nhà đầu tư có quyền bán hưởng chênh lệch giá, sau khi trừ phí giao dịch, tiền lãi cộng vào vốn. giá thị trường giảm, nhà đầu tư không kịp bán cắt lỗ, nếu số lỗ vượt quá số tiền trong tài khoản, chủ sàn vàng tự nhiên có quyền bán số vàng của nhà đầu tư và nhà đầu tư… đứt bóng, tay trắng luôn. Dễ quá, giống như thính rang thơm với lũ cá tham lam. Và kết quả là mắc câu. Hãy nhìn sang Trung Quốc…

Báo Shanghai Daily ngày 13-6-2012 dẫn lời cảnh sát cho hay có hơn 3.000 người đã trở thành nạn nhân của sàn vàng ảo qua tám đường dây môi giới khi bỏ ra tổng cộng 87 triệu nhân dân tệ (gần 14 triệu USD) nhưng chẳng thu được vốn lẫn lời. Cảnh sát Thượng Hải (Trung Quốc) vừa thông báo bắt giữ hơn 260 nghi phạm trong vụ lừa đảo này. Mới đây, ngày 24-7-2012, cảnh sát tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc vừa bắt giữ 33 người liên quan đến vụ lừa đảo giao dịch vàng tương lai với tổng số tiền lên tới 60 tỷ USD. Theo cảnh sát, những người này bắt đầu thành lập mạng lưới giao dịch vàng chui từ tháng 10-2008. Không hề đăng ký với các cơ quan sở tại như quy định, sàn vàng này vẫn âm thầm hoạt động từ đó đến gần đây. Những nghi phạm trên rêu rao với nhà đầu tư rằng họ là đại lý của các công ty nước ngoài chuyên giao dịch vàng tại London.
Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra ít tiền để mở tài khoản, sau đó giao dịch vàng và thu về hàng đống tiền. Tuy nhiên, những người này đã không cảnh báo nhà đầu tư một sự thật rằng chơi vàng tài khoản có tính rủi ro rất cao. Ngoài ra, hợp đồng giữa hai bên cũng lỏng lẻo theo hướng bất lợi cho người tham gia sàn vàng và nhà đầu tư phải chịu chi phí cắt cổ khi muốn xin tư vấn. Một nhà đầu tư – nạn nhân tên Yu báo với cảnh sát rằng anh này đã mất tới 2,8 triệu nhân dân tệ (430.000 USD) không lâu sau khi tham gia sàn vàng vào tháng 4-2010. Tờ China Daily của Trung Quốc cho biết theo kết quả điều tra mới nhất, có hơn 5.000 nhà đầu tư đã bị thiệt hại nặng với số tiền tổng cộng 380 tỷ nhân dân tệ, tương đương 59,62 tỷ USD trong vụ sàn vàng chui này. Mặc dù bọn tội phạm dùng nhiều thủ đoạn che giấu, cảnh sát vẫn lần ra được trụ sở chính của nhóm người này tại một căn hộ ở Phố Đông, tỉnh Quảng Đông. Ngoài 33 người vừa bị bắt, cảnh sát cho biết họ đang mở rộng điều tra và sẽ có thêm nhiều cuộc bắt giữ trong thời gian tới.
Trang Kitco News nhận định, giá vàng nhiều khả năng đã tăng cao hơn so với mức hiện nay nếu số tiền trên được đầu tư vào các sàn vàng chính thức. “60 tỷ USD rõ ràng là một con số đáng kể, đây là một vụ lừa đảo khổng lồ”, Adrian Day – Chủ tịch của Quỹ quản lý tài sản Adrian Day nhìn nhận. “Nhìn về tương lai, vụ này có thể khiến các nhà đầu tư Trung Quốc chuyển qua vàng vật chất nhiều hơn chứ tôi không nghĩ người dân nước này sẽ không mua vàng nữa”.
Còn ở Việt Nam ra sao?
Sàn vàng ở Việt Nam ra đời vào tháng 12-2007 và kéo dài đến ngày 30-3-2010. Sinh ra vội vàng và “chết” đột ngột, sàn vàng đã để lại những hậu quả nặng nề mà đỉnh điểm là vụ kiện kéo dài với nhiều uẩn khúc.
Thời gian gần đây, “hội những người đầu tư” trên sàn vàng một thời thường xuyên gặp nhau ở một nơi, đó là tòa án. Từ một nhà đầu tư cao cấp bây giờ họ đã trở thành kẻ “đáo tụng đình” và cùng có “điểm chung” là thua kiện trong tức tưởi. Trong đó đặc biệt có ông Trần Trọng Nghĩa (trú tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Ông Nghĩa kiện sàn vàng ACB đòi bồi thường số tiền lên đến 250 tỉ đồng.

Cho rằng nguyên nhân dẫn đến bị thua lỗ trên sàn vàng là do giao dịch nhầm lẫn, gây thiệt hại tổng cộng 8.450 lượng vàng, ông Nghĩa yêu cầu ACB bồi thường. Tuy nhiên cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án đều xử ông thua kiện vì…hết thời hiệu.
“Từ được đón tiếp, mời chào, chúng tôi trở thành con nợ. Trong hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ thể hiện chúng tôi có người vay 10.000 chỉ vàng, người 8.000 chỉ vàng nhưng thực tế không ai nhận được 1 chỉ vàng nào. Vàng ảo nhưng nhà, đất thì mất thật, vợ chồng ly dị, gia đình ly tán. Tất cả chúng tôi đều “chết” trên sàn vàng”- bà P.T.B.L.N (trú tại quận Gò Vấp – TP.HCM) nói.

Ngày 20-4-2012, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất bản cáo trạng truy tố bị can Phạm Ngọc Vân (sinh năm 1983, trú quận Phú Nhuận, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Việt Tín) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan quan điều tra xác định Phạm Ngọc Vân đã lừa 8 bị hại, chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng…
Theo bản cáo trạng, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Việt Tín do Phạm Ngọc Vân thành lập từ tháng 2-2006 nhưng không triển khai hoạt động kinh doanh gì. Từ tháng 6-2008, Vân lập trang web http//www.vfxholdings.com để quảng bá Công ty VFX Holdings là một sàn giao dịch vàng, ngoại tệ quốc tế trực tuyến với công nghệ hàng đầu thế giới. Tin tưởng, một số nhà đầu tư đã mở tài khoản và nộp tiền mặt, tối thiểu là 2.000 USD cho Công ty Việt Tín để được nhận lại tài khoản giao dịch và mật khẩu. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền khách hàng ký quỹ và tham gia giao dịch vàng, ngoại tệ, tất cả đã bị Vân giữ lại chi tiêu cá nhân. Khi khách hàng nộp hay rút tiền ký quỹ thì Vân sẽ trực tiếp đăng nhập vào tài khoản quản lý để điều chỉnh cho số tiền tăng lên hoặc giảm đi tương ứng. Một bằng chứng điều tra cho thấy có ít nhất 3 “nhà đầu tư” đang sở hữu tài khoản có số tiền từ 70.000USD đến hơn 100.000USD, đột ngột bị “đánh sập” mà không hiểu vì lý do gì. Cơ quan tố tụng đã đủ cơ sở kết luận vị giám đốc này có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng tổng số tiền là khoảng 6 tỉ đồng.
Loại tội phạm lừa đảo lợi dụng hoạt động tư vấn đầu tư vàng, ngoại tệ thông qua mạng Internet là cực kỳ phức tạp, nhất là vào giai đoạn “tranh tối tranh sáng” của thị trường vàng bạc, ngoại tệ như hiện nay. Đã có thời kỳ số nạn nhân bị lôi kéo tham gia vào loại hình này cứ tăng theo cấp số nhân với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn. Hầu hết bọn tội phạm núp bóng một công ty hay doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh tư vấn hoặc môi giới, có trụ sở giao dịch cố định, tự tạo ra website có nguồn gốc nước ngoài in thư mời, quảng cáo và cho nhân viên đi tiếp thị.
Các thủ đoạn lừa đảo trên sàn vàng ảo
Theo quyết định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, tất cả các sàn vàng ảo phải đóng cửa chậm nhất là ngày 30-3-2010. Nhưng ngay vào thời điểm này khi các sàn vàng ảo trong nước đã đóng cửa, việc lừa đảo đầu tư vàng ảo vẫn diễn ra. Chỉ cần vào công cụ tìm kiếm của “google” gõ cụm từ “sàn giao dịch vàng trực tuyến” sẽ có đến vài chục sàn vàng ảo hiện ra. Các nhân viên của các sàn ảo này vẫn ráo riết tìm kiếm các con mồi. Chị Văn Thu Hương, ở phố Cửa Bắc kể: Có ngày có đến 4 nhân viên của sàn giao dịch vàng và ngoại tệ Forex có đại diện ở Hà Nội gọi điện mời tham gia đầu tư vàng ảo, thậm chí họ còn gửi cho tôi tài liệu về giá và chiến lược lướt sóng mỗi ngày.
Còn anh Nguyễn Thế Đông (Bà Triệu) tiếp câu chuyện: “không hiểu sao nhân viên môi giới mấy sàn vàng ảo lại có địa chỉ chat của mình. Sáng nào, cũng gửi các chiến lược phiên lướt vàng châu Á, châu Âu với điểm bán – chốt lời rất kỹ càng”. Thậm chí còn nhiệt tình mời anh tham gia chơi thử trên sàn vàng quốc tế. Theo lời kể của một nhà đầu tư vàng có kinh nghiệm, ông Trần Tiến Dũng, hiện tại cũng có đến vài chục sàn vàng, hoặc đại lý của những sàn vàng này đang hoạt động. Nhiều thư điện tử với lời mời gọi tham gia giao dịch vàng qua tài khoản vẫn được công khai gửi tới email của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, trên thực tế, việc đầu tư vào các sàn vàng này là khá rủi ro và phần thắng không bao giờ thuộc về. Hợp đồng mở tài khoản cũng rất “lung tung”, nhà cái yêu cầu các phải chấp nhận những rủi ro như: mất mạng, tài khoản của nhà cái bị phong tỏa do kiểm tra, kiểm soát, lệnh bán nhiều khi không được khớp lệnh với những lý do mà nhà cái đưa ra là mất điện hay lỗi hệ thống hoặc nếu có bán được thì giá giảm rất sâu so với giá kỳ vọng của… thậm chí, nhà cái có thể “thọc” được vào toàn bộ tài khoản của nhà đầu tư mà không kiểm soát được. Trong trường hợp muốn rút tiền cũng rất khó khăn. Nói chung, không bao giờ cái lợi thuộc nhà đầu tư, cái lợi duy nhất nhà đầu tư được hưởng đó là cơ hội để “đầu tư”.
Giải pháp chống lừa đảo
Hơn 2 năm đã trôi qua kể từ ngày sàn giao dịch vàng bị cấm, nhưng câu chuyện “hậu sàn vàng” chưa bao giờ lặng sóng. Và đến nay khi hiện tượng “sàn vàng ảo” tái diễn sôi động, vấn đề này lại được đặt ra với với câu hỏi nóng bỏng: để dẹp tình trạng sàn vàng ảo, cần phải có giải pháp gì?
Mọi hành vi lừa đảo trước hết đánh vào sự tham lam của nạn nhân. Các môi giới sẵn sàng thổi: tham gia sàn vàng một vốn bốn lời, có người một tuần kiếm mấy chục tỷ…cứ làm như kiếm tiền dễ như ăn kẹo. Nhưng thực tế trong những năm sàn vàng ảo được mở tự do ở Việt Nam, có tới 95% nhà đầu tư bị thua lỗ nặng. Hàng chục ngàn tỷ đồng đã bốc hơi trong các sàn vàng ảo. Còn thời điểm này, khi Việt Nam đã cấm giao dịch sàn vàng ảo thì mọi rủi ro sẽ thuộc về nhà đầu tư. Như lời ông Đỗ Khắc Việt Bảo, chuyên gia ngành tài chính thì các nhà đầu tư Việt Nam vẫn tham gia đầu tư vàng và ngoại tệ qua mạng. Nhưng các hình thức này là bất hợp pháp, do vậy, nhà đầu tư chịu hết rủi ro. Kể cả khi vụ việc vỡ lở, nhà đầu tư cũng không có căn cứ để tìm đến luật sư hay cơ quan pháp luật.
Theo chuyên gia cao cấp Lê Đăng Doanh, để quản lý thị trường vàng tốt hơn, nên cho lập sàn vàng. Theo đó, thành viên tham gia sở giao dịch vàng là các công ty, các ngân hàng và cho ký quỹ với tỷ lệ cao để tránh rủi ro. Rút kinh nghiệm sàn vàng trước đây, sở giao dịch vàng cần có quy chế quản lý và được pháp luật hóa rõ ràng. Hơn nữa, việc này cũng sẽ hạn chế được sự bùng nổ của các sàn vàng chui.
(Theo ANTĐ)

nguồn:http://anle20.wordpress.com/2012/08/01/san-vang-ao-viet-nam-va-cu-lua-dong-troi-60-ty-usd/
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001