Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Tảng đá có hình người "làm chuyện ấy"

Thứ Năm, 16/08/2012, 08:10 AM (GMT+7)
Trên một tảng đá ở Bản Pho có cảnh một đôi nam nữ đang quan hệ tình ái trong tư thế ngoảnh mặt về phía trước...

Năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng bãi đá cổ Sa Pa (Lào Cai) vào "Di tích lịch sử văn hóa quốc gia". Cho đến nay, tại thung lũng Mường Hoa, đã phát hiện được gần 200 tảng đá có khắc hình thuộc các loại sau: Đường vạch song song, hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn, hình người... và cả dấu vết chữ viết.
Những bức tranh sinh hoạt độc đáo
Các hình khắc trên đá ở Sa Pa thể hiện nhiều hình người với những tư thế khác nhau. Đó là cảnh đánh giặc, cảnh lao động trên đồng ruộng, có khi là một người, hai người, có khi lại là một nhóm người...
Trên một tảng đá ở Bản Pho có cảnh một đôi nam nữ đang giao hợp trong tư thế rất đặc biệt. Cả hai người đều ngoảnh mặt về phía trước, hai bộ phận sinh dục nối  liền nhau. Ở phía dưới là hình dáng một cái chậu. Hình ảnh này thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người xưa. Nếu liên hệ đến hình tượng bốn cặp nam nữ giao hợp được trang trí trên nắp thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái - niên đại cách đây 2.500 năm) và tục thờ "sinh thực khí" ở một số lễ hội ở miền Bắc, ta thấy có sự thống nhất trong tín ngưỡng ban đầu, trong tâm linh cổ sơ của người Việt. Đó là khát vọng sinh sôi để bảo tồn nòi giống.
Trong một số hình khắc có hai nhân vật nam nữ (phân biệt được nhờ sự thể hiện bộ phận sinh dục và thường là to lớn hơn tỷ lệ bình thường), các nhân vật nữ thường được đặt cao hơn nam giới. Phải chăng điều này phản ánh thời kỳ chế độ mẫu quyền, khi mà người phụ nữ có vị thế cao hơn nam giới? Nghiên cứu những hình khắc này, các nhà xã hội học, dân tộc học sẽ phát hiện được nhiều điều thú vị về các mặt đời sống, sinh hoạt của xã hội cổ xưa, về quan hệ giữa người và người, giữa con người và thiên nhiên, vị thế của con người trong cộng đồng xã hội và có thể biết được những phong tục tập quán, những thói quen sinh hoạt của xã hội buổi sơ khai.
Tảng đá có hình người "làm chuyện ấy", Phi thường - kỳ quặc, tang da co hinh nguoi lam chuyen ay,chuyen ay,chuyen la,chuyen la co that,chuyen la the gioi,tin tuc
Một số tảng đá cổ ở Sa Pa, trên đó có hình khắc và chữ viết.
Dấu vết của chữ viết
Trên một bức vẽ, nếu thấy các ký hiệu, hình vẽ được phân bố đều đặn, được lặp đi lặp lại liên tục thì ta tin chắc rằng đó chỉ là hình hoa văn trang trí. Hình hoa văn trang trí ngoài chức năng làm đẹp cho một đồ vật nào đó thì không có ý nghĩa gì khác. Khi một bức vẽ chứa đựng một suy nghĩ, một ý tưởng, một quan niệm nào đó của người sáng tạo ra nó thì không còn đơn thuần là những hình vẽ nữa mà là những văn tự đồ họa, một hình thức chữ viết sơ khai của loài người.
Với cách hiểu như trên thì toàn bộ các hình khắc trên các tảng đá ở Sa Pa bao gồm các bản đồ, các bức tranh hoành tráng, hay các hình vẽ thể hiện sự sinh hoạt đều là những văn tự đồ họa. Với gần 200 tảng đá được khắc hình ở Sa Pa ta có thể coi đó là gần 200 tấm bia cổ xưa nhất của nước ta. Gần 200 tấm bia mà chúng ta chưa thể đọc được chi tiết, mới chỉ biết về chúng, mô tả chúng một cách đại khái, sơ lược. Nhưng ở bãi đá cổ Sa Pa không chỉ có văn tự đồ họa. Ở một số tảng đá, ta bắt gặp chữ viết ở dạng sơ khai và cả dạng hoàn chỉnh.
Đến Mường Hoa, nhìn những tảng đá lớn khum khum như hình mai rùa, nằm lấp trong cây, nằm lẫn trong cỏ, trên đó chi chít những hình vẽ và cả ký tự, bất giác ta liên tưởng đến những ghi chép trong thư tịch cổ Trung Hoa: "Đời Đào Đường, Nam di có Việt Thường thị qua nhiều lần thông dịch, đến hiến một con rùa thần. Rùa ước được nghìn tuổi, rộng hơn ba thước, trên lưng có chữ khoa đẩu chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là quy lịch".
Quy lịch là lịch ghi chép về thiên văn, thời vụ, cách tính ngày, tháng, năm. Quy lịch được chép, khắc trên mai rùa, nhưng có được khắc trên đá không? Chắc chắn là có. Cái mà sứ giả Việt Thường mang sang biếu vua Nghiêu là lịch ghi trên mai rùa, để đảm bảo được nhẹ, dễ mang đi xa. Điều đó ai cũng biết. Nhưng những cư dân đã biết khắc lịch lên mai rùa, đem biếu, không lẽ lại không biết khắc lên đá để sử dụng lâu dài cho mình? Những điều ghi chép trên đây trong thư tịch cổ Trung Hoa và những tảng đá cổ ở Sa Pa có liên quan gì với nhau? Chỉ có giải mã được những hình vẽ bí ẩn, đọc được những dòng chữ khắc trên đá ở đây, chúng ta mới trả lời được thấu đáo câu hỏi này.
Theo Bee
nguồn:http://hn.24h.com.vn/phi-thuong-ky-quac/tang-da-co-hinh-nguoi-lam-chuyen-ay-c159a476587.html
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001