Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Về với người hâm mộ, tại sao không? 


Những ngày cuối tháng 9 tin Khánh Ly về Việt Nam bỗng xôn xao dư luận. Có thể Khánh Ly chậm chân hơn người khác, nhưng sự trở về của Khánh Ly hình như được mong đợi nhiều hơn, do tên tuổi của chị đã một thời gắn liền với nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh. Đến nay giọng ca của Khánh Ly vẫn quyến rũ chinh phục khán giả, nếu không nói chị hát còn hay hơn thời còn trẻ.
Người mong đợi nhiều nhất có lẽ khán giả trong nước, họ muốn chị về để tận tai nghe những bản tình ca bất hủ của Trịnh Công Sơn. Khánh Ly-Trịnh Công Sơn hai cái tên gắn liền nhau như một định mệnh, chị là người hát nhạc TCS hay nhất và nhạc TCS hình như chỉ viết để Khánh Ly hát mà thôi. Đã có nhiều ca sĩ sau này thử thay thế, được báo chí lăng xê nhưng nhanh chóng đi vào quên lãng. Tính chọn lọc trong quần chúng tuy không thấy ngay nhưng công bằng và cũng khó tính. Nói như thế để thấy Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là một hiện tượng âm nhạc lớn.
Nhưng sự chậm chân của Khánh Ly, sau Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Phạm Duy… là có nguyên cớ. Dù không nói ra, ai cũng biết đó là thái độ của một nghệ sĩ tự trọng. Chắc chắn Khánh Ly đã cân nhắc giữa ước muốn được trình diễn ở quê hương và những hệ lụy của việc phải ghép mình vào qui định của Cục Nghệ Thuật Biễu Diễn.
Một ca sĩ nổi tiếng chịu về hát trong sự quản thúc chặt chẽ của chính quyền nổi tiếng khe khắc tất nhiên gây dư luận. Tôi không tin Khánh Ly xem nặng áp lực ở hải ngoại. Chị sống trên xứ sở tự do, biết quyền của mình và quyền của dư luận. Chị có thái độ chính trị khi hát rất hay những bài hát di tản của Nam Lộc, Việt Dũng…Có lẽ Khánh Ly lo lắng nhiều hơn về phía bên Việt Nam. Một đàng là tình cảm và hạnh phúc từ người hâm mộ, một đàng là những nhiêu khê trong chế độ độc tài đa nghi như Tào Tháo.
Và hình như thế nào chị cũng đi, được hỏi có kiểm duyệt hay không, Khánh Ly nói:
“Phải có kiểm duyệt. Lỡ hát những bài người ta không cho phép thì phiền lắm. Nhưng mà nhiều khi tôi nghĩ nó cũng đúng. Mình vào nhà người ta. Tức là vào nhà người ta thì chỉ được làm những gì người ta cho phép.”
“Người ta” ở đây là chính quyền Hà Nội. Họ đã cướp chính quyền – Lời họ tự nhận. Những kẻ cướp không được dân chúng bầu lên, ngồi chồm hổm trên Hiến pháp. Kẻ cướp ấy đang cai trị đồng bào mình rất tàn ác. Căn nhà chung của nhân dân Việt Nam chứ không phải tổ chức, đảng phái nào. Từ Sài Gòn, Đà Nẳng, Hà Nội đều có người yêu mến chị muốn nghe chị hát. Khánh Ly cần phải hát những bài khán giả yêu cầu bởi vì đối tượng của chị là người dân hâm mộ. Chị về hát ở quê nhà chứ không phải nhà người ta, càng không phải nhà của “người lạ”.
Có người nói Khánh Ly nên hát chứ đừng nói, điều nầy có lẽ đúng. Câu nói trên có thể là khôn ngoan nhưng chưa chuẩn xác. Ra Hà Nội thế nào cũng có mục “thăm lăng bác”, chụp ảnh chụp hình, không biết Khánh Ly xoay xở ra sao. Chỉ mong Khánh Ly không làm điều người ta không thích và cũng đừng tự nguyện làm điều mình không thích.
Khi Phạm Duy về Việt Nam cũng có dư luận sôi nổi. Người ta không trách một Phạm Duy tài hoa muốn hoàn thành Minh họa Kiều trên quê hương đất nước. Người ta chỉ chê ông khi hí hửng khoe sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Làm chứng minh nhân dân hay hộ khẩu đơn thuần là một thủ tục, nhưng khoe khoang và hí hửng là một thái độ. Phạm Duy đã sai lầm khi tỏ thái độ dù có thể ông đã tính toán làm quà để được đối xử dễ dãi hơn.
Phạm Duy không biết việc chấp nhận về Việt Nam đã là món quà lớn đối với chính quyền Hà Nội. Giá trị người nghệ sĩ Phạm Duy là giá trị nhân bản lâu dài, còn giá trị nghị quyết 36 là giá trị con buôn. Đáng tiếc ông đã không biết giá trị thật của mình trong việc mặc cả với bọn lái buôn xảo trá.
Trước tin Khánh Ly về hát, Phạm Duy lại phát biểu “Đây là bằng chứng hùng hồn của chính sách đại đoàn kết dân tộc” (!) Hiểu theo nghĩa đại đoàn kết là chấp nhận sự khác biệt. Chính quyền Hà Nội hiện nay đang điên cuồng chống trả sự khác biệt . Chứng tỏ nhà cầm quyền đang co cụm sợ hãi. Rõ ràng họ không có sự tự tin của người đứng ra kêu gọi đoàn kết.
Phạm Duy ngây thơ hay tin rằng cộng sản đoàn kết dân tộc. Những tài năng như Hữu Loan, Quang Dũng, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh… đã được chính sách dân tộc kiểu nầy vùi dập. Đoàn kết dân tộc lúc đó là ám sát, thủ tiêu hoặc cô lập cả gia đình đến dở sống dở chết. Đoàn kết dân tộc bây giờ là vuốt ve chiêu dụ trở về nhưng cũng sẳn sàng thẳng tay trấn áp. Trấn áp vùi dập vẫn không nương tay đối với những tài năng trẻ như Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Việt Khang… Những người nó trên hoàn toàn không thua kém Phạm Duy ở tài năng nhưng khác rất xa ở nhân cách.
Tôi cho rằng Khánh Ly nên về hát, không phải vì tiền nhưng vì nghệ thuật và người hâm mộ. Chỉ cần không hát những bản nhạc chống Tàu, đừng tuyên bố chính trị chống Cộng thì người ta để yên chị hát tình ca. Hải ngoại không mong đợi Khánh Ly làm điều gì hay ho ngoài việc giữ tư cách của một nghệ sĩ chân chính. Hơn 37 năm hai lần về Việt Nam nhưng chưa 1 lần cất tiếng hát. Sự im lặng như thế đã là thái độ làm mọi người cảm phục. Lần nầy thì hát và mọi người chờ đợi sẽ hát như thế nào.
Chị vẫn còn giọng ca vàng, còn vững vàng trên sân khấu và nhất là còn hàng vạn người hâm mộ đang chờ đợi chia sẻ những giây phút thăng hoa xúc cảm. Mục tiêu của Khánh Ly chắc chắn là người thân, quê hương, nghệ thuật và người hâm mộ. Chị sẽ được báo chí phỏng vấn, dò hỏi cảm xúc… Mong rằng Khánh Ly biết giá trị mình và không để thua như Phạm Duy khi mặc cả.
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/66882
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001