Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Hé lộ khối tài sản khổng lồ của gia đình 

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo


Theo một báo cáo về quản lý hành chính và tình hình các công ty, gia đình Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sở hữu lượng tài sản có tổng giá trị vào khoảng 2,7 tỷ USD.
Gia đình Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo được cho là sở hữu khối tài sản khổng lồ: 2,7 tỷ USD.
Tiết lộ về tổng tài sản của gia đình ông Ôn Gia Bảo lại là một ví dụ tồi tệ mới về việc người thân của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc lợi dụng các mối liên hệ chính trị để thu những món lợi khổng lồ.
Thông tin về khối tài sản khổng lồ của gia đình đương kim thủ tướng Trung Quốc được công bố trên các trang web của tờ Thời báo New York (New York Times) cả phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Trung. Nhưng ngay lập tức, cơ quan kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc đã chặn 2 trang web này.
Báo cáo trên được đưa ra trong lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị ra mắt thế hệ lãnh đạo mới của nước này còn niềm tin của dư luận nước này đối với chính quyền đang xói mòn nghiêm trọng do một loạt các vụ bê bối.
Ông Ôn Gia Bảo, 70 tuổi, sẽ về hưu sau khi giữ chức vụ Thủ tướng Trung Quốc trong 10 năm.
Trong suốt thời gian đó, ông thường tỏ ra mình là một nhà cải cách, quyết tâm xóa bỏ nạn tham nhũng, mua quan bán chức và lạm dụng chức quyền – những vấn nạn đã mang tính hệ thống trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hồi tháng 3, ông đã có bài phát biểu trước Hội đồng nhà nước trong đó ông lên tiếng cảnh báo rằng “mối nguy hiểm lớn nhất” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đối mặt là tình trạng hối lộ và Đảng có thể sẽ mất vị thế lãnh đạo đất nước nếu không hành động ngăn chặn.
“Nếu vấn nạn này không được xử lý, quyền lực chính trị sẽ thay đổi”, ông phát biểu.
Tuy nhiên, có nhiều tin đồn rằng trong nhiều năm gia đình ông Ôn Gia Bảo, đặc biệt là vợ ông, đã lợi dụng vị thế thủ tướng của ông để làm giàu cho gia đình mình.
Theo tờ Thời báo New York, mẹ, con trai, con gái, em trai, em rể và vợ ông Ôn Gia Bảo đã trở nên giàu có trong thời gian ông lãnh đạo Trung Quốc.
Với báo cáo trên, có khả năng Thời báo New York sẽ bị Trung Quốc “trả đũa”. Vào tháng 6, khi tờ Bloomberg News đưa tin rằng gia đình ông Tập Cận Bình, người sắp giữ chức vụ Chủ tịch Trung Quốc, có khối lượng tài sản trị giá ít nhất 376 triệu USD, trang web của tờ báo này đã bị chặn và các ngân hàng Trung Quốc dừng mua các dữ liệu tài chính của hãng Bloomberg khiến hãng này có thể mất đi doanh thu tới hàng triệu USD.
Tờ Thời báo New York mới chỉ bắt đầu hoạt động trang web bằng tiếng Trung từ cuối tháng 6 năm nay.
Về nguyên tắc, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc như ông Ôn Gia Bảo không thể có tài sản lớn hay tham gia vào các hoạt động làm ăn sinh lời. Đáng lẽ với mức thu nhập khiêm tốn 140.000 nhân dân tệ/năm (22.600 USD) của người đứng đầu chính phủ Trung Quốc, gia đình ông sẽ chỉ có thể có cuộc sống giản dị.
Nhưng nhiều nhà lãnh đạo nước này vẫn có những thỏa thuận tài chính rất tinh vi, thường là thông qua con cái và những người thân khác trong gia đình.
Theo tờ Thời báo New York, cách đây 5 năm mẹ của ông Ôn Gia Bảo, bà Yang Zhiyun hiện 90 tuổi, từng làm giáo viên, sở hữu khoản đầu tư 120 triệu USD ở Ping An, một trong các công ty tài chính lớn nhất thế giới.
Các cổ phiếu do mẹ ông Ôn Gia Bảo nắm giữ được ghi danh là Taihong, một công ty chủ vốn đăng kí kinh doanh ở tỉnh Thiên Tân, quê ông Ôn Gia Bảo.
Báo cáo của Thời báo New York cho hay người thân của ông Ôn Gia Bảo đã mua các cổ phiếu của các ngân hàng, công ty kinh doanh đồ trang sức, các khu nghỉ dưỡng, các công ty viễn thông và các dự án cơ sở hạ tầng, sở hữu các công ty và các tài sản ở nước ngoài. Trong các trường hợp trên, gia đình ông đều sử dụng dí danh.
Giá trị tài sản của gia đình ông Ôn Gia Bảo trong công ty Ping An trị giá khoảng 2,2 tỷ USD vào năm 2007, thời điểm cuối cùng những thông tin này được công bố. Trong bản báo cáo của mình, công ty Ping An tuyên bố “không biết nguồn gốc tài sản của những cổ đông của chúng tôi”.
Duan Weihong, một nữ doanh nhân giàu có sở hữu một công ty đã trở thành công cụ để gia đình ông Ôn Gia Bảo mua cổ phiếu. Bà Weihong khẳng định các cổ phiếu đó là của bà và giải thích rằng người thân của bà đã dùng các tên khác, trong đó có tên của người nhà ông Ôn Gia Bảo, để nắm giữ cổ phiếu cho bà, giúp bà giấu đi lượng tài sản thực sự của bà.
Gia đình ông Ôn Gia Bảo cũng được cho là có lợi nhuận từ “một dự án xây dựng biệt thự ở Bắc Kinh, một nhà máy săm lốp ở phía bắc Trung Quốc và một công ty đã tham gia xây dựng một số sân vận động phục vụ cho Olympic Bắc Kinh, trong đó có sân vận động “Tổ chim” nổi tiếng”.
Vợ ông Ôn Gia Bảo, bà Trương Bồi Lợi, được cho là đã tham gia kiểm soát thị trường kim cương Trung Quốc, trong khi em trai ông, Wen Jiahong, nắm giữ 200 triệu USD từ các nhà máy xử lý nước và các doanh nghiệp tái chế.
Trong khi dư luận Trung Quốc cho rằng nạn tham nhũng trong Đảng Cộng sản chỉ hạn chế ở các cấp thấp, còn các nhà lãnh đạo cấp cao thì trong sạch. Nhưng niềm tin đó đã sụp đổ sau khi xảy ra một loạt các vụ bê bối trong thời gian vừa qua bao gồm vụ “ngã ngựa” của chính trị gia Bạc Hy Lai và vụ tai nạn xe Ferrari dẫn đến cái chết của con trai ông Lệnh Kế Hoạch, trợ lý thân cận của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Tờ The New York Times trích dẫn: Năm 2009, Chen Jieren, cháu trai của ông He Guoqiang, một trong 9 ủy viên thường trực Bộ chính trị, đã nói với các nhà ngoại giao Mỹ rằng Đảng Cộng sản đã cắt “miếng bánh” kinh tế Trung Quốc để chia cho các nhà lãnh đạo nước này.
“Dư luận rộng rãi đều biết rằng cựu thủ tướng Lí Bằng và gia đình ông nắm giữ lợi nhuận từ ngành điện lực, một ủy viên thường trực Bộ chính trị là ông Zhou Yongkang cùng trợ lí kiểm soát lợi nhuận từ ngành dầu khí, một ủy viên thường trực Bộ chính trị khác là Jia Qinglin là nhà đầu tư chính của các dự án bất động sản lớn ở Bắc Kinh, con rể Chủ tịch Hồ Cẩm Đào điều hành trang Sina.com và vợ ông Ôn Gia Bảo kiểm soát ngành kim cương đầy lợi nhuận của Trung Quốc”, Chen cho biết.

Tùng Lâm
(iNFONET)

Chặn báo Mỹ vì bài về tiền nhà Ôn Gia Bảo
Cập nhật: 07:55 GMT - thứ sáu, 26 tháng 10, 2012 


Ông Ôn Gia Bảo dự kiến sẽ rời ghế Thủ tướng sau Đại hội 18 ở Bắc Kinh vào tháng 11 này

Báo Mỹ New York Times nói trang web của họ bị chặn ở Trung Quốc vì bài phóng sự điều tra nói thân nhân Thủ tướng Ôn Gia Bảo tích lũy và kiểm soát hàng tỷ đôla tài sản.

Theo bài trên trang này, con trai, con gái, em trai, em rể của Thủ tướng họ Ôn, người dự kiến sẽ từ nhiệm sau Đại hội Đảng 18 vào tháng tới, đã và đang kiểm soát “các tài sản trị giá ít nhất là 2,7 tỷ USD”.

Các bài liên quan
Những khoản tài sản này gồm bất động sản, bảo hiểm, các công ty xây cất, và thường được cất giấu qua các hình thức đối tác, cơ chế đầu tư.

Hôm 26/10/2012, cả BBC News tiếng Anh và nhiều hãng thông tấn đưa tin rằng trang New York Times bản tiếng Trung và tiếng Anh đều bị chặn ở Trung Quốc.

Các đoạn đăng tải lại trên mạng xã hội microblog ở Trung Quốc cũng bị ngăn hoặc xóa. 

Có nhiều bình phong

Tờ New York Times cho rằng đầu tư của gia đình họ Ôn bao trùm nhiều lĩnh vực kinh tế.

Báo Mỹ còn viết một trong số các cơ sở làm ăn này, công ty bảo hiểm Bình An đã hưởng lợi từ chính những lần cải cách về chính sách được thông qua năm 2004 bởi một cơ quan nhà nước mà ông Ôn Gia Bảo giám sát.

"Trong nhiều trường hợp, tên của các thân nhân được giấu đằng sau nhiều vỏ bọc, bình phong là đối tác, khoản đầu tư gồm cả bạn bè, đồng nghiệp, đồng sự kinh doanh.”
"Một số doanh nghiệp của gia đình này đôi khi nhận được hỗ trợ tài chính từ các công ty nhà nước, trong đó có cả China Mobile,"
Trang New York Times viết:
"Khác với cách kinh doanh chung ở Trung Quốc, một số doanh nghiệp của gia đình này đôi khi nhận được hỗ trợ tài chính từ các công ty nhà nước, trong đó có cả China Mobile, một trong số các công ty viễn thông lớn nhất cả nước, lần khác thì lại được các tài phiệt mạnh nhất châu Á giúp đỡ,"

"Gia đình này còn là chủ của dự án phát triển biệt thự ở Bắc Kinh; nhà máy sản xuất lốp xe ở phía Bắc Trung Quốc; sở hữu một trong những công ty xây dựng sân vận động Olympic Bắc Kinh, trong đó có sân ‘Tổ Yến’, và công ty bảo hiểm Bình An, một trong những công ty dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới."

Báo Mỹ cũng đăng rằng:
"Em trai của ngài thủ tướng chẳng hạn, sở hữu công ty được nhà nước trao cho dự án trị giá hơn 30 triệu đôla để xử l‎ý nước thải và rác y tế cho các thành phố lớn của Trung Quốc, theo số liệu ước tính của nhà nước,"



Ông Ôn Gia Bảo có tiếng là thủ tướng 'gần dân' 
vì thường gặp công chúng và dễ bày tỏ cảm xúc 

"Hợp đồng này được công bố sau khi ông Ôn Gia Bảo yêu cầu đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về xử lý rác thải y tế năm 2003, khi dịch SARS bùng phát."

Theo phóng viên BBC John Sudworth từ Thượng Hải, ông Ôn Gia Bảo, thường được gọi thân mật là 'ông ngoại Ôn' (Grandpa Wen) là một trong số ít nhà chính trị Trung Quốc có tiếng là gần dân.

Ông thường là quan chức cao cấp đầu tiên đến thăm các nạn nhân động đất, thiên tai để chia sẻ.

Nhưng theo phóng viên BBC, cũng có tin đồn đoán trong cả một thập niên cầm quyền của ông Ôn nói rằng vị trí thủ tướng đem lại cho gia đình ông các khoản lợi nhuận rõ rệt.

Nay, theo John Sudworth, báo New York Times chỉ đem lại các con số cụ thể cho những đồn đoán đó.

Năm 2007, nguồn tiết lộ từ Wikileaks cũng đã nói thủ tướng Trung Quốc 'phẫn nộ' vì các hoạt động của thân nhân.

Nhưng dù ông ta đồng ý hay không, phóng sự của New York Times cho thấy đa số tài sản tích lũy được trong các lĩnh vực kinh tế trực tiếp dưới quyền chỉ đạo, giám sát của ông Ôn.

Ông cũng không phải là lãnh đạo cao cấp đầu tiên bị các nghi ngờ bám vào vì vị trí quyền lực.

Nhà chức trách coi tin về tài sản nhà Ôn Gia Bảo là "hết sức tế nhị và gây tác động xấu".

Hiện trang Bloomberg vẫn bị ngăn tại Trung Quốc, kể từ sau khi đăng bài hồi tháng 6 về tài sản của thân nhân ông Tập Cận Bình, người dự kiến sẽ lên nắm quyền tối cao ở Trung Quốc tới đây, theo John Sudworth. 

Tin mới nhất cho hay phóng viên BBC tại Bắc Kinh, Martin Patience đang tường thuật trực tiếp về tin liên quan đến gia đình ông Ôn Gia Bảo trên kênh BBC World News thì bị nhà chức trách nước này ngắt hình.


Tại Việt Nam, trang Infonet của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam cũng vừa gỡ bỏ bài báo của Tùng Lâm "Hé lộ khối tài sản khổng lồ của gia đình Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo". 

1 nhận xét:

  1. Hồ Cẩm Đào là một nhà tư bản làm chính trị khi lấy con gái Đặng Tiểu Bình. Nền chính trị độc tài là mảnh đất phì nhiêu cho tham nhũng. Những lãnh đạo chính trị kinh tế quân sự trung Quốc không muốn tránh con đường mòn - tham nhũng. Nhưng dù sao những Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo hay Tập cận Bình, Bạc Hy Lai cũng là những người có năng lực và sử dụng trong bộ máy hầu hết là người có năng lực. Chính vì thế dù ở top những nước tham nhũng TQ vẫn phát triển mạnh mẽ. Họ đóng góp 10 nhưng " nhìn nhau " để chỉ ăn 1. Việt Nam thì khác ở chỗ ăn xổi do tư duy nhiệm kỳ. Các lãnh đạo không cần năng lực chỉ cần tư duy " ăn ". Họ làm 1 nhưng ăn 2 nên dù kinh tế suy thoái nhưng gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn không chịu kém Ôn Gia Bảo. 2, 7 tỷ USD nhằm nhò gì với chức TT VN đầy quyền lực. Khi Thủ tưởng đã tập hợp được một đàn sâu bự trong Trung ương đảng ăn ruỗng cái cây XHCN thì vài ba nhà môi trường học như Chủ tịch nước, Tổng Bí thư mới bừng tỉnh lo đỡ cho cái cây khỏi đổ đổ gục. Một mãnh hổ chống sao đàn chó sói. Một vài loại thuốc trừ sâu làm sao diệt cả đàn sâu và những ổ trứng sắp nở trong khi cái cây XHCN không có sức đề kháng đã hoàn toàn mục ruỗng. Thật ra cái cây XHCN không còn chất dinh dưỡng để nuôi cơn đói của bầy sâu. Vậy thì bơm chất dinh dưỡng cho cây khác nào bơm vào mồm bầy sâu háu đói. Cái cây XHCN sẽ đổ gục trong thập niên này hỡi những nhà môi trường đầy ảo vọng

    Trả lờiXóa

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001